Phú Quốc được biết đến là một hòn đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, là hòn đảo lớn nhất Việt Nam với nhiều đảo nhỏ lân cận. Đây cũng là thành phố đảo đầu tiên ở Việt Nam. Đến đây, bạn sẽ chiêm ngưỡng được những bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Bên cạnh những bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc ấy thì nơi đảo ngọc này còn có “Nghề làm nước mắm truyền thống trên 200 năm”.
Trang Ngọc Thắng
Phú Quốc được biết đến là một hòn đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, là hòn đảo lớn nhất Việt Nam với nhiều đảo nhỏ lân cận. Đây cũng là thành phố đảo đầu tiên ở Việt Nam. Đến đây, bạn sẽ chiêm ngưỡng được những bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Bên cạnh những bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc ấy thì nơi đảo ngọc này còn có “Nghề làm nước mắm truyền thống trên 200 năm”.
Từ bao đời nay, nghề làm nước mắm vốn là nghề truyền thống của người dân sinh sống tại phường Dương Đông và phường An Thới thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.Nghề làm nước mắm nơi đâygắn liền vớinghề đánh bắt cá ven biển đã nuôi sống nhiều thế hệ cư dântrên đảo ngọc.Thông qua đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người dân nơi đảo ngọc đã cho ra đời sản phẩm “nước mắm” nổi tiếng góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của người dân trong tỉnh Kiên Giang.Nước mắm Phú Quốc không chỉ là món đặc sản vùng miền, là nét văn hóa địa phương Kiên Giang mà còn là di sản văn hóa quốc gia, là niềm tự hào của ẩm thực Việt.
Nước mắm nơi đây là tên gọi chung cho các loại nước mắm được sản xuất tại Phú Quốc, một đảo lớn ở phía tây nam của Việt Nam, thuộc tỉnh Kiên Giang. Nó là một trong các loại nước mắm không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được biết ở nhiều nơi trên thế giới.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu thìlàng nghề làm nước mắm Phú Quốc có từ cuối thế kỷ XIX.Cuối thế kỷ XIX, người dân trên mảnh đất này đã đưa sản phẩm nước mắm sang Campuchia, Thái Lan bán.Đến năm 1939, nghề chế biến nước mắm Phú Quốc được tổ chức thành tổ chức xã hội nghề nghiệp.Được sự ủng hộ và quản lý hoạt động của chính quyền nên nghề làm nước mắm trở thành một nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống tạo ra nhiều giá trị về văn hóa và kinh tế cho xã hội. Tháng 10/2000, Hội Nước mắm Phú Quốc được thành lập và gắn kết các nhà thùng thành một tập thể nghề nghiệp hoạt động có tôn chỉ, mục đích, định hướng để bảo tồn và phát huy những giá trị của nghề để vươn ra tầm thế giới.
Nước mắm Phú Quốc thơm ngon là do sự kết hợp của nhiều yếu tố như: chất lượng cá, muối, nguồn nước, khí hậu đặc biệt ở đảo Phú Quốc, cách thức chăm sóc mắm và kinh nghiệm của người làm nước mắm được tích lũy qua nhiều thế hệ.
Theo lời người dân nơi đây truyền lại thì vùng biển Phú Quốc trù phú với loài cá cơm đặc sản, đây là nguyên liệu chính để làm nên loại nước mắm thơm ngon, nổi tiếng. Nước mắm nơi đây được ngâm ủ trong những thùng gỗ lớn. Thùng gỗ được làmbằng gỗ cây bời lời có tại rừng Phú Quốc hoặc thay thế bằng gỗ cây vên vên, cây chai do gỗ bời lời khó tìm. Kích thước thùng từ 1,5-3m đường kính, cao từ 2-4m, ủ được từ 7-13 tấn cá. Mỗi thùng được niềng bằng 8 sợi đai, mỗi sợi bện bằng 120 sợi song mây lấy từ núi Ông Tám và Bắc Đảo. Mỗi thùng có thể dùng tới 60 năm nếu được sử dụng thường xuyên.
Màu đặc trưng của nước mắm Phú Quốc là màu cánh gián hoàn toàn tự nhiên chứ không pha màu như những nơi khác. Màu cánh gián này có được là nhờ cách ướp cá tươi còn máu trong thân cá và thời gian ủ trong thùng gỗ lên tới 12 tháng.
Nước mắm Phú Quốc ngoài làm gia vị, chế biến thức ăn thì theo các vị cao niên nước mắm Phú Quốc còn là vị thuốc Đông y chữa các bệnh như: bình tâm an thần, hạ áp, bồi bổ cơ thể bị suy nhược, chữa bệnh bướu cổ, hen suyễn, đau nhức xương khớp, trẻ con gầy yếu, bệnh nấc cụt. Người dân Phú Quốc khi đi biển họ thường uống một chén nước mắm để tăng sinh lực, giữ ấm cho cơ thể khi lặn xuống biển sâu.
Nghề làm nước mắm Phú Quốc gắn liền với đời sống dân cư và sự phát triển của đảo Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung. Đã tác động đến đời sống kinh tế của một bộ phận dân cư sinh sống tại Phú Quốc và ngư dân đánh bắt cá cơm ở vùng biển Tây Nam. Là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt Nam. Trong quá trình di dân lập nghiệp, nghề được cư dân người Việt ở miền Trung mang theo và được phát triển ở vùng đất mới Phú Quốc. Đây là một phần của lịch sử, gắn liền với tiến trình mở cõi về phương Nam của ông cha ta, là biểu tượng văn hóa chứa đựng những tri thức dân gian, thể hiện đậm nét cốt cách, đặc trưng văn hóa của cư dân xứ đảo.
Phú Quốc – Kiên Giang là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, kinh tế của nghề làm nước mắm Phú Quốc truyền thống. Với những giá trị văn hóa và kinh tế tiêu biểu, Nghề làm nước mắm Phú Quốc truyền thống đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1730/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 5 năm 2021. Trong tương lai, nghề làm nước mắm Phú Quốc hướng tới chinh phục UNESCO để được công nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Điều này sẽ là tiền đề, động lực cho người dân bám trụ nghề truyền thống và làm tăng giá trị thương hiệu nước mắm Phú Quốc, góp phần nâng tầm di sản văn hóa bản địa, quảng bá hình ảnh thành phố đảo Phú Quốc xinh đẹp đến với bạn bè quốc tế./.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 7 năm 2022.
Trang Ngọc Thắng
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phạm Côn Sơn, “Cẩm nang du lịch – Từ Hà Tiên (Xứ thơ trữ tình – Cuối đường đất nước) đến Phú Quốc (Viên ngọc bích giữa đại dương)”, Nxb Văn hóa thông tin.
- Nguyễn Bình Phương Thảo và Nguyễn Thanh Lợi(2016), “Tín ngưỡng dân gian Phú Quốc”,Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.