Khu vực ứng dụng công nghệ trong trưng bày của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ có diện tích khoảng 400m2. Nơi đây, toàn bộ vách trưng bày đã được cải tạo mới theo một bố cục thoáng đãng, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Lần đầu tiên, với các máy Hologram, hiện vật được quét hình ảnh theo không gian 3 chiều, tạo cho khách tham quan cảm giác trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ khi quan sát những món đồ xưa cũ qua lăng kính của thiết bị hiện đại.
Hiện tại, trong thời gian đầu ra mắt, chiếc máy này tích hợp thông tin, hình ảnh của khoảng 115 hiện vật tiêu biểu nhất của bảo tàng để giới thiệu với du khách.
Với ứng dụng này, dù không thể chạm tay vào hiện vật nhưng khách tham quan hoàn toàn có thể nhìn ngắm hiện vật ở tất cả mọi góc độ, khía cạnh, thậm chí có thể xem được những vết rạn, nứt – như những chỉ dấu của thời gian – trên hiện vật một cách sắc nét, tinh tế.
Được biết Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hiện là bảo tàng đầu tiên ở TP.HCM được trang bị thiết bị này.
Ngoài ra, đến với không gian trưng bày theo phong cách “smart-museum” này, du khách còn được tiếp cận với những máy có tính năng tương tác theo nhu cầu tham quan của du khách.
Cụ thể, du khách có thể truy cập vào kênh YouTube của bảo tàng để xem các video clip, các thước phim tư liệu, hình ảnh, bài hát, các talk-show có liên quan đến phụ nữ Nam Bộ qua các thời kỳ.
Ngoài ra, từ một sự kiện, hiện vật cụ thể, du khách có thể tìm hiểu thêm những câu chuyện về hiện vật, con người liên quan đến sự kiện đó chỉ với những cú click chuột.
Bà Nguyễn Thị Thắm, giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG
Các kỹ thuật viên đang nạp hệ thống dữ liệu – Ảnh: TỰ TRUNG
Hiện vật máy may được trình chiếu 3D – Ảnh: TỰ TRUNG
Một số tư liệu văn bản, hiện vật được số hóa – Ảnh: TỰ TRUNG
Xen kẽ trong không gian trưng bày, bên cạnh những tranh, ảnh, hiện vật còn có các kiôt thông tin được nối mạng trực tiếp để khách có thể tìm hiểu và có cái nhìn tổng quát về các nội dung trưng bày trước khi đi sâu vào tham quan chi tiết. Ứng dụng này cho phép du khách vẫn có thể nắm bắt đầy đủ thông tin mà không cần hướng dẫn viên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Thắm, giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ TP.HCM, cho biết công trình phòng trưng bày ứng dụng công nghệ hiện đại nói trên ra đời từ chủ trương cũng như sự đầu tư về mặt kinh phí của UBND TP.HCM cùng các sở ngành liên quan.
Hiện bảo tàng đã cử nhân viên tham gia các khóa tập huấn ứng dụng công nghệ để có thể vận hành, khai thác tốt các tính năng của hệ thống máy móc được trang bị. Đặc biệt, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, nhân viên bảo tàng và tới đây là khách tham quan cũng có thể “truy cập” vào tham quan từng khu vực, xem hình ảnh 3D có khả năng chuyển động của từng hiện vật của bảo tàng mà không cần đặt chân đến bảo tàng.
“Để phát huy tốt nhất phòng trưng bày, trong thời gian tới chúng tôi có kế hoạch phối hợp cùng các công ty du lịch lữ hành, các trường học trên địa bàn TP cũng như nhiều tỉnh thành khác trong cả nước để đưa du khách và các em học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm. Hi vọng ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày sẽ tạo thích thú cho khách tham quan. Từ đó góp phần vào việc giáo dục truyền thống lịch sử, nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam” – bà Thắm chia sẻ.
MAI HƯƠNG