CÂU CHUYỆN VỀ MỘT ĐỘI QUÂN TÓC DÀI RA TRẬN

Năm 1959, Diệm – Nhu đề ra quốc sách ấp chiến lược – một hình thức thống trị mới để cứu vãn tình thế. Mỗi khu tập trung đều có cảnh sát và lính bảo vệ, dân bị khống chế bên trong, bên ngoài không thể xâm nhập vào.

Tại Mỹ Tho, viên tỉnh trưởng xác định khu trù mật này đặt ở ngã tư Quản Oai, với diện tích hơn 3.000 mẫu và sẽ mở rộng đến 4.000 mẫu. Nó là một điểm xung yếu của hai tuyến kinh Tổng đốc Lộc, kinh 12 và liên tỉnh lộ 29, một tuyến đường quan trọng.

Trước khi hành động, địch gom hàng trăm dân để chứng kiến việc thi hành Luật 10/59. Hôm ấy trên bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp, xe cảnh sát chở đến một tử tù mặc đồ trắng, một máy chém và chiếc cần xé. Tử tù bị vật ngã sấp. Lưỡi đao bén ngót … đầu rơi xuống cần xé … máu chảy loang. Bà con sững sờ, nước mắt chảy dài. Những bó nhang từ nhiều cánh tay cháy bùng lên, khói bay nghi ngút. Một sự dằn mặt dã man và người dân biết rằng thử thách khắc nghiệt bắt đầu.

Từ 15/12/1959, mỗi người dân từ 18 đến 50 tuổi phải tham gia làm xâu gọi là “phát triển cộng đồng” 20 ngày. Đến ngày 01/01/1960, tổng số người có tại công trường là 1.036 người. Dẫu cho nhà hết gạo, vợ mới sinh hay ốm đau, không đi là chết. Tại đây họ ăn cơm lon, uống nước dưới kinh, làm công việc nặng nhọ như: đốn cây, đào kinh, đào giếng, đắp đường, trăm thứ ngổn ngang. Có người chết vì tai nạn, vì bệnh, vì lính bắn do nghi bỏ trốn.

Sau nửa năm thi công, Phủ Tổng thống quyết định khánh thành, có Tổng thống Ngô Đình Diệm đến dự. Nhưng ở khu trù mật mới chỉ có một con kinh lớn, 8 con kinh nhỏ, 281 nền nhà, có 50 người cất nhà, phần lớn là gia đình binh sĩ. Quận trưởng Cai Lậy lo lắng, còn tỉnh trưởng Định Tường ăn ngủ không yên. Chúng cho trung đoàn 33 đến đóng tại ngã tư Quản Oai. Hằng ngày, hai chiếc tàu sắt chở một trung đội chạy dọc theo con kinh để thị uy. Một đại đội khác lùng sục vào các ấp, súng cầm tay, lựu đạn sẵn, câu liêm, búa tạ… chờ thi hành.

Đợt đầu, dân không kịp đối phó nên có hơn 50 nhà bị tháo dỡ, gà heo đều bị khuân đi hết. Chủ nhà tiếc của đành đi theo.

Đợt sau, địch quyết liệt hơn nhưng bị chống đối mạnh mẽ. Bằng súng và dùi cui, địch dồn được 210 nhà vào khu trù mật.

Một cảnh ngục tù. Dân đi làm ruộng, đi về phải đúng giờ giấc, phải qua cổng gác bị nhận mặt, soát xét. Đi thăm bà con, đi đám giỗ, đám cưới… phải báo giờ đi, giờ về. Cứ năm nhà thì ghép thành “ngũ gia liên bảo” để chúng dễ theo dõi. Trẻ con không được học hành. Thanh niên bị đẩy lên xe nhà binh đi Biên Hòa học khóa đào tạo biệt kích. Vì vậy người ta gọi “khu trù mật” là một trại giam trá hình.

Cuối năm 1960, nhiều gia đình phá nhà cửa, rời bỏ khu trù mật. Địch phản ứng mạnh, chúng tiếp tục cào dỡ nhà dân. Ở ấp Long Biên chúng đốt cháy hai nhà. Ở kinh 12, tại phố chợ Cháy chúng đập phá tan tành 24 căn phố và một trường tiểu học, chúng còn cướp không hàng ngàn giạ lúa, hằng trăm trâu bò, heo gà…

Tức nước vỡ bờ, làn sóng căm thù dâng cao. Thường vụ tỉnh ủy Mỹ Tho, Huyện ủy Cai Lậy chủ trương huy động sức mạnh “ba mũi giáp công” tấn công địch tại khu trù mật Mỹ Phước Tây. Cai Lậy có đội quân tóc dài dày dặn kinh nghiệm, sẽ vận động 28 xã làm lực lượng xung kích đấu tranh trực diện. Toàn huyện có khoảng 10.000 chị em tham gia. Nội dung khẩu hiệu đấu tranh phong phú, đa dạng như: “đòi chấm dứt cào nhà, gom dân, không bắn pháo vào nhà dân, không bắt lính, tăng lương cho binh sĩ”…

Mỗi người một đơn, một yêu sách khác nhau, và được hướng dẫn, nhớ rõ cách xử lý các tình huống: khi bị bắt, bị nhốt, bị đánh, bị bắn… sẽ làm gì …

Phía bắc lộ 4 có 11 xã, có cánh điểm, cánh diện. Mỗi cánh đều có gia đình binh sĩ đi đầu, vì khi binh sĩ thấy mẹ, chị, em và bà con ruột thịt của họ đang bước tới thì họ chùn bước ngay.

Nam lộ 4 có 4 xã có nhiệm vụ căng kéo địch. Ông Hồ Hải Nghĩa, Thường vụ Huyện ủy Cai Lậy làm trưởng ban. Chị Đoàn Thị Nghiệp, Hội trưởng Hội Phụ nữ Cai Lậy làm phó ban.

Tinh thần nhân dân đã chín muồi. Huyện ủy Cai Lậy quyết định cuộc đấu tranh sẽ bùng nổ đúng ngày 10/6/1961. Huyện ủy còn dặn dò: “Lần đầu huy động 10.000 người phải tổ chức chặt chẽ, chỉ đạo linh hoạt. Địch hung bạo, ta càng quyết thắng”.

Ở phía bắc lộ 4, trong đêm trước khi ra quân, tất cả 11 xã đều không ngủ, chỗ nấu bánh tét, nấu xôi, chỗ viết thêm đơn từ, người dặn chồng, dặn con lo công việc ngày mai. Người đến gặp cán bộ xã nêu tình huống mới, cách xử lý… Nói chung tất cả đều sẵn sàng.

Sáng hôm sau, khoảng 5 giờ, có lệnh xuất quân. Khắp đường trên ngõ dưới vang lên tiếng í ới gọi nhau, rủ nhau đi. Hễ thấy cán bộ bước ra đi thì người người chạy theo.

Ở cánh điểm, hơn 4.000 chị em hàng ngũ chỉnh tề, tiến sát bờ kinh 12. Họ dừng lại chờ hai đoàn xuồng chở sang kênh rồi theo lộ 29 đi thẳng đến khu trù mật. Bỗng trên lộ có một toán dân vệ phát hiện, chúng rút nhanh về khu cấp báo. Khoảng 10 phút sau, một xe Jeep và 3 xe nồi đồng phóng tới. Bọn lính nhảy xuống giương mắt nhìn. Bên ta bình tĩnh theo dõi, nhưng: đoàng, đoàng, đoàng… Tiểu liên nổ, đạn vun vút bay sang.

– Cô bác đừng chạy, ai ở đâu ngồi yên tại chỗ, nhìn theo ám hiệu mà làm!

Lời nói rắn rỏi, cả quyết của cán bộ chỉ đạo, bà con vững tâm. Bộ phận đi đầu la to: Chúng tôi là dân đi đưa đơn, đừng bắn nữa!

Chúng tiếp tục bắn, có mấy viên đạn đi thấp, trúng giữa ngực một người của đoàn chị Mỹ Hạnh. Chị té ngã xuống, không kịp nói một lời. Nhiều người nhào đến, nhận ra là chị Thái Thị Kiểu. Chị đã hy sinh. Nhiều người đứng dậy dữ dằn:

– Quân giết người, quân dã man! – Đả đảo khủng bố, đàn áp!

Họ nhận ra tên sát nhân, tên Kẹt tiểu đội trưởng dân vệ, xếp bót kinh 12 vừa tăng cường cho khu trù mật. Tiếng thét căm hờn của hàng ngàn người vang dội cả một vùng.

– Chúng tôi đi đưa đơn, tại sao thằng Kẹt bắn chết người. Phải bắt nó đền mạng!

Khí thế đấu tranh quyết liệt, ngay lúc đó trên 30 chiếc xuồng hối hả chèo tới. Thi thể chị Thái Thị Kiểu và 2 người bị thương nữa được chở đi trước. Có anh tàì xế xe lam chuyển hai người bị thương đi nhà thương. Địch cản không cho chở thi thể chị Kiểu chạy về hướng khu trù mật.

Có lệnh chuyển hướng đấu tranh: “Chở nạn nhân lên huyện Cai Lậy!”. Đoàn xuồng chở thi hài chị Thái Thị Kiểu len lỏi qua nhiều kinh rạch đi thẳng đến dinh quận Cai Lậy. Cuộc đấu tranh tại đây càng quyết liệt. Đơn từ, băng khẩu hiệu đưa lên cao. Tiếng hô vang dội: “Đả đảo bọn bắn chết người, bắn chết người phải đền tội”. Tên quân trưởng không thể chạy trốn nên phải ra mặt chấp nhận đơn, hứa sẽ trừng trị tên Kẹt và hứa bồi thường…

Còn lại cánh điểm, tất cả đã qua kênh, chỉnh đốn đội hình trên lộ 29.

Cánh diện trên 2.000 chị em vượt qua đoạn đường trên 4 cây số. Đến cầu Trấp Bèo bị địch án ngữ. Bất ngờ chúng khạc lửa, đạn kêu vèo vèo trên đầu. Đoàn người nằm rạp xuống tránh đạn. Từ bên kia cầu, mấy vật tròn tròn vụt sáng, xì xì… Trái cay! Trái nổ bục phả khói trắng. Hàng chục trái cay bay vút qua, nhưng không cản được đoàn người cứ tiến tới. Bọn chúng dàn hàng ngang, dang hai tay chặn nhưng vô hiệu. Địch lui về cổng khu trù mật. Mọi người trương lên 6 tấm khẩu hiệu: “Không cào nhà, gom dân vô khu trù mật, để dân yên ổn làm ăn. Không ruồng bố bắt thanh niên đi lính. Tăng lương cho binh sĩ, công chức”.

Những tờ đơn đưa lên cao, từ xa trông như đàn bướm trắng nô đùa trong nắng sớm. Đó là những vũ khí tấn công không khoan nhượng, từ hai hướng Đông Tây xáp lại. Hai cánh điểm và diện đã hợp điểm. Đoàn người đã lọt vào khu trù mật. Trung úy Xoi – trưởng khu trù mật và đám dân vệ cười hô hố như đã cầm tù đoàn biểu tình. Ngay lúc đó chúng nhận được lệnh của tên thiếu tá quận trưởng Cai Lậy: “Phải trừng trị bọn nổi loạn, tìm ra tên cầm đầu”. Tên Xoi lập tức đến thẳng trước đám đông, lấy giọng tươi tỉnh ngọt ngào:

– Chà! Mấy bà con nghe lời Việt cộng nên mới ra nông nỗi này. Thôi mấy bà nhiều tuổi ra hết ngoài khu để ông trưởng khu cho tàu chở về.

Cả đám đông cùng nhao nhao:

– Không về một mình, nếu mấy ông chấp đơn, thả hết thì chúng tôi về luôn! Cán bộ lãnh đạo nhận định: Nếu xé lẻ thì sẽ bị khủng bố mạnh. Cách đối phó trước mắt là phải bám chặt lấy nhau, 10 người thành một cụm. Hễ địch bắt người nào thì tất cả đều lao theo bao vậy chặt. Những cô 18 hay 20 tuổi được xếp vô ngồi giữa để người lớn ngồi ngoài bảo vệ. Người bị cảm nắng, mấy cô mới sinh con so bị tức ngực, tất cả đều được chăm sóc động viên.

Sáng hôm sau, qua một ngày liên tục đấu tranh, một đêm mất ngủ, bà con đã thấm mệt và đói. Khi mặt trời vừa lên xuất hiện trước cổng một đoàn người gánh bánh bán dạo. Họ năn nỉ bọn lính gác và lần lượt gánh bánh vào tiếp cận đoàn đấu tranh.

Họ cất tiếng rao lanh lảnh:

– Ai ăn bánh tét, bánh ít hôn! Ai ăn xôi chè hôn! Người bán, người bị nhốt nhìn nhau hiểu ý. Người bán, người mua nói cười thân thiết. Không bao lâu, những gánh bánh vơi dần và hết sạch. Người bán chỉ nhận một ít tiền để che mắt địch mà thôi.

Cuộc chiến đấu tiếp tục. Bà con đưa đơn tới dồn dập. Địch lúng túng vì không có quyền nhưng phải nhận đơn. Quyết định đến chiều sẽ dứt điểm. Hai giờ sau, bà con kéo hết đến trụ sở tên trưởng khu trù mật. Y nhận được chỉ thị: “Xé nhỏ, tống về từng toán một”.

Bởi vậy nên y có vẻ nhẹ nhàng thoải mái:

– Thôi được! Bà con ai về nhà nấy, kẻo chồng con chờ. Bây giờ từng xã đứng ra riêng.

Bà con đồng thanh đáp: “Chúng tôi người Mỹ Phước Tây!”.

Một số khác: “Chúng tôi người Thạnh Phú!”.

Bà con nói hai xã là để chúng không xé lẻ. Sức mạnh chính là sự đoàn kết thành một khối nên bà con quyết định như vậy. Địch lúng túng, song cố lấy lại bình tĩnh nói:

– Vậy thì về đi! Mé trên đi trước, mé sau theo sau. Đi đường không được làm biểu tình!

Giọng nói, gương mặt của tên trưởng khu trù mật và đám lính thật ỉu xìu vì bắt buộc phải nhận đơn từ, yêu sách thì đoàn biểu tình mới chịu về. Bà con hiểu rõ nó nhận đơn thì dân bên ngoài sẽ đấu tranh mạnh, dân và gia đình binh sĩ bên trong khu trù mật sẽ tiếp tục đòi phá bỏ trại giam để trở về ruộng vườn. Bà con biết rõ ràng không phải một lần đầu mà đánh thắng ngay âm mưu thâm độc của Mỹ-Ngụy. Cuộc đấu tranh chắc phải kéo dài nhiều cuộc, nhiều tháng năm. Trận đầu như vậy đã là chiến thắng rồi!

Ra khỏi khu trù mật, bà con ngẩng cao đầu cười nói râm rang, tuy có mệt nhưng phấn chấn vui như đi lễ hội. Địch tức tối giương mắt nhìn theo các nẻo đường, bên bờ các kinh rạch, những cánh áo bà ba bay trong gió và những bước chân nhanh.

Đội quân tóc dài đã chiến thắng trận đầu.

Có thể nói, “Đội quân tóc dài” đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang. Có không ít huyền thoại chung quanh đội quân đặc biệt này, họ có mặt khắp nơi, không súng ống nhưng có thể đương đầu với đại bác, chặn đứng cả những chiến xa không cho chúng tiến vào tàn phá xóm làng. Để rồi đến năm 1974, ở các vùng mới mở ra, lực lượng phụ nữ đã nhanh chóng vận động nhân dân trở về bám trụ sản xuất, tham gia các phong trào tại địa phương, đóng góp nuôi quân. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, phụ nữ các cấp có hơn 2 vạn tham gia “xuống đường” hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động vũ trang, vây hãm các căn cứ địch, vận động các gia đình binh sĩ ngụy kêu gọi con em bỏ ngũ; kịp thời đưa tin về việc tổng thống ngụy Dương Văn Minh đầu hàng, kêu gọi binh lính bỏ súng trở về gia đình. Những đóng góp to lớn đó đã góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh đúng theo dự kiến lúc 8 giờ 30 ngày 1-5-1975.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bến Tre – Đồng Khởi và đội quân tóc dài. (2006). NXB Phụ nữ.

2. Đồng chí Võ Chí Công – Người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc. (2012). NXB Chính trị quốc gia – Sự thật.

3. Hoàng Trung. Huyền thoại đội quân tóc dài. Báo Nhân Dân điện tử ngày 14/11/2019.

4. Nữ tướng Nguyễn Thị Định. ( 2005). NXB Phụ nữ. 5. Phụ nữ Bến Tre. (2000). NXB TP.Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 01 năm 2020

Thạc sĩ Hồ Ngọc Phương

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Tour 360° Tour 360° 360 Tour