Ngày 23/11/2021, trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Paris (Pháp), UNESCO đã thông qua danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023” và nữ sĩ Hồ Xuân Hương là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được vinh danh trong đợt này.
Nguyễn Thị Thu Hồng
Ngày 23/11/2021, trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Paris (Pháp), UNESCO đã thông qua danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023” và nữ sĩ Hồ Xuân Hương là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được vinh danh trong đợt này.
Hồ Xuân Hương (1772-1822), tên thật là Hồ Phi Mai, quê gốc ở Nghệ An, sinh trưởng ở Thăng Long (nay là Hà Nội). Thuở nhỏ, Hồ Xuân Hương đã nổi tiếng chăm chỉ, thông minh và làm thơ rất hay. Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn xã hội phong kiến Việt Nam có nhiều biến động tiêu cực, bà đã chứng kiến được cảnh người phụ nữ bị chà đạp với tư tưởng lúc bấy giờ là “trọng nam khinh nữ”. Chính điều này đã ít nhiều ảnh hưởng lên các sáng tác của bà sau này.Vốn tư chất thông minh và hiếu học, lớn lên tài sắc hơn người nhưng tình duyên trắc trở, cuộc đời bà trải qua nhiều biến cố. Bà để lại cho đời sau nhiều tác thơ Nôm và thơ chữ Hán có giá trị. Cuộc đời “Bà chúa thơ Nôm” đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm văn học, hội họa, sân khấu, âm nhạc. Tên bà được đặt cho nhiều tên đường, tên phố ở các thành phố lớn.
Những người phụ nữ vang danh một thời có thể kể Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm với bản diễn Nôm “Chinh phụ ngâm” của tác giả Đặng Trần Côn thổi hồn, đắm sâu cảm xúc của người phụ nữ có chồng đi chinh chiến: bà Huyện Thanh Quan- Nguyễn Thị Hinh với dòng thơ Đường luật mang cảm hứng hoài cổ, “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương là điển hình cho phong cách sáng tác đậm chất dân gian gợi từ thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Bằng ngôn từ thơ ca, bà vừa giãi bày tình cảnh bản thân vừa can đảm lên tiếng thay cho bao số phận nữ giới hẩm hiu, không có chỗ đứng và không được xã hội coi trọng. Bà cũng không kiêng nể mà cất lên tiếng thơ trêu chọc các tầng lớp, cá nhân mang những thói hư tật xấu. Đặc biệt, dòng thơ vịnh cảnh của bà mang đặc trưng “đố tục giảng thanh”, thể hiện biệt tài tạo nghĩa, ẩn dụ như những bài thơ “Mời trầu”, “ Đánh đu”, “Cảnh thu”, “Vịnh cái quạt”…là những áng thơ Nôm mang đậm phong cách của bà.
“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương mới quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi”
(Mời trầu – Hồ Xuân Hương)
Cảnh đẹp thu qua nét thơ của bà cũng trở nên huyền ảo lung linh:
Thánh thót tầu tiêu mấy hạt mưa
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ
Xanh ôm cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ
Bầu dốc giang sơn say chấp rượu
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Ơ hay, cánh cương ưa người nhỉ
Ai thấy, ai mà chẳng ngẩn ngơ.
(Cảnh thu- Hồ Xuân Hương)
Trong đó bài thơ “Bánh trôi nước” được rất nhiều thế hệ độc giả yêu thích và được đưa vào sách giáo khoa Trung học cơ sở giảng dạy. Trong bài thơ này Hồ Xuân Hương đã lấy hình tượng bánh trôi nước để biểu tượng cho số phận trọng nam khinh nữ, đa thê thiếp khiến cho người phụ nữ phải chịu biết bao nhiêu cảnh bất hạnh, đau thương đồng thời ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn trong sáng, tình nghĩa, sắt son của người phụ nữ Việt Nam.
“Thân em vừa trắng…lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Con người Hồ Xuân Hương phóng túng, tài hoa, có cá tính mạnh mẽ, sắc sảo vì vậy phong cách nghệ thuật của bà rất sáng tạo và đặc biệt vừa thanh vừa tục, kết hợp với nét phóng túng – tiềm ẩn, đậm đà chất văn học dân gian nên thơ của bà luôn gây nguồn cảm hứng vô tận cho hậu thế từ ngôn ngữ cho đến hình tượng. Đặc biệt, bà còn có biệt tài sử dụng điệp khúc, âm điệu, tiết tấu thích hợp với từng ý, từng hoàn cảnh với thái độ rất tự nhiên, duyên dáng và giàu khả năng gợi cảm.
Có thể nói Hồ Xuân Hương được coi là hiện tượng độc đáo “Nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ” độc đáo có một không hai trong văn học sử Việt Nam. Với tư tưởng mới mẻ cùng lối làm thơ phá cách, ngôn ngữ bình dị và sáng tạo nên các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều ý nghĩa, giá trị và sức sống lâu bền đến hiện tại.
(Ảnh bìa một số tác phẩm viết về thơ của Bà- Nguồn: Internet)
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 12 năm 2021
Nguyễn Thị Thu Hồng
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế
Tham khảo:
– Báo Phụ nữ Việt Nam, số 142 ngày 26/11/2021.
– Danh nhân Đất Việt- tập 3, Nhiều tác giả, Nxb. Thanh niên, 1998