BÀ NGUYỄN THỊ BÌNH VÀ CÂY BÚT LỊCH SỬ
Ngày 27-01-1973 tại Paris, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” (gọi tắt là Hiệp định Paris) được ký kết. Là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao cam go, lâu dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, với 202 phiên họp chung công khai, 24 cuộc tiếp xúc riêng trong thời gian 4 năm 9 tháng (từ 13-5-1968 – 27-01-1973), đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Đã 52 năm trôi qua, nhưng khi nhắc đến tên Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, thì cả thế giới đều rất ngưỡng mộ và khâm phục ý chí kiên định, sự mềm dẻo, nhạy bén của nhà nữ ngoại giao xuất sắc, người con của quê hương Quảng Nam.
Bà Nguyễn Thị Bình, tên thật Nguyễn Châu Sa, sinh ngày 26-5-1927, tại làng La Kham, Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng: ông nội là nghĩa binh trong phong trào Cần vương, chiến đấu và hy sinh tại quê nhà, ông ngoại là nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh. Từ nhỏ bà đã tham gia vào các phong trào yêu nước, hoạt động tích cực trong các cuộc biểu tình chống lại thực dân Pháp. Sau thời gian bị bắt giam, bà tiếp tục hoạt động và được cử làm Ủy viên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phụ trách công tác đối ngoại.
Năm 1968, bà là Phó trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam dự Hội nghị Paris. Sự xuất hiện của bà, một nữ nhà ngoại giao, đã gây sự chú ý quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đàm phán. Sau đó, bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Trưởng đoàn Đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pari. Vai trò của bà trong Hội nghị Paris được mô tả là một thử thách, đòi hỏi sự khéo léo, kiên định và mềm dẻo trong việc đàm phán với cường quốc Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Bình đã đạt được nhiều thành công trong các cuộc đàm phán, góp phần quan trọng vào việc ký kết Hiệp định Pari 1973. Sau chiến tranh, bà tiếp tục cống hiến cho đất nước trong các vị trí quan trọng như Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII, IX, X.
Trong cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước”, bà Nguyễn Thị Bình gọi ngoại giao là một mặt trận đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một nhiệm vụ nặng nề, một trang rất quan trọng trong cuộc đời hoạt động của tôi”. Sự kiện bà Nguyễn Thị Bình nhận trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris gây ra “cơn bão” với giới truyền thông quốc tế. Bà với phong thái lịch thiệp, thái độ thân thiện, hòa nhã, tự tin để lại ấn tượng mạnh với những người gặp và báo chí lúc đó. Họ quay sang nói với nhau: “Việt cộng văn minh quá”, “đâu phải người từ rừng ra”…và săn lùng hình ảnh và tiểu sử của người phụ nữ trưởng đoàn “Việt Cộng”.
Nhà văn Thụy Điển Sara Lidman từng viết về Madame Nguyễn Thị Bình “Ở đâu có bà Bình, người ta không còn nhìn thấy ai khác…, khi nghe bà Bình nói, người ta không còn muốn nghe ai khác…, bà bí ẩn…, tinh tế…”. trong cuốn sách: “Trong trái tim thế giới”.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp) (Ảnh sưu tầm)
Những năm tháng tham gia đàm phán ở Hội nghị Paris, hình ảnh “Madam Bình” theo cách gọi của giới truyền thông vẫn luôn gây ấn tượng mạnh với báo chí phương Tây bởi những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc rắn rỏi, khi dí dỏm làm cho thế giới nể trọng, nhân dân nức lòng. Theo nữ nhà báo Pháp Madeleine Riffaud, mọi chính khách đều nhận xét: “Việt Cộng đã thắng lớn qua cuộc đón tiếp Madam Bình ở Paris. Bà Bình như bà hoàng, được đón như quốc trưởng, đủ nghi thức chính quy, lại được hoan nghênh nhiệt liệt. Bà Bình đã làm chấn động dư luận Paris và thế giới. Cờ Mặt trận đã tung bay ở Paris. Rất tuyệt! Thật hiếm có!”.
Năm 1985, khi Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ (nay là Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ) được thành lập bà Nguyễn Thị Bình đã tặng cho bảo tàng hai cây bút được sử dụng để ký Hiệp định Paris ngày 27/01/1973. Đây là một trong những kỷ vật quý gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp giải phóng dân tộc của bà Nguyễn Thị Bình và đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trong chuyên đề: “Hoạt động Quốc tế của phụ nữ miền Nam”. Hiện vật này không chỉ là một kỷ vật thông thường mà còn mang trong mình ý nghĩa lịch sử sâu sắc, tượng trưng cho sự kiên cường và quyết tâm của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến giành độc lập.
Ảnh: Bút của bà Nguyễn Thị Bình sử dụng trong ngày ký hiệp định Paris
được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Cây bút thuộc loại bút dạ, vỏ bút làm bằng nhựa, màu đen, do Đức sản xuất, hiệu Papeterie Josphgiberi (trên thân bút có ghi dòng chữ tiếng Anh: “Made in Germany” và “Papeterie Josphgiberi”). Bút hình trụ tròn thon ở hai đầu, có hai phần: Phần nắp bút dài: 6,5cm, đường kính nắp bút chổ lớn nhất rộng: 1,3cm, đường kính chổ nhỏ nhất rộng: 0,7cm, nắp bút có một chỗ để gài bút bằng inox; phần thân bút (từ chân đến vòng soắn ốc) dài: 8,6 cm, đường kính thân bút chổ lớn nhất rộng:1cm, chổ nhỏ nhất rộng 0,8cm; tổng chiều dài của bút (sau khi đậy nắp) dài: 13,4cm. Bút được thiết kế đơn giản nhưng rất tinh tế, thanh thoát.
Mỗi chiếc bút là một kỷ vật, là biểu tượng cho sự quyết tâm và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Việc trưng bày cây bút này tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ không chỉ giúp công chúng hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của bà là một nhà ngoại giao xuất sắc mà còn như một chiến sĩ cách mạng, một biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bền bỉ và kiên cường của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mà còn là biểu tượng cho phẩm chất cao quý của phụ nữ Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 2 năm 2025
Võ Cư
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Thị Bình (2012), Gia đình, bạn bè và đất nước, Nxb Tri Thức.
- Mặt trận dân tộc giải phóng Chính phủ cách mạng lâm thời tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2001
- Nguyễn Văn Sáu (2023) Hiệp định Paris 1973 – Đỉnh cao nghệ thuật vừa đánh, vừa đàm, báo Quân đội nhân dân. https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/hiep-dinh-paris-1973-dinh-cao-nghe-thuat-vua-danh-vua-dam-716951