Nhân kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2017), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ lần lược giới thiệu đến bạn đọc một số chân dung các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành trong cả nước.
Trầm Hương
Nhân kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2017), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ lần lược giới thiệu đến bạn đọc một số chân dung các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành trong cả nước.
Mở đầu cho các bài viết về Mẹ, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị É, dân tộc Mường, sinh năm 1921, hiện đang ở xã Sơn Thịnh, thị trấn Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Mẹ có người con trai duy nhứt là anh Phùng Văn Kiển, hy sinh năm 1973, nơi chiến trường miền Nam.
Là một người phụ nữ đẹp, góa chồng sớm, sống một mình thật không dễ dàng. Bất chấp vất vả, khổ đau, nhan sắc mẹ Hà Thị É vẫn rực rỡ giữa núi rừng Phù Nham, Văn Chấn. Nhiều người đàn ông trong bản đeo đuổi mẹ. Nhiều bà vợ hiểu lầm, ghen ghét, rượt đuổi mẹ…
Mẹ Hà Thị É chỉ sinh được đứa con trai duy nhất. Mẹ đặt tên con là Phùng Văn Kiểm. Ký ức như dòng suối Ngòi Nhì cuồn cuộn chảy về, mẹ nhớ những ngày người chồng Phùng Văn Chì rời bỏ mẹ giữa đêm khuya, đi làm cách mạng, quăng thân vào núi rừng, quân Pháp đã bắn chết chồng mẹ. Mẹ kể bằng tiếng Kinh, rất khúc chiết, gọn gãy: “Ông ấy bị Tây bắn, chết trên đường, người ta khiêng xác về, mẹ làm ma cho chồng. Chồng chết, mẹ đau đớn lắm, đau như thế nào, mẹ không nói được ra lời!”.
Chồng hy sinh, mẹ một mình nuôi con rất vất vả. Mẹ nhớ ngày xưa kiếm miếng ăn rất khó, may nhờ có núi rừng cưu mang. Mẹ vào rừng đào củ mài, củ nâu, móng ngựa để lấy cái ăn cho con đỡ đói. Ký ức cuộc đời góa bụa hẩm hiu hằn sâu trong tâm khảm mẹ: “Gạo thời ấy rất hiếm. Con còn nhỏ, hay ốm đau, mẹ vào rừng kiếm thuốc. Mẹ thuộc lòng từ loại cây cỏ trong rừng, hái về chữa bệnh cho con!”. Tình yêu núi rừng, cây cỏ vẫn dạt dào chảy trong lòng mẹ: “Trong rừng thuốc gì cũng có, chỉ tại mình không biết, không tìm đúng thuốc chữa bệnh! Rừng đã cứu con mẹ”. Lần ấy, cậu bé Kiểm bị bệnh hành hạ, khóc suốt đêm trên lưng mẹ. Mẹ cõng con trên vai, đi loanh quanh ngôi nhà sàn cho tới sáng. Nghe người trong bản mách, trong rừng có suối nước tiên chữa bệnh rất hay, thương con, mẹ không sợ nguy hiểm, cực nhọc; băng rừng mấy ngày đêm, kiếm suối nước tiên. Không biết vì nước ở Suối tiên mầu nhiệm hay vì tình mẫu tử thiêng liêng đã lay động được đất trời mà con mẹ khỏi bệnh…
Con trai mẹ – Phùng Văn Kiểm lớn lên, học chưa hết cấp 2 đã khai tăng tuổi, xung phong đi bộ đội. Mẹ nghe đau thắt tim vì một dự cảm rất gần. Nhưng mẹ không thể ngăn con trai lên đường đi chiến đấu. Hàng chục năm làm công tác Hội phụ nữ, mẹ tự nhủ mình phải làm gương để những bà mẹ ở bản Mường noi theo. Mẹ dặn lòng như vậy, nhưng lúc chia tay, nhìn gương mặt con còn quá trẻ; nhìn con khoác súng lên vai, hòa lẫn cùng đồng đội, mẹ không ngăn được nước mắt. Hôm tiễn anh Phùng Văn Kiểm ra đi, còn có cô gái Mường Hà Thị Thiết rất xinh, rất trẻ. Anh Kiểm đi rồi, cô gái ấy vẫn thường lui tới thăm hỏi, săn sóc mẹ. Mẹ thấu hiểu cô đến với mẹ cốt là để ngóng những lá thư anh Kiểm gởi về. Năm tháng trôi qua, bao lần dời bản, mẹ không còn giữ được những lá thư của con trai. Nhưng mẹ vẫn nhớ như in những gì anh viết cho mẹ. Thư lúc đầu anh kể chuyện đi bộ đội, khoe với mẹ anh rất vui, rất khỏe, nhắn mẹ đừng quá lo lắng, giữ gìn sức khỏe để anh về, mẹ lo làm đám cưới cho anh; cuối thư, anh Phùng Văn Kiểm thường viết:
“Con đi chiến đấu, mẹ đợi con trở về với mẹ
Mẹ giữ người yêu cho con”.
Có lá thư anh Kiểm kể rất tỉ mỉ: “Con được huấn luyện, đưa vào đơn vị đặc công, đi vào đồn giặc rất dễ dàng. Con nghe cả tiếng mấy tên địch ôm súng gác trong đồn, thở phì phì…”; nhưng rồi anh Phùng Văn Kiểm đã không trở về. Sau năm năm con ra đi biền biệt, năm 1973, giấy báo tử con trai hy sinh ở mặt trận phía Nam xuyên qua các bản Mường, đậu xuống ngôi nhà sàn của mẹ. Hôm ấy ngôi nhà sàn rất nhiều người đến an ủi, chia sẻ nỗi đau mất con của mẹ. Mẹ cố nén nỗi đau, cho nước mắt chảy ngược vào trong, vì không muốn bà con nhìn mẹ quá mềm yếu, bi lụy. Nhưng khi nhìn gương mặt trẻ trung, xuân thì của người con gái Mường đã từng đính ước với con trai mình, mẹ không cầm được nước mắt, cám cảnh thương mình, thương cô gái trẻ. Điều làm mẹ tiếc nuối nhất trong cuộc đời là con trai chưa kịp sinh con. Mẹ khao khát đến cháy lòng có được đứa cháu ẵm bồng.
Con không trở về, ngôi nhà sàn càng thêm trống trải. Mẹ lẻ loi giữa những gian nhà vắng hơi ấm người. Nhiều đêm mẹ giăng mùng ngủ một gian, gian bên mẹ vẫn buông màn, để ngôi nhà bớt lạnh lẽo, để “không người ta lại bảo không có hơi người”. Là một phụ nữ đẹp, góa chồng sớm, sống một mình thật không dễ dàng. Bất chấp vất vả, khổ đau, nhan sắc mẹ Hà Thị É vẫn rực rỡ giữa núi rừng Phù Nham, Văn Chấn. Nhiều người đàn ông trong bản đeo đuổi mẹ. Nhiều bà vợ hiểu lầm, ghen ghét, rượt đuổi mẹ. Mẹ trầm tĩnh đối mặt với lòng ghen tuông bốc lên ngùn ngụt của những người vợ trước sự xao lòng của những người đàn ông mà phần lỗi đâu phải ở mẹ: “Xin các bà bắt được hãy nói. Không bắt được tôi, đừng nói bậy nói bạ, tội nghiệp lắm!”. Hoàn cảnh bức bách, mẹ đi thêm bước nữa “để có chỗ nương tựa”. Mẹ làm bạn với ông Hoàng Văn Sáy – một người đàn ông Thái góa vợ. Rồi ông Hoàng Văn Sáy cũng lâm bệnh chết sớm, bỏ lại mẹ trơ trọi giữa cuộc đời.
Mẹ vượt qua những mất mát, khổ đau bằng cách lao vào công việc. Người phụ nữ mảnh mai, nhan sắc, góa bụa vượt lên hoàn cảnh từng là đội trưởng đội sản xuất giỏi khiến nhiều người nể phục. Mỗi sáng, mẹ dồn sức đánh trống, giục các xã viên thức dậy. Mẹ công tâm đi chấm công điểm các xã viên, ngày lao ra đồng sản xuất, tối về xay lúa, giã gạo cho hợp tác xã. Mẹ dường như vắt kiệt sức thanh xuân của mình cho công việc, để quên đi mọi thứ, quên nỗi cô đơn và khao khát một mái ấm gia đình. Nhiều đêm, mẹ thức dậy giữa đêm khuya, lau nước mắt nhận ra giấc mơ đứa trẻ bi bô trèo lên ngôi nhà sàn, lao vào vòng tay yêu thương của bà nội đã vĩnh viễn tắt lịm.
Người dân Phù Nham bầu mẹ Hà Thị É làm Phó chủ tịch xã. Nhớ về những năm tháng ấy, mẹ sôi nổi kể: “Mẹ đi họp nhiều lắm. Máy bay bắn phá, biết là nguy hiểm nhưng mẹ vẫn đi. Mẹ vận động thanh niên tòng quân, bà con tham gia sản xuất, hưởng ứng phong trào ba đảm đang, tất cả cho chiến trường miền Nam!”. Chị Hà Thủy Tiên – người cháu của mẹ hiện nay là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và chị Vũ Thị Nga – Phó chủ tịch xã Sơn Thịnh kể: “Khi thấy chúng tôi nuôi con kêu khổ, mẹ nói ngày xưa mẹ nuôi con còn khổ gấp nhiều lần. Giờ thấy các con quấn quýt bên các cháu, mẹ thèm lắm. Nhưng con mẹ không bao giờ trở về nhà nữa!”. Chị Hà Thủy Tiên nói mẹ rất quý cháu, coi con chị như cháu của mẹ. Ngày tết lễ, nhìn những đứa trẻ quây quần, tôi nhói lòng biết mẹ rơi nước mắt vì chạnh lòng nhớ con.
Nỗi nhớ con cứ trở về trong câu chuyện mẹ kể. Mẹ nhớ anh Kiểm rất thương mẹ. Anh Kiểm mồ côi cha khi mới một tuổi. Mẹ nghẹn ngào: “Hồi nhỏ, ngày tết, những đứa trẻ có bố, được bố làm cho cái cù quay để chơi. Kiểm không có bố, không có cù quay, mẹ chặt nõn chuối làm ô tô cho con chơi”. Quần áo của anh Kiểm mẹ tự dệt, gởi gắm tình yêu thương trong từng nút chỉ. Chị Vũ Thị Nga cảm khái nói về mẹ: “Đức tính quý nhất của mẹ là sự thương khó, chăm chỉ, dịu dàng. Mẹ kiên trì, nhã nhặn, nói đi đôi với làm. Mẹ dạy chúng tôi làm phụ nữ phải biết hy sinh, lạt mềm buộc chặt, phải biết quý tình cảm gia đình. Mẹ nói các con khổ nhưng không khổ bằng mẹ ngày xưa. Mẹ tìm việc để quên đi nỗi khổ! Mẹ khuyên chúng tôi phải biết chăm sóc, nâng niu gia đình. Hạnh phúc gia đình rất quý báu. Từ cuộc đời mất mát, cô đơn của mình, mẹ luôn mong những người thân được sống trong hạnh phúc!”.
Hạnh phúc của những người thân quen là những gì rất thật, rất cụ thể, cứ chạm tay là nắm bắt được. Còn mẹ, hạnh phúc chỉ vụt trở về trong những giấc mơ. Vài lần, mẹ thấy anh Phùng Văn Kiểm về bản thăm mẹ. Anh bước vào ngôi nhà sàn, hình vóc đó nhưng gương mặt mờ ảo, tan vào hư không. Mẹ cố nhìn nhưng không nhận ra gương mặt con. Tỉnh dậy, mẹ nuối tiếc. Mẹ mong gặp lại con, dù chỉ trong giấc mơ, để biết gương mặt anh giờ như thế nào, anh cao lớn ra sao. Nhưng mẹ cũng ít khi có được niềm hạnh phúc ấy, bởi không phải chiêm bao nào cũng nhìn thấy con. Mẹ lau nước mắt nói “Mong dưới suối, Kiểm phù hộ cho mẹ!”
Mẹ lần từng bước khó nhọc ra thăm khu vườn phía sau nhà, kể rành rọt về tác dụng từng loại cây lá: “Cây bông gạo, xương rồng giã nát, nướng lên, để dưới giường nằm, trị đau lưng; nhựa cây sung, rễ chanh chữa được ho; cỏ xước, lá bưởi, lá hương nhu nấu xông trị cảm. Những cây cỏ ấy có sẵn trong rừng, có sẵn trong vườn nhà, chỉ cần biết là hái về, chữa được bệnh cho nhiều người!”. Nhớ thương con, mẹ gởi tình yêu con vào từng lá cây ngọn cỏ. Mẹ dùng kiến thức về cây cỏ chữa bệnh cho những người quen thân, cách mẹ tìm lấy niềm vui trong những năm tháng cô đơn. Trong ánh hoàng hôn rực lên cuối ngày, tôi cảm nhận sâu sắc cuộc đời mẹ là báu vật nhân văn sống cho con cháu. Tinh hoa núi rừng tích tụ trong vẻ trầm lắng của một người mẹ Mường.
Mẹ nói với chúng tôi, vào tháng bảy, mẹ mua đồ cúng cho anh Phùng Văn Kiểm. Ấy cũng là lúc mẹ nhớ con cồn cào gan ruột. Mẹ nhớ rất rõ: “Thằng Kiểm đi bộ đội lúc mới 16 tuổi. Khi nó đi, tôi chỉ kịp may cho nó cái túi vải, đựng bàn chải đánh răng!”. Từng vật nhỏ gắn với con ngày lên đường vào Nam chiến đấu khắc sâu trong ký ức mẹ. Chị Nga tiết lộ: “Những lúc xem ti-vi, mẹ rất quan tâm tin tức tìm mộ liệt sĩ. Nhưng bây giờ mẹ yếu lắm rồi, không biết cách nào, cũng không còn sức vào Nam đi tìm mộ con!”
Bao năm trôi qua nhưng đến bữa ăn, đã thành thói quen, mẹ lấy ra một bát, gắp thức ăn để dành cho con. Anh Phùng Văn Kiểm như chưa hề đi xa, vẫn sống trong tâm thức của mẹ. Từ giả mẹ ra về, ngoái nhìn cái bóng đổ dài của mẹ trong nắng chiều, tim tôi như bị kéo ngược trở lại ngôi nhà cô đơn của mẹ, cứa vào lòng tôi là những bậc cửa ngổn ngang, đôi chân tật nguyền của mẹ do một lần bị té ngã. Và tôi biết, dẫu có chị Nga, có chị Tiên – những cán bộ chính quyền xã hết lòng phụng dưỡng, chăm sóc mẹ – những người mẹ xem như ruột thịt, nhưng các chị vẫn không lấp đầy được nỗi cô đơn trong lòng mẹ, bởi không ai có thể thay thế được anh Phùng Văn Kiểm – đứa con trai mẹ đứt ruột sinh ra, muôn vàn khó nhọc nuôi anh lớn lên nhưng cứ quyết rời bản Mường, vào chiến trường miền Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 8 năm 2017
Trầm Hương
Bà mẹ Mường Hà Thị É truyền dạy kiến thức chữa bệnh bằng cây cỏ cho hai chị Nga và Tiên…
Đường về nhà Bà mẹ VNAH Hà Thị É xã Sơn Thịnh, thị trấn Văn Chấn, Yên Bái.
Hiện nay, Yên Bái chỉ còn 5 Bà mẹ VNAH còn sống (Cho đến tháng 10 năm 2011).
Tác giả bìa phải, cùng đạo diễn Thu Trang TFS
Giấy báo tử liệt sĩ Phùng Văn Kiểm
Nhớ thương con, mẹ gởi tình yêu con vào từng lá cây ngọn cỏ.
Mẹ dùng kiến thức về cây cỏ chữa bệnh cho những người quen thân,
cách mẹ tìm lấy niềm vui trong những năm tháng cô đơn.
Với mẹ Hà Thị É, bao năm trôi qua nhưng đến bữa ăn,
đã thành thói quen, mẹ lấy ra một bát, gắp thức ăn để dành cho con.
Anh Phùng Văn Kiểm như chưa hề đi xa, vẫn sống trong tâm thức của mẹ.