Chị Thu- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi thường nhắc tôi: “Ngày 10 tháng 10 âm lịch là tụi chị hẹn gặp nhau ngày giỗ chị Nguyễn Thị Nê, em nhớ thu xếp đi nghen!”. Đến hẹn, tôi về Củ Chi. Và những trang sử anh hùng được mở ra từ những nhân chứng lịch sử …
Chị Thu- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi thường nhắc tôi: “Ngày 10 tháng 10 âm lịch là tụi chị hẹn gặp nhau ngày giỗ chị Nguyễn Thị Nê, em nhớ thu xếp đi nghen!”. Đến hẹn, tôi về Củ Chi. Và những trang sử anh hùng được mở ra từ những nhân chứng lịch sử …
Đó là thời điểm quân đội Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam. Nhiều vành đai diệt Mỹ đã được dựng nên bằng tinh thần dũng cảm, sáng tạo của nhân dân. Hàng trăm nữ dũng sĩ đã xuất hiện trong phong trào “tìm Mỹ mà diệt, tìm ngụy mà đánh”. Yêu cầu thực tế của chiến trường đã hình thành nên nhiều đơn vị nữ du kích, trong đó có Trung đội nữ du kích Củ Chi. Ngày đầu thành lập, Trung đội có vài chục chị em, thời điểm đông nhất lên đến 60 chiến sĩ, do chị Nguyễn Thị Nê làm Trung đội trưởng, chị út Nhỡ làm chính trị viên. Những người con gái Củ Chi năm ấy đã làm nên những trận đánh vang dội. Đó cũng là những người con gái đã góp phần đào nên hàng ngàn mét địa đạo và biết tựa vào địa đạo mà đánh địch. Những ổ chiến đấu được hình thành ngay trong lòng đất được những bàn tay con gái ngụy trang vô cùng khéo léo. Chính trong những công sự lặng lẽ và bí mật ấy, vành đai diệt Mỹ ở Củ Chi bao quanh căn cứ Đồng Dù đã trở thành vành đai thép chặn đứng âm mưu hủy diệt bằng bom đạn tối tân của quân Mỹ. Hoa dũng sĩ đủ loại nở rộ khắp xóm làng. Đó là Bảy Gừng, Tư Mô- những người con gái đầu tiên của Củ Chi trở thành “dũng sĩ diệt Mỹ”. Đó là chị Võ Thị Trong dù trải qua nhiều lần bị bắt vào tù, dù chỉ còn lại một cánh tay vẫn điều khiểu khẩu ru-lô tiêu diệt hai tên địch. Đó là chị Minh Hiếu (Trương Hải Thủy) chỉ bằng một khẩu B40 đã bắn hạ máy bay Mỹ. Có ai ngờ một tiểu đội nữ ở xã Trung Lập Hạ đã trải qua 33 ngày đêm đánh 44 trận phản kích và 16 trận tập kích, đã diệt được số quân Mỹ nhiều hơn số tuổi đời của mình.
Những người con gái năm ấy nay đã trở thành bà nội, bà ngoại với những hoàn cảnh rất khác nhau: người sống đầm ấm, hạnh phúc với chồng con. Không ít chị sống trong bệnh tật, đói nghèo; có chị ngày đêm vật lộn với di chứng vết thương chiến tranh… Chị Gái Chích đi cạo mũ cao su tận Dầu Tiếng nhưng đã về Củ Chi từ sáng sớm để cùng gặp mặt chị em ngày giỗ chị Nê. Các chị nhắc bao kỷ niệm vui buồn thời chiến đấu bên vành đai diệt Mỹ. Năm ấy, những người con gái đã chui xuống địa đạo mà đánh giặc, mà yêu thương, mà nuôi giấu khát vọng, niềm tin vào ngày hòa bình. Không ai quên được trận đánh giữa năm 1967. Trận ấy, trung đội trưởng nữ du kích Nguyễn Thị Nê chỉ huy tổ 3 người dùng mìn định hướng tự tạo DH10 đánh vào bãi xe tăng và khu nhân viên kỹ thuật Mỹ ở căn cứ Đồng Dù. Để thực hiện trận đánh, chị Nê đã 3 lần bò vào trinh sát, rờ từng xích xe tăng, từng lều bạt của Mỹ. Mỗi lần tiếp cận mục tiêu, chị phải vượt qua 20 lớp rào kẽm gai bùng nhùng gắn mìn cóc và mìn chiếu sáng. Khi trở ra, chị phải giữ nguyên hiện trạng như lúc ban đầu để địch khỏi nghi ngờ. Nhờ trinh sát giỏi, tổ nữ du kích đã thắng lớn, diệt 50 tên Mỹ, phá hủy 7 xe tăng và 5 khẩu pháo 105 ly, riêng chị Nguyễn Thị Nê được bầu “dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, được cử đi dự Đại hội thi đua toàn miền. Năm ấy, chị Nê vô cùng hạnh phúc, tự hào khi được thay mặt trung đội nữ du kích Củ Chi viết thư báo cáo với Bác Hồ. Lịch sử vùng đất thép Củ Chi đã ghi lại lá thư của người nữ anh hùng:
“Bác Hồ kính mến của cháu,
Cháu là Nguyễn Thị Nê, 20 tuổi, đội trưởng đội nữ du kích Củ Chi. Thưa Bác, đội cháu hiện nay có 60 chị em. Từ ngày thành lập đến nay, toàn đội đã đánh trên 100 trận, diệt trên 400 tên Mỹ, phá hủy 70 xe tăng và xe bọc thép, bắn rơi 15 máy bay; ai cũng diệt được ít nhất 3 tên Mỹ và đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ…
Riêng phần cháu đã diệt được 15 tên Mỹ, 20 tên ngụy, phá hủy 2 xe tăng, 2 xe bọc thép và 2 khẩu pháo. Nhưng cháu tự nhận thấy cũng còn nhiều thiếu sót, như chưa thật sâu sát, gần gũi với tất cả chị em, còn nóng vội lúc giao nhiệm vụ cho chị em. Cháu xin hứa với Bác sẽ tích cực sửa chữa”.
Vì lời hứa đó mà chị Nê đã lập nhêm nhiều chiến công. Đêm 30/10/1967, chị Nguyễn Thị Nê chỉ huy tổ 4 người, cải trang đột nhập vào thị trấn, cắm lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng lên ngọn cây điệp cao nhất thị trấn và gài mìn khiến 15 tên địch nhận lệnh hạ cờ bị tiêu diệt và 9 tên khác bị thương. Ngày 10/10 âm lịch năm 1969, chị Nguyễn Thị Nê hy sinh sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Ngày 30/8/1995, chị Nguyễn Thị Nê được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.
Dù xương thịt người con gái tuổi đôi mươi đã tan vào lòng đất Củ Chi nhưng chị Nê vẫn sống trong lòng đồng đội. Bên di ảnh của chị Nê, chị Út Nhỡ nói: “Đây là ngày giỗ lần thứ 28 tôi thực hiện lới hứa với Nê. Chị em tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó nhau trong chiến đấu. Hồi chị ba Định cho phép thành lập trung đội nữ du kích, tụi này mừng quýnh. Tôi với Nê đi khắp đầu trên xóm dưới tuyển mộ lính, rồi tổ chức chiến đấu. Buổi đầu, bao nhiêu là gian nan vất vả, cũng không ít lần khóc vì tủi thân. Nhiều đơn vị chủ lực không nhận tác chiến với chúng tôi vì không tin vào khả năng phụ nữ biết đánh giặc. Chị em chúng tôi dặn lòng phải đánh giặc giỏi, phải lập nhiều chiến công. Không hiểu sao mà Nê nói với tôi: “Chị à, chiến tranh ác liệt như vầy, chắc gì chị em mình sống tới ngày hòa bình. Em giao ước mấy chị em mình, đứa nào còn sống thì giỗ cho đứa chết…”. Tôi hứa rồi mắng yêu nó: “Làm sao mà em chết được. Em mà chết thì có người buồn, khóc đến ngập lụt Củ Chi đó. Em phải sống để còn lấy chồng, sinh con nữa chớ. Người ta đang đợi em từng ngày, từng bữa”. Nê mắc cở vùi đầu vào ngực tôi, giấu những giọt nước mắt. Quả là lúc đó Nê đang yêu…
Chị Lê Thị Sương- người nữ chính trị viên trung đội du kích sau thời chị út Nhỡ kể: “Chuyện chị Nê yêu anh Thương- một huyện ủy viên trẻ tuổi, đẹp trai, đánh giặc giỏi thì tôi biết rất rõ. Hồi đó, tôi là bà mối bất đắc dĩ cho anh Thương. Mới 15 tuổi, còn rất trẻ con, gặp ảnh tôi đòi “Chừng nào đánh được Mỹ, anh lấy cho em cái thắt lưng với vài trái “da láng nghen”. Tôi không nghĩ là anh Thương giữ đúng lời hứa, sau khi lập chiến công đánh Mỹ, đích thân mang cái thắt lưng Mỹ sang Trung lập Thượng-nơi trung đội nữ chúng tôi đang đóng quân. Tôi mừng quýnh, giới thiệu với chị Nê đây là người anh bà con của tôi. Chị Nê hỏi anh, anh tên gì vậy anh?. Anh trả lời: “Tôi tên Thương chị”. Rồi anh Thương hỏi lại, chị tên gì vậy chị?. Chị Nê trả lời: “Tôi tên Nê anh”. Nghe hai người hỏi thăm nhau nghe ngồ ngộ, cái gì mà “Thương chị”, “Nê anh” tụi tui cười ầm lên, cắp đôi hai người, nào ngờ anh Thương và chị Nê sau này thương nhau thiệt!. Tổ chức và gia đình hai bên đã biết mối quan hệ này. Anh Thương đã trao nhẫn đính hôn cho chị Nê, chỉ chờ ngày cưới…”. Rồi tiếp theo là những trận chống càn, những trận chiến đấu quyết liệt bên vành đai diệt Mỹ. Năm 1969 anh Thương hy sinh, mấy tháng sau, chị Nê cũng hy sinh. Thật cảm động, trong ngày giỗ chị Nê, em gái anh Thương đã đến dự, lặng người bên di ảnh người chị dâu chưa kịp mặc áo cưới…
Nhiều người con gái Củ Chi đã ngã xuống bên vành đai diệt Mỹ ở tuổi đôi mươi, có chị ra đi khi chưa tròn 15 tuổi. Riêng trung đội nữ du kích Củ Chi đã có 23 chị hy sinh. Vì lẽ đó mà ngày giỗ chị Nguyễn Thị Nê không còn bó hẹp trong gia đình chị Út Nhỡ với lời hứa năm xưa mà trở thành sự kiện đáng ghi nhớ của Củ Chi. Thật kỳ diệu, khi những nữ du kích cầm súng năm xưa, có chị bắn rơi cả trực thăng địch như chị Minh Hiếu nay đang cầm trên tay những đóa hoa sắp vào dĩa trông đẹp mắt đến lạ thường. Trong những ngày hòa bình, các chị vượt lên số phận, trồng nên những nhánh hoa đẹp dâng tặng cho đời. Đất Củ Chi ấp ủ bao mối tình cao đẹp. Có lẽ vì vậy mà trong những ngày này, vùng đất thép năm xưa bừng nở rất nhiều hoa…
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, NGÀY 18 THÁNG 12 NĂM 2017
TRẦM HƯƠNG