Truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất là một sức mạnh bất diệt của dân tộc ta và phụ nữ Việt Nam luôn gìn giữ và phát huy truyền thống ấy. Vào ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập, để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 làm ngày truyền thống của Hội, đồng thời là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam”. Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (29/10/1930 – 20/10/2021), chúng ta tôn vinh tất cả phụ nữ, đặc biệt là sự cảm phục, ngưỡng mộ, sự rung động, tha thiết tri ân không thể nói hết bằng lời đối với đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu trong công cuộc đấu tranh chống đại dịch COVID-19. Rất nhiều người mẹ phải xa con, vợ xa chồng…họ nén nỗi đau riêng để cùng lo nỗi đau chung của đất nước, thầm lặng hy sinh và cống hiến bằng sức lực, trí tuệ, y đức của người thầy thuốc để giành giật sự sống cho bệnh nhân, giành lại yên bình cho đất nước. Họ là những chiến binh thép, những chiến binh áo trắng chỉ có một con đường, một niềm tin là chiến đấu và chiến thắng đại dịch.
Tài năng, nhiệt huyết, tận tâm cống hiến cho ngành y, Thạc sĩ, bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh, gần 15 năm làm bác sĩ và là nữ chiến sĩ tiên phong trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Chị đại diện cho Bệnh viện Chợ Rẫy, đơn vị y tế đầu tiên của cả nước tiếp nhận, điều trị thành công cho hai bệnh nhân Covid-19 là ông Li Ding (65 tuổi) và Li Zichao (28 tuổi, con trai ông Li Ding), quốc tịch Trung Quốc. Đặc biệt, bệnh nhân Li Ding tuổi cao, tiền sử bản thân mắc nhiều chứng bệnh nan y, sức khỏe yếu, nhập viện trong tình trạng bệnh diễn biến nặng. Việc điều trị thành công cho hai ca bệnh Covid-19 đầu tiên của Việt Nam đã khẳng định trình độ, khả năng và nỗ lực vượt bậc của ngành y tế nước ta, mở ra hy vọng để Bộ Y tế nghiên cứu, thống nhất phương án, lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở các bệnh viện, cơ sở y tế trong cả nước.
Khoa Bệnh nhiệt đới hằng ngày có số lượng bệnh nhân đông và đều là những ca bệnh nặng, cường độ làm việc của các y sĩ, bác sĩ rất cao. Trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, ngoài đảm nhiệm công việc ở khoa, bác sĩ Thơ phải tham gia hội chẩn, kiểm soát dịch ở các khâu, các khoa trong bệnh viện, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện, cơ sở y tế khác trong khu vực. Với tinh thần thép của những chiến binh áo trắng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 xác định mục tiêu bệnh nhân chưa khỏi, chưa rời bệnh viện; chưa hết dịch, chưa thể nghỉ ngơi.. bác sĩ Thơ đến các giường bệnh kiểm tra các chỉ số, cùng cộng sự theo dõi từng nhịp thở và diễn biến “sinh tồn” của bệnh nhân, thận trọng, quyết tâm cứu chữa bệnh nhân bằng mọi giá là mệnh lệnh từ trái tim của chị và các bác sĩ. Thạc sĩ, bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ đã góp phần đem lại hạnh phúc cho hàng ngàn bệnh nhân, tư vấn sức khỏe, phòng, chống dịch cho hàng triệu khán giả truyền hình và vinh dự được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 20 người phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021.
Nữ bác sĩ tên Phạm Thị Thanh Thúy, 30 tuổi, đang công tác tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương. Chị cũng là một “bà mẹ bỉm sữa” có con trai mới hơn 10 tháng tuổi nhưng đã phải tạm xa con để vào bệnh viện thực hiện nhiệm vụ phải cách ly hoàn toàn với gia đình và cộng đồng. Con vừa hơn 10 tháng tuổi đã xa mẹ. Tất cả vì nhiệm vụ, vì những bệnh nhân đang cần, cần những màu áo trắng. Từ ngày cách ly để làm nhiệm vụ, chị Thúy thường phải vắt sữa để mong duy trì dòng sữa, đợi ngày về sẽ tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ và chị đã dành chính dòng sữa của mình để nuôi một bệnh nhi 7 tháng tuổi có mẹ mắc Covid-19 nặng, đang phải điều trị nơi khác.
Nữ bác sĩ quân y Phạm Khánh Linh (26 tuổi) được Học viện Quân y 103, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) điều động chi viện cho Bình Dương. Khoảng 7 giờ 40 ngày 12/9, nhận được yêu cầu trợ giúp y tế của người dân ở khu phố Bình Thuận 1 (P.Thuận Giao), bác sĩ Linh đã đến hiện trường để trợ giúp. Sau khi thăm khám, cháu bé có tình trạng khó thở, bỏ bú nhiều ngày, test nhanh âm tính với Covid-19. Trước tình hình nguy kịch của cháu bé, chị đã quyết định đưa cháu bé đến bệnh viện gần nhất bằng xe tải để cấp cứu. Tuy nhiên, khi đến khu vực bệnh viện, do chưa thông thuộc khu vực này nên xe chạy nhầm cổng BV. Bác sĩ Linh quyết định ôm cháu bé vào lòng, chạy bộ hơn 300 m để đưa cháu bé đến khu cấp cứu của bệnh viện.
Tạm gác lại ngày hạnh phúc của cuộc đời mình, chị Đỗ Thị Ngọc Diệp (24 tuổi) là điều dưỡng của Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã cùng 500 nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 16, công việc của nhóm là giúp đỡ các y bác sĩ về việc cung cấp oxy miễn phí, hỗ trợ thiết bị y tế, hỗ trợ những bữa ăn. Khi đăng ký tham gia chống dịch, chị cùng gia đình và chồng tương lai đã định ngày làm đám cưới. Nhưng vào đến Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của mình chưa hoàn thành, chị đã chuẩn bị tinh thần cho một đám cưới đặc biệt trực tuyến (online) đầy cảm xúc. Với sự góp sức của lãnh đạo Bệnh viện dã chiến số 16 và các tình nguyện viên, cô dâu và chú rể rạng rỡ hạnh phúc ở hai đầu cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Phùng Thị Nhung, nguyên Trưởng khoa gây mê hồi sức, BV Răng Hàm Mặt Trung ương đã 72 tuổi. Khi dịch bệnh căng thẳng, bà không thể đứng ngoài cuộc chiến nên đã tham gia chống dịch cùng đồng nghiệp, giúp đỡ cộng đồng tại điểm tiêm chủng vắc xin Covid-19. Từ tháng 6/2021 đến nay, bác sĩ Nhung phụ trách chính tại điểm tiêm chủng Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, quận Đống Đa, Hà Nội. Mỗi ngày, tiêm cho khoảng 800 người. Ngoài tiêm, nữ bác sĩ còn phụ trách công tác điều động, cấp cứu sau tiêm cho người dân. Có những điểm tiêm nóng bức, y bác sĩ đổ mồ hôi như tắm và có khi phải đội mưa giữa đêm để đi tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh 32 tuổi, phục vụ tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 ở phường Phú Chánh (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), đã hy sinh trong lúc tham gia phòng chống dịch COVID-19, lúc đó chị đang mang thai hơn 20 tuần vào ngày 16/8/2021. Sự hy sinh của chị khiến đồng nghiệp và các y bác sĩ nơi đây “biến đau thương thành hành động”, mỗi người một mặt trận, mỗi người một nhiệm vụ cùng chung sức đồng lòng để chiến thắng “giặc Covid-19”, đem lại cuộc sống mạnh khỏe, an vui cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn thể dân tộc Việt Nam.
Cùng với hình ảnh những y bác sĩ quay cuồng cùng công việc bởi dịch bệnh của bệnh viện Hùng Vương, nơi điều trị hàng trăm sản phụ nhiễm COVID-19. Từng khoảnh khắc dù ngày dù đêm, các y bác sĩ chạy đua để giành từng hơi thở, từng chút oxy cho hai mạng sống. Đối mặt với virus, chấp nhận nguy cơ lây nhiễm, thiếu thốn phương tiện y tế, phương tiện bảo hộ, điều kiện sinh hoạt. Nỗ lực vượt trên sức lực, trên cả chuyên môn của mình để cứu bệnh nhân, giữ tinh thần để làm chỗ dựa cho người bệnh giữa cơn hoảng loạn mất dần hơi thở… và cấp cứu thành công nhiều sản phụ trong phút giây nguy kịch…
Bấy nhiêu thôi, chúng ta cũng đã hiểu một phần nào công việc của những “chiến binh áo trắng” chứa đầy nhiệt huyết và đam mê của tuổi trẻ, đang túc trực trừng giây phút trong bệnh viện và những khu cách ly. Khi đại dịch vẫn còn, vẫn cần những màu áo trắng, những nữ y bác sĩ sẽ và luôn luôn là những chiến binh mạnh mẽ nhất, những anh hùng thầm lặng luôn hết mình với tình thương và trách nhiệm, lan tỏa tấm lòng yêu thương đến tất cả bệnh nhân và sẵn sàng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ. Họ chưa từng một lần cần lời cảm ơn nhưng những gì họ đã và đang làm sẽ khắc sâu vào trong lòng mỗi người về hình ảnh người thầy thuốc đáng quí, đáng trân trọng, không tiếc vất vả, nguy hiểm, gian khổ để dấn thân nơi tuyến đầu ‘chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Giữa thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, tấm lòng thiện nguyện của phụ nữ chính là những thông điệp yêu thương, nhân thêm sức mạnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và niềm tin sớm thiết lập cuộc sống “bình thường mới”. Ngày 20/10 năm nay chúng ta xin được tôn vinh những nỗ lực của phụ nữ Việt Nam vượt qua thách thức, trong đại dịch COVID-19, lan toả được hình ảnh đẹp về người phụ nữ và thông điệp tích cực vì cộng đồng, sẽ mãi mãi tự hào về những chiến binh áo trắng. Hãy chung tay với tuyến đầu, hãy làm mọi việc có thể để hỗ trợ y bác sĩ, để cùng nhau vượt qua những thử thách, đi qua những đau thương và chúc cho những bệnh nhân không may nhiễm covid đang điều trị mau khỏe mạnh để mỗi người ở tuyến đầu lại được trở về với gia đình, những ngày bình thường và cuộc sống bình yên.
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy – Bệnh viện Trưng Vương đang chăm sóc bệnh nhi 7 tháng tuổi.
Ảnh facebook nhân vật
Tài liệu tham khảo:
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 10 năm 2021
Huỳnh Thị Kim Loan
Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế