Người con trai duy nhất của Mẹ là Nguyễn Quốc Hưng đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 15 tuổi, trong trận càn ở Bưng Đế – Gò Quao. Tháng 12 năm 1994, Mẹ Mười Mẫn được Nhà nước phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vì có chồng và con trai độc nhất hy sinh.
Trong chuyến đi thực hiện dự án Mẹ Việt Nam Anh Hùng vừa qua, chúng tôi những cán bộ của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, không quên được một bà Mẹ Việt Nam anh hùng – Anh hùng lực lượng Võ Trang – Một hoa Mộc Lan của Việt Nam rất đỗi tự hào, Mẹ Trần Quang Mẫn (tên thật là Trần Thị Sáu), sinh năm 1926, trong một gia đình trung nông ở xã Vĩnh Thạnh, Huyện Giồng Riềng, Tỉnh Rạch Giá. Hiện nay, mẹ đã 85 tuổi, sức khỏe đã yếu đi rất nhiều, do những di chứng của những năm tháng bị tra tấn trong tù, cứ trái gió, trở trời lại làm mẹ đau nhức, trên gương mặt hằn lên những nếp nhăn của thời gian, lưng đã còng. Nhưng trong đôi mắt ấy, vẫn còn ánh lên những nét tinh anh, trong ánh mắt ấy, chúng tôi vẫn thấy lấp lánh một hình ảnh của một nữ chiến sĩ chỉ huy thông minh và gan dạ. Mẹ rót nước cho chúng tôi uống và chậm rãi kể về cuộc đời của mẹ.
Năm 1946, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Khắp vùng sông nước miền Tây lại nhuốm màu tang tóc bởi gót giày xâm lược của kẻ thù. Dòng thác cách mạng ở miền Tây Nam bộ đã thu hút hàng ngàn thanh niên tham gia diệt giặc, trong khí thế đó, đã thôi thúc lòng yêu nước của người con gái thôn quê Trần Thị Sáu muốn tòng quân giết giặc cứu nước.
Khi mới 17 tuổi (năm 1944), Mẹ đã trốn nhà đi theo Vệ quốc đoàn, nhưng không thành. Lần đầu tóm được con gái trốn nhà đi theo vệ quốc, trong cơn giận dữ, ông Hai Phước (Ba của Mẹ Mẫn) dúi đầu con mình xuống bộ ván gõ, cầm dao chặt cụt hết mái tóc dài chấm eo của cô con gái 17 tuổi. Lần thứ hai, mẹ Mẫn vừa chạy ra khỏi nhà một quãng lại bị ba cầm dao đuổi theo, ông doạ sẽ tự sát nếu mẹ bỏ đi lần nữa. Nhưng càng bị cha ngăn cản, mẹ càng nung nấu khát vọng được cầm súng. Thấy không thể lay chuyển được ý định của con, người cha lặng lẽ cho con thực hiện ước mơ của mình. Từ đó, mẹ quyết định giả trai, bỏ chữ “Thị” trong tên lót của mình và thêm chữ “Quang” để thành Trần Quang Mẫn và tham gia kháng chiến. Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, có lẽ Mẹ Mẫn là trường hợp duy nhất cải nam trang nhập ngũ đi đánh giặc. Từ một cô gái xinh đẹp da trắng, tóc dài, mẹ đã phơi nắng, cắt tóc ngắn, đi lại khệnh khạng, gào thét cho vỡ giọng để giả trai cho thật giống.
Do đó, suốt 5 năm hoạt động trong Đại đội 70 (sau thành Trung đoàn 124 – Quân khu 9), “anh” Mẫn nổi tiếng mưu trí, gan dạ trong chiến đấu vẫn không hề bị phát hiện. Đến nỗi một cô gái Kh’Mer đem lòng yêu “anh” Mẫn “đẹp trai”. Để được vậy, Mẹ phải luôn chứng tỏ mình là con trai, Mẹ tâm sự: “Tôi phải dang nắng cho da đen sậm, tập hút thuốc rê, thuốc lào, tập huýt sáo, tập đá banh… dần dần, tôi chơi xuất sắc những trò chơi của con trai, ngoài ra tôi còn tập đái đứng, còn khi tắm, tôi bơi qua sông, lặn một hơi, tìm chỗ kín đáo, tắm xong thì bơi trở lại chỗ cũ đùa giỡn với đồng đội. Khổ nhất là chu kỳ hàng tháng của phụ nữ. Mỗi khi có cuộc hành quân, tôi phải uống thuốc để ngăn lại. Đánh giặc không cực nhưng để giữ mình là “con trai” quả là quá sức đối với tôi!”
Trước khi giả trai, gia đình có hứa gả Mẹ cho một chàng trai tên Nguyễn Văn Bé (tức Mười Bé). Hai người đã qua lại thăm nhau vài lần. Từ ngày Mẹ cải trang thành nam giới đi theo kháng chiến, anh Bé cũng đi bộ đội. Tình cờ 2 người gặp lại nhau trên chiến trường và sự việc giả trai của Mẹ bại lộ. Tới lúc này cả trung đoàn mới ngã ngửa vì trong suốt 5 năm liền không ai để ý và phát hiện ra chuyện “động trời” này. Sau đó đơn vị đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người. Sau 7 ngày hạnh phúc, anh Bé được lệnh trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Tình yêu của họ được đánh dấu bằng sự ra đời của bé Quốc Hưng. Cậu bé tuổi Nhâm Thìn (1952) được ông ngoại đặt tên là Nguyễn Quốc Hưng với lòng mong mỏi Tổ quốc sẽ có ngày thanh bình, hưng thịnh. Sinh con được vài tháng, anh Bé hy sinh trong trận tiêu diệt đồn Chàm Chệt (4/1952) tại Bàn Tân Định. Sau nỗi đau mất chồng, sáu tháng sau Mẹ phải gửi Quốc Hưng lại cho ông bà ngoại để trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội.
Quang Hưng lớn lên giống cha, mẹ ở cái tính lanh lẹ, lém lỉnh và gan dạ. Năm 11 tuổi, Quốc Hưng đã trốn ông bà ngoại và mẹ lên tỉnh đội Rạch Giá xin được làm liên lạc. Không thể thuyết phục được cậu bé, cán bộ tỉnh đội đã phải bố trí cho Quốc Hưng công tác ở đội U Minh 10. Làm liên lạc rất ít có cơ hội đi chiến đấu, nhưng Quốc Hưng nằng nặc xin bác Bốn Tâm cho sang bộ phận trinh sát. Tuy nhỏ tuổi, nhưng Quốc Hưng rất mưu trí, dũng cảm. Năm 15 tuổi, Quốc Hưng đã chững chạc, từng trải trận mạc.
Sau khi phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, không thực hiện tổng tuyển cử, Mỹ đã dựng lên chế độ độc tài phát xít Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Với Luật 10/59, chúng lê máy chém khắp miền Nam, hàng loạt đồng bào yêu nước và cán bộ cách mạng bị giết hại dã man. Bọn Diệm đã dựng lên ở miền Tây 7 tên ác ôn khét tiếng mà chúng gọi là “Người hùng chống cộng Miền Tây”, đứng đầu là tên Lâm Quang Phòng, chỉ huy khu An Phước (Vĩnh Thuận). Nghị quyết của Tỉnh Uỷ Rạch Giá là phải trừ khử tên Phòng bằng mọi giá, để bảo toàn lực lượng.
Mẹ Mười Mẫn được phân công nhiệm vụ này. Biết nhà tên Phòng sắp tổ chức đám giỗ cho người cha, Mẹ đã giả làm người gúp việc trong nhà bà cô của Phòng, vừa làm, vừa đưa mắt quan sát không bỏ sót chi tiết nào của tên Phòng. Khi tiệc xong, tên Phòng thấm mệt, hắn nằm trên võng lim dim, Trong khoảnh khắc, thừa lúc hai tên bảo vệ quay ra ngoài, Mẹ rút dao, dồn hết sức mạnh căm thù chém vào cổ tên Phòng. May mắn cho hắn là đêm ấy hắn chọn chiếc áo quá dày để mặc, hắn ngã xuống mà không chết, Mẹ lại bồi thêm nhát nữa, nhưng lưỡi dao chỉ trượt qua cổ… Sau đó Mẹ bị bắt và bị kết án 12 năm khổ sai, 5 năm biệt xứ, nhưng mẹ đã chống án, cuối cùng án còn 7 năm tù khổ sai, 5 năm biệt xứ, đó là vào tháng 7 năm 1958.
Trong tù mẹ tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ nên giặc đã đưa Mẹ đi khắp các nhà tù Rạch Giá, Chương Thiện, Tân Hiệp, Chí Hoà, Côn Đảo… Trong tù, Mẹ phải chịu nhiều đòn tra tấn dã man của giặc, bao thủ đoạn dụ dỗ, hòng làm nhụt chí khí của người chiến sĩ cách mạng, nhưng mẹ vẫn giữ vững khí vững khí tiết một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Cuối năm 1966, bọn giặc buộc phải thả Mẹ ra.
Nhưng nỗi đau đớn, bất hạnh lại ập xuống đời Mẹ một lần nữa. Người con trai duy nhất của Mẹ là Nguyễn Quốc Hưng đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 15 tuổi, trong trận càn ở Bưng Đế – Gò Quao. Tháng 12 năm 1994, Mẹ Mười Mẫn được Nhà nước phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vì có chồng và con trai độc nhất hy sinh.
Năm 1974, Thiếu tá Trần Thị Quang Mẫn được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 20 thuộc Cục Chính trị Quân khu 9. Trong một lần máy bay địch ném bom oanh tạc nơi đóng quân, toàn tiểu đoàn xuống hầm trú ẩn. Ngớt tiếng bom, mẹ lên khỏi hầm thì phát hiện gần đó có một thiếu phụ mang thai bị chết bom mà thai nhi trong bụng còn thoi thóp. Mẹ liền dùng dao găm rạch trên bụng người mẹ để cứu một bé gái. Bé gái được đặt tên là Ngọc Hân và trở thành con gái của Mẹ. Đây là nguồn an ủi của Mẹ cho đến ngày hôm nay. Hiện nay, Ngọc Hân đã có gia đình và cùng mẹ Mẫn sống tại quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh.
Rời khỏi ngôi nhà nhỏ bé của Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng võ trang Trần Quang Mẫn, hình ảnh một người mẹ giàu lòng nhân ái và đầy khí phách đã in đậm mãi trong chúng tôi. Chúng tôi – những cán bộ trẻ hôm nay, nguyện sống, học tập, làm việc thật tốt để tiếp bước những người đi trước và thầm ước Mẹ cũng như các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng khác sẽ sống mãi với thời gian.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06/10/2011
Vân Huệ (Phòng TT-TM-TV)