Những vấn đề đặt ra qua tọa đàm khoa học “VĂN HÓA GIA ĐÌNH VIỆT NAM – TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI”

Vào lúc 8h30’ sáng thứ năm ngày 07/12/2017, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức lễ trao tặng hiện vật cùng tọa đàm chuyên đề: “Văn hóa gia đình Việt Nam – truyền thống và hiện đại”. Đến tham dự chương trình có sự hiện diện của các thành viên Tổ sử Phụ nữ Nam bộ, bà Lê Nguyễn Thùy Linh – Giám đốc Unesco Việt Nam, TS. Phan Công Khanh – PGĐ Học viện Chính trị khu vực II, TS. Nguyễn Hiệp Trí – Phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới – Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Tp.HCM, bà Lâm Thị Ngọc Hoa – Phó chủ tịch thường trực HLHPN TP.HCM, bà Hằng Nguyễn – Hoa hậu quý bà hoàn vũ Việt Nam năm 2016 – đại diện Ami Fashion, Á hậu dân tộc Việt Nam – Trương Thị May cùng các khách mời như: Hội Di sản TP.HCM, Lữ đoàn 125 Hải quân, Bộ Tư lệnh TP.HCM, Hội phụ nữ Bộ Tham mưu Quân khu 7 cùng toàn thể cán bộ viên chức qua các thời kỳ của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

Trước buổi tọa đàm, bà Hằng Nguyễn – Hoa hậu quý bà hoàn vũ Việt Nam năm 2016 – đại diện Ami Fashion đã phát biểu về cách bảo tồn và phát huy các sản phẩm được làm từ chất liệu vải Lãnh Mỹ A và bà đã cùng với Á hậu dân tộc Việt Nam – Trương Thị May trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Nam một số hiện vật: bộ trang phục áo dài xưa, áo bà ba truyền thống, áo dài trắng …

Sau phần trao tặng hiện vật là tọa đàm khoa học chủ đề: “Văn hóa gia đình Việt Nam – truyền thống và hiện đại”. Ngay từ tên của buổi tọa đàm đã khẳng định: gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường hình thành, giáo dục nhân cách con người. Vì vậy, nếp sống gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Bác Hồ đã nói: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”.

Gia đình Việt Nam hiện nay đang phải đương đầu với một loạt thử thách lớn khi chuyển từ mô hình gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại. Sự tăng trưởng kinh tế cùng với sự tiến bộ về khoa học công nghệ đã tác động mạnh mẽ đến cấu trúc nội tại và hình thái bên ngoài của gia đình Việt Nam đang thay đổi từng ngày.

Nhằm bảo tồn và gìn giữ những nét đẹp trong phong tục, tập quán của người Việt về truyền thống văn hóa gia đình đồng thời tìm ra giá trị cốt lõi của các gia đình Việt Nam đương đại cũng như đưa ra những giải pháp để định hướng các giá trị truyền thống song song phát huy những giá trị mới về gia đình, buổi tọa đàm đã nhận được 25 bài tham luận góp tiếng nói chung trong việc gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa, nếp nhà của gia đình Việt Nam xưa và đồng hành xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại, nghĩa tình, ấm áp yêu thương.

Mở đầu cho buổi tọa đàm là bài tham luận: “Tác động bạo lực gia đình đối với xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc, bền vững” của Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực gia đình, đây là một vấn đề nhức nhối của xã hội để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng mà trước hết là vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm, tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Bên cạnh đó, buổi tọa đàm đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp cũng như chia sẻ về các bài tham luận, góp phần làm cho buổi tọa đàm thêm sôi nổi, đa số các bài đều nói lên những nét đẹp của văn hóa gia đình Việt Nam đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Các bài tham luận đã chuyển tải nhiều thông điệp mang ý nghĩa sâu sắc như: Cha mẹ với việc hướng dẫn con cái đọc sách của Ths. Vũ Trung Kiên – Học viện Chính trị khu vực II; Bảo tồn giá trị văn hóa gia đình, xây dựng gia đình văn hóa Việt Nam thời kỳ Công nghiệp hóa – hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai của TS. Nguyễn Thị Nguyệt – trường ĐH Văn Hóa TP.HCM; Hạnh phúc vì tuổi thơ không có máy tính bảng của nhà văn Trầm Hương; Mẹ chồng – nàng dâu thời hiện đại của TS. Quách Thu Nguyệt – Hội xuất bản sách Việt Nam …

Tọa đàm cho thấy vai trò quan trọng của người phụ nữ trong việc giữ gìn nếp nhà: “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”; sự ảnh hưởng của gia đình; nhất là người mẹ trong việc định hướng góp phần tạo nên nhân cách, bản tính của những người con. Không khí buổi tọa đàm sôi động hẳn khi khách tham dự đặt vấn đề: “Có hay không phụ nữ bạo lực đàn ông?”, “Một khi phụ nữ bạo lực còn dữ dội hơn phái mày râu”,… và những điều người chồng cần ở vợ mình “bớt lời”.

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa – Phó chủ tịch thường trực HLHPN TP.HCM cho rằng: hiện nay do đã có sự bình đẳng về giới nên phụ nữ đã tự tin hơn trước rất nhiều, phụ nữ đã được tạo điều kiện để cống hiến năng lực của mình trên mọi lĩnh vực của xã hội. Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM với vai trò đại diện cho phụ nữ cũng thường xuyên tổ chức nhiều lớp học để phụ nữ tham gia, như lớp học tiền hôn nhân … hướng dẫn những kỹ năng sống trong gia đình.

TS. Nguyễn Hiệp Trí – Phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới – Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Tp.HCM chia sẻ nhiều vấn đề đang được quan tâm hiện nay: trong gia đình, không chỉ phụ nữ mà nam giới cũng chịu sự bất công, bất bình đẳng. Nhiều thành viên trong gia đình đã đặt cái tôi của mình lên quá cao mà không đặt mình vào vị trí của người khác. Truyền thông chưa góp phần tuyên truyền về văn hóa gia đình trong xã hội, vai trò còn mờ nhạt. Theo ông, văn hóa ứng xử trong gia đình phải hướng đến kỹ năng cân bằng giữa công việc và gia đình.

Ông Vũ Thành Trung – nguyên giám đốc công an tỉnh Sông Bé nhấn mạnh đến nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình là do cách ứng xử của các thành viên, buổi tọa đàm đã tìm ra hầu hết các nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, tuy nhiên nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng bạo lực đều có sự tham gia của người phụ nữ. Nhiều tệ nạn xã hội diễn ra một phần do cách sống của mỗi gia đình, cụ thể do xây dựng gia đình khi tuổi đời còn quá trẻ, sau khi kết hôn phát sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn, cuộc sống nghèo khổ, vất vả ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống …

Buổi tọa đàm đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng mỗi đại biểu tham dự, qua các ý kiến đóng góp chúng ta nhận thấy rõ: văn hóa gia đình hiện nay phải chịu nhiều thử thách như: bạo hành gia đình, tác động của toàn cầu hóa, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tệ nạn xã hội bủa vây … Vì vậy, người phụ nữ trong xã hội hiện đại phải cực kỳ sâu sắc để nhìn nhận mọi vấn đề trong công việc cũng như trong cuộc sống gia đình, phải dung hòa trong ứng xử cũng như luôn tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi để nâng cao vốn kiến thức của mình để góp phần gìn giữ sự phát triển bền vững của xã hội, vì gia đình là thành trì, là cái nôi của xã hội trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 12 năm 2017

Hồ Ngọc Phương

Tour 360° Tour 360° 360 Tour