BẢO QUẢN HIỆN VẬT CHẤT LIỆU VẢI TẠI BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

Số lượng hiện vật chất liệu vải tại kho Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ có hơn 2.650 hiện vật. Mỗi hiện vật đều khác nhau về chủng loại sợi, đòi hỏi cách tiếp cận và xử lý cũng khác nhau. Việc bảo vệ di sản đi đôi với trách nhiệm của cán bộ bảo quản. Khi bảo quản hiện vật vải, cán bộ bảo quản phải tuân theo quy tắc nghề nghiệp trong bảo quản chất liệu vải, phân biệt rõ sự khác nhau giữa phục chế và bảo quản chất liệu vải.

Với cán bộ bảo quản chất liệu vải cần phải quan sát hiện trạng; tư vấn cho lãnh đạo về mua hay tặng hiện vật theo hiện trạng bảo quản; lập bảng kiểm kê, phân loại; lập hồ sơ bảo quản; lưu ý đến việc giới thiệu hiện vật; tư vấn cho lãnh đạo về việc cho mượn hiện vật để trưng bày và hiện trạng bảo quản; kiểm soát hiện vật trong kho, hiện vật cho mượn, lưu ý trong trường hợp có vấn đề (hư hỏng, mất mát); kiểm soát các điều kiện khí hậu. Nếu như phục chế có nghĩa là trả hiện vật về trạng thái ban đầu, ví dụ như là dệt lại lỗ hỏng bị mất của hiện vật; thì bảo quản có nghĩa là không thêm gì, giữ nguyên hiện trạng đang có của hiện vật, gắn hiện vật trên một phần phụ trợ.

Với việc phục chế, người ta chủ yếu chú trọng khía cạnh lịch sử của hiện vật, khía cạnh thẩm mỹ thì bảo tàng cố gắng làm tốt công tác bảo quản hiện vật vải. Mong muốn trả hiện vật về trạng thái ban đầu, có thể dẫn đến một sai lầm cơ bản, chúng ta không thể làm ngơ trước khía cạnh nghệ thuật và tính toàn vẹn của một hiện vật. Ví dụ, Bộ quần áo với các vết mồ hôi hay vết máu, các chỗ cháy đã đóng góp cho lịch sử hiện vật có giá trị. Do vậy, thái độ làm ngơ hay thiếu hiểu biết của cán bộ bảo quản có thể làm mất hay biến dạng các dấu vết quan trọng trên hiện vật.

Cán bộ bảo quản chất liệu vải phải hiểu các nguyên tắc trong bảo quản chất liệu vải, bảo vệ tính toàn vẹn của hiện vật và cả bối cảnh hiện vật. Các tác động phục chế, việc thêm vào là những hành động có thể dẫn đến hiện tượng mất tính nguyên gốc của hiện vật.

Trong thực tế không có quy tắc toàn cầu, nhưng có những quy tắc làm nền tảng để đảm bảo tiến hành bảo quản tốt hiện vật vải. Mỗi hiện vật khác nhau và mỗi tác động cũng khác nhau. Ta phải tính rằng mỗi hiện vật đều là duy nhất và có tính lịch sử duy nhất trước khi được xử lý. Khi một hiện vật bảo tàng được đưa vào bộ sưu tập, hiện vật này sẽ được bảo vệ và không bị thay đổi nữa trừ khi chức năng của nó thay đổi.

Nguyên nhân của sự hư hại hiện vật vải có rất nhiều, nhưng phần lớn là do thời gian hoặc do con người. Ngoài nguyên nhân bị mòn do thời gian hoặc do chức năng sử dụng (trưng bày), nhiều hư hỏng khác xảy ra trong bảo tàng do lưu kho không đảm bảo, do sự xem nhẹ về phương pháp bảo quản tốt một hiện vật vải (điều kiện khí hậu; ánh sáng; côn trùng; vi sinh vật…). Các vết hư hại cơ học không được cố định có thể gây ra các vết rạn và làm rách hiện vật vải.

Các vết mồ hôi chứa muối, sẽ tấn công các loại sợi mà không thể cứu vãn được. Những hư hỏng do côn trùng và các vết mốc cũng không thể sửa chữa được.

Phần quan trọng nhất trong kho bảo quản chất liệu hiện vật vải là phải kiểm tra thường xuyên nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng. Hiện vật vải có tính hút ẩm và hấp thu độ ẩm nhanh hơn môi trường. Điều này rất nguy hiểm vì làm co giản trong sợi vải và gây ra nấm mốc. Điều quan trọng là không khí phải luôn ổn định. Những thay đổi đột ngột của không khí gây nguy hiểm trực tiếp cho hiện vật vải và có thể gây ra sự co giãn làm rách vải. Những nguyên tắc cần lưu ý khi bảo quản hiện vật vải:

alt– Không treo hiện vật chất liệu vải sát hoặc quá gần tường phía ngoài điều này dẫn đến hội tụ hơi ẩm trên tường và tạo ra môi trường vi khí hậu đằng sau hiện vật vải. Nhiệt độ lý tưởng trong môi trường bảo quản từ 18 đến 220C. Độ ẩm tương đối lý tưởng nằm trong khoảng 45 đến 55 % và không thể vượt quá 60 %.

– Không treo hoặc để hiện vật vải dưới ánh sáng gay gắt hoặc dưới ánh sáng mặt trời, phải tránh chụp ảnh hiện vật vải bằng chế độ flash hoặc dùng ánh sáng quá mạnh.

– Không gấp một hiện vật vải, vết gấp gây ra độ căng của sợi, làm cho sợi bị gãy. Luôn để vải thẳng, mở rộng và được đỡ bằng giá đỡ cứng. Khi mở hoặc trải một hiện vật vải ra phải đặt giấy bóng mờ phi acid ở bên dưới.

Hiện vật vải khi lưu kho phải làm sạch để loại trừ côn trùng và nấm mốc, trừ khi vết bẩn lớn mang yếu tố lịch sử (vết máu). Không được để chồng hiện vật vải này lên hiện vật vải khác. Hiện vật vải nằm dưới sẽ bị hằn vết ép của hiện vật vải nằm phía trên.

Lưu hiện vật vải trong tủ khép kín và phù hợp được làm bằng vật liệu không chứa axit. Tủ có ngăn trượt là phù hợp nhất. Bên ngoài từng ngăn kéo nên dán số kiểm kê, phân loại của hiện vật. Nếu tình trạng của các trang phục cho phép, có thể treo chúng trên các mắc đã nhồi, độn được làm theo kích cỡ phù hợp bằng chất liệu bông, vải lụa phi acid.

Khi thực hiện bảo quản hiện vật vải không được sử dụng hóa chất vì gây hại cho sợi vải. Khi phát hiện nhiễm ký sinh trùng phải kiểm tra nhiệt độ thông thường là độ ẩm nhiều, cửa mở… Do vậy, khi bảo quản hiện vật vải trước tiên phải làm sạch, sử dụng máy hút bụi với lực hút nhẹ có thể điều chỉnh và buộc một lớp vải mịn lên trên đầu ống hút. Không chà hiện vật vải với đầu máy hút, luôn giữ khoảng cách 1cm giữa mặt vải và máy hút, giữ nhẹ nhàng hiện vật vải bằng các đầu ngón tay để hiện vật vải không bị bay. Hút bụi tại chổ hiện vật vải định kỳ hai lần/ một năm.

Một số hiện vật vải có nếp nhăn, thường sử dụng máy hơi lạnh bằng sóng siêu âm và tấm biển nhỏ bằng kính, luôn bắt đầu bằng cách xếp các tấm biển bằng kính ở giữa đầu vải. Nếu hiện vật vải chịu được, cho hơi lạnh phả trực tiếp lên hiện vật bằng cách tránh làm ẩm hiện vật vải. Không dùng hơi nóng vì hơi nóng vì sẽ làm suy yếu, làm khô và làm giòn sợi vải. Vì vậy, không dụng bàn ủi để ủi lên hiện vật chất liệu vải. Gia cố hiện vật vải sử dụng giá đỡ bọc vải lanh, lụa sạch. Vải dùng để gia cố phải kiểm tra độ ổn định và có màu sắc hài hòa, phù hợp với hiện vật vải. Hiện vật vải đặt theo chiều thẳng bằng cách bắt đầu từ giữa trước tiên, luôn bắt đầu cố định hiện vật vải từ giữa ra phía ngoài, sử dụng chỉ bằng chất liệu tự nhiên, dùng kim nhỏ nhất có thể khi gia cố, chọn màu kiểm tra độ ổn định, có cùng tông màu với hiện vật (luôn chọn màu xỉn hơn màu của hiện vật, sử dụng bàn có các tấm biển nhỏ di động là tốt nhất, thực hiện thao tác gia cố theo chiều phẳng, sử dụng mũi khâu đột lớn, với mũi khâu nhỏ trên mặt phải vải. Sợi gia cố phải yếu hơn sợi vải để trong trường hợp có sức căng trên hiện vật, sợi này sẽ tự đứt. Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã gia cố một hiện vật áo sườn xám của Phụ nữ người Hoa do ông Peter De Groof – chuyên gia bảo quản chất liệu dệt Hoàng Gia Bỉ hướng dẫn.

altHiện vật vải thường chỉ nên được trưng bày trong vòng 6 tháng, sau đó cần phải được đưa về kho bảo quản. Điều này đặc biệt quan trọng với hiện vật vải được treo vì có thể gây ra độ giãn rất lớn của sợi vải. Đối với trang phục và đồng phục đã được khoát lên hình người mẫu, cần phải kiểm tra sự co giãn của hiện vật vải do trọng lực. Vì vậy, nên thay đổi hiện vật trưng bày theo định kỳ nhằm bảo quản tốt hiện vật chất liệu vải.

Với trang thiết bị bảo quản chất liệu hiện vật vải chuyên dụng được trang bị cùng hệ thống kho bảo quản hiện vật đạt chuẩn theo yêu cầu hiện nay, đã giúp cho công tác bảo quản hiện vật vải tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đi vào qui cũ, tính an toàn, bảo mật, tính mỹ quan, tiện việc sắp xếp khoa học các hiện vật để bảo quản phù hợp trong kho. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và lòng yêu nghề, cán bộ bảo quản đã phần nào góp phần lớn trong công tác bảo quản đúng, khoa học nhằm kéo dài tuổi thọ cho hiện vật chất liệu vải mà bảo tàng đang lưu giữ.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 5 năm 2021

Nguyễn Thị Bích Hoa

Phòng Kiểm Kê – Bảo quản

Tour 360° Tour 360° 360 Tour