Mẹ Lê Ngọc Ánh sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo ở ấp Gia Phước, xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Mẹ có 7 người con thì 6 người đã tham gia hoạt động cách mạng trong đó có 2 con gái hy sinh.
Mẹ Lê Ngọc Ánh sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo ở ấp Gia Phước, xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Mẹ có 7 người con thì 6 người đã tham gia hoạt động cách mạng trong đó có 2 con gái hy sinh.
Trong kháng chiến chống Pháp, nhà của mẹ là cơ sở cách mạng, là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động ở địa phương. Tiếp nối truyền thống gia đình, lớn lên mẹ tham gia phong trào cách mạng ở địa phương, nhất là giai đoạn sau phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre. Từ năm 1960 đến năm 1968, Mẹ tích cực tham gia công tác và đã trải qua các nhiệm vụ Trưởng ban cán sự Hội Phụ nữ giải phóng ấp Gia Phước; Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ giải phóng kiêm phó ban đấu tranh chính trị của xã; Hội trưởng Phụ nữ xã kiêm Trưởng ban đấu tranh chính trị hay chúng ta vẫn gọi là “đội quân tóc dài”.
Trong quá trình công tác, Mẹ được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 15/3/1963 và được giao chức vụ là Chi ủy viên Chi bộ xã Hưng Khánh Trung. Năm 1966, Mẹ nhận được tin con gái Trần Thị Thu Lan hy sinh tại chiến khu R, nay là khu địa đạo Củ Chi. Tiếp sau đó là con gái Trần Thị Thu Nguyệt cũng đã hy sinh cùng chồng là anh Nguyễn Văn Hồng, Phó ban Y tế xã và 2 con thơ trong một trận pháo tập kích của giặc khi cô đang làm nhiệm vụ nữ hộ sinh tại trạm xá ấp Gia Phước. Nén nỗi đau riêng, Mẹ đã một mình chèo xuồng đưa xác con, cháu mình đi đấu tranh trực diện với quân thù ở tận chợ Cái Mơn, Mẹ đưa đơn đòi bọn tề ngụy phải bồi thường nhân mạng, phản đối hành động dã man giết người vô tội và yêu cầu bọn chúng không được tiếp tục bắn đạn pháo bừa bãi vào những nơi người dân lành đang sinh sống. Cuộc đấu tranh của Mẹ năm đó đã biến thành cuộc biểu tình của các tiểu thương và người lao động, kể cả một số công chức của bọn tề ngụy tại khu chợ Cái Mơn buộc bọn chúng phải cuối đầu nhận tội.
Tháng 02/1968, Mẹ tiếp tục được bầu làm Hội trưởng Hội phụ nữ xã và Ủy viên Ban chấp hành phụ nữ huyện Chợ Lách. Cũng trong thời gian này, trạm Quân y của tỉnh về dựng lán trại trong vườn nhà Mẹ, do đó ngoài nhiệm vụ tổ chức phong trào đấu tranh chính trị của xã, Mẹ còn tổ chức tiếp tế lương thực, đào hầm sau vườn để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, thương bệnh binh.
Năm 1970, do hoàn cảnh cả gia đình của Mẹ từ chồng con, dâu, rể cho đến cháu nội đều tham gia hoạt động cách mạng cho nên tất cả đều không thể ở lại sống công khai tại địa phương, gia đình đành phải ly tán mỗi người một nơi tham gia hoạt động cách mạng, Mẹ được người con gái đưa sang Sóc Sãi tạm trú vừa để tránh mặt quân thù vừa tiếp tục hoạt động liên lạc và nuôi giấu cán bộ cho đến ngày giải phóng. Mẹ được con gái Trần Thu Sương đưa về chăm sóc và phụng dưỡng những năm tháng cuối đời tại cư xá Lữ Gia, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.
Với những thành tích trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng của mình, năm 2006 Mẹ đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG ngày 21/7/2014. Tuy nhiên, đoàn công tác của Bảo tàng chưa kịp đến thăm, ghi hình và thu thập thông tin về mẹ thì do tuổi cao sức yếu, Mẹ ra đi vào ngày 20/8/2014 để lại tiếc thương cho đồng chí, đồng đội và những người thân trong gia đình.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 6 tháng 3 năm 2017
Phạm Thị Diệu