Hưởng ứng ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25 tháng 11
cùng thông điệp: “Chúng ta hãy cùng tăng cường gấp đôi các nỗ lực để xóa bỏ bạo lực giới mãi mãi”
Ngày 25 tháng 11 hàng năm được Liên Hợp quốc lấy là ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (International Day for the Elimination of Violence against Women), là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại khắp năm châu, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
Hồ Ngọc Phương
Hưởng ứng ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25 tháng 11
cùng thông điệp: “Chúng ta hãy cùng tăng cường gấp đôi các nỗ lực để xóa bỏ bạo lực giới mãi mãi”
Ngày 25 tháng 11 hàng năm được Liên Hợp quốc lấy là ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (International Day for the Elimination of Violence against Women), là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại khắp năm châu, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Chủ đề năm 2021 là: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, đây là một chiến dịch truyền thông vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi quốc tế.
Năm 2021 là năm được đánh dấu bằng sự gia tăng đột biến các hình thức bạo lực này, đặc biệt do đại dịch Covid-19 và các giai đoạn cách ly. Mặt khác, trong bối cảnh quốc tế được đánh dấu bởi sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo thủ về quyền của phụ nữ, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vốn đã tồn tại trước đó đã trở nên càng trầm trọng hơn. Các báo cáo gần đây liên quan đến Covid-19 đã chỉ ra rằng: những hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp ngăn chặn tương tự, cùng với áp lực cũng như căng thẳng về kinh tế-xã hội hiện tại đang gia tăng đối với các gia đình, đã dẫn đến sự leo thang của bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Bạo lực gia đình là sự vi phạm quyền tự do và nhân phẩm con người, vi phạm quyền bình đẳng giữa nam và nữ, làm xói mòn đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Việc ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi nạn bạo lực chống lại phụ nữ đang là mối quan tâm của tất cả các quốc gia. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP. Bà Rana Flowers – Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cũng đã nhấn mạnh: “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là một vấn đề xã hội lớn từ trước khi Covid-19 bùng phát. Chúng ta đã chạm đến ngưỡng cần phải hiểu rằng, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gây ra tổn thất cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai và đã đến lúc cần phải đứng lên, thể hiện lập trường mạnh mẽ rằng bạo lực phụ nữ và trẻ em là vấn đề không thể khoan nhượng”.
Tại Việt Nam, theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ ba phụ nữ thì có gần hai phụ nữ (gần 63%), bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Trong đó, phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật. Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và “văn hóa đổ lỗi” là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và kìm hãm sự giúp đỡ. Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi phải sống trong gia đình có xảy ra bạo lực. Một nửa số phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ bị các dạng bạo lực đã giảm nhẹ. Thay đổi tích cực diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực. Những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ bị bạo lực cũng thấp hơn và điều này cho thấy trình độ học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 22 ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, Việt Nam tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân và cộng đồng hiểu biết về các vấn đề cơ bản và ý nghĩa của việc phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trong gia đình; đồng thời tuyên truyền thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 – 2021 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ; song song lồng ghép tuyên truyền các chức năng gia đình vào các tiêu chí gia đình văn hóa, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy các giá trị truyền thống gia đình ở các khu dân cư gắn kết trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa.
Hành vi bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ là những hành vi không thể chấp nhận được trong xã hội hiện nay cần phải được lên án và loại bỏ, để không cản trở quá trình phát triển của xã hội. Vì vậy, chúng ta phải đấu tranh chống bạo lực gia đình, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, đó là mưu cầu tiến bộ của xã hội loài người, mong muốn cuộc sống của mỗi người ngày một hạnh phúc hơn trong sự tôn trọng, thương yêu, bình đẳng. Đó cũng là sự nương tựa vào nhau giữa hai giới để mỗi giới đều phát triển tối đa những phẩm chất, năng lực của mình đóng góp cho gia đình và xã hội. Phòng, chống bạo lực gia đình là hoạt động của cộng đồng nhằm tác động thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng, khẳng định các giá trị văn hóa loài người, giảm thiểu, dẫn đến xóa bỏ những mặt hạn chế của xã hội, gạt đi những sạn cát đeo bám vào con tàu hành trình tiến tới tương lai của nhân loại.
Là quốc gia sớm tham gia Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Committee on the Elimination of Discrimination against Women – viết tắt là CEDAW), trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện cam kết quốc gia bằng nhiều biện pháp đảm bảo quyền bình đẳng nam nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Một trong những biện pháp quan trọng mà Việt Nam áp dụng để hoàn thành trách nhiệm của một quốc gia thành viên CEDAW, đó là việc xây dựng chính sách, thiết lập và thực thi những quy định của pháp luật để nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ so với nam giới. Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
Một quốc gia khỏe mạnh, công bằng, không còn nghèo đói và “không ai bị bỏ lại phía sau” là ước nguyện chính đáng của mỗi con người. Ước vọng đó sẽ sớm trở thành hiện thực nếu mỗi người cùng chung tay vun đắp bằng đầy đủ trách nhiệm và tình yêu thương. Nhân ngày Quốc tế Xóa bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ 25/11, chúng ta hãy cùng tăng cường gấp đôi các nỗ lực để xóa bỏ bạo lực giới mãi mãi. Hy vọng rằng, với những hành động thiết thực, sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội, vấn nạn bạo lực gia đình sẽ sớm bị xóa bỏ hoàn toàn.
Tp.Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 11 năm 2021
Hồ Ngọc Phương
Phòng Truyền thông-Giáo dục và Quan hệ quốc tế
Tài liệu tham khảo:
1. Tài liệu tuyên truyền về ngày 25/11 của Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam năm 2021.