Các triều đại phong kiến nước ta đều không cho nữ giới được học hành, thi cử. Tuy vậy, sách vở cũng đã ghi lại chuyện một phụ nữ đã cải trang thành nam giới để đến trường học hành, thi cử và đỗ đại khoa. Đó là bà Nguyễn Thị Duệ (hiệu là Diệu Huyền). Bà sinh ngày 14/3/1574 trong một gia đình nhà Nho nghèo ở tổng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, nay là phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bà hưởng thọ 81 tuổi và mất vào ngày 8/11/1654. Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (Bà còn có tên gọi khác là Nguyễn Thị Ngọc Toàn, Nguyễn Thị Du) sinh trưởng vào thời điểm loạn lạc Nam Bắc triều- Vua Lê Chúa Trịnh đánh nhau với nhà Mạc. Bà Nguyễn Thị Duệ sớm phải chịu cảnh mồ côi mẹ nhưng được cha nuôi dưỡng rất chu đáo.
Văn miếu Mao Điền (Hải Dương) – nơi thờ bà Nguyễn Thị Duệ
Thuở nhỏ cô gái Nguyễn Thị Duệ tỏ ra rất sáng dạ, cô có một tư chất đặc biệt thông minh và một trí nhớ phi thường. Lên 4 tuổi đã biết viết văn, bản tính rất khẳng khái, khác hẳn với các bạn đồng giới. Có cậu ấm trong vùng đến ghẹo, bà đã đọc châm 2 câu thơ:
“Xá chi vàng đá hỗn hào
Thoảng đem cánh phượng bay cao thạch thành”.
Nghe bà đọc xong, cậu ấm ta phải đánh bài chuồn.
Nhân kỳ đổi chỗ ở, bà xin cha cho giả trai, đổi tên là Nguyễn Văn Du để được đến trường học. Cậu học trò Nguyễn Văn Du rất đẹp trai, có nước da trắng hồng, tiếng nói lại dịu dàng như con gái nên thường bị bạn bè trêu trọc là “ái nam ái nữ” nhưng Văn Du vẫn thản nhiên học tập với ý nghĩ tự tôn. Về sau vì sức học giỏi giang của Văn Du khiến bạn bè nể nang hơn là đùa nghịch. Thật vậy, mới 9 tuổi thì cậu Du đã thuộc làu kinh sử, thông thạo thơ phú cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, nhưng sở trường nghiêng về văn Nôm.
Các tấm gương người cùng quê hương thi cử đỗ đạt cao cũng đã kích thích hứng thú học tập của bà. Song thời đó cuộc nội chiến Trịnh – Mạc ở vào giai đoạn quyết liệt. Cuối năm 1592, Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm Kinh thành Thăng Long, nhà Mạc rút chạy lên Cao Bằng, bà Nguyễn Thị Duệ cũng theo gia đình lên đó sinh sống. Ở đây, bà được học với một ông thầy họ Cao và cải trang thành nam giới, nên người ta thường gọi là anh Du. Năm Giáp Ngọ (1594), khi nhà Mạc mở khoa thi Hội, sĩ tử tham dự rất đông, bà cùng với thầy dạy học dự thi và đã đỗ thủ khoa trong khi chính thầy dạy chỉ đỗ á khoa. Vậy là, tròn 20 tuổi bà đã trở thành nữ Tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của khoa cử phong kiến Việt Nam.
Trong buổi tiệc mừng tân khoa, vua Mạc Kính Cung thấy vị tiến sĩ trẻ tuổi có dáng vẻ yêu kiều, thanh tú giống nữ giới. Sực nhớ đến giấc mộng đêm trước, thấy người đỗ tiến sĩ là nữ, nhà vua bèn gặng hỏi và bà Nguyễn Thị Duệ đành phải thú thực. Vua Mạc chẳng những không khép tội mạo danh theo quy chế thi cử thời phong kiến mà còn giữ nguyên học vị của bà và phong là “Diệu Huyền Sao Sa” nghĩa chữ là “Tinh phi” (sao sa) rồi đưa vào cung lập làm Hoàng phi tôn danh Duệ phi. Bà được vua sủng ái, giao cho việc dạy bảo các phi tần. Từ Hàn sĩ đến Tiến sĩ… rồi Vương phi, sống trên nhung lụa nơi cung phủ, nàng thiếu nữ Nguyễn Thị Duệ tránh sao khỏi nỗi bàng hoàng về sự thay đổi quá đột ngột nên đã thốt ra tâm sự hóm hỉnh của mình khi trút bỏ lốt nam nhi:
“… Triều mượn phấn son lòng hãy thẹn/ Mùi pha cá thịt dạ chưa ưa…”. Cũng lại vì còn nhiều e thẹn, nhưng lại là lối e thẹn của bậc hiền nhân quân tử: “… Qua lại chị em như có hỏi/ Thẹn thuồng còn chửa biết lời thưa…”.
Năm 1625, quân Lê – Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Bà vào rừng ẩn náu trong một ngôi chùa nhỏ, bị quân lính bắt được, bà cầm thanh gươm trên tay bình thản nói: “Các ngươi bắt được ta thì phải đưa ta đến nộp chúa của các ngươi, nếu vô lễ thì với lưỡi gươm này ta sẽ tự tử”. Cảm phục khí tiết của Bà, quân Trịnh giải bà về kinh nộp cho chúa Nghị Vương. Tướng Trịnh bấy giờ là Nguyễn Quý Nhạ, vốn cùng quê với bà, lại quen nhau từ lúc thiếu thời, nên đem lòng quý mến, đã thảo một tờ khải dâng lên chúa Trịnh Tráng tâu trình về việc của nữ sĩ Nguyễn Thị Duệ. Chúa Trịnh Tráng đọc tờ khải cũng thấy lạ, bèn truyền đòi đưa Nguyễn Thị Duệ về kinh. Qua hỏi chuyện, chúa nhận thấy bà Duệ có học thức uyên thâm, thấu đạt nhiều sách vở, tư cách đoan trang, bèn phong cho bà giữ chức Cung Trung Giáo Tập rồi Lễ Nghi Học Sĩ để trông coi việc dạy học trong vương phủ.
Cũng trong thời này, bà Nguyễn Thị Duệ được gần gũi với hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc- một bà hoàng nổi danh chữ nghĩa đương thời. Bà hoàng hậu họ Trịnh này là con chúa Trịnh Tráng, đã lấy Quận Công Lê Trụ, bác họ của vua Lê Thần Tông và sinh hạ được bốn người con. Lê Trụ bị tội, Trịnh Tráng đem bà gả cho vua. Lúc đầu vua miễn cưỡng lấy bà, nên khi nghe mấy viên quan can ngăn, đành nói: “Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy!”. Nhưng về sau do quý trọng tài đức, nhà vua đã lập bà làm hoàng hậu. Trịnh Thị Ngọc Trúc là người thích văn chương, chữ nghĩa. Bởi vậy khi gặp tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ thì hai người trở nên thân thiết, tri kỷ. Hoàng hậu họ Trịnh đã tiến cử bà Duệ với vua Lê Thần Tông. Nhà vua qua những lần hỏi han trò chuyện, đã thấy bà là một phụ nữ tài năng, đức độ nên phong cho bà chức Chiêu Nghi, đứng trên các cung tần. Bà lấy hiệu là Nghi Ái Quan, được nhà vua ưu ái, cho bày tỏ ý kiến về một số văn bản của triều đình, cũng như nhận xét, đánh giá bài làm của thí sinh các khoa thi hội, thi đình.
Sách chép khoa thi hội năm Tân Mùi niên hiệu Đức Long (1631) có một thí sinh đề ra 12 mục, nhưng bài thi chỉ làm 4 mục, song văn bút rất xuất sắc, độc đáo. Các khảo quan lấy làm lạ chưa dám quyết, tâu trình lên vua. Nhà vua giao cho số đỗ đại khoa trong triều xem lại bài. Bà Nghi Ái Quan cũng được tham dự. Bà đọc đi đọc lại bài văn, thấy quả thí sinh này là người học rộng, có tài, bèn nhất trí với các quan tâu vua lấy đỗ nhất. Đến khi khớp phách, bà mới hay đó là bài của Nguyễn Minh Triết- cậu em họ mình.
Trong thời gian ở cung, bà Nguyễn Thị Duệ thường đi lễ chùa với Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và có dịp gặp gỡ, đàm đạo văn chương đạo lý với một số danh nho tiết tháo đương thời như các thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, Giang Văn Minh, Khương Thế Hiển. Bà luôn hướng về quê hương, lập ra “ Văn Hội” ở huyện Chí Linh cho học trò vùng này đến ôn luyện văn chương sách vở. Bà ra đề gửi cho họ làm, rồi đóng hòm trở về kinh để cho bà chấm, chữa…
Trước những biến cố đã xảy ra đối với cuộc đời bà, và tuy được nhà Chúa rất sủng ái nhưng bà vẫn xin Chúa cho xây dựng am nhỏ ngoài vườn để hằng ngày bà được ra đó tụng kinh niệm Phật, mượn nơi thanh thản để viết sách, làm thơ: “Hiềm vì một chút đảo điên/ Song le Bạc thị lại duyên Hán Hoàng”.
Thời gian này bà đã sáng tác được rất nhiều, đặc biệt là thu gom được 2 tập: “Ni tần thi tập” gồm trên 50 đề vịnh tứ thời, mỗi đề 10 bài theo thể đường luật. Quan trọng hơn hết là tập “Gia phả diễn ca” (gia ký) thể lục bát, tả rõ gia cảnh và thân thế bà.
Năm 1623, Trịnh Tùng mất, thời gian này bà hay đau yếu nên xin về quê tĩnh dưỡng. Cũng chỉ được hơn một năm, Vua Lê và Chúa Trịnh Tráng (Thanh Đô Vương) lại cho mời bà vào Triều giữ chức nữ Giáo quan, danh hiệu Nghi ái quan để trông coi việc dạy dỗ trong vương phủ và ở cả cung Vua. Tuy nhiên, đứng trước thời cuộc bấy giờ, bà Nguyễn Thị Duệ đã mang nặng nỗi niềm suy tư, trăn trở. Nhà Mạc ở Cao Bằng thì đã đến ngày tàn. Vua Lê chỉ ngồi làm vì, không có quyền hành, thực lực. Sau nội chiến Trịnh – Mạc lại tiếp đến Trịnh – Nguyễn khiến đất nước, dân tình khốn khổ. Càng nghĩ ngợi bà Duệ thêm chán ngán nên quyết xin rời cung trở về quê. Nhà vua và chúa Trịnh Tráng thấy không khuyên giữ được, đành để cho bà về và cấp cho làng Kiết Đặc (An Lạc) quê bà ruộng lộc điền, miễn sưu thuế phu phen tạp dịch, để bà có nơi tĩnh dưỡng.
Từ đây, còn bao nhiêu sức lực, bà dành hết cho quê hương Kiệt Đặc (Chí Linh) của bà. Trước tiên, bà đứng ra thành lập một hội Văn học bản xứ lấy tên là: “Chí Linh Văn hội”. Tiếp đến bà lo việc thu dụng nho sinh, bồi dưỡng nhân tài và thường đích thân chấm văn bài cho các sĩ tử. Bà cũng rất quan tâm đến giáo lý nhà Phật.
Tượng đồng thờ Tinh phi Nguyễn Thị Duệ
Nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ hưởng thọ 81 tuổi. Sau khi mất, Bà được triều đình ban sắc phong, cho đúc tượng, dựng bảo tháp, khắc bia, người dân địa phương lập đền thờ và tôn bà làm Phúc thần. Theo sách ghi lại thì xưa kia tại làng Kiệt Đặc có chùa thờ bà, bia mộ và ngôi tháp “Tinh Phi cổ tháp” khắc mười chữ Hán: “Lễ sư sinh thông tuệ. Nhất kính chiếu tam Vương” (là Lễ sư sinh thời rất thông tuệ, một cái nhìn thấu cả ba Vua; đó là, Vua Mạc – Vua Lê và Chúa Trịnh). Ngôi tháp này được xếp là một trong “Chí Linh bát cổ” (8 vật cổ của Chí Linh). Trong Hậu cung Văn Miếu Mao Điền ở Hải Dương, bà được thờ cùng Khổng Tử và bảy vị Đại khoa danh tiếng của Việt Nam là Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, thần toán Vũ Hữu, nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mạnh và danh y Tuệ Tĩnh.
Ở vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17 mà có một nhân vật nữ lừng danh và tài hoa như nữ Tiến sĩ Lễ sư Nguyễn Thị Duệ thì quả thật là phi thường. Bà là một người phụ nữ tài sắc, vị nữ Tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của nước ta ngày xưa. Bà xứng danh là một bậc kỳ nữ, kỳ tài, là một Cố vấn Văn học trong chốn Triều đình ta ở thời đại Lê, Trịnh và Mạc:“Lê Phi thông tuệ khác thường/ Ba Vua soi một tấm gương sáng ngời”.
Nhưng hiện nay, theo một số nhà nghiên cứu cho biết, những di vật trên không còn nên những chuyện về vị nữ Tiến sĩ duy nhất của đất nước ta thời kỳ phong kiến, chỉ là sự chắp nhặt một số tư liệu còn lại trong sách vở là những giai thoại mà thôi! Quả thật, những viên gạch đóng góp của nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ đã khiến việc xây đắp nền móng tòa lâu đài văn hóa dân tộc nước nhà thêm vững chắc. Riêng vườn Văn học nữ giới thêm phần ngào ngạt sắc hương từ buổi đó.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 8 năm 2021
Phạm Tuấn Trường
Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế
Tài liệu tham khảo
1. Báo Điện tử – Đảng Cộng sản Việt Nam
4. https://lequydonsaigon.wordpress.com