Nói đến người phụ nữ Việt Nam là nói đến tinh thần dũng cảm, lòng vị tha, đức hy sinh, tính cần cù, nhẫn nại, tận tụy, thủy chung và tài năng sáng tạo. “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” – chính là 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phong tặng cho người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến, thật vinh dự, xứng đáng và tự hào biết bao.
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã có biết bao tấm gương phụ nữ yêu nước được sử sách lưu danh. Từ thời Bà Trưng bà Triệu cho đến thời đại Hồ Chí Minh đã có hàng triệu triệu phụ nữ can trường hy sinh vì nền độc lập của nước nhà. Truyền thống yêu nước nồng nàn ấy đã kết tinh sáng ngời trong hình ảnh của bà Nguyễn Thị Thập – người con gái Sông Tiền bất khuất, kiên trung.
Bà Nguyễn Thị Thập (tên thật Nguyễn Thị Ngọc Tốt), sinh năm 1908 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Từ năm 20 tuổi, bà đã giác ngộ lí tưởng cách mạng, tham gia tổ chức Nông hội ở Long Hưng với nhiều hoạt động được đông đảo nông dân nghèo ủng hộ. Năm 1931, đồng chí được vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, bà lấy bí danh là Mười Thập và thoát ly hoạt động phong trào, xây dựng cơ sở ở Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre, Sài Gòn… Tháng 4/1935, đồng chí được bầu vào xứ uỷ Nam Kỳ. Tháng 5 năm ấy, đồng chí bị địch bắt kết án tù. Ngay sau khi hết hạn tù, bà lại bí mật về quê, tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 12/1938, sau cuộc lãnh đạo nông dân biểu tình chống thuế ở xã Long Hưng, đồng chí Nguyễn Thị Thập lại bị bắt giam nhưng lần này đã được hàng nghìn đồng bào xã Long Hưng, Long Định kéo tới giải thoát cho bà.
Năm 1940, bà Mười Thập tham gia Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tại tỉnh Mỹ Tho, dù đã gần đến ngày sinh nở, đồng chí vẫn thắt khăn nịt bụng, chỉ huy dân quân, đồng bào trương cờ, biểu ngữ, xông vào cướp đồn Tam Hiệp. Chồng của bà – một chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp bắt và giam ngoài Côn Đảo từ năm 1930, vừa mới về đất liền đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, chồng bà bị bắt vào tháng 01 năm 1941 và bị Pháp xử tử hình.
Năm 1945, bà Mười Thập tham gia lãnh đạo nhân dân giành chính quyền tại tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) và năm 1946, bà được bầu là Đại biểu Quốc Hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tháng 11 năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại Việt Nam, toàn quốc kháng chiến, Trung ương dời về chiến khu Việt Bắc. Lúc này, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, bà được phân công trở về miền Nam với nhiệm vụ đặc biệt là xây dựng và củng cố Đảng bộ Nam Bộ ngày càng vững mạnh. Năm 1947, bà được cử làm Đoàn trưởng Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ, rồi Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Nam Bộ. Năm 1953, Trung ương điều động bà ra công tác tại chiến khu Việt Bắc. Hiệp định Genève được ký kết, bà được cử vào miền Nam để phổ biến việc thi hành Hiệp định đình chiến. Bà Nguyễn Thị Thập tập kết ra miền Bắc vào năm 1954, từ năm 1956 đến năm 1974 bà giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Năm 1955, bà được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu theo chính sách (năm 1980).
Bà Nguyễn Thị Thập còn được Đảng và Nhà nước giao nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư Đảng đoàn phụ nữ kiêm Trưởng ban phụ vận Trung ương Đảng; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa IV, được bầu vào Quốc hội từ khóa I đến khóa VI và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VI. Năm 1985, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam và được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước – Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Năm 1954, sau bao năm xa cách, mẹ con đồng chí mới được đoàn tụ bên nhau. Thế nhưng, nỗi đau lại ập tới, tháng 5 – 1954, người con trai cả – một xã đội trưởng liên xã Long Hưng – Long Hòa đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của giặc. Người con trai thứ hai được chọn sang học chuyên ngành điện ảnh ở Cộng Hoà Dân Chủ Đức. Tốt nghiệp về nước được ít lâu, anh xin mẹ vào chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ và đã anh dũng ngã xuống trên quê hương giàu truyền thống cách mạng như người cha và anh trai mình.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, bà lại bắt tay vào công việc tổng kết Lịch sử phong trào Phụ nữ Việt Nam trước khi được trở về miền Nam nghỉ hưu. Năm 1982 bà Nguyễn Thị Thập cùng 12 cán bộ nữ lão thành cách mạng thành lập nên Tổ Sử phụ nữ Nam Bộ với nhiệm vụ tổng kết phong trào đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, gom góp sưu tầm hiện vật để bảo quản, giới thiệu cho các thế hệ mai sau về vai trò và những đóng góp của phụ nữ trong hai cuộc kháng chiến. Bằng trách nhiệm và tình thương dành cho phụ nữ thế hệ mai sau, Tổ Sử phụ nữ Nam Bộ đã cho ra đời cuốn sách “Lịch sử Phụ nữ Nam Bộ thành đồng” và khánh thành Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ vào năm 1985, tiền thân của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ngày nay.
Gần 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng, bà Nguyễn Thị Thập luôn khắc phục và vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, không sợ hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Bà Nguyễn Thị Thập – người phụ nữ kiên cường của mảnh đất Nam Bộ thành đồng, sau khi đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc, ngày 19 tháng 3 năm 1996 do tuổi cao sức yếu, bà mất tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 88 tuổi. Theo di nguyện của bà, gia đình đã an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Tiền Giang, bên cạnh mộ chồng.
Trong thời gian tham gia hoạt động cách mạng, vào năm 1965, bà Nguyễn Thị Thập đi tham dự Đại hội Phụ nữ Trung Quốc lần thứ III tại Bắc Kinh. Trước khi đi, bà có qua thăm Bác Hồ và Bác Tôn. Bà thấy chiếc mền của Bác Hồ đã quá cũ, có chỗ đã bị sờn nên đồng chí có ý định sẽ mua về một chiếc mền mới để biếu Bác sử dụng, nhưng lại sợ Bác biết, bà đã nhờ đồng chí Vũ Kỳ (lúc đó là thư ký của Bác) đo giúp kích cỡ chiếc mền của Bác để đồng chí mua đúng với kích thước cái mền Bác đang dùng.
Trong thời gian dự Đại hội Phụ nữ Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thập đã mua chiếc mền này về và mang đến biếu Bác Hồ khi về nước. Sau đó, Bác Hồ đã tặng lại cho bà Nguyễn Thị Thập sử dụng và bà đã giữ cái mền này làm vật lưu niệm tại gia đình.
Chiếc “Chăn (mền)” với chất liệu: vải satanh, chỉ coton, mouse (mặt vải satanh có vài chỗ bị sờn khoảng 1cm), kích thước: 177cm x 115cm. Chăn có 2 lớp, ở giữa đệm mouse, trên lớp mặt chỉ coton cam có hình hoa văn màu tím. Chăn được may thủ công bằng máy may. Đây là quà bà Nguyễn Thị Thập tặng Bác Hồ và sau đó được Bác tặng lại để sử dụng
.
CHIẾC “CHĂN (MỀN)” BÀ NGUYỄN THỊ THẬP TẶNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Tháng 3 năm 1997, bà Lê Ngọc Thu – con gái đồng chí Nguyễn Thị Thập đã tặng hiện vật này cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng lưu giữ và bảo quản. Nhằm mục đích bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hoá có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã chuyển giao hiện vật trên cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ lưu giữ vào ngày 28 tháng 2 năm 2005 (trên tinh thần chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở Văn hoá và Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh). Kèm theo bộ Hồ sơ hiện vật mang số kiểm kê 149.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 03 năm 2025
Phạm Tuấn Trường
Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế
Tài liệu tham khảo:
– Tập sách: “Nguyễn Thị Thập – Cuộc đời và sự nghiệp”.
– Tư liệu phòng Kiểm kê – Bảo quản, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.