” BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ TIẾP NHẬN HIỆN VẬT TRAO TẶNG”

Trong những năm qua, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đặc biệt chú trọng đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, vận động các tổ chức, cá nhân trao tặng hiện vật. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trong 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, tổng số hiện vật, tài liệu sưu tầm của Bảo tàng là 207, trong đó số hiện vật gốc là 197 hiện vật, được hiến tặng từ các nhà sưu tập, các nghệ nhân, cá nhân.

Tại các bảo tàng nói chung và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nói riêng, việc hiến tặng hiện vật là một hoạt động kết nối mật thiết giữa bảo tàng với công chúng, các nguồn tài liệu, hiện vật được các tổ chức, cá nhân hiến tặng làm phong phú, đa dạng thêm cho nguồn hiện vật vốn có của bảo tàng.

Góp phần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ luôn nhận được sự quan tâm, giúp sức, hiến tặng các hiện vật, kỷ vật từ thời chiến đến thời bình, các hiện vật văn hoá của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong xã hội với mong muốn giá trị của các hiện vật sẽ được khai thác, đưa đến công chúng và nhân lên theo thời gian. Mới nhất là vào những ngày cuối tháng 7 năm 2023, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ liên tục tiếp nhận hiện vật từ các cá nhân.

Ngày 26/7/2023 Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ được anh Trần Công Phúc cùng với ba của mình tặng 131 hiện vật là dụng cụ làm bánh của bà cố ngoại của mình là bà Đặng Thị Mịnh (1903 – 1981), quê tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An (nay thuộc khu đất quy hoạch thành khu du lịch Happy Land). Bà Đặng Thị Mịnh là vợ của ông Hương sư Trần Ngọc Trưng của Huyện Bến Lức, Long An.

Theo thông tin tư gia đình bà Đặng Thị Mịnh là người làm được nhiều loại bánh, từ bánh truyền thống của người Việt đến các loại bánh Tây. Bà con, láng giềng thường đặt bánh bà làm để đãi khách hoặc khi nhà có đám tiệc. Trong các công đoạn làm bánh đều được làm bằng tay. Từ khâu nạo dừa, vắt nước cốt, đánh trứng, đến khâu nhào bột, cho bánh vào khuôn… Khâu nướng bánh cũng được thực hiện thủ công đơn giản. Lò nướng bánh được thực hiện bằng nồi gang, có lót một lớp cát trong nồi nhằm làm tăng độ nóng và làm chín đều bánh. Sau đó, đặt khay bánh đã tạo hình vào nồi để nướng. Nhiên liệu để nướng bánh là những gáo dừa được đốt thành than rồi để bên dưới và trên nắp nồi giúp bánh chín đều.

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng cùng viên chức phòng

Nghiên cứu – Sưu tầm – Trưng bày tiếp nhận hiện vật từ Anh Trần Công Phúc

 cùng với Ba của mình trao tặng.

Với 131 hiện vật khuôn bánh của anh Trần Công Phúc tặng Bảo tàng đã góp phần bổ sung vào bộ sưu tập “Khuôn bánh” làm phong phú thêm cho bộ sưu tập tại Bảo tàng, cũng như giúp Bảo tàng giới thiệu đến công chúng những bộ sưu tập đặc sắc, phong phú hơn.

     Ngày 31/7/2023 Bảo tàng tiếp nhận hiện vật do Anh Hồ Phạm Thanh Duy trao tặng. Anh Hồ Phạm Thanh Duy là Nhà sưu tập trẻ về gốm Nam Bộ, lồng chim và tranh kiếng. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Lái Thiêu, từ nhỏ anh đã sớm tiếp cận với các lò làm gốm, có sở thích nghiên cứu sưu tầm về gốm, nặng tình với những giá trị truyền thống dân tộc, Anh đã đi nhiều nơi để sưu tầm các loại gốm xưa và đã có cho mình nhiều sưu tập về gốm Cây Mai và Lái Thiêu. Một ngày đẹp trời, thong thả vào tham quan phòng trưng bày chuyên đề

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng

tiếp nhận hiện vật từ anh Hồ Phạm Thanh Duy trao tặng.

“Tiếng nói của đất”, đứng ngắm nhìn các sản phẩm gốm được làm từ bàn tay con người qua các vật dụng sinh hoạt như cà om, cà ràng,.. và có tuổi hơn chút như tô chiết yêu được sản xuất những năm 1930-1940, bình đựng nước gốm Lái Thiêu thế kỷ XX… anh chợt nặng lòng và nghĩ đến việc tặng các hiện vật gốm Lái Thiêu cho Bảo tàng. Anh đã tặng Bảo tàng 3 hiện vật gốm Lái Thiêu được sản xuất vào khoảng những năm 60 của thế kỷ XX gồm: 1 bình hoa của lò gốm Duyệt An với họa tiết chim hoa rất sắc sảo, 1 cái tiềm (thố) của lò gốm Ngọc Ký với hoa văn là con cá linh quen thuộc của người dân Nam Bộ và 1 cái ống đũa. Những hiện vật trao tặng này sẽ làm phong phú thêm cho các sưu tập về gốm Nam Bộ của Bảo tàng hiện có.

Chúng ta có thể thấy, việc hiến tặng hiện vật là hành động rất ý nghĩa, thể hiện tính nhân văn, giúp lan tỏa phong trào hiến tặng hiện vật cho các bảo tàng, giáo dục ý thức trách nhiệm của công dân trong việc bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của dân tộc.

     Tại buổi tiếp nhận hiện vật, Bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng đã ghi nhận những đóng góp, hiến tặng các hiện vật và bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc. Các hiện vật hiến tặng sẽ được Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ gìn giữ, bảo quản khoa học, trưng bày phụ vụ công chúng theo đề cương, chuyên đề với nhiều hình thức, nổi bật là áp dụng công nghệ trong trưng bày nhằm phát huy tối đa hiệu quả, giá trị.

Với tâm huyết muốn đưa những nét văn hóa xưa đến gần hơn với công chúng đương thời, lưu giữ những giá trị văn hóa trước nguy cơ bị mai một, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hy vọng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ từ công chúng, các nhà sưu tập và các cộng sự trong việc quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 8 năm 2023

Võ Cư

Phòng Truyền thông – Giáo dục –Quan hệ Quốc tế

Tour 360° Tour 360° 360 Tour