CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU, GẶP GỠ “ĐOÁ HỒNG” NƠI TUYẾN ĐẦU

Bạn muốn giao lưu, nghe những chia sẻ của Hoa hậu Hoàn Vũ 2017, Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới năm 2018 H’Hen Niê hay những trải lòng của nghệ sĩ Việt Hương, những trăn trở của  PGS. TS. BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng uỷ – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương về hoạt động mang tính nhân văn của Trung tâm H.O.P.E (Have Only Positive Expectation)- hỗ trợ các bé có mẹ bị nhiễm Covid, nhưng bé không nhiễm mà gia đình chưa có khả năng đón về về tâm tình,… những san sẻ đầy tình yêu thương, trách nhiệm của những “bà mẹ” bất đắc dĩ trong thời điểm đại dịch Covid-19.

Hoàn cảnh đau thương với những khó khăn đã buộc các Sư cô, Ni sư hay các Sơ vượt qua các “lễ nghi” tôn giáo khi chăm sóc nam bệnh nhân nặng tại các Trung tâm Hồi sức Cấp cứu; những khó khăn của cán bộ cơ sở hỗ trợ cho dân trong dịch từ việc hỗ trợ các đội y tế thực hiện xét nghiệm nhanh tầm soát dịch bệnh, điều phối tiêm ngừa hay đi chợ hộ dân…

Trong hành trình phòng, chống dịch Covid – 19, Thành phố Hồ Chí Minh đã sống trong sức mạnh của sự đoàn kết, sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, của sự chia sẻ, của tình yêu thương và nhân ái. Những kiều bào ở nước ngoài- những người con xa nhà, chung tay cùng các đoàn thể Thành phố hỗ trợ trang thiết bị y tế, các túi quà cho người dân ở khu vực bị phong toả,.. mang nặng nghĩa tình đồng bào, đau đáu nhớ, thương về quê hương.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, cuối tháng 4/2021 với sự lây lan mạnh mẽ, phức tạp đã khiến cho Thành Phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khu vực phía Nam gặp vô vàn khó khăn, số ca nhiễm mới và tử vong tăng lên nhanh chóng mỗi ngày. Hệ thống y tế địa phương vốn đã quá tải, nay lại quá sức đối với đội ngũ cán bộ y tế và cả hệ thống chính trị. Trước thực tế ấy, Đảng và nhà nước đã chỉ đạo các tỉnh, thành nhanh chóng chi viện lương thực thực phẩm, trang thiết bị y tế và đặc biệt là nhân lực cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đang là tâm dịch.

Cùng với các đồng nghiệp nam, lực lượng phụ nữ trên mọi lĩnh vực, ngành nghề, không phân biệt tôn giáo, đoàn thể đã không chần chừ, mau chóng xung phong lao vào “trận chiến với kẻ thù vô hình” với mong muốn được chung tay, góp sức, hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Một cuộc chiến đầy cam go, khốc liệt, “chống dịch như chống giặc” của cả nước và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng bước vào giai đoạn cao điểm, quyết liệt từ tháng 7/2021 đến hết tháng 9/2021. Những người phụ nữ dịu dàng, từ dân công sở đến các chị doanh nghiệp, lao động tự do hay “những bà nội trợ đơn thuần”, mỗi người một việc, tuỳ theo sức và điều kiện của mình họ nhẹ nhàng, sắp xếp việc nước, việc nhà lao vào cuộc một cách tự tin, đầy bản lĩnh. Ở họ đều chung khát vọng được cống hiến cho đồng bào, cho Thành phố thân yêu.

Điều đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến sự góp sức của lực lượng nữ là những đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng và lực lượng tình nguyện viên đã gác lại cuộc sống yên bình, riêng tư xung phong để đi vào tâm dịch nơi tuyến đầu với quyết tâm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, tượng trưng cho những bông hoa đẹp nhất, truyền cảm hứng về sự hy sinh, trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái, nghị lực kiên cường. Tất cả sự đóng góp đó một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với 8 chữ vàng – 4 phẩm chất của phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới: “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”

Thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch và là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch; có những ngày đường phố không bóng người qua lại, các chốt, trạm kiểm soát dịch được lập lên ở khắp các ngõ hẻm, tuyến đường, các khu vực cửa ngõ. Chính quyền Thành phố hạn chế sự đi lại, kiểm soát giấy tờ nghiêm ngặt. Các chuyến bay quốc tế và trong nước, các hãng xe, tàu lửa tạm ngưng khai thác, hoạt động.

Trong tâm dịch, ngay lúc khó khăn nhất, khi mọi lực lượng tuyến đầu căng mình với nhiều hy sinh mất mát, hàng loạt chương trình bếp ăn miễn phí, bếp ăn không đồng, bếp nghĩa tình… ra đời với nhiều quy mô mà mục đích tiếp sức tuyến đầu và chăm lo người dân trong hoạn nạn. Hàng chục triệu suất ăn, những phần cơm cháo ấm nóng, các hộp quà sáng nóng sốt, những chai nước cam mật ong… chính là kết quả mà cả nước quyên góp, lo lắng gửi về cho thành phố và biện minh cho khí chất “nghĩa tình” luôn thường trực trong những người dân thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh các nguồn chi viện, phát huy nguồn lực nội tại, nhiều doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cựu hưu trí, những người lao động hay cả những em học sinh đã đóng góp không tiếc tài sản, tiền bạc, trí tuệ hay tâm sức cho công cuộc cấp bách chung góp phần đưa Thành phố thoát khỏi đại dịch.

Chương trình giao lưu gặp mặt và khai mạc trưng bày chuyên đề: “Những đoá hồng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Thành Phố Hồ Chí Minh” được tổ chức vào lúc 8 giờ 00 ngày 18 tháng 11 năm 2022 tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (số 200-202 đường Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) Chương trình nhằm kỷ niệm một năm Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động bình thường trong tình hình mới sau đại dịch Covid-19 và cũng là lời khẳng định sức mạnh của những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” trong việc chung tay xây dựng và phát triển đất nước, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trân trọng kính mời quí khách đến tham dự chương trình giao lưu và khai mạc trưng bày chuyên đề để cùng khóc, cùng cười với những khó khăn của nhân dân Thành phố trong dịch bệnh Covid-19, năm 2021 đã qua. Phòng trưng bày chuyên đề “Những đoá hồng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mở cửa đón khách tham quan từ ngày 18/11/2022 đến hết ngày 30/6/2023.

Nụ cười lạc quan

Nữ tiếp viên tham gia tình nguyện viên tại Trung tâm H.O.P.E, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương

Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017 H’ Hen Niê tham gia biểu diễn văn nghệ tại Bệnh viện Dã chiến

Vợ chồng nghệ sĩ Việt Hương – Hoài Phương
PGS.TS. Bs Hoàng Thị Diễm Tuyết- Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 11 năm 2022

Ban Tổ chức

Tour 360° Tour 360° 360 Tour