VAI TRÒ VÀ MỤC ĐÍCH CỦA MARKETING BẢO TÀNG, DI TÍCH

Trong một cuộc hội nghị quốc tế về marketing trong lĩnh vực văn hóa, một chuyên gia nước ngoài đã đưa ra nhận xét: “Marketing di sản văn hóa Việt Nam chưa được áp dụng thật sự khoa học, bài bản nên chưa phát huy được hiệu quả”. Vì vậy, trước khi làm tốt công tác marketing, thì các di tích, bảo tàng cần phải tạo ra những sản phẩm vừa đa dạng vừa có chất lượng cao.

Trong một cuộc hội nghị quốc tế về marketing trong lĩnh vực văn hóa, một chuyên gia nước ngoài đã đưa ra nhận xét: “Marketing di sản văn hóa Việt Nam chưa được áp dụng thật sự khoa học, bài bản nên chưa phát huy được hiệu quả”. Vì vậy, trước khi làm tốt công tác marketing, thì các di tích, bảo tàng cần phải tạo ra những sản phẩm vừa đa dạng vừa có chất lượng cao.

Theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nhà nghiên cứu văn hóa – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản các nhà khoa học Việt Nam, hoạt động kinh doanh trong di tích, bảo tàng là cần thiết, nhưng dứt khoát phải đặt ở tầm cao và tính chuyên nghiệp cao.

Việc khai thác di tích phải bảo đảm nguyên tắc giữ gìn bền vững các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích và phù hợp với tính chất của di tích, phù hợp với nhu cầu thực tiễn ở từng thời điểm khác nhau. Mỗi di tích (cả bảo tàng và nơi trình diễn di sản văn hóa phi vật thể) cần có đội ngũ nhân viên được đào tạo mang tính chuyên nghiệp và cơ sở vật chất nhất định mới tổ chức tốt hoạt động khai thác, các hoạt động khai thác này phải được quản lý chặt chẽ.

Hiện nay, ở Việt Nam, một số tỉnh không cho các bảo tàng, di tích làm kinh tế, điều này chưa đúng và gây lãng phí rất lớn. Những mô hình khai thác di tích của các nước đều rất tốt, rất đáng học tập, chúng ta nên học hỏi những nước bạn, phải có sự chuyên nghiệp hóa vấn đề này. Chẳng hạn như ở Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ, có các sản phẩm mang tính đặc thù riêng như: đĩa DVD về những bộ phim tư liệu về phụ nữ miền Nam, đĩa phim về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh, khăn rằn được đặt ở An Giang do dân tộc Chăm dệt theo tính chất riêng của Bảo tàng, những sản phẩm lưu niệm bằng dừa như: cối chày, gáo dừa, hũ tăm, móc khóa …

Đến một lúc nào đó, nhưng càng sớm càng tốt, ngành văn hóa nên tổ chức trưng bày giới thiệu các sản phẩm du lịch, các đồ lưu niệm liên quan đến các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, bảo tàng của nước ta. Khi đó, chúng ta sẽ có điều kiện để đánh giá xem chúng ta đã làm được cái gì, từ trưng bày đó, nhận thấy cái được và chưa được, thấy cái hay, cái dở trong các sản phẩm du lịch của ta để từ đó đầu tư cho đúng hướng. Nếu trưng bày này lại được so sánh cùng với cả những sản phẩm du lịch, sản phẩm lưu niệm đa dạng của các nước thì chắc sẽ rút ra nhiều bài học quý cho tương lai.

Từ bao đời nay, bảo tàng và di tích luôn được coi là một thiết chế văn hóa đặc thù trong hệ thống văn hóa xã hội, đồng thời là nền tảng, là động lực phát triển của xã hội, góp phần vào việc giải quyết những thách thức trong xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, bảo tàng và di tích còn góp phần quan trọng cho nhận thức của xã hội đối với những vấn đề thuộc về lịch sử, truyền thống và văn hóa của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, bảo tàng và di tích có một vai trò quan trọng trong việc truyền tải lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của đất nước đến đông đảo khách tham quan, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Việc gắn kết giữa bảo tàng và di tích với du lịch là một mối quan hệ cộng sinh cần được chú trọng để phát huy tối đa tiềm năng của cả hai phía.

Vì vậy, việc xây dựng chiến lược gắn kết với hoạt động du lịch là hết sức cần thiết. Bảo tàng và di tích cần tìm hiểu nhu cầu của ngành du lịch để đưa ra những sản phẩm du lịch đáp ứng yêu cầu. Bảo tàng, di tích và du lịch phải là các thiết chế bổ sung, hỗ trợ cho nhau để cả hai ngành đều cùng phát triển và cùng hướng tới một môi trường lớn hơn: môi trường quốc tế.

Từ năm 2008, Tổng cục Du lịch và Cục Di sản văn hóa đã phối hợp triển khai chương trình “Phát triển du lịch tại các điểm di tích di sản, trong đó có bảo tàng” với mục đích thu hút hơn nữa khách du lịch đến với các bảo tàng và di tích. Tuy nhiên, là người trong cuộc, tôi nhận thức rằng, việc marketing của các bảo tàng và di tích chưa tương xứng với tiềm năng; bảo tàng và di tích còn bỏ qua nhiều lợi thế, mà lẽ ra khai thác tốt hơn thì kết quả sẽ cao hơn. Tôi cho rằng các bảo tàng và di tích nói chung, muốn thực sự phát triển thì cần phải tạo được điểm nhấn với những sản phẩm du lịch độc đáo, kịp thời đưa thông tin đến các đơn vị lữ hành, và tất nhiên vẫn cần có một lộ trình hợp tác cụ thể để có thể đưa bảo tàng và di tích trở thành một sản phẩm du lịch mới thu hút du khách.

Để làm được điều đó, chúng ta cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

– Tiến hành đổi mới trưng bày ở mỗi bảo tàng và trùng tu các di tích. Cần đổi mới tư duy đừng xem di tích, di sản đồng nghĩa với việc hoang phế, rêu phong mang nét thời gian mà cần phải bảo quản và chăm chút. – Nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng hoạt động của mỗi khâu, mỗi bộ phận công tác tại bảo tàng và di tích, từ việc tổ chức đón tiếp khách, quảng bá hoạt động đến việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công chúng tìm hiểu và nghiên cứu các hoạt động liên quan đến bảo tàng, di tích- nơi mà công chúng đến tham quan.

– Phối hợp và có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng giai đoạn, từng hoạt động với các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình nhằm tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di sản văn hóa với quảng đại quần chúng.

– Hoàn thiện chiến lược truyền thông và tăng cường, triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh, hoạt động của bảo tàng và di tích tới công chúng đa dạng, phong phú hơn thông qua ấn phẩm quảng cáo, tập gấp, sách hướng dẫn, mạng Internet, các cuộc hội chợ, triển lãm…

– Mở rộng mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và khai thác di sản để tranh thủ sự trợ giúp về vật chất và tinh thần của các nước trên thế giới và khu vực.

– Áp dụng những thành tựu khoa học và kỹ thuật mới nhất vào lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản là: triệt để áp dụng tin học phục vụ cho việc xây dựng, quản lý khai thác hệ thống dữ liệu hiện vật, ứng dụng hóa chất hợp lý vào việc bảo quản di tích, sử dụng vật liệu phù hợp cho việc tu bổ di tích; ứng dụng công nghệ trong phục vụ công tác trưng bày, thuyết minh tại bảo tàng, di tích…

– Nâng cao chất lượng hoạt động thuyết minh hướng dẫn tại các bảo tàng và điểm tham quan di tích bằng cách tăng cường đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và các thuyết minh viên tại các địa danh để đạt yêu cầu cao về trình độ, nhất là ngoại ngữ, cách giao tiếp ứng xử với khách. Tổ chức lại việc đón tiếp khách, giới thiệu, trưng bày và có nhiều kịch bản mới, để việc tổ chức các sự kiện đỡ tạo cảm giác tẻ nhạt, nhàm chán.

– Nhìn chung, khi thực hiện được những giải pháp này, ngành bảo tàng và di tích sẽ có đóng góp đáng kể vào việc tăng cường sự gắn kết giữa bảo tàng, di tích với du lịch, vừa là phục vụ du lịch và cũng là để phát triển mình – một phương thức hoạt động phổ biến hiện nay ở hầu khắp các bảo tàng, di tích trên thế giới. Đó là một sự cộng sinh hữu hiệu, đem lại không chỉ giá trị về mặt tinh thần, hình ảnh cho đất nước mà còn là một kênh để mang lại lợi nhuận chung cho Bảo tàng, di tích và ngành Du lịch.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 9 năm 2016

Hồ Ngọc Phương

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “Đa dạng hóa các hoạt động của bảo tàng hiện đại (từ kinh nghiệm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)” – Nguyễn Văn Huy – Tạp chí Di sản văn hóa số 6 – 2014.

2. “Tiếp thị bảo tàng” – Ngọc An – Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa VN.

3. “10 chiến dịch Marketing thu hút sự chú ý bậc thầy” – Online Marketing.

4. “Bảo tàng chưa hút khách: Đổi mới tư duy để hút khách đến bảo tàng” – Thanh Hằng – Báo Công An Nhân Dân (ngày 06/09/2015).

Tour 360° Tour 360° 360 Tour