ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG CAO THỊ MAI – MỘT HUYỀN THOẠI CỦA VÙNG ĐẤT TÂN TRỤ

Tân Trụ – vùng đất Anh hùng, bình dị của tỉnh Long An, không chỉ nổi bật với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Nơi đây đã sản sinh ra những người con ưu tú, trong đó phải kể đến nữ Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Cao Thị Mai, người đã thể hiện tinh thần quả cảm và ý chí kiên định trong cuộc kháng chiến chống lại thực dân và đế quốc. Với lòng yêu nước mãnh liệt, bà không chỉ tham gia chiến đấu trên các mặt trận mà còn là nguồn động lực mạnh mẽ cho thế hệ trẻ trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Hãy cùng tìm hiểu về cuộc đời và những đóng góp của nữ anh hùng này, để tôn vinh những giá trị cao đẹp mà bà là một phần quan trọng trong dòng chảy lịch sử của quê hương Tân Trụ anh hùng.

Bà Cao Thị Mai (tên gọi khác là Má Bảy), sinh năm 1908, mất năm 2005, tại ấp Bình Tường, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An). Khi được tuyên dương Anh hùng, bà Cao Thị Mai đã 87 tuổi.

Ảnh: Anh hùng LLVTND Cao Thị Mai

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khổ, bà Cao Thị Mai sớm thấy được sự áp bức, bất công dưới chế độ thực dân phong kiến cùng tội ác của đế quốc, tay sai nên bà sớm tham gia hoạt động cách mạng (từ tháng 8 năm 1945), nhiệm vụ chủ yếu của bà là đưa thư từ, công văn, liên lạc móc nối cho cán bộ cơ sở. Trong vòng mười năm (từ 1948 đến 1949), một tay bà đã làm bốn hầm bí mật trong nhà để nuôi dấu cán bộ cách mạng. Dưới lòng đất nhà bà không lúc nào vắng cán bộ trú ẩn. Gia cảnh bà rất nghèo, con nhỏ, mẹ già, nhưng bà luôn lo toan đầy đủ, kịp thời cái ăn, cái mặc, thuốc men thiết yếu cho cán bộ ẩn trú dưới hầm. Một lần, thấy cán bộ bị bệnh, phải điều trị dài ngày dưới hầm bí mật, bà Cao Thị Mai đã không quản ngại đường xa, tần tảo sớm khuya, lo thuốc men, miếng ăn, giấc ngủ cho cán bộ như lo cho chính con ruột của mình.

Suốt 15 năm (1945 đến 1960), bà Cao Thị Mai đã nuôi dấu cả trăm cán bộ trong vòng kiểm soát, phong tỏa gắt gao của kẻ thù. Cả trăm cán bộ được nuôi giấu an toàn dưới hầm sâu nhà bà. Trong lúc đó, bà mất người con trai đầu (anh Nguyễn Văn Tuân, đại đội phó bộ đội địa phương tỉnh đã anh dũng hy sinh năm 1957). Ba năm sau, bà lại đưa người con trai kế tiếp (anh Nguyễn Văn Bé) gia nhập quân giải phóng nhân dân, ít lâu sau, đến lượt con gái út của bà (chị Nguyễn Thị Mười) lên đường nhập ngũ. Nhà bà chỉ còn ba người; bà Cao Thị Mai, con gái Tám Quận và người mẹ già gần 100 tuổi. Đến năm 1964, Tám Quận cũng thoát ly, công tác ở Hội Phụ nữ giải phóng xã Bình Trinh Đông.

Nhà nghèo, neo đơn, các con đều tham gia kháng chiến, nhưng bà Cao Thị Mai vẫn tham gia đấu tranh chính trị đòi dân sinh, dân chủ, chống khủng bố tại Lạc Tấn, Cai Tài, Tân Trụ, Tân An… Lúc này bà đã trên 50 tuổi, nhưng ý chí cách mạng của bà không hề giảm sút. Những năm 1960 là thời kỳ địch khủng bố vô cùng gắt gao, đánh phá khốc liệt vào các cơ sở cách mạng, bà Cao Thị Mai vẫn gắng gìn giữ ngôi nhà làm nơi trú quân, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, cung cấp tin tức cho du kích, bộ đội huyện, tỉnh, đặc biệt là anh em bộ đội từ miền Bắc vào. Bà Cao Thị Mai còn có sáng kiến cất một căn nhà ở giữa cánh đồng trống để làm thêm năm hầm bí mật, trong đó có một hầm ngầm bằng cây, sàn tráng xi măng, cách mặt đất 0,5 mét, rộng 24 mét vuông để bộ phận điện đài của Phân khu ba hoạt động và cất dấu tài liệu, vũ khí để chuyển đến các địa điểm cần thiết.

Bà Cao Thị Mai còn góp phần quan trọng vào việc canh gác, bảo vệ nhiều cán bộ lãnh đạo của huyện Tân Trụ, Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc, suốt năm năm trời (từ 1965 đến 1969).

Có thời gian địch càn quét, bắn phá khốc liệt bằng bom pháo, ấp Bình Tường trở thành bình địa và nhà bà Mai bị bom xăng cháy trụi, nhưng dưới lòng đất vẫn có anh em cán bộ trú đóng. Do đó, chừng năm, bảy ngày, hai mẹ con (bà và Tám Quận) thay nhau tìm cách trở về khu nhà cũ để tiếp tế cho cán bộ, nhất là thương binh.

Nhiều lần, địch nghi trong nhà bà có nuôi dấu cán bộ, nên chúng luôn rình rập, đeo bám, khi thì đóng quân trong nhà, lúc khám xét, hoặc giả làm cán bộ, bộ đội lạc đường, xin giúp đỡ… để có thể bắt quả tang bà Mai chứa chấp cán bộ cách mạng. Nhưng suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chưa một lần địch tìm ra dấu vết của hầm bí mật trong nhà má.

Vào một đêm mưa năm 1969, có bảy tên thám báo trên đường đi đã lùng sục vào nhà má đang lúc có bộ đội đóng quân. Biết địch phục kích trong nhà, đêm đó bà Mai không đóng cửa để làm dấu hiệu cho anh em cán bộ, bộ đội. Đêm ấy có một cán bộ trở về nhà bà Mai sau chuyến công tác. Thấy ánh sáng đèn dầu leo lét qua cánh cửa mở, lại nghe tiếng ngáy lạ từ nhà sau vòng lên, anh cán bộ nghi có địch phục kích nên không vào nhà, mà nhẹ nhàng vòng lại nấp sau lu nước cạnh cửa nhà sau, phát hiện thấy tên lính ngủ gật, tay ôm hờ khẩu súng. Xác định được nhà sau có địch, với ý thức bảo vệ cơ sở, anh cán bộ nhanh chóng vòng trở lại cửa trước, vào hầm. Thấy anh cán bộ đã vào hầm an toàn, bà Cao Thị Mai nghĩ ngay đến việc xóa dấu vết trên mặt đất bằng cách đánh thức Tám Quận giả bộ đi ngoài để xóa dấu vết cũ, thay thế bằng dấu chân Tám Quận.

Quả nhiên, sáng sớm địch thấy dấu chân, địch la ó là có “Việt cộng vào nhà”, nên ra lệnh bao vây, phá vách nhà. Bà Mai nhanh trí đấu lý với đám thám báo. “Đó là dấu chân con gái tôi đi ngoài lúc khuya. Chớ Việt cộng vô nhà sao mấy ông hổng thấy trong lúc mấy ông canh gác suốt đêm. Mấy ông làm như Việt cộng là thần thánh không bằng”. Địch đuối lý, đòi phá vách nhà. Không để bị động, bà Mai ra tay trước. Bà cùng con gái xắn quần, áo, mỗi người cầm một con dao bén chặt lia lịa vào vách bằng sống dao, vừa la lớn: “Bắt được Việt cộng, mẹ con tôi chịu chết, bằng không mấy ông phải dựng lại ngay tấm vách cho tôi”. Thấy mẹ con bà Mai làm găng, một tên thám báo phải lên tiếng: “Thôi mấy bà nội, không có Việt cộng thì thôi, làm gì dữ vậy? Sau đó cả bọn bỏ đi. Nhờ đó, anh cán bộ được bảo vệ an toàn.

Bằng mưu trí, sự linh hoạt, nhạy bén, trong nhiều tình huống khác nhau, má Bảy đã 15 lần cứu sống cán bộ, bộ đội. Đặc biệt, vào một đêm tháng 6 năm 1969, địch bố trí hai tên giả làm bộ đội lạc đơn vị trên đường chuyển quân, vào nhà bà Mai xin cơm để có cớ dò la dấu tích hầm bí mật. Nhưng thái độ, cử chỉ, lời nói của hai kẻ giả dạng này đã làm bà Mai nghi ngờ, nên bà từ chối khéo.

Hai tên bỏ đi một hồi, rồi quay lại cùng trưởng ấp, đi quanh nhà sục sạo. Khi không phát hiện được gì, cả ba tên xông vào trói hai mẹ con Tám Quận và bé Cúc (mới sáu tuổi) rồi hăm dọa, đánh đập tàn nhẫn, rồi đổ nước vào miệng hai mẹ con đến chết giấc. Địch bắt luôn cả bà Mai đem tra khảo đến chết đi, sống lại, nhưng bà không hề hé răng. Địch tức tối đổ nước vào miệng bà cho đến ngất xỉu mới chịu bỏ đi lùng sục phía ngoài, bà lết đến bên miệng hầm (dưới chuồng vịt) dặn bảy anh cán bộ dưới hầm: “Các con phải bình tĩnh! Cứ ở yên dưới hầm! Chừng nào má chết, các con tính sao cũng được”.

Một hồi sau, địch trở lại có đến mười tên, đứa tay cuốc, tay xẻng, đào bới tung nền nhà má lên. Không dừng lại, chúng mở cửa chuồng vịt, cuốc tung lớp trấu trộn lẫn phân vịt ngay trên nắp hầm bí mật. Suốt mấy tiếng đồng hồ đào bới, phần vì mệt mỏi, phần vì mùi hôi thối của phân vịt mà không tìm được dấu vết khả nghi, địch buộc phải tạm rút quân. Nhân cơ hội đó, bà Mai đến bên miệng hầm thì thầm động viên anh em cán bộ bình tĩnh, có gì bà sẽ lo liệu đối phó.

Sáng hôm sau, bà Mai thấy nhà mình bị bao vây bởi ba, bốn lớp lính, có quân địa phương, bảo an và cả lính Mỹ, với quân số khoảng 200 tên, được trang bị đầy đủ dụng cụ để vây hãm, đào bới căn nhà 40m2 của bà, vừa tra khảo ba người phụ nữ gồm một bà lão 61 tuổi, một phụ nữ yếu đuối và một bé gái sáu tuổi. Nhưng kẻ thủ phải chịu bó tay.

Hành động dã man của kẻ thù đã làm bà con cùng xóm ấp bất bình. Đồng bào tự động tập hợp hơn 30 đại biểu, kéo đến dinh quận Tân Trụ đấu tranh phản đối hành động tội ác đối với gia đình bà Mai, chống khủng bố, tra tấn người vô tội, đòi bồi thường thiệt hại cho gia đình bà Cao Thị Mai và kẻ thù đã phải nhượng bộ. Nhờ lòng dũng cảm, kiên cường chịu đựng sự tra tấn dã man của kẻ thù, mẹ con, bà cháu bà Cao Thị Mai đã bảo vệ an toàn tính mạng của bảy cán bộ cách mạng cùng nhiều máy móc, tài liệu quan trọng và vũ khí ở dưới hầm bí mật, ngay trước mũi súng kẻ thù.

Suốt chiều dài cuộc chiến tranh giải phóng (1945 – 1975), trong vòng 30 năm, bà Cao Thị Mai đã tự đào chín hầm bí mật để nuôi dưỡng, che dấu trên 300 cán bộ, chiến sỹ, chăm sóc gần 20 thương bệnh binh. Đặc biệt, có một thương bệnh binh được bà Mai nuôi dưỡng hơn một năm. Đồng thời, bà Mai còn bảo đảm các địa điểm tập kết hàng chục tấn vũ khí an toàn để chuyến đi các địa điểm cần thiết. Ngoài ra, bà Cao Thị Mai còn làm nòng cốt và trực tiếp tham gia khoảng 30 cuộc đấu tranh chính trị, cùng hàng trăm lần chuyển thư, liên lạc, móc nối cho cán bộ cách mạng. Thời kỳ địch bình định ác liệt, bà Mai đã gan dạ, mưu trí cứu sống hàng chục cán bộ.

Hai mẹ con bà Mai có một héc ta ruộng hai vụ, bà Cao Thị Mai đã giành hai phần ba số lúa để nuôi quân suốt ba thập kỷ kháng chiến chống đế quốc xâm lược. Bà Cao Thị Mai còn là người tích cực vận động hàng chục bà con lối xóm quyên góp tiền của công sức lo chôn cất rất nhiều chiến sỹ cách mạng hy sinh. Bà Cao Thị Mai có bốn người con: hai con trai duy nhất đã hy sinh trong kháng chiến, hai cô con gái còn lại đều là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Với những thành tích đã cống hiến cho cách mạng, bà Mai đã được tặng thưởng một Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba, một Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, một bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, một bằng khen.

Sau giải phóng không bao lâu, do một căn bệnh hiểm nghèo và hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bà Mai đã bị mù cả hai mắt, nhưng bà vẫn động viên con gái yên tâm công tác. Gia đình bà luôn đi đầu trong mọi phong trào ở quê hương, nên được tặng danh hiệu “Gia đình liệt sỹ gương mẫu”. Bà Cao Thị Mai là một hạt nhân điển hình mẫu mực, tiêu biểu về người mẹ chiến sỹ cách mạng.

Ngày 20 tháng 8 năm 1995, bà Cao Thị Mai đã được chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Để nghi nhớ và tri ân những cống hiến, sự hy sinh của  Anh hùng LLVTND Cao Thị Mai, nhân dân và chính quyền huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đã đặt tên bà cho một con đường huyết mạch nối thị trấn Tân Trụ với xã Bình Trinh Đông. Từ đó tiếp thêm sự tự hào về truyền thống anh hùng của đất và người Tân Trụ, nhắc nhở thế hệ sau học tập, làm việc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển.

Chú thích

1 Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Quân khu 7, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1996.

2 Hội LHPN Tỉnh Long An (2002), Phụ nữ Long An – Lịch sử và truyền thống, Nxb Công An Nhân Dân.

   

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8 tháng 10 năm 2024

Võ Cư

Phòng Truyền thông, Giáo dục và Quan hệ Quốc tế

 

Tour 360° Tour 360° 360 Tour