Làng nghề truyền thống vốn có từ rất xa xưa, mỗi làng nghề là một địa chỉ văn hóa phản ánh nét độc đáo riêng biệt của từng địa phương.
Phụ nữ thường là người gánh vác những khâu chính trong quá trình tạo ra sản phẩm ở một số ngành nghề truyền thống như: nghề dệt vải, dệt chiếu, đan lát, nhuộm vải, làm gốm, bánh tráng,… Họ làm công việc này vào những lúc rãnh rỗi, để nuôi sống gia đình hoặc dùng cho sinh hoạt hằng ngày.
Ở miền Nam, nghề dệt vải truyền thống được các thế hệ phụ nữ nhiều dân tộc lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Dệt thổ cẩm của người Chăm là nghề mẹ truyền con nối. Có thể nói nghề dệt thổ cẩm được truyền bá đều khắp trong các làng Chăm: từ Hữu Đức, Chung Mỹ, Văn Lâm… ở Ninh Thuận đến các làng xa xôi nhất ở Bình Thuận. Trong đó làng nghề truyền thống Chakleng – Mỹ Nghiệp (Ninh Phöôùc – Ninh Thuận) của người Chăm là trung tâm dệt sản xuất đa dạng và nhiều mặt hàng nên được biết đến nhiều.
Phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số miền Trung và Tây Nguyên thường dệt các loại thổ cẩm với thị hiếu thẩm mỹ và hoa văn rất đa dạng với khung dệt khổ hẹp và đơn giản, thường ngồi dệt tại nhà.
Từ bao đời nay, vùng đất Tân Châu (tỉnh An Giang) đã nổi danh với làng nghề truyền thống dệt lụa. Lụa Tân Châu có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, độ bền lâu, mát mịn và quý phái… Lụa Tân Châu nổi tiếng với thương hiệu Lãnh Mỹ A – một loại lụa dệt bằng tơ tằm, được gia công bằng những công thức rất độc đáo – là một trong những loại mặt hàng “độc nhất vô nhị” đầy nét quyến rũ được rất nhiều phụ nữ ở thế kỷ XX mơ ước.
Người Kh’mer Nam bộ cũng lưu truyền nghề dệt vải truyền thống cho đến ngày nay đã gần 100 năm, nổi tiếng là làng lụa Kh’me Srây-Skoth (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang).
Bên cạnh nghề dệt vải, nhuộm vải truyền thống, nghề dệt chiếu cũng rất phổ biến tại các vùng nông thôn miền Nam: làng chiếu Định Yên – Đồng Tháp, làng chiếu An Thạnh – Ninh Thuận, chiếu Tân Thành – Cà Mau ….
Ngoài ra, nghề gốm ở miền Nam cũng rất phát triển, có nhiều làng gốm nổi tiếng với nhiều sản phẩm đẹp, được làm từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Ở làng gốm Bàu Trúc của người Chăm – Ninh Thuận, tất cả phụ nữ Chăm đều biết làm gốm. Các cháu gái 12-15 tuổi bắt đầu học nghề gốm, khi có chồng phải biết làm đủ các sản phẩm từ ấm đất đến lu đựng nước. Cả tỉnh Ninh Thuận có hàng chục làng Chăm nhưng chỉ có bàn tay phụ nữ và đất sét làng Bàu Trúc mới làm được đồ gốm.
Đến nay, làng gốm Thanh Hà (TX. Hội An, tỉnh Quảng Nam) vẫn duy trì nghề gốm truyền thống hơn 500 năm tuổi. Với nguyên liệu chính là đất sét và tài chế tác ở đôi bàn tay khéo léo của hầu hết là nữ nghệ nhân người Kinh đã tạo nên các sản phẩm gốm có nhiều hình dáng, màu sắc, độ bền rất riêng biệt.
Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã nghiên cứu và sưu tầm 460 hình ảnh và nhiều phim tư liệu về các nghề truyền thống ở miền Nam do phụ nữ đảm trách hoặc họ tham gia chủ yếu trong quá trình tạo ra sản phẩm. Việc bảo tồn nghề truyền thống của các dân tộc ở miền Nam không chỉ đơn thuần đem lại lợi ích kinh tế mà điều quan trọng là góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc.