Ở Tây Nguyên, trong đa số các cuộc Lễ tế của dân tộc thiểu số, ngôi vị được nhắc đến nhiều là những vị thần mang bổn mạng là Mẹ như Mẹ lúa, Mẹ núi, Mẹ sông, Mẹ bến nước … trong đó sứ mạng của chóe rượu cần ở các cuộc lễ rất quan trọng. Rượu cần là thức uống quý có trong mọi gia đình đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, được dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội làng và để dành đãi khách. Ở đó, chóe rượu không còn là vật đựng bình thường nữa, chóe rượu là nơi chất chứa những tâm tình, là nơi con người gởi gắm lời thỉnh cầu, gởi lời ước nguyện về một cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt … đến các vị thần linh, thông qua động tác nhắm rượu hoặc gieo những giọt rượu vào khoảng không bao la giữa đất trời Tây Nguyên.
Hơn nữa, đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, chóe rượu là tài sản quý thể hiện sự giàu có và sung túc ở mỗi gia đình. Quyền nắm giữ số tài sản quý giá đó được giao cho các bà, các mẹ hoặc các chị … có uy tín trong mỗi giòng tộc hoặc mỗi gia đình quản lý và cất giữ theo tập tục bao đời nay.
Hiện nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang lưu giữ 107 chiếc chóe trong Bộ sưu tập của mình. Địa bàn sưu tầm đa số ở các tỉnh thuộc khu vực Tây nguyên : Daklak, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng … một số ít sưu tầm từ các nhà sưu tập tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.