TIẾT THANH MINH

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, từ xa xưa Tiết Thanh Minh đã trở thành ngày lễ quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Theo nghĩa Hán – Việt: “thanh” là khí trong, còn “minh” là sáng sủa. Khi tiết Xuân đi qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang tiết Thanh minh.

Thanh minh tuy không phải là cái Tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam – bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ tiên, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.

Theo quy ước, Tiết Thanh minh là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 khi kết thúc tiết xuân phân và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 dương lịch. Năm nay, Tiết Thanh minh bắt đầu vào ngày 4/4 (nhằm ngày 12 tháng 3 âm lịch năm Canh Tý) và kéo dài đến ngày 5/5 dương lịch (nhằm ngày 13/4 âm lịch). Theo phong tục, trong những ngày Thanh minh truyền thống là lúc nhớ về cội nguồn, nhiều gia đình tổ chức tảo mộ, làm bánh trôi, bánh chay.

Ông bà ta ngày xưa chọn Tiết Thanh Minh là ngày cắt cỏ trên mộ và đắp đất lên mộ (tảo mộ). Vì vào ngày này, thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tươi tốt hơn sẽ bao trùm lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ cho chắc chắn. Nhân lúc đi Thanh minh tảo mộ, để tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất, mọi người có thể dạo chơi ngắm cảnh cỏ cây tươi tốt, nên còn gọi là Đạp Thanh.

Tiết Thanh minh gắn liền với đạo đức, với bổn phận của con người Việt Nam – bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ tiên, của những người đi trước. Con cháu quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tưởng nhớ tổ tiên và sum họp với gia đình. Thông thường, vào dịp này, người còn sống sẽ tổ chức tụ họp người thân, làm lễ tảo mộ, thăm viếng và dọn dẹp mộ phần của ông bà tổ tiên. Đồng thời làm lễ cúng mời những người đã khuất về nhà dùng cơm với con cháu. Con cháu tưởng nhớ, hoài niệm lại những điều tốt đẹp về ông cha với tất cả lòng thành kính.

Trước đây, nam nữ thanh niên cũng nhân dịp này để du xuân nên mới có tên gọi hội đạp thanh (tức giẫm lên cỏ). Ngày nay, ở Việt Nam lễ hội này có lẽ không còn và ít được phổ biến, nhưng ở một số nơi tại Châu Á thì lễ hội này vẫn còn được duy trì.

Vì sao người Việt cúng bánh trôi, bánh chay?

Tổ tiên chúng ta sáng tạo ra món bánh trôi bánh chay để thắp hương và dâng lên hương linh gia tiên là hoàn toàn dựa trên nguyên lý âm dương ngũ hành chứ không hề liên quan tới Phật giáo hay Đạo giáo.

Bánh trôi thường có nhân đường cắt hình vuông, bên ngoài bột vỏ nặn tròn, mang ý nghĩa: “dương sinh âm” cũng như câu “mẹ tròn con vuông“. Bánh chay nhân đậu xanh màu vàng thể hiện âm, vỏ bánh cũng tròn màu trắng để thể hiện tính dương và đó là tính chất của âm dương giao hòa. Trong tiềm thức của người Việt, Thanh minh là một trong những ngày lễ quan trọng, chứa đựng giá trị tinh thần văn hóa sâu sắc. Nhưng để gọi sao cho đúng với tên gọi của ngày Thanh minh thì vẫn còn những tranh luận chưa đến hồi kết.

Tiết thanh minh là tiết khí thứ 5 trong 24 tiết khí của lịch pháp cổ đại. Thời gian này là khoảng giao mùa giữa Xuân và Hạ nên thời tiết ấm áp, bầu trời trong xanh, thích hợp cho sự phát triển của động thực vật.

Còn Tết thanh minh là một ngày trong Tiết thanh minh và mỗi năm có sự xê dịch khác nhau. Tiết Thanh minh nhắc chúng ta nhớ về quê hương, nguồn cội. Phảng phất trong bóng dáng mỗi con người là dấu ấn quê hương không dễ phai mờ theo năm tháng. Quê hương, nguồn cội chính là tài sản tinh thần vô giá đối với mỗi cá nhân chúng ta. Nếu không có điều kiện trở về quê hương trong dịp Thanh minh này, xin hãy hướng về nơi thiêng liêng ấy, bởi quê hương đi theo chúng ta suốt cuộc đời, in đậm dấu ấn trong từng nhân cách. Cho nên, Nguyễn Du trong Truyện Kiều mới có câu:

“Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Thanh minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh…”

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 7 tháng 4 năm 2020

Hồ Ngọc Phương

Phòng Truyền thông-Giáo dục và Quan hệ quốc tế