CUỘC ĐỜI CỦA MẸ – NGỌN ĐÈN HIU HẮT ĐÃ TẮT TRƯỚC GIÓ

CUỘC ĐỜI CỦA MẸ

 NGỌN ĐÈN HIU HẮT ĐÃ TẮT TRƯỚC GIÓ

“Mẹ bắt đầu vào viết, hy vọng mẹ không bỏ dở để các con đọc và hiểu trọn vẹn về mẹ- người đã dành một phần quan trọng của cuộc đời mình cho các con. Chưa có dịp nào và chắc cũng không thể nào kể hết cho các con nghe về cuộc đời của mẹ…”

          Dòng khởi đầu cho tập Hồi ký “Cuộc đời của mẹ” của bà Đỗ Duy Liên – nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và ít ai biết bà Đỗ Duy Liên, “dì Tư Duy Liên”, là cách xưng hô thân tình mà anh chị em chúng tôi công tác tại Bảo tàng Phụ nụ nữ Nam Bộ dành cho dì, một trong 13 thành viên Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ- những người đã có công góp sức, hình thành và xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phát triển như ngày nay.

          Bà Đỗ Duy Liên sinh ngày 18 tháng 7 năm 1927 tại tỉnh Siêng Khoảng, Lào trong gia đình công chức tương đối khá giả với cuộc sống khá đầy đủ và có chút “tiểu thư”. Quê quán xã Quốc Oai, huyện Sơn Tây, Thành phố Hà Nội.

Bà Đỗ Duy Liên

          Cha của bà tốt nghiệp trường cao đẳng “Thú y sĩ Đông Dương” thời Pháp thuộc, mẹ bà xuất thân từ một gia đình gọi là “có tiền” lúc bấy giờ, một gia đình mua bán thịt bò ở Hà Nội. Vì quá thương nhau nhưng gia đình không đồng ý nên mẹ của bà trốn gia đình để sống cùng ông bác sĩ Thú y. Có cha là Trưởng Ty thú y của tỉnh nhỏ, người tỉnh nhỏ gọi ông bà là ông bà lớn. Ở nhà có người nấu bếp, có người kéo xe nên dì Tư Duy Liên có cuộc sống thởu nhỏ của một tiểu thơ. Cha mẹ bà có 4 người con 2 trai, 2 gái. Khi bà đến tuổi thiếu niên, mẹ của bà đau ốm triền miên và bà cùng các chị bắt đầu chăm sóc cho mẹ.

          Khi Nhật đảo chính Pháp, gia đình bà từ Pakse, là thành phố thuộc tỉnh Champasak ở miền nam Lào về Việt Nam. Từ Sài Gòn đi theo đường xe lửa ra Hà Nội để nương nhờ gia đình bên ngoại tạo cuộc sống mới và chờ thời cuộc. Cha ở lại công sở về nước sau. Mấy mẹ con bà lên chiếc xe bò ọp ẹp cùng với hai người anh họ của bà, lèn chặt người và 3 ngày sau đi được đến Bến Cát, tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ. Xe nghỉ lại Bến Cát mấy tiếng đồng hồ, mẹ bà vô tình gặp lại người quen cũ, trước đây học ở Lào và đang làm giáo viên ở Bến Cát. Ông nhờ người quen ở Bến Cát cưu mang gia đình bà chờ thời cơ rồi tính tiếp. Vậy là cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Đỗ Duy Liên bắt đầu từ đây.

          Từ những ngày cuối năm 1946, bà chuyên đi giao liên đưa thư và có khi cả vũ khí. Mẹ mất, bà thoát ly gia đình làm công tác giao liên, đưa tài liệu, vũ khí vào nội thành, đơn vị bà công tác là chi nhánh của Ty công an Sài Gòn – Chợ Lớn, gọi tắt là Công an khu 1. Bà từng bước tham gia vào hoạt động của Hội Phụ nữ tỉnh rồi Ban chấp hành Hội Phụ nữ Nam Bộ, càng hoạt động bà càng hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Bà hoạt động từ Hà Nội vào Sài Gòn và có khi phải cùng gia đình “sơ tán” qua Phnom Penh, Campuchia.

          Bà lần lượt hoạt động phụ vận, tuyên giáo địa bàn chủ yếu tại nội thành Sài Gòn.  Trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bà 4 lần bị bắt và 2 lần bị tù giam. Bà từng tham gia đàm phán bốn bên về chấm dứt chiến tranh, lặp lại hoà bình ở Việt Nam cùng đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris tại Pháp.

Bà Đỗ Duy Liên cùng bà Madeleine Riffaud, Paris 1968.

Dì Duy Liên – ủy viên phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội đàm Paris

          Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, bà lần lượt công tác tại Hội Phụ nữ Thành phố. Năm 1977, bà làm Giám đốc Sở Thương binh và Xã hội. Tháng 11/1980, bà được bầu làm Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố và nghỉ hưu vào năm 1990.

          Nghỉ hưu, người lão thành cách mạng không chịu ngồi yên, bà tiếp tục tham gia vào Tổ nghiên cứu lịch sử Phụ nữ Nam Bộ do bà Nguyễn Thị Thập (Mười Thập) nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1956-1974) vào năm 1983. Bà tham gia Ban trù bị Hội bảo trợ bệnh viện miễn phí thành phố, sau này là Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố vào năm 1992.

          Tham gia Tổ nghiên cứu Lịch sử Phụ nữ Nam Bộ, dì Tư Duy Liên (cho phép chúng tôi gọi thân mật) đã cùng 12 thành viên khác trở về các tỉnh, thành Nam Bộ tìm đến những căn cứ kháng chiến cũ như Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang, Long An… trở lại nơi địch tàn sát đồng bào, tiếp xúc nhân chứng, gặp lại đồng đội cũ, những phụ nữ tiêu biểu trong các cuộc đấu tranh binh vận, đấu tranh võ trang… để lên đề cương chi tiết cho cuốn Lịch sử Phụ nữ Nam Bộ kháng chiến.

          Bên cạnh việc biên soạn sách, Dì Tư đã cùng các thành viên Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ đề xuất phải có một nhà truyền thống để trưng bày về những kỷ vật, chiến tích của phụ nữ Nam Bộ và một tượng đài bà mẹ Việt Nam để tôn vinh người mẹ Việt Nam đã nuôi dạy con cái, cống hiến trí tuệ, công sức, kể cả tính mạng, tài sản trong hai cuộc trường chinh của dân tộc, đem lại hòa bình, độc lập cho đất nước. Ngày 15/8/1984, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định thành lập Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ trực thuộc Sở Văn hóa – Thông tin Thành phố. Nhà Truyền thống Phụ nữ Nam Bộ được khánh thành vào ngày 29/4/1985 có diện tích trưng bày 200 m2.

Bà Đỗ Duy Liên đọc diễn văn khánh thành Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ năm 1985

          Nhà truyền thống có 6 phòng trưng bày chuyên đề, mở cửa hoạt động chưa đầy một năm đã đón hơn 100.000 lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Song, thực tế cho thấy với một diện tích trưng bày khiêm tốn như vậy, Nhà Truyền thống Phụ nữ Nam Bộ không thể nào chuyển tải hết nội dung cũng như thể hiện được các mặt tiêu biểu, đặc thù của phụ nữ Nam Bộ trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

          Do đó, ngày 10/3/1986, được Trung ương Đảng và Nhà nước cho phép, Tổ sử Phụ nữ Nam bộ khởi công công trình mở rộng Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ có diện tích 3.000 m2 với sự ủng hộ tích cực về công sức cũng như kinh phí, vật tư của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các cá nhân, kiều bào yêu nước…

          Thể theo nguyện vọng của Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ và Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ, ngày 31/3/1990, Nhà truyền thống được Bộ Văn hóa chính thức công nhận là “Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ”. Từ đây, ở giữa lòng thành phố mang tên Bác đã có một nơi tưởng nhớ đến quá khứ của dân tộc gắn với lịch sử, truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Bà Đỗ Duy Liên cùng Tổ Sử Phụ Nữ Nam Bộ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/1995),

tổng kết 12 năm hoạt động của Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ

          Những ngày đầu, tôi về nhận nhiệm vụ tại Bảo tàng, Dì Tư vẫn còn mạnh khoẻ, giọng nói gãy gọn, lưu loát. Tuy tuổi đã cao, nhưng cứ mỗi lần có sự kiện do Bảo tàng tổ chức Dì đều đến tham dự để gặp dì Bảy Huệ và các dì khác. Lần cuối, ngồi tiếp xúc cùng Dì tại Bảo tàng trước khi ngã bệnh, Dì hỏi tôi rất nhiều về dì Nguyễn Thị Chơn, dì Ngô Thị Huệ… Dì kể cho tôi nghe về những ngày đầu lo viết sách sử cho Bảo tàng, về những lần xin mở xổ số kiến thiết để có kinh phí xây dựng Bảo tàng… và về việc cải tạo, mở rộng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Đó cũng là lần cuối Dì cháu tôi cùng huyên thuyên về Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Giờ thì cháu xin phép tiễn Dì đi đoạn đường cuối, Dì Tư ơi!

          “Cuộc đời của mẹ”- ngọn đèn hiu hắt đã tắt trước gió vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 26 tháng 5 năm 2024, hưởng thọ 98 tuổi. Người dì của chúng tôi lúc nào cũng mặc áo bà ba, tóc búi rất Nam Bộ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho đất nước, cho nhân dân. Di sản mà Dì Tư và các Dì Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ để lại cho chúng tôi và các thế hệ phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, phụ nữ cả nước là Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ngày nay. Xây dựng và phát triển Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ngày càng phát triển vững mạnh vừa là trách nhiệm, là cách chúng tôi tri ân đến các Dì Tổ Sữ và các thế hệ phụ nữ đã hy sinh cho độc lập, tự do.

                             Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 5 năm 2024

                                                Nguyễn Thị Thắm

                                    Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

 

 

Tour 360° Tour 360° 360 Tour