Chiếc áo Lam của nữ biệt động Sài Gòn – Ni sư Thích nữ Diệu Thông
“Biệt động Sài Gòn” là cái tên trong kháng chiến chống Mỹ khiến quân địch hoang mang với những trận đánh cảm tử, cam go, làm nên chiến thắng oanh liệt. Nhiều trận nổ súng, gài mìn, bắt cóc, trao đổi tù binh, những cuộc tấn công theo kiểu du kích chớp nhoáng khiến kẻ thù khiếp sợ, luôn đề cao cảnh giác. Để có những thắng lợi đó, phụ nữ Nam bộ đã đóng vai trò quan trọng trong các chiến thắng trên các lĩnh vực: tình báo, chính trị, phụ vận, giao liên, vũ trang, phục vụ chiến đấu. Bằng sự quả cảm, gan dạ phụ nữ Nam bộ đã góp một phần xương máu của mình để làm nên chiến thắng lịch sử đầy tự hào của dân tộc.
Trong đội quân ấy có một chiến sĩ “đầu không có tóc, y phục màu lam”, góp phần làm nên tên tuổi của “Biệt động Sài Gòn”. Đó là Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông, tên thật là Phạm Thị Bạch Liên, sinh năm 1931 tại quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Tuy nhiên, nhiều người lại quen thuộc với tên gọi sư cô Huyền Trang – nhân vật trong phim, đã đi vào ký ức của công chúng về một người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, dù bị khảo tra khắc nghiệt nhưng vẫn bền lòng, chặt dạ với cách mạng, với non sông.
Ni sư Diệu Thông tên thật là Phạm Thị Bạch Liên (Bí danh Huyền Trang) sinh năm 1931 tại quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Bà xuất thân trong gia đình có truyền thống tu học và yêu nước. Song thân đều xuất gia đi tu. Thân phụ là ông Phạm Văn Vọng, xuất gia trở thành Hòa thượng Thích Giác Quang (1891-1969). Thân mẫu của bà tục danh Tô Mỹ Ngọc, xuất gia trở thành Ni trưởng Diệu Tịnh. Khi còn nhỏ nhìn thấy hình ảnh của ba mẹ lần lượt phát tâm tu hành nên vừa lên 7 tuổi bà đã phát nguyện tu tập theo Phật giáo. Lớn lên một chút, bà được song thân gửi vào chùa Phước Huệ (Sa Đéc) với pháp danh Diệu Thông.
Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông thời còn trẻ và trong trang phục chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh Đình Phong
Vì để có thể dễ dàng hoạt động cách mạng và qua mặt được kẻ thù nên bà Bạch Liên đã xin tiền cha mẹ xây dựng ngôi chùa mái lá mang tên Bổn Nguyện (nằm tại góc đường Trần Quốc Toản và Lò Siêu thuộc Quận 11, TP. Hồ Chí Minh sau đổi tên thành chùa Tam Bảo). Ngôi chùa Bổn Nguyên trở thành căn cứ cách mạng, là nơi sinh hoạt thường xuyên của những chiến sĩ tình báo Sài Gòn lúc bấy giờ với sự chỉ huy của ông Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu), Tư lệnh biệt động Sài Gòn – Gia Định. Từ đó, cuộc đời tu tập của ni sư Diệu Thông sang trang mới, bà trở thành chiến sĩ của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định (F100) – chiến sĩ cách mạng không trong màu xanh áo lính mà trong y phục lam thiền của nhà tu hành. Tại đây, bà đã làm nhang, đèn để bán tạo nguồn tiền cho đội “biệt động thành” hoạt động và làm nhiệm vụ trinh sát lấy thông tin
Bà Phạm Thị Bạch Liên được sự phân công của tổ chức dưới vỏ bọc là ni sư Diệu Thông đã thâm nhập vào hàng ngũ địch, vẽ sơ đồ nhiều địa điểm quan trọng do địch chiếm đóng để đội “biệt động thành” làm cơ sở tấn công, trong đó có nhiều trận đánh do bà chỉ huy trực tiếp. Bà được ông Tư Tăng (anh hùng lực lượng võ trang) tổ chức tham gia trận đánh đầu tiên vào Thượng viện Ngụy gần bến Bạch Đằng. Trong bộ đồ nữ tu, bà bình thãn đi qua mục tiêu, nắm quy luật của địch. Những tài liệu do bà cung cấp đã giúp cho đội biệt động lên phương án tấn công Thượng viện. Đến ngày tấn công, bà dẫn đội nữ “Diên Hồng” đánh trận với cách ngụy trang vô cùng khéo léo. Đội nữ biệt động đã đưa được khối thuốc nổ gắn kíp hẹn giờ vào tòa nhà, đặt đúng nơi quy định rồi rút êm. Khi tiếng nổ kinh hoàng vang lên từ tòa nhà Thượng viện đã gây thương vong cho hàng chục quan chức ngụy.
Với ni cô Diệu Thông, cách mạng được hiểu theo cách nghĩ: “Cách mạng là cách xa cái mạng của mình, cũng có nghĩa là vô ngã”. Từ đó mà những hiểm nguy, khó khăn, không gì có thể làm bà khiếp sợ. Triết lý nhà Phật và triết lý cách mạng đã hòa quyện vào nhau hướng đến cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho bá tánh, nhân loại đại đồng.
“Trong chiếc áo nhà tu, chúng tôi là những chiến sĩ cách mạng” là câu nói của ni sư Diệu Thông khi khoác lên mình y phục màu lam. Với y phục màu lam, ni sư Diệu Thông dễ dàng thoát khỏi sự tình nghi của địch và giúp cho những chiến sĩ biệt động có nhiều thông tin mật, không chỉ thế ngôi chùa còn là căn cứ bí mật để bà và những đồng đội của mình có thể hoạt động và trao đổi những phương án tác chiến hợp lý để chống lại kẻ thù. Ngoài việc hoạt động tại chùa hằng ngày bà còn mặc y phục này, tay cầm bình bát đi khất thực để tìm hiểu được tình hình bên ngoài và thuận tiện cho công tác giao liên của mình.
Nhiều trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của Biệt động Sài Gòn luôn có bóng dáng lam y của ni sư Diệu Thông liên tục làm cho địch hoang mang, cảnh giác. Đó là trận đánh Trạm biến điện cao thế góc trường đua Phú Thọ tháng 5-1969, trận đánh cư xá hạ sĩ quan độc thân (thành Poloma) tháng 7-1969…. Sau các chiến công, địch chú ý theo dõi chùa Tam Bảo (Sài Gòn) và san bằng ngôi chùa. Bị địch bắt, rồi được trả tự do vì không đủ chứng cứ buộc tội, sau đó bà chuyển về Lữ đoàn 316 tiếp tục chiến đấu đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Hòa bình, ni cô Diệu Thông tiếp tục ở lại công tác tại Phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh và Ban liên lạc Phật giáo yêu nước cho đến ngày nghỉ hưu. Hiện là Ni trưởng Ni Bộ Phật giáo Việt Nam – Thích Nữ Diệu Thông, tại chùa Thất Bửu (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành tỉnh An Giang).
Năm 1969, Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam trao tặng ni sư Diệu Thông Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba. Năm 1985, bà được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Ngày 19/08/2011, bà được Tổng cục 2 – Bộ Quốc phòng tặng “Kỷ niệm chương Tình báo quốc phòng Việt Nam”. Năm 2021, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài – nhân lực (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tặng danh hiệu “Hiền tài nước Việt” cho bà về thành tích cống hiến lớn lao trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hiện nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang trưng bày áo lam của ni cô Diệu Thông tại phòng trưng bày chuyên đề “Phụ nữ miền Nam qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”. Áo có kiểu dáng dài tay, cổ tròn, không có túi, vạt áo xẻ giữa. Áo dài 100cm, rộng áo 62cm, dài tay áo 49cm, rộng tay áo 23cm.
Chúng ta, bằng tấm lòng tri ân của người được may mắn sống trong thanh bình để nhắc nhở rằng cuộc sống hôm nay ta có được chính là nhờ xương máu của hàng triệu chiến sĩ đã hy sinh, những chiến sĩ biệt động thành F.100 như ni cô Diệu Thông. Chúng ta phải sống tích cực, cống hiến nhiều hơn, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, những tấm gương hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó có Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông.
Nguyễn Hà Thanh Trúc
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế
Tài liệu tham khảo:
1.Tư liệu hình ảnh Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
- Sách Lịch sử Phụ nữ Nam Bộ kháng chiến, Tổ sử phụ nữ Nam Bộ.
- Nữ biệt động Sài Gòn, Báo Quân đội nhân dân.
https://ct.qdnd.vn/ho-so-tu-lieu/nu-biet-dong-sai-gon-527304