CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP – BƯỚC NGOẶT VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC

             Kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công 19 tháng 8 (1945 – 2023), nhân dân cả nước luôn tưởng nhớ và ghi công những cống hiến vô cùng quí báu của thế hệ ông cha và những bài học kinh nghiệm của cuộc Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước Việt Nam.

            Dưới sự lãnh đạo và đường lối đúng đắn của Đảng, dân tộc Việt Nam đã lật đổ ách thống trị tàn bạo, xoá bỏ chế độ bóc lột, giành độc lập cho dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

            Ngay từ đầu năm 1930, tại Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng đã xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”. Đường lối chủ trương, chiến lược của Đảng đúng đắn và không ngừng được bổ sung, phát triển cho phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 5/1941 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chủ trì, đã đề ra chủ trương thay đổi chiến lược cách mạng. Hội nghị quyết định tiếp tục chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất để tranh thủ mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất và nhấn mạnh: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của các bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi được” để động viên, tổ chức và đoàn kết lực lượng của toàn dân trong mặt trận dân tộc thống nhất và lựa chọn hình thức tổ chức Mặt trận, tập hợp rộng rãi, đoàn kết các lực lượng đẩy mạnh cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. 

Ảnh nguồn tư liệu: internet

            Năm 1945, những thế lực phát xít Đức, Ý, Nhật bị thất bại nặng nề trên khắp các chiến trường Âu – Á; quân đội Xô Viết và các lực lượng chống phát xít chiến thắng vẻ vang là nguồn cổ vũ cho các dân tộc bị áp bức có thể đứng lên giành lấy độc lập, tự do.

            Với cách mạng Việt Nam, sau ngày Nhật đảo chính lật đổ Pháp ngày 9/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng đã kịp thời ra Chỉ thị và đã có chủ trương rất sáng suốt, kịp thời và cụ thể, phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ, từ khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và công tác binh vận… Nét đặc sắc, tiêu biểu và độc đáo trong chủ trương của Đảng ta là phát động cuộc tổng khởi nghĩa đúng thời điểm.

            Để chuẩn bị tích cực và khẩn trương hơn nữa cho việc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước, Ban Thường vụ Trung ương triệu tập hội nghị quân sự Bắc Kỳ ở Hiệp Hoà, Bắc Giang ngày 16/4/1945, Hội nghị quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam Giải phóng quân; phát triển hơn nữa lực lượng vũ trang; xây dựng căn cứ kháng Nhật để chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ.  

            Tháng 5/1945, trước những diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, trên cơ sở phân tích địa thế chiến lược và phong trào cách mạng ở Tuyên Quang, với tầm nhìn chiến lược, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chuyển từ Pác Bó, Cao Bằng về Tân Trào, Tuyên Quang làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước.

            Khi quân Nhật hoàn toàn tan rã, đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh, ngày 13/8/1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc ở Tân Trào – Tuyên Quang nhận định thời cơ cho ta giành độc lập đã tới, Đảng ta phải kịp thời phát động, lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai của chúng trước khi quân Đồng minh vào Việt Nam.

            Ngay đêm 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập do đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư phụ trách, ra quân lệnh tổng khởi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam đã gửi thư tới đồng bào cả nước kêu gọi nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

            Theo đường lối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14/8  đến ngày 18/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, Cách mạng Tháng Tám nổ ra đúng lúc, đúng thời cơ đã giành được thắng lợi “nhanh gọn, ít đổ máu”. Đó là bài học điển hình trong nghệ thuật lãnh đạo, thành công về nghệ thuật dự đoán thời cơ, tạo thời cơ, nhận định chính xác thời cơ và kiên quyết chớp lấy thời cơ, phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

            Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Từ đó, ngày 2 tháng 9 là ngày Quốc Khánh của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

            Ngay hôm sau, ngày 3/9/1945, Chính phủ cách mạng họp phiên đầu tiên trong tình hình hết sức khẩn trương, một trong những nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra trong cuộc họp này là sớm tổ chức cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Thực hiện chủ trương trên, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 76 ấn định ngày Tổng tuyển cử trong cả nước là ngày 06/01/1946. Tổng tuyển cử là một quyết định táo bạo trong điều kiện mới giành chính quyền với muôn vàn khó khăn nhưng rất đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh- người nhận thức sâu sắc về một đất nước hợp hiến, hợp pháp: Nhà nước do nhân dân bầu ra.

            Cách mạng Tháng tám thành công, giữa những bộn bề khó khăn của buổi sơ khai thành lập nước, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta tiếp tục đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác từ “chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ gần 21 năm với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

            Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám mãi mãi là mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc Việt Nam. Những bài học đúc kết từ thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 vẫn được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy trong điều kiện mới.

            Từ sau khi thực hiện đổi mới vào năm 1986, một Việt Nam năng động, sáng tạo trước bạn bè thế giới; chuyển đổi thành công sang mô hình và cơ chế quản lý kinh tế mới, có mức tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm; vị thế, uy tín trong quan hệ ngoại giao của nước ta ngày càng được nâng cao, Việt Nam có một môi trường an ninh, ổn định.

            Hiện nay trong xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa kinh tế ngày càng tăng mạnh, không một quốc gia nào phát triển lại tách ra khỏi trào lưu chung của thế giới. Đồng thời xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển cũng diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Đó là những thời cơ mới tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Đất nước ta với đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước đã mang lại những thành tựu to lớn, tạo điều kiện cho đất nước tiến lên theo xu thế phát triển chung của thời đại. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay tất yếu nảy sinh không ít khó khăn, thách thức trong nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

            Với tình hình kinh tế thế giới đang còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi cao nhất đối với Đảng, Nhà nước ta, đối với mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên là tích cực nghiên cứu, vận dụng tốt những bài học lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bài học về nắm bắt thời cơ và vận dụng sáng tạo thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm xưa vẫn không ngừng được phát huy giá trị, trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc để nhân dân ta vượt qua khó khăn, thách thức trong thời kỳ đổi mới và hiện nay.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 8 năm 2023

                                                                            Đào Thị Hồng Quyên

                                             Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế

            Tài liệu tham khảo:

Văn Tạo (1960), Lịch sử Cách mạng tháng 8, Sử Học – Hà Nội 1960, Chính trị QG1995.

Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến – TậpI (1945-1954) CTquốc gia Hà Nội-2008

http://tapchiqptd.vn, Hồ Chí Minh với nhiệm vụ xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân sau Cách mạng Tháng 8-1945

Tour 360° Tour 360° 360 Tour