KỶ NIỆM 60 NĂM BẾN TRE ĐỒNG KHỞI (17/01/1960-17/01/2020)
PHONG TRÀO ĐỔNG KHỞI Ở MIỀN NAM
Đồng khởi là phong trào đấu tranh, nổi dậy của quân và dân miền Nam chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm trong thời kì chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phong trào đã thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15, từ cuối 1959 đến 1960 nhân dân miền Nam vùng lên khởi nghĩa đồng loạt để giành chính quyền. Tiêu biểu là cuộc nổi dậy của nhân dân huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận (1959); cuộc khởi nghĩa Trà Bồng, Quảng Ngãi ((1959); cuộc đồng khởi của đồng bào tỉnh Bến Tre (1960); cuộc nổi dậy đồng loạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên (1960)…
Có thể nói, phong trào Đồng khởi nổ ra từ Nam Trung Bộ, lan ra khắp miền Nam nhưng tiêu biểu nhất chính là cuộc Đồng khởi ở Bến Tre. Tháng 12/1959, Liên Tỉnh uỷ miền Trung Nam Bộ triệu tập đại biểu các tỉnh Kiến Phong, Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường, An Giang, tổ chức hội nghị tại Hồng Ngự để bàn định các biện pháp thúc đẩy phong trào cách mạng ở Trung Nam Bộ tiến lên giành những thắng lợi mới. Hội nghị Liên Tỉnh uỷ quyết định: phát động quần chúng khởi nghĩa ở xã, ấp. Thực hiện chủ trương của Hội nghị Liên Tỉnh uỷ Trung Nam Bộ, ngày 17/01/1960, nhân dân Bến Tre nổi dậy khởi nghĩa, bắt đầu từ 3 xã điểm: Định Thuỷ, Phước Hiệp và Bình Khánh (huyện Mỏ Cày). Phong trào Đồng khởi nhanh chóng lan rộng ra khắp tỉnh Bến Tre. Chỉ trong một tuần lễ (từ 17 đến 24/01/1960), nhân dân 47 xã thuộc các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú nhất tề nổi dậy, giải phóng xã, ấp khỏi ách kìm kẹp của địch.
Thắng lợi trong cuộc đồng khởi của nhân dân Bến Tre làm cho địch điên đầu. Chính quyền Ngô Đình Diệm lập tức đến Bến Tre để khảo sát tình hình, đồng thời lệnh cho quân đội đưa 10 ngàn lính về 3 xã trên để mở cuộc vây quét lực lượng cách mạng. Quân địch đi đến đâu, chúng bắn giết, đốt phá, cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ tới đó. Chúng chôn sống 36 thanh niên và giết hại 80 đồng bào. Nhằm ngăn chặn hành động bạo ngược đó, Tỉnh uỷ Bến Tre quyết định vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh trực diện với địch; đồng thời, huy động tổ chức lực lượng phụ nữ kéo ra quận lỵ Mỏ Cày tố cáo tội ác của binh lính địch, đòi chúng rút quân. Ngày 01/04/1960, hàng ngàn phụ nữ với hàng trăm ghe, thuyền, đem theo lợn, gà, xoong, nồi, mùng, màn, kéo về quận lỵ lánh nạn. Cuộc tản cư ngược của phụ nữ 3 xã này nhanh chóng được bổ sung thêm lực lượng. Đến quận lỵ, chị em lớp đưa đơn, lớp nói miệng đòi Quận trưởng cho nương nhờ để chờ quân “áo rằn” rút. Trước lời lẽ có lý, có tình của chị em, địch buộc phải thừa nhận tội ác và hứa rút quân. Cuộc đấu tranh chính trị của phụ nữ Bến Tre đã giành thắng lợi lớn và từ đây xuất hiện cụm từ “Đội quân tóc dài” để chỉ cuộc đấu tranh chính trị của phụ nữ miền Nam.
Tính đến cuối năm 1960, phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam đã căn bản làm tan rã cơ cấu chính quyền cơ sở địch ở nông thôn. Trong 2.627 xã toàn miền Nam, nhân dân đã lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã, đồng thời làm tê liệt chính quyền Mỹ-Diệm ở hầu hết các xã khác. Dân số vùng giải phóng toàn miền Nam có khoảng 5,6 triệu người. Kế hoạch lập khu trù mật của địch bị phá sản. Chính sách “cải cách điền địa”của địch bị thất bại nặng. Hai phần ba số ruộng đất bị Mỹ-Diệm cướp (khoảng 17 vạn héc ta) đã trở về tay nhân dân. Phong trào Đồng khởi ở nông thôn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị. Trong năm 1960 ở miền Nam có 10 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị, trong đó tiêu biểu nhất là phong trào đấu tranh nhân ngày 20/07/1960.
Phong trào Đồng khởi trên thực tế đã chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đã giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Aixenhao, làm thất bại cuộc chiến tranh đơn phương của đế quốc Mỹ. Đây là một mốc mới rất quan trọng của cách mạng miền Nam, tạo cơ sở vững chắc để nhân dân miền Nam Việt Nam đánh thắng “chiến lược chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Tp.Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 01 năm 2020
Phạm Thị Diệu