Bắt đầu từ những năm 1960, môi trường càng ngày càng ô nhiễm và suy kiệt. Những tác động của con người đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Cũng từ đó, con người có ý thức và nhận thức hơn về những hành động của mình. Vì vậy, ngày môi trường thế giới đã ra đời và trở thành sự kiện toàn cầu diễn ra vào ngày 5/6/1972 tại Stockholm-Thụy Điển. Tại Đại hội, hội nghị đã bàn về con người và môi trường nhằm giải quyết các vấn đề đang xảy ra, đồng thời chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc cũng đã thành lập vào cùng ngày. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng hàng đầu của Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới, khuyến khích chính phủ các nước tổ chức nhiều hoạt động nhằm cải thiện môi trường. Từ đó đến nay, đã có 150 quốc gia hưởng ứng và tham gia vào các ngày hội kỷ niệm được lựa chọn.
Ngày môi trường thế giới tổ chức với mục đích hướng toàn thế giới biết và hiểu về tầm quan trọng của môi trường. Từ đó tổ chức bảo vệ môi trường, chăm sóc cho Trái Đất thêm xanh tươi. Khuyến khích mọi người nên có các hành động tích cực góp phần phát triển bền vững.
Vào những ngày này những hoạt động tiêu biểu như “Ngày Trái Đất”, “Giờ Trái Đất”, tuần hành, dọn vệ sinh môi trường, tổ chức buổi hòa nhạc xanh, thi viết, vẽ, hay các cuộc thi tìm hiểu môi trường, trồng cây xanh, tái chế rác, các ý tưởng sáng tạo thiết kế thời trang từ rác thải… đã nhận được nhiều sự hưởng ứng trên toàn cầu. Đó là những định hướng về các vấn đề môi trường, cách bảo vệ môi trường trên thế giới. Không chỉ hưởng ứng các hoạt động và tham gia kỷ niệm, đây còn là ngày để các tổ chức môi trường, các chính phủ sẽ tham gia ký kết các hiệp ước để bảo vệ môi trường.
Việt Nam bắt đầu tham gia ngày môi trường thế giới từ ngày 05/6/1982, và được đánh giá là một trong những quốc gia bị hứng chịu nhiều tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu. Do đó, ngày môi trường thế giới ở Việt Nam là ngày để khuyến khích mọi người chú ý và hạn chế dù đó là hành động nhỏ nhất tác động đến môi trường.
Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan để phát động kỷ niệm này. Các hoạt động được tổ chức ở Việt Nam có thể kể đến các chiến dịch làm sạch môi trường tại nơi sinh sống, nơi làm việc… Việt Nam cũng thường xuyên thay đổi địa điểm tổ chức hoạt động trọng tâm này trên cả nước.
Hàng năm, ngày môi trường thế giới sẽ có các chủ đề riêng. Năm 2021 vẫn diễn ra vào ngày 5 tháng 6 với chủ đề: Phục hồi Hệ sinh thái. Phục hồi hệ sinh thái có nghĩa là hỗ trợ phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái hoặc bị phá hủy, cũng như bảo tồn các hệ sinh thái vẫn còn nguyên vẹn, các hệ sinh thái lành mạnh hơn, với đa dạng sinh học phong phú hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho con người như đất đai màu mỡ hơn, sản lượng gỗ và cá lớn hơn và lượng khí nhà kính được lưu trữ lớn hơn… Việc phục hồi có thể xảy ra theo nhiều cách – ví dụ như thông qua việc tích cực trồng cây hoặc bằng cách loại bỏ các áp lực để thiên nhiên có thể tự phục hồi. Không phải lúc nào cũng có thể – hoặc mong muốn – đưa một hệ sinh thái trở lại trạng thái ban đầu. Ví dụ, chúng ta vẫn cần đất canh tác và cơ sở hạ tầng trên vùng đất từng là rừng và các hệ sinh thái, cũng như xã hội cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường qua các hành động thiết thực như: kêu gọi người dân sử dụng các vật liệu từ thiên nhiên, phân loại rác, hạn chế sử dụng đồ nhựa, rác thải kim loại, túi nilon… Trồng nhiều cây xanh, bảo vệ nguồn nước, sử dụng năng lượng sạch từ những nguồn năng lượng có thể tái tạo.
Một người phụ nữ cũng có tầm ảnh hưởng lớn tới môi trường không kém gì những người đàn ông. Quan niệm một người đàn ông sẽ đóng góp cho xã hội nhiều và hiệu quả hơn phụ nữ đã không còn phù hợp với xã hội hôm nay. Nếu được trao cơ hội và sự phát triển như nhau, thậm chí người phụ nữ còn có khả năng phát triển hơn những người nam giới. Trong xã hội, phụ nữ là những người tạo nên các mối liên hệ với môi trường, vừa là đối tượng vừa là chủ thể quan trọng của công tác bảo vệ môi trường… sự tham gia tích cực của phụ nữ là điều cần thiết cho cách tiếp cận tổng thể, đa ngành và liên ngành cần thiết để bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.
Để phát triển các giải pháp có ý nghĩa đối với các thách thức môi trường, cần có những nỗ lực trên nhiều mặt trận, bao gồm cả việc thúc đẩy tiếng nói bình đẳng trong lập kế hoạch và ra quyết định, tạo cơ hội cho cả phụ nữ và nam giới phát triển và hỗ trợ các giải pháp về khí hậu, năng lượng, thực phẩm, đô thị bền vững.
Phụ nữ đóng vai trò gì trong việc bảo vệ môi trường?
Trong xã hội, phụ nữ là những người tạo nên các mối liên hệ với môi trường thông qua các hoạt động: trực tiếp gắn bó với thiên nhiên, môi trường trong sinh hoạt hàng ngày; là đối tượng nhạy cảm chịu ảnh hưởng trực tiếp của các chất ô nhiễm trong sinh hoạt, sản xuất; là đối tượng nhạy cảm chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc ô nhiễm và suy thoái tài nguyên: nước, không khí, rừng,…; là người vất vả nhất khi gia đình chịu tác động tiêu cực của môi trường; người mẹ bị ốm do ô nhiễm sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống gia đình và thai nhi; là người có trách nhiệm về sự hình thành ý thức và tính cách của trẻ em trong quan hệ với môi trường; là người nội trợ chính của gia đình, vừa chăm lo về chất lượng của từng bữa ăn, vừa đảm bảo vệ sinh thực phẩm và nề nếp sinh hoạt hợp vệ sinh của gia đình; là một trong những tác nhân gây ô nhiễm và suy thoái môi trường. Vì vậy, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng ở gia đình và xã hội.
Do đó, phụ nữ vừa là đối tượng vừa là chủ thể quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của riêng cá nhân hay tập thể nào, nó cũng không phải là việc làm một sớm một chiều mà là việc làm lâu dài và liên tục.
Việc bảo vệ môi trường là các hoạt động tích cực nhằm cải thiện môi trường và giữ cho môi trường luôn trong lành, bên cạnh đó việc bảo vệ môi trường còn hướng tới tương lai giúp đảm bảo cân bằng sinh thái, khắc phục tất cả những hậu quả mà con người gây ra cho môi trường.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 06 năm 2021
Hồ Ngọc Phương
Phòng Truyền thông-Giáo dục và Quan hệ quốc tế
Tài liệu tham khảo:
1. Báo điện tử Tài Nguyên và Môi Trường ngày 27/01/2021.
2. Website của Công ty cổ phần môi trường xanh Việt Nam ngày 5/6/2020.
3. Báo điện tử Tin Môi Trường ngày 27/5/2021.
4. Tạp chí điện tử Môi trường và cuộc sống ngày 14/9/2017.