Trang phục là một trong những yếu tố thể hiện đặc trưng văn hóa của tộc người, văn hóa của một đất nước. Ngoài chức năng thiết yếu là bảo vệ cơ thể, trang phục còn phản ánh trình độ phát triển kinh tế, xã hội, tâm lý, quan niệm thẩm mỹ, yếu tố địa lý tự nhiên, sự giao tiếp văn hóa giữa các dân tộc qua các thời kỳ lịch sử.
Phạm Thị Diệu
Trang phục là một trong những yếu tố thể hiện đặc trưng văn hóa của tộc người, văn hóa của một đất nước. Ngoài chức năng thiết yếu là bảo vệ cơ thể, trang phục còn phản ánh trình độ phát triển kinh tế, xã hội, tâm lý, quan niệm thẩm mỹ, yếu tố địa lý tự nhiên, sự giao tiếp văn hóa giữa các dân tộc qua các thời kỳ lịch sử.
Với dân tộc Việt Nam, trang phục áo dài đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, đó là trang phục không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của đất nước, của dân tộc. Áo dài ra đời từ thế kỷ XVIII, từ đó đến nay, áo dài vẫn luôn hiện diện và trở thành một phần trong văn hóa, gắn liền với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Áo dài phù hợp với nhiều độ tuổi và gắn liền với đời sống sinh hoạt, những ngày lễ, Tết; những sự kiện quan trọng của mỗi người phụ nữ Việt Nam. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người phụ nữ Việt Nam cũng sẽ có cảm giác tự tin và duyên dáng hơn khi xuất hiện trong trang phục áo dài.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, áo dài Việt Nam đã đồng hành cùng với nữ học sinh, sinh viên, đồng bào phật tử trong những cuộc biểu tình đòi dân sinh, dân chủ, chống thuế…; vũ khí đấu tranh không phải là súng đạn mà chủ yếu là tinh thần quật khởi, kiên cường của phụ nữ. Không chỉ xuất hiện trên đường phố, tham gia vào các phong trào đấu tranh chính trị; áo dài còn đồng hành với những người phụ nữ Việt Nam trong những chuyến ngoại giao quốc tế. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài duyên dáng, phong thái dịu dàng nhưng với ý chí sắt đá, lý lẽ sắc bén đã tranh thủ được sự ủng hộ của phụ nữ thế giới đối với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Đặc biệt là trong hoạt động ngoại giao quốc tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam; với lực lượng trẻ, năng động, có trí thức đã khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp chung. Gác lại những đau thương của loạn lạc, chia lìa; mất mát của bom đạn trong chiến tranh, những người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn rạng ngời trong những tà áo dài khi tham gia hội nghị, cuộc họp, cuộc gặp gỡ trên chính trường quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè khắp nơi trên thế giới. Trên các diễn đàn, phụ nữ miền Nam vừa kiên cường nhưng vừa dịu dàng, khéo léo sử dụng linh hoạt và hiệu quả các hình thức vận động kêu gọi, tranh thủ sự đồng tình của nhiều quốc gia và các tổ chức đoàn thể trên khắp thế giới.
Đặc biệt là hình ảnh của Bà Nguyễn Thị Bình – Bộ Trưởng Bộ ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tham gia Hội nghị đàm phán ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973 trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam. Như lời nhà văn Nguyên Ngọc viết “… Những năm tháng ấy, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh, và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin”.
Trải qua những năm tháng chiến tranh, chiếc áo dài vẫn rạng ngời, vẫn đồng hành cùng phụ nữ Việt Nam trên khắp nẻo đường đấu tranh, làm nên những kỳ tích trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam duyên dáng với tà áo dài trên các diễn đàn quốc tế đã để lại ấn tượng sâu sắc cho bạn bè quốc tế và luôn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.Cuộc sống phát triển và đổi thay từng ngày, nhu cầu và phong cách thời trang cũng thay đổi nhưng áo dài vẫn sẽ là biểu tượng cho vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra khắp thế giới.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 10 năm 2017
Phạm Thị Diệu