NHÀ GIÁO – LIỆT SĨ NGUYỄN THỊ DIỆU

Chị Nguyễn Thị Diệu sinh ngày 11 tháng 6 năm 1926 tại làng Tân Phong, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình quan lại: cụ Nguyễn Văn Hiền, cha của chị là Thượng thư triều đình Huế.

Phạm Tuấn Trường

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã ghi lại một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với khẩu hiệu “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, phụ nữ có vai trò rất đặc biệt và quan trọng trong thắng lợi vĩ đại đó.

Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận định: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi sau 21 năm chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ. Đây cũng là thời kỳ phụ nữ nước ta vùng dậy mạnh mẽ và oanh liệt hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử của dân tộc”. Kế thừa truyền thống của dân tộc, của phụ nữ cả nước, phụ nữ miền Nam Việt Nam trong 21 năm chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975) đã cùng nhân dân miền Nam lập nên những kỳ tích trên mọi lĩnh vực, từ đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, trên mọi mặt trận: binh vận, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, v.v… ở chiến trường hay trong hậu cứ, trên rừng núi hay dưới đồng bằng, ngoài đường phố hay trong nhà tù – đâu đâu cũng có mặt các mẹ, các chị, các em dũng cảm, kiên cường. Thật đúng như Hồ Chủ tịch đã tổng kết: “Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Chị Nguyễn Thị Diệu sinh ngày 11 tháng 6 năm 1926 tại làng Tân Phong, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình quan lại: cụ Nguyễn Văn Hiền, cha của chị là Thượng thư triều đình Huế.

Thời thơ ấu. chị theo cha mẹ vào tỉnh Rạch Giá (Nam Bộ), nơi cụ Thượng Hiền được bổ nhiệm làm quan. Lớn lên, chị được học tại nhà một cách chu đáo. Sau đó lên Sài Gòn, chị vào học trường nữ sinh Marie – Curie và thi đậu tú tài. Tuy là con quan, sống trong nhung lụa, nhưng chị rất ghét Tây. Chị chủ động và tích cực tham gia các phong trào yêu nước thời đó do tổ chức Thanh niên Tiền phong phát động. Khi Cách mạng tháng Tám (1945) bùng nổ, với lòng nhiệt tình yêu nước của tuổi hai mươi, chị tham gia hoạt động trong Đoàn phụ nữ Cứu quốc tại Sài Gòn.

Năm 1948, chị được tham dự một lớp vỡ lòng về chủ nghĩa Mác do giáo sư người Pháp – Lyon Caen sang chấm thi tú tài tại Sài Gòn thuyết trình. Chị tiếp tục hoạt động bí mật tại nội thành và lập gia đình với anh Phạm Phong Lẫm (bút danh Hoa Lư) – một nhà báo cách mạng.

Năm 1950, bị kẻ thù truy bắt, tổ chức điều chị ra chiến khu Tây Nam bộ để tiếp tục công tác. Mặc dù sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình khá giả, nhưng chị đã sớm thích nghi với cuộc sống đầy gian khổ ở bưng biền, thiếu thốn đủ thứ, nhanh chóng hòa mình với chị em nông dân chân lấm tay bùn.

Bà Bùi Thị Nga – Ủy viên Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa II), phu nhân của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, người cùng công tác nhiều năm với chị Diệu – kể lại: “Chị Diệu mà chúng tôi thường gọi “lá ngọc cành vàng” từng sống trong nhung lụa đã có “sự đổi đời” nhanh chóng và kỳ lạ kể từ khi chị trở thành người cán bộ cách mạng chuyên nghiệp. Chị sống như một nữ nông dân thực thụ, sẵn sàng chịu đói, chịu khổ vì công việc. Có không ít lần chị phải vượt qua bom đạn của máy bay và đồn bốt địch để đến các địa phương vận động bà con đóng thuế nuôi quân và đã từng bị bảo an binh vây bắt, song nhờ nhanh trí và được sự đùm bọc của đồng bào, chị đã thoát ra khỏi vòng vây và trở về căn cứ an toàn. Bận rộn với công việc, song trong bất cứ hoàn cảnh nào, chị vẫn không quên trách nhiệm làm mẹ, làm vợ. Là người phụ nữ, một nhà giáo, ở chị hội tụ đủ bốn thứ “công, dung, ngôn, hạnh”. Chị chăm sóc gia đình chu đáo, sẵn lòng giúp đỡ bạn bè, đồng đội nên được mọi người thương yêu và kính nể”.

Ở Nam bộ, khi hợp nhất các tổ chức phụ nữ kháng chiến, chị được bầu vào Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Năng nổ trong nhiệm vụ, chị thường về cơ sở để vận động phong trào phụ nữ, tự chèo xuồng trên các sông rạch chằng chịt của miền Tây, cùng sinh sống và lao động với chị em, chị làm cho mọi người ngạc nhiên và vô cùng mến phục. Có những đợt công tác nguy hiểm vượt qua đồn bốt địch để về các tỉnh xa vận động thu thuế nông nghiệp nhưng chị cũng đã dũng cảm khắc phục khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đối với gia đình, chị cũng lo chu tất cho chồng con để dành nhiều thời gian cho công tác.

Sau Hiệp định Genève 1954, chị Nguyễn Thị Diệu được phân công hoạt động tại nội thành Sài Gòn. Từ chiến khu, chị về ở tại biệt thự của cụ Thượng Hiền (số 13 – Trần Quốc Thảo hiện nay) và làm giáo viên trường nữ trung học Đức Trí (Sài Gòn). Hoạt động trong Nghiệp đoàn giáo họa Tư thục, chị vận động quần chúng tham gia các cuộc biểu tình đòi thi hành đúng Hiệp định Genève trong Phong trào hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn. Trong lúc địch đàn áp phong trào, chị vẫn giữ được một tổ hoạt động trong nhà trường và tiếp tục vận động quần chúng nhân dân đấu tranh.

Ngày 3/7/1955, sau những cuộc biểu tình đòi trả tự do cho những người bị bắt trong Phong trào hòa bình, địch ráo riết truy bắt các cán bộ cách mạng. Chúng ập đến nhà chị, định bắt anh Hoa Lư, nhưng chị đã nhanh trí che giấu được chồng và tổ chức cho anh thoát khỏi nhà trong đêm đó.

Ngày 6/7/1955, trên đường đi đến trường dạy học, chị bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam và tra tấn rất dã man nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết của người cán bộ cách mạng. Không hy vọng khai thác được gì từ chị, chúng đã hèn hạ đem chị đi thủ tiêu và liệng xác chị xuống một giếng cạn tại vườn cao su xã Linh Đông, huyện Thủ Đức trong lúc chị đang mang thai ba tháng.

Nhà giáo Nguyễn Thị Diệu đã cống hiến cả thời thanh xuân đẹp nhất của mình cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng dân tộc và trở thành một nữ liệt sĩ gan vàng dạ sắt, tô thắm thêm những bông hoa tuyệt đẹp của phong trào phụ nữ Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Thành đồng Tổ quốc.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 12 năm 2021

Phạm Tuấn Trường

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế

Tài liệu tham khảo:

– wikipedia.org

– httt://daidoanket.vn

Trích “Chung một bóng cờ” NXB Chính trị Quốc gia, năm 1993

Tour 360° Tour 360° 360 Tour