Mỗi tư liệu, hình ảnh, hiện vật đang được trưng bày, giới thiệu tại quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) là một câu chuyện xúc động về sự hy sinh cao cả của những người Mẹ VNAH.
VINH ANH
(Báo Quảng Nam online)
Mỗi tư liệu, hình ảnh, hiện vật đang được trưng bày, giới thiệu tại quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) là một câu chuyện xúc động về sự hy sinh cao cả của những người Mẹ VNAH.
Trưng bày chuyên đề “Những tư liệu, hiện vật, hình ảnh về Mẹ VNAH và chân dung Mẹ VNAH TP.Hồ Chí Minh” vừa được Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Ban Quản lý quần thể Tượng đài Mẹ VNAH (Núi Cấm, TP.Tam Kỳ) tổ chức. Trưng bày dự kiến kết thúc vào ngày 21.10.2016. Hơn 100 chân dung, 125 hiện vật, tư liệu về Mẹ VNAH do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ kỳ công sưu tầm, bảo quản và 40 hiện vật có ý nghĩa được lựa chọn từ gần 200 hiện vật do các tỉnh, thành phố trao tặng cho Không gian trưng bày Mẹ VNAH đang được trưng bày và giới thiệu đến công chúng.
Ngoài những tư liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cùng với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh đã chuyển giao 35 hiện vật, 184 tư liệu, 114 hình ảnh và 6 tài liệu phục vụ công tác giáo dục, tuyên truyền cho Bảo tàng Mẹ Việt Nam anh hùng (nằm trong lòng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng) sử dụng để trưng bày phục vụ công chúng.
Cải nam trang nhập ngũ
Câu chuyện về Mẹ VNAH Trần Thị Quang Mẫn là một trong số hàng trăm câu chuyện cảm động về cuộc đời của những Mẹ VNAH ở Nam Bộ được giới thiệu với người xem tại triễn lãm. Mẹ Trần Thị Quang Mẫn tên thật là Trần Thị Sáu, sinh năm 1926, trong một gia đình trung nông ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá. Để được nhập ngũ, từ một cô gái xinh đẹp, da trắng, tóc dài, mẹ đã đổi tên thành Trần Quang Mẫn, cắt tóc ngắn, phơi nắng cho sạm da, tập đi lại khệnh khạng, gào thét cho vỡ giọng để giả trai cho thật giống. Do đó, suốt 5 năm hoạt động trong Đại đội 70 (sau là Trung đoàn 124 Quân khu 9), “anh” Mẫn nổi tiếng mưu trí, gan dạ trong chiến đấu vẫn không hề bị phát hiện. Trước khi giả trai đi bộ đội, gia đình có hứa gả Mẫn cho một người tên Nguyễn Văn Bé, hai người đã qua lại thăm nhau vài lần. Từ ngày Mẫn cải trang thành nam nhân đi theo kháng chiến, anh Bé cũng đi bộ đội. Tình cờ hai người gặp lại nhau trên chiến trường và sự việc giả trai của Mẫn bị bại lộ. Tới lúc này cả trung đoàn mới ngã ngửa vì suốt 5 năm qua không ai để ý và phát hiện ra chuyện này. Khi biết rõ ngọn ngành, đơn vị đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người. Sinh con được vài tháng, mẹ Mẫn được tin chồng hy sinh. Sau nỗi đau mất chồng, sáu tháng sau, mẹ gửi con trai cho ông bà ngoại, trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Thời gian trôi qua, nỗi đau đớn, bất hạnh một lần nữa lại ập xuống khi người con trai duy nhất của mẹ là anh Nguyễn Quốc Hưng đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 15 tuổi, trong trận càn ở Bưng Đế – Gò Quao, Kiên Giang.
Tháng 12.1994, mẹ Trần Thị Quang Mẫn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, vì có chồng và con trai duy nhất hy sinh. Hiện nay, mẹ Mẫn đang sống cùng gia đình con gái nuôi là Ngọc Hân tại quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh. Chuyện nhận con gái nuôi Ngọc Hân của mẹ Mẫn cũng là một trong hàng triệu câu chuyện về nỗi đau chiến tranh. Đó là vào năm 1974, trong một lần máy bay địch ném bom oanh tạc nơi đóng quân, toàn Tiểu đoàn 20 thuộc Cục Chính trị Quân khu 9 (lúc đó mẹ Mẫn làm Tiểu đoàn trưởng) phải xuống hầm trú ẩn. Ngớt tiếng bom, mẹ Mẫn lên khỏi hầm thì phát hiện gần đó có một thiếu phụ mang thai đã chết, nhưng thai nhi trong bụng vẫn còn cựa quậy. Mẹ Mẫn liền dùng dao găm rạch bụng người mẹ và cứu ra được một bé gái. Cô bé sau đó được đặt tên là Ngọc Hân và trở thành con gái của mẹ Mẫn, là nguồn an ủi của mẹ cho đến hôm nay.
Món “nợ” lịch sử
Để có được ngày hòa bình, thống nhất, hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống. Và cũng ngần ấy những bà mẹ khóc con, những người vợ khóc chồng, người thân khóc người thân… Ý thức sâu sắc công lao to lớn của những người mẹ Việt Nam, những người mẹ anh hùng phải gánh chịu những tổn thất, hy sinh trong kháng chiến, nhiều năm qua, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã có nhiều công trình nghiên cứu, trưng bày chuyên đề tại chỗ và lưu động về những người mẹ VNAH. Bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho biết, đến tháng 12.2015, TP.Hồ Chí Minh có 4.373 Bà mẹ VNAH. Những mẹ còn sống đều tuổi cao sức yếu. Theo thời gian, nhiều Bà mẹ VNAH sẽ chỉ còn trong ký ức, trong những câu chuyện kể như là huyền thoại. Nhận thức sâu sắc điều này, năm 2011 Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã thực hiện dự án “Nghiên cứu sưu tầm và trưng bày tư liệu về Bà mẹ VNAH TP.Hồ Chí Minh”. Dự án đã thực hiện điều tra và thống kê có khoa học về thông tin, quê quán và tổng số thân nhân của các bà mẹ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Nổi bật là dự án đã sưu tầm được hơn 1.340 hiện vật gốc của các mẹ. Bà Thắm chia sẻ: “Là những người được giao nhiệm vụ giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu, những giá trị tốt đẹp của phụ nữ, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hiểu một cách sâu sắc món nợ lịch sử trước những giọt nước mắt lặng lẽ của những người mẹ. Việc giữ gìn và phát huy Di sản Văn hóa về Mẹ VNAH vừa là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng mà Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phải thực hiện. Bởi hình ảnh của những người mẹ Việt Nam giờ đây trở thành những câu chuyện kể huyền thoại”.
Thông qua những kỷ vật, hiện vật được trưng bày giới thiệu, người xem sẽ hiểu hơn về cuộc đời tần tảo, sự hy sinh cao cả và đóng góp to lớn của các Mẹ VNAH. Những hiện vật đều rất giản dị, đời thường, từ cái vòng đeo tay, chiếc đồng hồ, chiếc khăn, tấm áo cho đến những khuôn bánh, cối ngoáy trầu, ly uống nước… mà các mẹ sử dụng hàng ngày, đều để lại cho người xem những ấn tượng sâu đậm. Đó là bộ đồng phục hội viên Hội Cựu chiến binh quận Thủ Đức của Mẹ VNAH Phạm Thị Khai (1928 – 2012) tặng cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ khi thực hiện “Dự án nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày tư liệu Mẹ VNAH TP.Hồ Chí Minh”. Lúc đó mẹ Phạm Thị Khai chia sẻ rằng, tuy là bộ áo quần cựu chiến binh nhưng cũng đã nhắc nhớ kỷ niệm một thời tuổi trẻ, của sự dấn thân cho hòa bình, độc lập dân tộc mà mẹ và các thế hệ cha anh đã trải qua.
Hay đó là bức thư của chiến sĩ Lê Viết Hùng gửi gia đình vào ngày 7.12.1978, và sau đó đã anh dũng hy sinh tại tỉnh Tây Ninh. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam vào năm 1978, Lê Viết Hùng – con trai duy nhất của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Dinh (1936 – 2002) được đơn vị cử đến Tây Ninh đóng quân. Trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ bám địch, chiến sĩ Lê Viết Hùng đã tranh thủ viết vài dòng thư ngắn ngủi gửi cho gia đình, và không ngờ đây là lá thư cuối cùng. “Còn con từ khi rời thành phố lên chiến đấu ở Tây Ninh vẫn luôn mạnh khỏe, nhưng ăn uống khô khan, lại tối phải thức trắng nên người có gầy đi rất nhiều. Nói vậy thôi chứ không có gì thiếu thốn cho lắm, ba má cứ yên tâm. Sống trên này nhân dân rất thương nên cuộc sống cũng có phần thoải mái…”. Lá thư này đã được Mẹ VNAH Nguyễn Thị Dinh giữ gìn nguyên vẹn và gia đình mẹ tặng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ vào năm 2011.
VINH ANH