Tôi không có chủ định viết về Bàn Cờ nhưng đâu đó, địa danh “Bàn Cờ” lừng lững hiện lên trong những câu chuyện kể bi thương và anh hùng của lịch sử mà tôi được tiếp cận. Có thể nào tin, Bàn Cờ đã từng là “căn cứ địa” cho thời kỳ đầu tiên thành lập Đảng, được in dấu những bước chân của những người chiến sĩ cộng sản đầu tiên; dám từ bỏ giai cấp, lao vào đời sống công nhân, thợ thuyền, để thực hiện nhiệm vụ “vô sản hóa”. Bàn Cờ thời những năm 1930, trong ký ức người Đảng viên Nguyễn Thị Thập*, được nhớ lại như sau:
Tôi không có chủ định viết về Bàn Cờ nhưng đâu đó, địa danh “Bàn Cờ” lừng lững hiện lên trong những câu chuyện kể bi thương và anh hùng của lịch sử mà tôi được tiếp cận. Có thể nào tin, Bàn Cờ đã từng là “căn cứ địa” cho thời kỳ đầu tiên thành lập Đảng, được in dấu những bước chân của những người chiến sĩ cộng sản đầu tiên; dám từ bỏ giai cấp, lao vào đời sống công nhân, thợ thuyền, để thực hiện nhiệm vụ “vô sản hóa”. Bàn Cờ thời những năm 1930, trong ký ức người Đảng viên Nguyễn Thị Thập*, được nhớ lại như sau:
“Chi bộ xếp đặt, giới thiệu tôi về ở trong Bàn Cờ. Bấy giờ đã sang đầu năm 1934. Bàn Cờ là tên một khu lao động nghèo, nằm giữa Sài Gòn và Chợ Lớn. Xóm lá dọc ngang, lầy lội, chi chít những ngõ hẻm và những con đường đất vạch hình kẻ ô vuông, nên có tên Bàn Cờ. Những người không có công ăn việc làm, thợ thầy thất nghiệp của thành phố đều sống lây lất ở đó. Không điện, không nước, rác rưởi cùng khắp đầy ruồi nhặng, cầu tiêu không có, hè nhà đường mương chỗ nào cũng thấy phóng uế bừa bãi. Ngày mưa cũng như ngày nắng, không khí nhiễm sặc mùi tanh hôi. Bọn cầm quyền coi đây như sào huyệt của dân bất hảo, bọn người sống ngoài vòng pháp luật. Bởi trộm cắp, lưu manh chạy vào “cái mê hồn trận” đó thì cảnh sát khó phương gì đuổi theo bắt nổi”.
Nhưng “sào huyệt của dân bất hảo, bọn người sống ngoài vòng pháp luật” ấy là nơi của những tấm lòng vàng, sẵn sàng đùm bọc, cưu mang cách mạng trong những ngày đêm trước của lịch sử. Gia đình “Cô Chín” có hai đứa con bệnh cùi đã dám chứa một người phụ nữ có hành tung bất định. Bà có thể qua mặt chính quyền đương nhiệm nhưng người dân thì thấu hiểu và âm thầm che chở cho người phụ nữ dám dấn thân làm “quốc sự”, để từ đây, đường dây với “Ủy ban cứu tế đỏ” kết nối với tổ chức cách mạng ở nước ngoài được thiết lập và cũng từ đây, phong trào “vô sản hóa” của những người cộng sản đã dấy lên làn sóng đấu tranh trong các hãng xưởng ở Sài Gòn…
Những năm kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến, đồng bào vùng Bàn Cờ viết nên bản anh hùng ca chống quân xâm lược bằng những mọi vũ khí có được. Thật cảm động khi đọc lại những dòng lịch sử: “Đồng bào vùng Chợ Đũi, Bàn Cờ, chợ Hai Mươi, Vườn Chuối, Hòa Hưng đã ném ra đường tất cả những già có thể ném được như bàn ghế, giường, tủ, xe thổ mộ… làm chướng ngại vật; hàng loạt cây được đốn ngã ngang đường để làm phòng tuyến chống chống quân Pháp, ngăn chặn bước tiến của địch. Tại vùng Bàn Cờ, các lực lượng vũ trang cộng hòa vệ binh, tự vệ thành, các đội tự vệ sớm được thành lập, liên tiếp chiến đấu ngăn chặn địch”. Cũng từ đó, chính quyền thực dân Pháp không thể ăn ngon ngủ yên ngay trong thủ phủ của chúng, bởi Sài Gòn có một “Bàn Cờ” bí ẩn, nơi xuất phát của những trận đánh của các lực lượng vũ trang cộng hòa vệ binh, tự vệ thành, các đội tự vệ mà mỗi người dân là mỗi chiến sĩ phục sẵn trong bàn cờ thế trận lòng dân. Ô vuông Bàn Cờ chi chít dọc ngang ấy là nơi xuất phát những phong trào nội đô làm điên đảo chính quyền Pháp ngụy, nơi kết nối với căn cứ kháng chiến qua các phong trào địch vận, trí vận… Chị em tiểu thương Bàn Cờ ngày càng tỏ rõ bản lĩnh qua các cuộc đấu tranh đòi sân sinh dân chủ, chống sự can thiệp của Mỹ. Qua chín năm kháng chiến chống Pháp; nhân dân vùng Bàn Cờ, Chợ Đũi, Hòa Hưng, Chí Hòa, Bến Tắm Ngựa dưới sự lãnh đạo của quận; đã viết lên bản anh hùng ca của Bàn Cờ qua các phong trào tranh chính trị, vũ trang, làm cơ sở nuôi giấu cán bộ, con em ra bưng biền, trực tiếp tham gia cách mạng đảng viên, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang hoạt động, ủng hộ vật chất, tinh thần cho cuộc kháng chiến…
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều người con rời thành phố, vào bưng biền tham gia kháng chiến chống Pháp lại quay về thành phố Sài Gòn, tiếp tục hoạt động cách mạng. Ở khu vực Bàn Cờ, dù sau ngày chính quyền Diệm được dựng lên dày đặc đồn bót và mật vụ nhưng vùng đất bé nhỏ mà gan góc này vẫn là căn cứ nội thành tồn tại ngay trong lòng địch. Xứ ủy vẫn tồn tại trước mắt kẻ thù và Bàn Cờ với xóm nghèo chi chít dọc ngang vẫn là nơi hoạt động của những cán bộ phụ vận như bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), bà Nguyễn Thị Thanh (Uyển Thanh), bà Đỗ Hữu Bích, bà Thái Thị Nhạn… Nhiều cán bộ cách mạng gắn bó với Bàn Cờ sau này trở thành những tên tuổi tỏa sáng vì lòng trung kiên, bất chấp nhà tù, cái chết. Bàn Cờ được biết đến qua những bà mẹ phong trào chuyền cơm qua vách cấm, qua ký ức của một bà mẹ anh hùng tận miền Trung vào Sài Gòn hoạt động, tận mắt chứng kiến một cán bộ cách mạng bị đốt cháy ở Bàn Cờ vẫn kiên cường không khai báo, thà chết cháy quyết giữ bí mật tổ chức. Bàn Cờ còn được lực lượng Biệt động Sài Gòn chọn làm nhiều cơ sở do không chỉ có những tấm lòng đùm bọc của nhân dân mà đây còn là khu lao động, giá nhà vừa tiền mua, ở trọ cũng rẻ; đường ngang dọc như bàn cờ nên khi bị địch vây ráp dễ tìm lối thoát. Kho vũ khí của ông Trần Văn Lai tại 287/70 đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) đã tồn tại ở Bàn Cờ nhiều năm liền để tham gia vào trận đánh Dinh Độc Lập trong Tết mậu thân 1968. Ngày 13/2/1967, Tổ biệt động nội thành do đồng chí Tám Cứ làm tổ trưởng đã đặt súng cối 81 ly tại số nhà 8/4 đường Vườn Chuối (vùng Bàn Cờ) bắn vào tổng hành dinh của tướng Westmoreland tại góc đường Nguyễn Du và Pasteur. Báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ đã đưa tin “Tổng hành dinh tướng Westmoreland bị súng cối bắn vào, đạn rơi đúng vào đoàn xe chở lính dù chạy qua làm 13 chết, 16 bị thương”. Kỳ tích biệt động ấy ít ai ngờ được đặt trên đôi vai người mẹ yếu đuối, mảnh mai; hòa lẫn cuộc đời mình trong khu phố Bàn Cờ. Đó là bà Bà Lâm Thị Ẩn quê Trảng Bàng, Tây Ninh- chuyển vào Sài Gòn, ngụ tại nhà 8/4 Vườn Chuối. Bà tiếp nhận số vũ khí gồm các bộ phận của khẩu cối 82 ly, súng AK, súng ngắn, đạn cối… trong tình trạng bị cảm nặng. Nhiều tháng ròng bà đã “ngồi trên đống lửa” để bảo vệ kho súng đạn. Nếu không có đồng bào che chở, những kho vũ khí trong lòng Bàn Cờ chắc chắn không tồn tại vì cách mạng có tài thánh cũng không qua mắt được nhân dân.
Anh hùng LLVT Võ Thị Tâm- nữ giao liên trinh sát dẫn đường đã có 3 lần nhận nhiệm vụ đưa lực lượng võ trang Phân khu 2 tấn công vào nội đô Sài Gòn trong Mậu Thân 1968, đã có những năm tháng gắn bó cuộc đời mình với vùng Bàn Cờ trong những ngày được tổ chức đưa về hoạt động vũ trang nội thành Sài Gòn. Cô gái ở tuổi 20 từng phải sống lang thang từ chợ Chuồng bò, Vườn Chuối, đến chợ hòa Hưng, hơn một năm ngủ sạp, ăn cơm vĩa hè, bữa đói bữa no như kẻ bụi đời, sáng bán bánh mì, chiều bán cà rem, vừa là để kiếm tiền sinh sống hàng ngày vừa là để gần gũi với dân và để am hiểu địa bàn của mình hoạt động. Nhờ những năm tháng cơ cực, lang thang này mà chỉ trong một thời gian ngắn, chị thuộc các con đường giao thông và xóm lao động thuộc địa bàn quận 3 và quận 10 như trong lòng bàn tay. Chị kiên trì xây dựng được 30 cơ sở có cảm tình với cách mạng trong nội thành. Nhờ bà con đùm bọc, chị vẫn bình yên giữa lòng Sài Gòn, dù chính chị là “thủ phạm” của những chuyện động trời: treo cờ mặt trận trên cột điện, in và rải hơn 10.000 lá truyền đơn, gửi hơn 20 lá thư cảnh cáo bọn ác ôn. Chị kể có lần vừa treo cờ, địch ra sứclùng sục, chị đã cải trang thành tiểu thương ngồi bàu rau muống bán ngoài chợ, trong sự che chở của bà con chợ Vườn Chuối…
Lòng dân ở Bàn Cờ trong Mậu Thân 1968 được viết nên bằng những tên tuổi của những con người thầm lặng mà nhiều năm sau chiến tranh, lòng bà Nguyễn Thị Nghĩa** vẫn nguyên vẹn món nợ ân tình: “Một trong những kỷ niệm sâu sắc của tôi về mùa xuân năm Mậu Thân là gia đình bác Nguyễn Văn Trảng, một cơ sở phát triển rất tình cờ của cánh học sinh Thành Đoàn ở khu vực Vườn Chuối, Bàn Cờ. Vợ mất, một mình bác nuôi ba con, hai gái một trai bằng đồng lương hưu của công chức Sài Gòn. Chị Mười Thoa (Trần Thị Sáu) trong một lần tìm thuê nhà chuẩn bị cơ sở cho chiến dịch Xuân 1968 đã chọn nhà Bác, vì thấy bác là người tốt, đáng tin cậy. Dường như lúc đó, bác cũng mơ hồ biết chị là người của “bên kia”, vì cung cách sinh hoạt có phần hơi khác thường, nhưng bác vẫn giữ ý, không bao đề cập đến”. Trong Tết Mậu thân, lực lượng Thành Đoàn đã làm nên những việc thần kỳ nhờ sự che chở, đùm bọc của nhân dân. Lòng dân thật kỳ diệu: “Những ngày đêm sống trong lòng địch đó, tay không tất sắt mà sao thật là an toàn. Phần thì bọn địch co vòi, chỉ tuần tra ngoài đường lớn, nhưng điều làm cho chúng tôi yên tâm hoạt động chính là bà con đùm bọc, thương yêu. Đi có người cảnh giới, về có người ngó trước dòm sau. Những khu phố lao động, những con hẻm chật chội mà chúng tôi ra vào, rải truyền đơn, treo cờ, dù nhanh tay cách nào đi nữa, nếu không có bà con che chở thì rất dễ bị lộ…”. Đợt 2 Mậu Thân, đội vũ trang tuyên truyền của thành Đoàn đã đem vũ khí ngụy trang trong những va-ly quần áo đến nhà bác Trảng cất giấu. Biết đó là vũ khí, bác lặng đi, nói: “Bác cất một viên đạn ở tù thì 100 viên cũng vậy. Thôi các cháu cứ ở lại, tìm đâu ra chỗ bây giờ”. Bác Trảng ở tù 3 năm vì tội chứ chấp cán bộ cách mạng. Con trai lớn của Bác theo anh chị Thành Đoàn ra chiến khu, hai con gái bác ở lại với chòm xóm. Bác Trảng mất chỉ vài tháng ra tù. Với chị Nguyễn Thị Nghĩa, cái chết của bác trảng là sự hy sinh của một chiến sĩ: “Nghe kể lại, trong tù dù bị đánh đập, đòn roi, bác không một lần lên tiếng trách móc, than phiền những cán bộ trẻ Thành Đoàn mang đến nhiều hệ lụy cho gia đình. Trong quá trình chiến đấu, chính nhờ những người dân bình thường như bác Trảng mà chúng tôi yên tâm vững bước đi đến ngày thắng lợi”.
Sự kiện sinh viên học sinh chiếm Tòa đại sứ Lonnol năm 1970 gắn liền với lòng dân Bàn Cờ. Khi sinh viên, học sinh chiếm tòa Đại sứ Căm Bốt tại ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Đình Chiểu để phản đối chính quyền Lonnol – Sirik-Matak tàn sát Việt kiều, nhân dân vùng Bàn Cờ đã tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh của sinh viên, học sinh trong sưốt 12 ngày đêm máu lửa (từ đêm 20/4/1970 đến đêm 5/5/1970). Ông Nguyễn Hữu Đức đã ghi lại tấm lòng của những bà mẹ Bàn Cờ*** khi lực lượng sinh viên bị cảnh sát bao vây trong tòa nhà góc đường Phan Đình Phùng, Lê Văn Duyệt: “Nói sao cho hết tấm lòng rộng lớn của các má, các chị, các chú, các anh! Bức tường phía sau Tòa đại sứ đã bị đục thủng một lỗ khá lớn để một người có thể chui qua. Các má, các chị từ khu xóm Bàn Cờ, từ chợ Vườn Chuối, từ chùa Ấn Quang đã đến nấu cơm, nấu nước, lo cho anh em từng dĩa cơm ngon, từng ly nước trà nóng để anh em đủ sức chống bọn buôn dân bán nước. Ở đây còn phải kể đến công lao của các em thiếu nhi nữa. Các em đã tình nguyện làm liên lạc viên và đã chu toàn nhiệm vụ một cách rất đáng khen. Lúc ấy, bọn cảnh sát công an ác ôn không bao giờ ngờ là các em bé, mặt mày lem luốc, quần áo xốc xếch, đi thơ thẩn trong các ngõ hẻm dọc ngang bao vây Tòa đại sứ, là các liên lạc viên. Trong mình các em ấy hoặc giấu một mảnh giấy ghi báo cáo tình hình của anh em bên trong đưa đến các anh em bên ngoài, hoặc một băng cassette ghi lại những bản nhạc tranh đấu cần phổ biến từ ngoài gởi vào trong. Thực tiễn đấu tranh trong thành thị có những điều đẹp như thế! Và thực tiễn ấy đã bật lên những lời thơ tha thiết, những nốt nhạc hào hùng. Bài hát “Người mẹ Bàn Cờ” (thoo7 Nguyễn Kim Ngân, nhạc Trần Long Ẩn) đã được thai nghén và sinh nở từ Tòa đại sứ Lonnol vào những ngày đấu tranh sôi nổi này…”. Vâng, “Người mẹ Bàn Cờ” đã được ngân lên trong lòng bao thế hệ từ những nốt trầm sâu lắng mà mãnh liệt của lòng dân.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, có sự đóng góp thầm lặng của các má, các chị, những người “chiến sĩ” vô danh ở Bàn Cờ đã tạo thành sức mạnh, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng. Trong nội thành, lực lượng Thành Đoàn được phân công trực tiếp phát động quần chúng khởi nghĩa ở 5 khu vực mà Bàn Cờ được chọn làm điểm chỉ huy chung, vì địa bàn này nằm gần thủ phủ chính quyền Sài Gòn, cũng là khu đông dân cư lao động, có truyền thống cách mạng, đã từng tham gia các cuộc biểu tình, xuống đường phản đối chính quyền Sài Gòn, chở che cho bao chiến sĩ cách mạng trong lòng địch. Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, công việc ém quân, chuẩn bị vũ khí, may cờ; lập tổ đội y tế đã được thực hiện ở Bàn Cờ. Những người mẹ, người chị Bàn Cờ may cờ trước mũi kẻ thù, bằng cách mua ít vải xanh, vải vàng ở các chợ gom lại. Nhà dì Hai Chi xúm lại may cờ trong khi bọn lính đang đóng trên sân thượng, liên lạc nhau bằng máy bộ đàm, át cả tiếng máy may. Những ngày chuẩn bị khởi nghĩa, chị Tư Liêm (Trương Mỹ Lệ) hầu như không ngủ, Mọi thứ đã sẵn sàng. Tin “Giải phóng về tới Sài Gòn” và chị Tư Liêm phát lệnh khởi nghĩa. Chỉ một loáng sau, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng được may từ những bàn tay người mẹ, người chị Bàn Cờ trong những ngày trước đó được treo trên trụ sở phân chi khu cảnh sát đặc biệt của chính quyền Sài Gòn. Tổ vũ trang được ém quân trước đó cùng bà con giương cờ, túa ra đầu hẻm áp đảo những tên lính dù đứng gác. Có tên định bắn nhưng nhiều tên cản lại rồi bỏ chạy về phía Ngã Bảy. Tên chuẩn úy phân chi khu muốn bỏ chạy nhưng hắn không biết chạy đi đâu vì quanh hắn đều có băng rôn “Nhiệt liệt chào mừng Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” và cờ, hắn thấy đâu, hầu như bất cứ ai, từ bà má, em nhỏ cũng là “Việt Cộng”. Cho đến lúc đó, nhà dì Hai Chi mở toang cửa, trở thành “trụ sở” của lực lượng cách mạng. Đội tự vệ vũ trang Bàn Cờ được thành lập ngay tại trụ sở “Nhân dân tự vệ” cũ. Ngay sau đó, nơi này trở thành điểm trình diện của binh lính, sĩ quan chính quyền Sài Gòn. 11 giờ 30 phút ngày 30.4, cờ giải phóng được treo trên dinh Độc Lập. Và tự hào thay, ở lực lượng tiếp quản ở Bàn Cờ được chỉ huy bởi một người phụ nữ. Tại nhà số 6/42T Cao Thắng, đồng chí Bùi Thị Nguyệt (Mười Hòa)– cán bộ biệt động thành đã tổ chức mít-tinh với khoảng 50 quần chúng tham dự để tuyên truyền thắng lợi của quân ta và phát động quần chúng hưởng ứng giành chính quyền. Từ 13 giờ 30 trở đi, đồng bào Bàn Cờ giành hoàn toàn quyền làm chủ khu vực. Đến 15 giờ, 10 đội vũ trang đã thành lập. Các đội thu gom 1.500 súng các loại và hơn 5 tấn đạn dược, chất nổ và các đồ dùng quân sự khác. Trên gương mặt người dân nghèo Bàn Cờ, từ chị tiểu thương đến anh xích lô ba gác đều rạng ngời niềm vui mừng đất nước được tự do, độc lập. Giây phút thiêng liêng đó, chắc hẳn người cán bộ chỉ huy Thành Đoàn Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm), chị Chín Nghĩa không ngăn được những dòng nước mắt. Các chị nhớ đến những người dân như bác Nguyễn Văn Trảng đã sẵn sàng vì cách mạng mà chịu cảnh tra tấn, tù đày đến hy sinh, không còn có dịp nhìn ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Còn biết bao người dân với tấm lòng son sắt với cách mạng, như người cán bộ cách mạng vô danh danh sẵn sàng cho kẻ thù đốt cháy để bảo toàn bí mật tổ chức. (Qua tọa đàm này, tôi cũng rất mong các cô, dì, chú bác ở Bàn Cờ khi bổ sung thêm câu chuyện anh hùng này, để tìm ra người chiến sĩ anh hùng). Phải chăng vì món nợ với nhân dân quá lớn nên sau này, khi trở thành bí thư quận ủy quận 3, chị Tư Liêm luôn tự nhủ với lòng mình: đừng bao giờ quên thế trận lòng dân, ngay cả trong những ngày hòa bình, xây dựng đất nước!
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 7 năm 2014
Trầm Hương
* Đảng viên năm 1931, Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam- Bà mẹ Việt Nam anh hùng
** Cán bộ Thành Đoàn, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Co-op Mart
*** “Theo nhịp khúc lên Đàng”, NXB Trẻ, 2000, trang 381