Một tấm gương để cho chúng ta học tập và noi theo, đó là một bà mẹ, mà không, nếu đúng ra ở tuổi của mẹ, chúng ta phải gọi là Bà. Thôi thì, bằng tiếng gọi thân thương mà nhà nước vinh danh: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” Ngô Thị Quýt. Mẹ Quýt sinh năm 1925. Đến nay, người mẹ ấy đã 96 tuổi. Mẹ có chồng và 1 người con đã hy sinh.
Đào Thị Hồng Quyên
Chuyện kể từ ngàn xưa huyền thoại về “Thánh Gióng”, bà mẹ nghèo đã sinh ra chàng trai Thánh Gióng dũng mãnh trong cuộc chiến đấu chống quân thù. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã có những đóng góp to lớn từ sự hy sinh âm thầm và vô cùng vĩ đại của những người mẹ đã trao gửi những người con- máu thịt của mình cho Tổ quốc.
Ngày nay, người phụ nữ miền Nam là các chị, các dì và đặc biệt là các bà mẹ tuy tuổi cao sức yếu vẫn góp sức mình cùng cháu, con cho đồng bào ruột thịt. Bà mẹ Việt Nam anh hùng là hình ảnh những người mẹ giản dị, nụ cười đã có nhiều nếp nhăn nơi khoé miệng, đôi má gầy gò, mái tóc đã bạc theo năm tháng. Mẹ là người không quản khó khăn, khổ nhọc ngày đêm chăm con, vừa gánh vác gia đình vừa động viên chồng con tham gia đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Các bà mẹ thế hệ hôm nay lại tiếp tục vai trò thiêng liêng của người phụ nữ làm mẹ và công việc xã hội. Niềm vui cuộc đời của những người mẹ đơn giản là nhìn thấy các con vui tươi, là gia đình ấm no, hạnh phúc, là giấc ngủ sâu, đôi mắt ngây thơ của trẻ. Lòng mẹ thật bao la, rộng lớn và đầy bao dung.
Một tấm gương để cho chúng ta học tập và noi theo, đó là một bà mẹ, mà không, nếu đúng ra ở tuổi của mẹ, chúng ta phải gọi là Bà. Thôi thì, bằng tiếng gọi thân thương mà nhà nước vinh danh: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” Ngô Thị Quýt. Mẹ Quýt sinh năm 1925. Đến nay, người mẹ ấy đã 96 tuổi. Mẹ có chồng và 1 người con đã hy sinh. Năm xưa, theo tiếng gọi của tổ quốc, mẹ Quýt cũng tham gia bộ đội và giao đứa con nhỏ cho ông bà chăm sóc. Mẹ làm công tác quân nhu, thường xuyên may áo cho các chiến sĩ, bộ đội trong những năm tháng chiến tranh.
Sau Hiệp định Genever, mẹ Quýt tập kết ra Bắc. Sau ngày giải phóng đất nước 30/4/1975, mẹ mới hay tin con mình đã hy sinh ở tuổi 21 ở cái tuổi đời còn rất trẻ. Hy vọng được gặp mặt và mẹ con đoàn tụ sau ngày giải phóng không còn, nỗi đau mất con tưởng chừng quật ngã người mẹ gầy gò. Nhưng người mẹ với con mắt bên trái đã bị hư trong những ngày tháng chiến tranh vẫn dành hết tất cả thời gian hằng ngày, đều đặn cho việc tự tay may chăn mền để tặng miễn phí cho các chương trình thiện nguyện, góp phần điểm tô cho cuộc sống thêm vị của tình thương.
Trên con đường vào hẻm quanh co về đến nhà Mẹ, khi còn khoẻ không biết bao lần người mẹ rong ruổi đến các tiệm may xin vải thừa và đến các nơi xin quần áo cũ. Những nơi mẹ đến, họ rất yêu quí và cảm phục hành động của mẹ, luôn dành sẵn vải thừa, đồ cũ để trao tặng, mẹ mang về chỉnh sửa lại và may vá thành chiếc mền được ráp từ những mảnh vải vụn, cắt xén gọn, tạo hình với đường may tinh tế tặng cho người nghèo và cả những chiếc quần áo cũ đã được chỉnh sửa, giặt sạch trao đến tay người nhận. Một món quà không gì quý hơn, tâm huyết của một người mẹ dành cả đời thực hiện.
Với tình cảm và tấm lòng của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt – Bà mẹ đã 96 tuổi, dáng gầy guộc, nhỏ nhắn, ngồi cạnh chiếc máy may là công cụ ý nghĩa trong suốt chặng đường gắn bó với mẹ. Việc mẹ làm đã được lan toả khắp mọi nơi, mọi người đều cảm phục nhưng mẹ Quýt vẫn mỉm cười và khiêm tốn nói rằng “việc làm của mẹ rất nhỏ, mọi người đều có thể làm được giúp ích cho xã hội”. Nụ cười ấm áp của mẹ đi vào lòng người đối diện một cách bình dị, mộc mạc như chính cuộc đời của mẹ.
Dịch bệnh Covd-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam vào ngày 27/4/2021, người mẹ ấy bình thản ngồi trước bàn máy may may những chiếc khẩu trang cho bà con chòm xóm. Đều đặn mỗi ngày Mẹ ngồi cắt và may hoàn thành 10 khẩu trang. Trong căn nhà nhỏ ấm áp nằm ở con hẻm Huỳnh Khương An, phường 5, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, bà mẹ Ngô Thị Quýt tuy tuổi đã cao, sức đã yếu, bất kể ngày hay đêm, cứ khoẻ là mẹ lại ngồi vào máy may khẩu trang phát miễn phí cho người dân. Chiếc khẩu trang tuy nhỏ nhưng chứa đựng cả tấm lòng của mẹ gửi đến người dân. Biết được tấm lòng của mẹ, cả nhà phụ giúp mẹ hoàn thành các công đoạn cần thiết để vừa đảm bảo sức khoẻ vừa ủng hộ tinh thần cho mẹ. Với mẹ, dường như mọi việc hết sức bình thường và nhẹ nhàng, được sống khỏe, “được giúp ích cho mọi người là điều hạnh phúc đối với mẹ”. Ở mẹ luôn có sự lạc quan, yêu đời, yêu người, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Với những năm tháng kháng chiến, đấu tranh anh dũng. Mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 2015. Một người mẹ có tuổi đời sẽ đi trọn hoặc hơn một thế kỷ với tấm lòng bao dung, nhân hậu của những người mẹ, kính mong mẹ luôn sống vui, sống khoẻ. Với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ những người mẹ Việt Nam đã đóng góp, cống hiến sức và tài sản, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng là di sản trân quí cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 11 năm 2021
Đào Thị Hồng Quyên
Phòng Truyền thông- Giáo dục và Quanh hệ Quốc tế
Tài liệu tham khảo: