VỀ CỦ CHI THĂM MẸ RÀNH VÀ THƯ VIỆN CÔ BA THANH THẢO

Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2016); 71 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2016); Kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2016) và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức chuyến đi “về nguồn” ở huyện Củ Chi (ngày 23/9/2016)ÂÂ

Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2016); 71 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2016); Kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2016) và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức chuyến đi “về nguồn” ở huyện Củ Chi (ngày 23/9/2016) nhân dịp khánh thành giai đoạn 2 công trình Nhà Tưởng niệm Mẹ Việt Nam anh hùng – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành tại ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Công trình giai đoạn 2 mở rộng Nhà Tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành được khởi công ngày 20/4/2015 với tổng diện tích hơn 5.600 m2, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 10 tỷ đồng. Công trình mở rộng bao gồm các khu vực sân vườn, bãi đỗ xe, khu sinh hoạt cộng đồng, mở rộng đường vào Nhà Tưởng niệm và xây mới hai căn Nhà tình nghĩa cho gia đình cháu ngoại Má Rành. Từ khi đưa vào hoạt động, Nhà Tưởng niệm đã tiếp đón hơn 600 đoàn khách với trên 27.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ, cán bộ các ban, ngành đoàn thể khác. Tại buổi lễ khánh thành, đã diễn ra chương trình giao lưu, giới thiệu sách “Người Mẹ đất thép” của nhà văn Hoàng Đình Quang; chương trình đờn ca tài tử; triển lãm tượng Mẹ Việt Nam anh hùng của nữ nghệ sĩ điêu khắc Lại Thị Kim Thanh và triển lãm ảnh chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt.

Cùng ngày, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng đã đến thăm và tặng sách cho thư viện mini Cô Ba – Huỳnh Thanh Thảo (số 19, đường 717, ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh).

Mang trong mình chất độc màu da cam quái ác cùng căn bệnh xương thủy tinh từ lúc mới chào đời nhưng khát vọng được sống, khắc phục những khiếm khuyết của bản thân để vươn lên trong cuộc sống, giúp đỡ cho cộng đồng những kiến thức, được làm đẹp cho đời vẫn luôn cháy bỏng trong trái tim bé nhỏ của cô Ba – Huỳnh Thanh Thảo. Và, giữa ngút ngàn màu xanh cây trái của vùng đất thép Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), cô gái ở ấp Ràng (xã Trung Lập Thượng) là bông hoa tươi thắm bởi những gì cô đã mang đến cho cuộc đời này, nhất là cho các em học sinh bé nhỏ của mình. Chia tay cô gái nhỏ bé trong bịn rịn, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều tổ chức và cá nhân cùng góp phần xây dựng thư viện mini Cô Ba ngày càng phát triển hơn bằng cách gửi sách báo và những kiến thức có ích cho thế hệ mầm non của chúng ta ở vùng đất thép Củ Chi.

Qua chuyến đi này, chúng tôi, những đoàn viên của Chi Đoàn Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sẽ mãi giữ gìn truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, phát huy tốt nhất giá trị văn hóa – lịch sử mà các thế hệ phụ nữ đã cống hiến cho ngày độc lập hôm nay, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, của dân tộc và phụ nữ Việt Nam, hun đúc lòng yêu nước cho thế hệ trẻ tiếp bước cha anh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 9 năm 2016

Phạm Tuấn Trường

Tour 360° Tour 360° 360 Tour