BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ ĐIỂM DU LỊCH CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Với trên 40.000 tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến những giá trị văn hóa truyền thống và giới tại Nam Bộ xuyên suốt dòng chảy lịch sử của dân tộc từ thuở khai hoang lập ấp vùng đất phương Nam đến lịch sử đương đại. Nhiều bộ sưu tập hiện vật và hình ảnh quý hiếm về “Phong trào đấu tranh của phụ nữ miền Nam qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, về “Lịch sử chiếc áo dài Việt Nam”, về “Phong tục ăn trầu các dân tộc ở Việt Nam”… đã thu hút sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước. Vì vậy, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tọa lạc tại số 200-202 đường Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3 đã trở thành ngôi nhà chung cho tất cả phụ nữ tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành đến trãi nghiệm và sinh hoạt cộng đồng.
Kể từ ngày khánh thành Nhà Truyền thống Phụ nữ Nam Bộ 29/4/1985 và phát triển thành Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ vào năm 1990. Đến nay, bảo tàng không ngừng được nâng cao hoạt động trưng bày, triển lãm với nhiều nội dung chuyên đề: Huyền thoại đội quân tóc dài; Trang phục, trang sức phụ nữ các dân tộc ở miền Nam; Hình tượng phụ nữ trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Tục ăn trầu… Từ chỗ chỉ làm nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa liên quan đến vai trò, vị trí của người phụ nữ phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục lịch sử, đến nay bảo tàng đã thực sự trở thành nơi học tập và là điểm tham quan hấp dẫn du khách nước ngoài. Và mới đây, ngày 07 tháng 02 năm 2020, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ được công nhận điểm du lịch của thành phố theo Quyết định số 381/QĐ-UBND, ngày 07/02/2020 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công nhận điểm du lịch Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sau thời gian bảo tàng được đầu tư cơ sở vật chất và nâng cấp xây dựng mới hệ thống kho Kiểm kê-Bảo quản, khu vực nghỉ chân, nhà vệ sinh và đổi mới hệ thống trưng bày để phục vụ khách tham quan
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ – điểm du lịch của thành phố vì đây là nơi giới thiệu về lịch sử văn hóa và phụ nữ của vùng miền Nam Bộ một cách sâu sắc cho khách tham quan với mọi lứa tuổi và ngành nghề. Bảo tàng còn là cơ quan nghiên cứu khoa học về giới với nhiều chuyên đề gắn liền với phong tục tập quán và vai trò của người phụ nữ trong các giai đoạn của lịch sử phát triển xã hội. Vì vậy, Bảo tàng trở thành điểm du lịch độc đáo bởi đặc thù là một thiết chế văn hóa chứa đựng những giá trị về lịch sử ,văn hóa và con người của thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ, mang lại một cái nhìn toàn diện những giá trị của xã hội hóa về giới với nhân sinh quan và sắc thái riêng.
Những năm qua, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã nỗ lực trong các hoạt động nâng cao sức thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Không ngừng đổi mới cách thức và nội dung thuyết minh để tăng tính thuyết phục, mức độ cảm thụ, đi sâu vào lòng người nghe. Cụ thể, bảo tàng đã thực hiện trưng bày, triển lãm mang tính trực quan cao để kích thích trí tưởng tượng cho người xem, đưa câu chuyện của phụ nữ với đời sống vào hệ thống trưng bày. Bằng cách sử dụng hệ thống thuyết minh viên điện tử với giải pháp Smart Museum. Khách tham quan khi đến bảo tàng sẽ có trải nghiệm thân thiện và thú vị. Với chiếc điện thoại smartphone trên tay, kết nối vào phần mềm ứng dụng, có thể tiếp cận từng hiện vật, câu chuyện kể về hiện vật với ba loại ngôn ngữ Việt – Anh – Pháp và trang thông tin điện tử (website) với hơn 300.000 lượt khách truy cập hàng năm.
Hàng năm, Bảo tàng thay đổi các chuyên đề trưng bày cho phù hợp với nội dung chương trình công tác hàng năm, trên cơ sở bổ sung các chuyên đề, nghiên cứu mới, ví như trong năm 2019, bảo tàng trưng bày một số chuyên đề: “Bộ sưu tập chóe” gắn liền với vai trò người phụ nữ qua các lễ hội truyền thống và sinh hoạt cộng đồng; “Làng nghề dệt thủ công truyền thống” mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc; “Phụ nữ miền Nam và công tác giao liên” với những giá trị hiện vật nguyên mẫu. Và thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa đương đại: Thiết kế và may áo dài cho người big size; tổ chức thi ảnh: “Bình đẳng giới trong gia đình”, “Phụ nữ với việc giữ gìn bản sắc văn hóa gia đình Việt Nam”; Thi đố vui, thuyết trình về mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức các hội thảo “Phụ nữ với vấn nạn thực phẩm bẩn”, “Phụ nữ chung tay với biển Đông” …. đã trở thành những cuộc thi hoặc sự kiện mang thương hiệu của bảo tàng.
Bên cạnh việc quảng bá hình ảnh bảo tàng qua sự kiện, bảo tàng còn được biết đến là nơi nghiên cứu tư liệu với một hệ thống kho bảo quản hiện vật theo tiêu chuẩn hiện đại được sắp xếp theo tiêu đề và chất liệu, cùng cách thức bảo quản theo tiêu chí của chuyên ngành bảo tồn-bảo tàng về độ ẩm và bục kệ….
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ được đánh giá là một trong các bảo tàng Việt Nam thực hiện nhiều chương trình triển lãm, trưng bày tại các tỉnh thành miền Nam và bắt đầu có những triễn lãm tại nước ngoài, từng bước giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước và người phụ nữ Nam Bộ thông qua các di sản văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, bảo tàng còn đẩy mạnh giáo dục truyền thống và lịch sử với các buổi nói chuyện chuyên đề, thuyết trình giới thiệu hiện vật, tư liệu đến thế hệ trẻ qua sự kết hợp với các trường học, tổ chức các chương trình tham quan học tập; hỗ trợ nhiều đơn vị trong nước về tư liệu, thông tin hình ảnh và hiện vật
Chủ động trong hợp tác quốc tế, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là thành viên của Hiệp hội Bảo tàng phụ nữ quốc tế (imow) đã có quan hệ hợp tác với các tổ chức nghiên cứu về phụ nữ và bảo tàng tại nước Columbia, Thái Lan, Venezuela, Ý… trong các hoạt động triễn lãm, tổ chức hội nghị… Qua đó, quảng bá về lịch sử văn hóa và người phụ nữ Việt Nam với quốc tế.
Trong thời gian tới, đến với bảo tàng, khách tham quan sẽ có nhiều trãi nghiệm khác nhau về giao lưu, học tập văn hóa,… với sự đa dạng hóa các loại hình hoạt động, nhiều nội dung trưng bày được đổi mới và thân thiện với môi trường.
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là điểm tham quan của du khách trong mỗi chuyến hành trình đến thành phố Hồ Chí Minh. Toàn thể viên chức của bảo tàng đã và đang nỗ lực phát triển và gắn kết bảo tàng với cộng động để bảo tàng là nơi hội tụ và thể hiện trực quan nhất các sự kiện lịch sử văn hóa quan trọng của thành phố.
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ vui mừng và trân trọng đón tiếp quí khách đến tham quan vào tất cả các ngày trong tuần từ 7 giờ 30 đến 11g30 và từ 13 giờ 30 đến 17g 00 hàng ngày.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 28 tháng 02 năm 2020
Nguyễn Thị Hiển Linh