An Giang – đất người chưa bao giờ tự nhận là địa linh nhân kiệt nhưng với địa thế, địa hình đặc trưng… trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân An Giang đã cùng với quân dân cả nước lập nên những chiến công vang dội. Cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một minh chứng cho nhận định ấy. Từ sau cách mạng tháng tám năm 1945, để cho phù hợp địa bàn kháng chiến, tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc được tách lập nhiều lần: Năm 1948, ta chia Long Xuyên thành Long Châu Tiền, Châu Đốc thành Long Châu Hậu. Cuối năm 1950, Hà Tiên nhập vào Long Châu Hậu thành Long Châu Hà. Giữa năm 1951, Sa Đéc nhập vào Long Châu Tiền thành Long Châu Sa.Cuối năm 1954, ta lập lại hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên. Giữa năm 1957, ta thiết lập tỉnh An Giang trên cơ sở sáp nhập Long Xuyên và Châu Đốc.
I/. Sơ lược tình hình trước cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968
- Chính quyền ngụy quyền
Bước sang năm 1965, tổ chức các cấp của địch ở An Giang gồm Long Xuyên và Châu Đốc đã cơ bản kiện toàn về mọi mặt. Chúng coi An Giang là vùng trọng điểm nên chỉ trong hai năm 1964 – 1965, địch đã tập trung xây dựng 254 ấp tân sinh. Thế nhưng, Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh An Giang vẫn kiểm soát được vùng đất đáng kể hơn tỷ lệ đất và dân mà địch chiếm giữ. Do vậy ngụy quyền An Giang ra sức tăng cường phát triển mạnh lực lượng quân sự trên địa bàn tỉnh.
Súng đạn và bạo lực vẫn được ngụy quyền An Giang sử dụng chủ yếu trên địa bàn nhằm “bình định chính trị” mặc dù kế hoạch xây dựng ấp tân sinh đã “hoàn thành mỹ mãn” như địch báo cáo về ngụy quyền Trung ương.
Trong đó, Châu Đốc được địch xem là vùng trọng điểm bình định quân sự nên được đặt trong biệt khu 41 của vùng 4 chiến thuật ngụy. Công cuộc bình định, khai hoang được quân ngụy tiến hành với chiến thuật “vết dầu loang” bằng các cuộc hành quân càn quét quy mô lớn để dồn dân quy khu và phá địa hình vùng căn cứ cách mạng. Vùng núi Dài, núi Cấm, núi Tô, Thới Sơn, Xuân Tô bị địch đánh phá ác liệt bằng máy bay, pháo lớn.
Tháng 3/1965, lần đầu tiên địch cho máy bay chiến lược B52 ném bom vùng Ô Tà Sóc (Lương Phi – núi Dài) đánh phá các cơ quan Tỉnh ủy, Tỉnh đội. Trận đánh xảy ra ác liệt một số chiến sỹ của ta hy sinh. Sau trận này, một số cơ quan của tỉnh phải dời xuống đồng Tràm – Hà Tiên.
Âm mưu chung của địch là tiếp tục hành quân càn quét khai hoang, quy khu dồn dân, đẩy mạnh hành động phản nội tuyến, chiêu hồi, thanh lọc nội bộ. Riêng vùng núi, chúng tổ chức và huấn luyện bọn “ Miên khăn trắng” đầu hàng thành các đơn vị biệt kích ác ôn để đánh phá căn cứ địa cách mạng trên toàn tuyến biên giới Châu Đốc – Hà Tiên. Ở địa bàn Long Xuyên – An Giang, trọng tâm của địch là càn quét vùng đồng tràm Huệ Đức, cánh đồng Năm xã (huyện Châu Thành) và đẩy mạnh công tác bình định, tình báo, chiêu hồi.
Sau một thời gian dài truy lùng, mua chuộc để tìm dấu vết cơ sở cách mạng ở nội ô Long Xuyên, ngày 30/4/1967 và những ngày kế tiếp, địch lần lượt bắt giữ nhiều cán bộ lãnh đạo đội biệt động như đồng chí Mười Thành, Út Đường, Thủy, Tuệ, Châu… và nhiều cán bộ cơ sở nội ô khác. Đội tự vệ mật (bộ phận bên trong của biệt động) hầu như tan rã. Đường dây liên lạc với bên ngoài bị gián đoạn. Cơ sở nội tuyến trong tiểu khu Long Xuyên (đồng chí Hai Nghiêm) cũng bị bắt.
Tháng 8/1967, địch mở trận càn lớn vào đồng tràm Huệ Đức buộc lực lượng cách mạng của ta ở đây và thị xã Long Xuyên phải tạm rút về Sóc Triết (núi Tô) nhằm bảo toàn lực lượng.
Tuy bị địch tập trung bằng hỏa lực mạnh đánh phá ác liệt vào các vùng căn cứ trọng điểm là ở thị xã Long Xuyên, vùng Bảy Núi và dọc hành lang biên giới Châu Đốc – Hà Tiên nhưng nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp chặt chẽ trong từng giai đoạn cách mạng tại địa phương nên quân và dân An Giang vẫn giữ vững vùng căn cứ nhất là vùng căn cứ lớn.
- Lực lượng cách mạng
Để giải tỏa bớt áp lực của địch trên đường hành lang biên giới từ Bảy Núi – Châu Đốc – Hà Tiên và nội ô thị xã Long Xuyên, Tỉnh ủy, Tỉnh đội An Giang đã có những quyết sách đúng đắn và phù hợp, sát với tình hình lúc bấy giờ trên địa bàn toàn tỉnh.
Về hoạt động quân sự, ngay những ngày đầu của tháng 01/1965, lực lượng vũ trang của tỉnh An Giang đã chủ động đánh địch khắp nơi. Bộ đội địa phương Châu Thành phối hợp với biệt động thị xã Long Xuyên tổ chức đánh chống càn tại mương Hai Trâm buộc địch phải bỏ dở cuộc càn quét. Lực lượng cách mạng rút về đồng Tràm Huệ Đức an toàn. Ngay sau đó, Trung ương chỉ đạo cho hai đại đội bộ binh của Tiểu đoàn 364, một bộ phận trợ chiến và thông tin, trinh sát về hoạt động tại khu vực đồng Tràm Huệ Đức. Mục đích hành động này là đánh địch, phá thế kềm kẹp của địch ở các ấp tân sinh, ngăn chặn địch mở rộng hành động càn quét vào căn cứ đồng Tràm Huệ Đức, phá vỡ kế hoạch đào kênh, xây dựng đồn bót của địch.
Với ý định đánh địch để mở rộng vùng B2 (Cả Hàng) xuống vùng Châu Đốc, Châu Phú và kềm chân địch ở vùng Bảy Núi, Ban chỉ huy tỉnh đội điều quân phối hợp với bộ đội địa phương huyện Châu Phú, biệt động thị xã Châu Đốc tấn công vào một số cứ điểm địch ở núi Sam, pháo kích vào thị xã Châu đốc. Sau trận đánh, cả tỉnh An Giang dấy lên phong trào thi đua diệt Mỹ.
Mùa khô năm 1966 – 1967, chiến trường vùng Bảy Núi và biên giới càng trở nên sôi động.
Tháng 4/1967, Tiểu đoàn 267 thuộc Quân khu 8 phối hợp bộ đội tỉnh An Giang mở chiến dịch Xuân – Hè đánh vào một số đồn bót địch trên toàn tuyến hành lang biên giới và vùng Bảy Núi: Vĩnh Xương, Khánh An, Khánh Bình, Phú Hội.
Theo sự chỉ đạo của cấp trên, lực lượng vũ trang tỉnh An Giang củng cố lại lực lượng nhằm thực hiện nhiệm vụ vừa đánh địch bảo vệ căn cứ vừa sắp xếp tổ chức, củng cố lực lượng chuẩn bị cho đợt tổng phản công mùa khô 1967 – 1968.
Những trận đánh lớn của lực lượng vũ trang An Giang trong năm 1967 đánh dấu bước trưởng thành đáng kể về trình độ tác chiến hợp đồng binh chủng và phối hợp giữa các lực lượng bộ đội tỉnh, bộ đội địa phương huyện, du kích xã, ấp. Kết quả là đã phá vỡ một phần tuyến phòng thủ của địch trong toàn tỉnh, gây ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần ngụy quân, ngụy quyền, góp phần quan trọng vào việc củng cố vùng giải phóng và căn cứ cách mạng của ta.
Cuối năm 1967, Tỉnh ủy An Giang nhận được chỉ thị của Khu ủy về việc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
II/. Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân an giang Xuân Mậu Thân 1968
- Đấu tranh vũ trang
Bị thua đau liên tiếp trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” trên toàn chiến trường miền Nam. Trên địa bàn tỉnh An Giang, đặc biệt là vùng Châu Đốc – Long Xuyên thế địch vẫn còn mạnh. Chúng tập trung quân ở các cứ điểm vùng Bảy Núi, tăng cường đánh phá, ngăn chặn con đường tiếp tế từ Campuchia về vùng giải phóng. Đặc biệt, địch ra sức dung dưỡng bọn “Miên khăn trắng” và triệt để lợi dụng tôn giáo để chống cộng.
Thực hiện Nghị quyết của cấp trên, quân và dân An Giang tích cực chuẩn bị chiến dịch với tinh thần rất khẩn trương và bí mật. Cuối tháng 12/1967, phương án tác chiến của tỉnh cơ bản đã xây dựng xong và được Khu ủy Khu 8 thông qua. Giữa tháng 1/1968, công việc chuyển quân về các vị trí tập kết, chuẩn bị cơ sở hậu cần, chọn mục tiêu cụ thể đã hoàn thành. Tiểu đội 2 và các phân đội pháo, đặc công, trinh sát, thông tin chuyển từ Núi Dài ra căn cứ B2 đóng quân với lực lượng vũ trang huyện Châu Phú và biệt động thị xã Châu Đốc.
Ngày 28/01/1968, Tỉnh ủy nhận được Chỉ thị của Khu ủy về ngày, giờ Tổng tấn công và nổi dậy theo tinh thần Trung ương Cục phổ biến. Ban Chỉ huy quân sự các mặt trận cũng được thông báo thống nhất thời gian tấn công vào giữa đêm 30/01/1968 nhằm vào giữa đêm mùng 1 tết Mậu Thân 1968. Ngay sau khi nhận lệnh, lực lượng vũ trang các cấp và dân công hỏa tuyến đã vào vị trí xuất phát.
Cùng lúc đó, lợi dụng địch nghỉ ngơi vui tết, quân và dân An Giang âm thầm chuyển quân vào các điểm xuất phát tấn công. Sau gần một đêm hành quân từ núi Dài Lớn về căn cứ Thới Sơn (Tịnh Biên) trong tiếng pháo, tiếng súng đón giao thừa. Ban Chỉ huy chiến dịch, Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 3 đã bí mật ém quân trong nhà dân chờ trời tối để tiến quân ra thị xã Châu Đốc.
Chiều mùng 1 tết, lợi dụng sương mù dày đặc, lực lượng quân chính quy của tỉnh cùng dân công hỏa tuyến bắt đầu hành quân trên cánh đồng Vĩnh Tế, Thới Sơn… Hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ vượt kênh Trà Sư giăng hàng ngang hành quân thần tốc với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” tập kết ở chân núi Sam cách Châu Đốc. Theo đúng hợp đồng tác chiến, tối mùng 1 tết Mậu Thân (nhằm ngày 30/01/1968), cánh quân ở B2 vượt kênh Vĩnh Tế, băng qua lộ Cây Trâm về khu vực chòm gáo “cò kêu”. Tại đây, đơn vị của đồng chí Năm Sương nhập với cánh quân thứ 2 hợp thành lực lượng gồm cả ngàn con người mà vẫn giữ được bí mật.
2 giờ sáng ngày 31/01/1968 (rạng sáng ngày mùng 2 tết Mậu Thân) quân ta đồng loạt nổ súng vào các mục tiêu đã định. Sau vài giờ giao tranh, lực lượng cách mạng gần như làm chủ hoàn toàn thị xã Châu Đốc. Trọn ngày mùng 2 tết, tiếp tục củng cố các vị trí đã chiếm được trong đêm, tạo thế bao vây địch ở các mục tiêu còn lại.
Đến trưa ngày mùng 2 tết, qua tin tức quân báo kỹ thuật tình hình chiến trường chung của tỉnh An Giang diễn biến phức tạp theo chiều hướng bất lợi. Hai mục tiêu chính ở đồng bằng sông Cửu Long là Mỹ Tho và Cần Thơ quân cách mạng không xâm nhập được vào nội ô vì bị địch tập trung phản kích dữ dội. Địch đang chuẩn bị đưa lực lượng chủ lực chi viện cho các thị xã khác, trong đó có Châu Đốc.
Khu vực Châu Thành – Long Xuyên, quân giải phóng bị chặn đánh ở cánh đồng Năm Xã và địch đã bịt kín các cửa ngõ vào nội ô Long Xuyên. Mũi vũ trang nội ô Long Xuyên cũng chỉ phá được phà Vàm Cống.
Chiều tối mùng 2 tết, Ban Chỉ huy chiến dịch họp bàn đánh giá tình hình và nhận định: địch sẽ tập trung phản kích từ hướng Long Xuyên lên, địch ở vùng Chi Lăng sẽ kéo ra chi viện cùng lực lượng biệt động quân, biên phòng ở An Phú xuống tạo thế bao vây, cắt đứt đường rút quân của ta. Vì thế, để bảo toàn lực lượng, Ban Chỉ huy chiến dịch nhất trí quyết định cho quân rời khỏi thị xã Long Xuyên và Châu Đốc. Từng bộ phận lùi về theo đường đã hành quân, củng cố lực lượng rồi trở vào đánh địch ở đợt sau.
Đội nữ pháo binh Tri Tôn – mối đe dọa của các đồn, bót địch ở vùng Núi Tô, năm 1968 -1969
(Ảnh tư liệu Bảo Tàng An Giang)
- Đấu tranh chính trị
Trong khí thế đi lên của phong trào phụ nữ cả nước, năm 1963, Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh An Giang được tổ chức tại xã Long Phi, huyện Tri Tôn. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 8 đồng chí do đồng chí Nguyễn Thị Anh làm Hội trưởng. Các huyện đều có Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng. Đại hội đã đánh dấu bước phát triển phong trào đấu tranh của phụ nữ tỉnh An Giang. Từ một ban vận động phụ nữ đấu tranh đã trở thành một tổ chức chính thức gắn liền với Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam.
Kế thừa chủ trương của Ban phụ vận, Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng tỉnh An Giang tiếp tục vận động phụ nữ đi theo đường lối đấu tranh chính trị, kết hợp đấu tranh vũ trang và binh vận. Đồng thời, với đặc điểm và tình hình riêng của tỉnh, Hội chú trọng công tác vận động phụ nữ tôn giáo và dân tộc, chủ yếu là Khmer.
Đầu năm 1964, chị Ba Danh – ủy viên Thường vụ dân tộc Khmer vận động được 15 thanh nữ dân tộc Khmer thoát ly làm nhiệm vụ dân công hỏa tuyến, tải đạn, cáng thương… phục vụ cho bộ đội đánh đồn, bót, phá đường giao thông. Đội đã hoạt động rất tích cực và được Huyện ủy Tri Tôn quyết định chuyển thành đội võ trang tuyên truyền.
Đội võ trang tuyên truyền đã cùng với đội văn công của huyện Tri Tôn gồm 11 người trong đó có 8 nữ vừa kết hợp tuyên truyền, vận động bà con dân tộc làm dân công, tải thương tải đạn, vừa phối hợp tác chiến với lực lượng võ trang của huyện, tỉnh.
Tháng 01/1965, Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng An Giang mở lớp tập huấn đặc biệt về đấu tranh chính trị. Lúc này, tổ chức cơ sở được xây dựng và phát triển mạnh. Ban chấp hành Hội phụ nữ xã, ấp hình thành trong toàn tỉnh. Chị em hưởng ứng tích cực các phong trào sản xuất, đóng thuế nông nghiệp, ủng hộ bộ đội…
Năm 1965, tỉnh An Giang thành lập Ban đấu tranh chính trị, hệ thống xuống đến cấp huyện. Các đồng chí Lâm Thị Mai (Tám Thành), Lý Thị Xem được tỉnh rút qua làm Trưởng và Phó ban. Được Ban đấu tranh chính trị lãnh đạo, lực lượng đấu tranh chính trị tỉnh An Giang tổ chức ngày càng chặt chẽ hơn, quy mô hơn, phong trào đấu tranh của quần chúng được mở rộng và giành nhiều thắng lợi. Những năm tiếp theo sau, nhiều cuộc đấu tranh chính trị nổ ra. Ngày 22/1/1967, hơn 2.000 học sinh thị xã Châu Đốc rầm rộ xuống đường biểu tình chống bắt lính, buộc địch phải nhận giải quyết các yêu sách của học sinh. Công tác chính trị, phụ vận được đẩy mạnh đánh phá các cơ sở hậu cần của địch. Cán bộ phụ vận được tập trung về vùng yếu, thị xã, thị trấn nhằm tăng cường xây dựng cơ sở, chống lại chính sách “nữ hóa quân sự” của địch, chống việc mở trường đào tạo nữ quân nhân, đào tạo nữ cảnh sát viên. Đặc biệt, phong trào bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ Việt Nam được phát động.
Năm 1966, đồng chí Trương Thị Việt Bích và đồng chí Tư Phụng ra hoạt động công khai thành lập “Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ Việt Nam tỉnh An Giang”. Ngày 25/12/1966, Hội đã tổ chức buổi Hội thảo có gần 200 nữ giáo chức, nữ sinh và vợ con sĩ quan, binh lính ngụy tham gia. Nội dung Hội thảo là “chống Mỹ đổ quân vào miền Nam gây tội ác cho nhân dân Việt Nam. Năm 1967, đồng chí Trương Thị Việt Bích thành lập hàng loạt các tổ chức công khai trong lực lượng giáo giới và học sinh như: Hội nhà giáo yêu nước thị xã Long Xuyên, Hội ái hữu giáo chức bậc tiểu học thị xã Long Xuyên, Hội Liên hiệp giáo giới, Tỉnh hội giáo giới, Thanh thiếu nữ bảo vệ nhân phẩm ở các trường học, thị xã Long Xuyên. Thông qua các tổ chức này, phụ nữ giáo giới và học sinh An Giang đã tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị đòi các quyền dân sinh, dân chủ, nhiều lần gửi kiến nghị đến ngụy quyền các cấp đòi tăng lương cho giáo chức, giảm gia sinh hoạt, chống thuế kiệm ước, đòi cấp nhà cho giáo viên… với hàng ngàn chữ ký, trong đó có trưởng, phó ty và các vị thanh tra ngành giáo dục.
Cuối năm 1967, đầu năm 1968, để chuẩn bị cho chiến dịch, một số cán bộ phụ nữ được phân về vùng yếu ở thị xã Long Xuyên và Châu Đốc, kết hợp cùng cán bộ bán hợp pháp tại địa bàn xây dựng lực lượng nội ô. Đồng chí Lâm Thị Mai (Tám Thành) được bổ sung vào cấp ủy thị xã Long Xuyên và phụ trách Ban cán sự quận 2 còn có thêm các đồng chí Sáu Ánh, Bảy Vải. Các chị tiến hành củng cố tổ chức và phát triển thêm cơ sở gồm 30 người.
Ở thị xã Châu Đốc và Châu Phú, các chị cũng tích cực nắm lại số cơ sở nòng cốt, xây dựng lõm nhân dân chuẩn bị điểm trú đóng và ém quân cho lực lượng vũ trang tại chỗ cũng như bộ đội chính quy thọc sâu vào nội ô. Đồng thời vận chuyển vũ khí vào nội thành, chuẩn bị cờ, truyền đơn, khẩu hiệu… phục vụ chiến dịch. Công tác tải đạn, vũ khí thì ngoài đội tải 40 người của hậu cần tỉnh còn có khoảng 4.000 dân công hỏa tuyến được huy động chủ yếu ở các xã: Nhơn Hưng, Thới Sơn, Ba Chúc, Vĩnh Gia, Lạc Quới. “Nhiệm vụ của nữ dân công hỏa tuyến là vác đạn, tải vũ khí. Mỗi người có thể vác tới 10 trái đạn B40 hoặc B41 nặng chừng 30kg đi đoạn đường từ Thới Sơn xuống Châu Đốc có chiều dài khoảng 15 km hoặc làm công tác hậu cần vác lương thực, thực phẩm, vũ khí xuất phát từ căn cứ B1 Lò Gò. Lộ trình đi qua Tân Châu, tà Keo (Campuchia) xuống núi Dạ Lớn tới Ba Chúc, lên vùng Thới Sơn rồi tập kết ở Châu Đốc. Thời gian đi bộ tải đạn ở tuyến đường này khoảng một tuần”. (Theo lời kể của chị Phạm Thị Ánh, nữ dân công hỏa tuyến xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên)
Ở Long Xuyên, Châu Đốc đều có tổ nữ du kích mật có nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội trong các mũi tấn công. “Từ năm 1964-1965, tôi làm cơ sở nuôi chứa bộ đội, đến năm 1968 tôi chính thức tham gia du kích mật tại địa phương. Ban ngày tôi làm công việc bình thường nhưng ban đêm được trang bị vũ khí là khẩu súng lục để tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968. Kết hợp với cán bộ và phụ nữ xã tổ chức họp dân, vận động dân cùng tham gia nổi dậy. Hồi đó tôi được nghe là làm cách mạng sẽ được giải phóng dân tộc, được tự do. Mọi người ai cũng phấn khởi, không sợ chết.” (Theo lời kể của chị Huỳnh Thị Hoa, du kích xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên)
Ở thị xã Long Xuyên, Ban Chỉ huy tiền phương đặt tại nhà ông Bảy Thu gồm các chị: Tám Thành (Lâm Thị Mai), Mười Liên, Ba Vân. Các chị có nhiệm vụ bắt liên lạc với chỉ huy Sở và cán bộ cốt cán của thị xã. Điểm chủ yếu tổng tấn công của tỉnh An Giang là Thị xã Châu Đốc. Khi bộ đội chủ lực cùng địa phương quân huyện Châu Phú áp sát thị xã đã liên lạc được với lực lượng bên trong cùng hợp đồng nổi dậy.
Ở Châu Đốc, các chị được học tập ở trong căn cứ B2 và bố trí theo từng khu vực. Các chị đã xây được một số cơ sở cho các đồng chí trong cấp ủy và đội biệt động thị xã bám trụ trong nhà. Đặc biệt, các chị đã vận động được một số gia đình khá giả tham gia cách mạng. Họ là những gia đình có uy tín nên thuyết phục được nhiều người cùng tham gia ủng hộ tiền bạc, thuốc men giúp đỡ cách mạng. Ở các địa điểm mình phụ trách, các chị đã vận động cơ sở, đồng bào nổi dậy diệt ác, phá kềm, vận động bà con tiếp tế cơm nước cho bộ đội. Khu vực trung tâm chợ thị xã Châu Đốc, phụ nữ tiểu thương đón đội biệt động gồm 12 tay súng về ém quân. Các chị còn đảm trách thêm nhiệm vụ chăm sóc thương binh, chuyển quân cho đến người cuối cùng rút lui an toàn ra khỏi thị xã Châu Đốc.
Tại thị xã Long Xuyên, chị Mười Liên chỉ huy đồng chí Ba Du đặt mìn phá hủy cầu bắc Vàm Cống để chặn viện quân của địch. Chị Cảnh, một nòng cốt của ta trong lực lượng cảnh sát ngụy treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên cột đèn đầu đường Lý Thường Kiệt. Cô Ran rải truyền đơn dài từ đường Lý Thường Kiệt đến tòa hành chính tỉnh.
Ở Tịnh Biên, lực lượng du kích phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh chính trị bao vây đồn Cây Trâm ở xã Nhơn Hưng, nay là thị trấn Nhà Bàng. Trận này tay không mà lấy được đồn, phụ nữ xã Nhơn Hưng được Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam tặng bằng khen.
Trong khi lực lượng võ trang tham gia chiến đấu thì nữ dân quân làm nhiệm vụ tiếp tế, tải thương. Khắp các quận ở nội ô, phụ nữ hưởng ứng sôi nổi, toàn tỉnh có khoảng 150 chị liên tục phục vụ chiến đấu.
- Binh vận – dân vận
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy vào thị xã Châu Đốc tuy không đạt kết quả như mong muốn nhưng đã giáng cho địch một đòn khá nặng nề như địch đã thừa nhận: Châu Đốc và Bến Tre là hai nơi bị quân giải phóng đánh nặng nhất ở các tỉnh miền Tây. Trong đó, công tác binh vận và dân vận, bao gồm vận động tín đồ các tôn giáo và đồng bào dân tộc Khmer đi theo cách mạng là một đóng góp đáng kể mà quân và dân An Giang mà nòng cốt là phụ nữ. “Ai gần dân là được dân” – câu nói ngắn gọn mà chứa đầy cảm xúc như lời tổng kết công tác bám dân trong suốt cuộc kháng chiến mà đồng chí Phạm Thị Ánh, một nữ dân công hỏa tuyến của thị trấn Nhà Bàng đã từng nói.
Địch chia An Giang ra thành 4 vùng: núi rừng, đồng bằng, thành thị và tuyến biên giới. Trong đó, Tịnh Biên là trọng điểm đánh phá toàn diện của địch vì vừa là vùng núi có căn cứ của cách mạng vừa là vùng biên giới cửa ngõ đường hành lang chiến lược với nước bạn Campuchia và miền Tây – Khu 9. Đảng ta cũng dựa vào đặc điểm đó làm công tác vận động, tuyên truyền dân, tín đồ tôn giáo và dân tộc Khmer. Tháng 7/1968, Nguyễn Văn Thiệu cho lập Ủy ban phượng hoàng tỉnh An Giang. Chúng lập ra 12 đoàn xây dựng nông thôn có 12 trung đội nghĩa quân yểm trợ. Ngoài ra, chúng còn tác động chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, cho Trung ương giao hội phật giáo Hòa Hảo lập “Bảo An quân”. Đối phó với địch, ta vận động quần chúng phối hợp nhịp nhàng với bà con phum sóc rầm rộ biểu tình phản đối chính sách dồn dân lập ấp… Bà con vận động hàng trăm binh lính người Khmer bỏ súng về nhà.
Trước tình hình diễn biến gay go phức tạp bất lợi cho ta, Tỉnh ủy chủ trương chui sâu, chui mũi dùi vào “bám dân, bám cơ sở” kiên trì hoạt động. Trong tình hình này, nam giới ra hoạt động rất khó khăn nên hầu hết cán bộ nữ được bố trí ở lại hoạt động trong thị xã, thị trấn… Tại vùng yếu, vùng có đạo, phụ nữ vẫn là người tiên phong đi xây dựng cơ sở, tổ chức tham gia đấu tranh dưới mọi hình thức.
Riêng đối với vùng tôn giáo Hòa Hảo, phụ nữ kết hợp với bộ đội mang danh ông Mười Trí phát động phong trào chống bắt lính trong tín đồ Hòa Hảo. Nhiều thanh niên tín đồ thoát ly theo “bộ đội ông Mười” trốn vào vùng giải phóng làm ruộng sản xuất hoặc tham gia du kích tại chỗ. Có những thanh niên tín đồ lỡ bị địch bắt vào dân vệ, bảo an, nghĩa quân thì được chị em phụ nữ vận động không đi bắt bớ, càn quét, cướp bóc tài sản của đồng bào, không chỉ điểm cơ sở cách mạng. Bằng cách này hay cách khác, ta đã hạn chế được mức độ bắt lính của địch. Nhiều đồn bót địch bị vô hiệu hóa, lính đồn để cho đồng bào về vườn cũ làm ăn.
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 của quân dân An Giang đã đưa phong trào khởi nghĩa giành chính quyền, giành quyền làm chủ của quần chúng lên một bước, làm hạn chế âm mưu của địch là lấn chiếm vùng căn cứ Bảy Núi của lực lượng cách mạng. Tạo thế tranh chấp ở vùng yếu, vùng tôn giáo và mở rộng địa bàn địa đứng chân cho các lực lượng vũ trang của ta làm bàn đạp tấn công địch trên mọi mặt trận từ thành thị đến nông thôn, từ vùng rừng núi đến đồng bằng và tuyến hành lang biên giới của tỉnh An Giang. Với chiến lược mới, địch ra sức thực hiện âm mưu bình định cấp tốc trong 2 năm 1968, 1969 nhằm chiếm lại những vùng đã mất.
Trong giai đoạn này, chiến trường An Giang cũng là một trong những trọng điểm bình định của địch. Với những diễn biến phức tạp của địa bàn tôn giáo, dân tộc và biên giới, quân và dân An Giang đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và hy sinh tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy, góp phần cùng miền Nam đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ – Ngụy, buộc chúng phải chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và từng bước xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Paris năm 1973, rút hoàn toàn quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, tạo tiền đề cho đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 02 năm 2023
Mai Phước Lâm
Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm- Trưng bày
Tài liệu tham khảo:
- Đảng ủy – Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang (2001), Lực lượng vũ trang nhân dân An Giang 30 năm kháng chiến (1945-1975), tập 2, NXB Quân đội nhân dân, 391tr.
- Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tịnh Biên (2012), Lịch sử Đảng bộ huyện Tịnh Biên 1930-2010,
- Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh An Giang (1995), Truyền thống cách mạng của phụ nữ An Giang, 191tr.
- Trần Thanh Phương (1984), Những trang về An Giang, NXB Văn nghệ An Giang, 286tr.