Cách đây tròn 20 năm (mùng một tháng hai Âm lịch, năm Bính Tý 1996), đồng chí Nguyễn Thị Thập (Mười Thập)- nguyên Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, thành viên Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ, một trong những thành viên sáng lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ từ đã đi xa. Nhân hội thảo “Nguyễn Thị Thập- cuộc đời và sự nghiệp” do Tỉnh ủy Tiền Giang phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức; Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giới thiệu đến bạn đọc 2 bài viết “Nguyễn Thị Thập với sự ra đời của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ” và “Nguyễn Thị Thập và phụ nữ miền Nam”
ThS. Nguyễn Thị Thắm
Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Với các thế hệ phụ nữ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Thập là một cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng, lãnh tụ xuất sắc của phong trào phụ nữ, từng đảm nhiệm các trọng trách: Xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ từ năm 1935, lãnh đạo khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, lãnh đạo giành chính quyền ở Mỹ Tho năm 1945, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 1956 – 1974, Phó Chủ tịch Quốc hội từ năm 1956 – 1982. Riêng với các thế hệ cán bộ công chức, viên chức Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Thị Thập còn là một trong những người đã có công sáng lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Ý tưởng thành lập bảo tàng dành riêng cho giới nữ được khơi gợi vào ngày 20/10/1982, tại buổi họp mặt các cán bộ chủ chốt của Hội nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam do Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Hơn 200 cán bộ Hội, gồm nhiều thế hệ đồng loạt ủng hộ và biểu thị sự nhất trí là cần phải tổng kết Lịch sử phong trào Phụ nữ Nam bộ, bởi lẽ quyển sử chung “Phong trào phụ nữ Việt Nam” chưa nói lên được bao nhiêu về phụ nữ Nam Bộ, một miền đất có nhiều tính đặc thù, có một lực lượng phụ nữ hùng hậu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã anh dũng tuyệt vời với hàng triệu người có tên và không tên đã nối tiếp nhau đấu tranh một mất một còn, bất khuất trước quân thù, đóng góp cho phong trào cách mạng những thành quả vô cùng to lớn. Để làm được điều này, các đại biểu có mặt mong muốn đồng chí Nguyễn Thị Thập đứng ra chủ trì chỉ đạo công việc quan trọng này. Từ đây, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã cùng với đồng chí Ngô Thị Huệ bàn bạc, chuẩn bị nhân sự cho sự ra đời của Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ.
Được sự nhất trí của Bộ Chính trị Trung Ương Đảng, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã triệu tập cuộc họp thành lập Tổ tổng kết Lịch sử phong trào Phụ nữ Nam Bộ (gọi tắt là Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ) vào ngày 24/10/1982. Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã nêu lên 3 việc cần phải làm ngay và những điều phải đạt được trong toàn bộ công tác viết lại lịch sử phụ nữ Nam Bộ. Một là, tập trung tư liệu, kể cả tư liệu sống, ghi lại toàn bộ cuộc đấu tranh của phụ nữ Nam Bộ từ ngày có Đảng. Hai là, sách cũng chưa đủ, nhân dân ta có thói quen, nhất là ở nông thôn, thấy mới tin, cái gì cũng có bằng chứng cụ thể. Vì vậy, phải thiết lập ngay một khu trưng bày hiện vật. Trong quá trình đi thu thập tài liệu, ta tìm tòi trong nhân dân xin lại những kỷ vật nào đó có thể xin được để đem về tập trung trưng bày cho người xem thấy rõ những điều ta nói là có thật. Như vậy, sức thuyết phục mới cao. Hơn nữa, những kỷ vật ấy về lâu dài sẽ là vô giá, bởi vì mỗi kỷ vật trưng bày đều gắn liền với những thành quả cách mạng và xương máu của chị em trong các thời kỳ. Kỷ vật, hình ảnh rồi các bức tượng, thậm chí vẽ tranh miêu tả lại những gì cần miêu tả. Khu trưng bày lúc đầu nhỏ, dần dần tài liệu sẽ nhiều hơn, hiện vật sẽ nhiều hơn, chúng ta sẽ phát triển lớn ra, đáp ứng yêu cầu của người tham quan, nhất là đáp ứng lòng mong mỏi của chị em toàn Nam Bộ, nơi lưu lại một phần công lao và chiến tích của đời mình. Ba là, chị em mình bằng mọi cách phải dựng cho được bức tượng “Bà Mẹ Việt Nam” bởi lẽ trong hai thời kỳ chiến tranh vừa qua, ở Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung, những Bà mẹ Việt Nam đã cống hiến công sức, trí tuệ để nuôi dưỡng phong trào cách mạng, để đùm bọc cán bộ ta với tấm lòng quý giá vô bờ bến. Thậm chí các mẹ có thể hy sinh cả bản thân để che chở các con mà không bao giờ do dự. Đặc biệt nhất, các Mẹ đã cống hiến cho Tổ quốc cả chồng và những đứa con vô cùng thân yêu của chính mình. Nhất định mình phải làm để lưu lại cho các thế hệ mai sau giúp các em, các cháu biết càng nhiều càng tốt về những cống hiến lớn lao mà trong suốt hai thời kỳ chiến đấu giữ nước và dựng nước của các thế hệ đi trước đã làm.
Cũng tại buổi họp này, nhân sự của Tổ Sử phụ nữ Nam Bộ đã được thống nhất gồm 13 đồng chí: Nguyễn Thị Lựu, Ngô Thị Huệ, Đoàn Kim Định, Hồ Thị Bi, Trương Thị Thu, Nguyễn Thị Ráo, Nguyễn Thị Thanh, Đỗ Duy Liên, Trần Thị Kim Anh, Lê Thị Kiểu, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Hạnh và do đồng chí Nguyễn Thị Thập phụ trách.
Cả cuộc đời của đồng chí Nguyễn Thị Thập đã cống hiến cho cuộc đấu tranh cách mạng, hiến dâng cho Tổ quốc chồng và hai người con trai nhưng đồng chí luôn khắc phục và vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, cả những bi kịch riêng tư để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đến tuổi nghỉ hưu, khi nguyện vọng tha thiết của các thế hệ phụ nữ đặt ra, đồng chí đã cùng với các thành viên Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ đi khắp các tỉnh, thành miền Nam vận động cấp ủy Đảng các tỉnh, thành ủng hộ về mọi mặt, giúp đỡ Tổ Sử thực hiện quyển sách Lịch sử phong trào phụ nữ Nam Bộ; đến những nơi có phong trào nổi bật, có sự kiện tiêu biểu để gặp các điển hình trong phong trào phụ nữ, các tập thể và cá nhân anh hùng để thu thập tài liệu, hình ảnh, hiện vật… để chuẩn bị cho sự ra đời của Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ (tiền thân của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ).
Tháng 02/1983, đồng chí Nguyễn Thị Thập cùng đồng chí Ngô Thị Huệ đã đến gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh (lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), đồng chí Mai Chí Thọ (Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) và đồng chí Phan Minh Tánh (Trưởng Ban tổ chức Thành ủy) trình bày kế hoạch tổng kết lịch sử phụ nữ và xin được thành lập Nhà truyền thống phụ nữ Nam Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh và đã nhận được sự nhất trí. Từ đó, song song với việc lo tư liệu tổng kết Sử cần phải tập hợp tư liệu hiện vật, chuẩn bị cơ sở vật chất cho sự ra đời của Nhà truyền thống phụ nữ Nam Bộ. Chính đồng chí Nguyễn Thị Thập đã thay mặt Tổ Sử viết thư gửi Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Nhà đất và gặp trực tiếp đồng chí Lê Đức Thọ – Ủy viên Bộ Chính trị Trung Ương Đảng đề nghị xin ngôi nhà 202 Võ Thị Sáu, Quận 3 là nhà khách do T78 quản lý để làm Nhà truyền thống phụ nữ Nam Bộ.
Chỉ trong một thời gian ngắn nhưng Tổ sử phụ nữ Nam Bộ do đồng chí Nguyễn Thị Thập phụ trách chỉ đạo đã thực hiện cùng lúc rất nhiều việc. Đó là, vừa tập trung biên soạn cuốn sử của phụ nữ Nam Bộ, vừa viết một số chuyên đề, hồi ký, vừa lo xây dựng nhà truyền thống phụ nữ Nam Bộ. Công việc tuy gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như kinh phí nhưng tập thể Tổ sử đã khắc phục khó khăn để thực hiện thành công những yêu cầu đề ra. Trong lúc đang hăng say thu thập tư liệu, giúp chị em phụ nữ ở các địa phương làm công tác sưu tầm, đồng chí Nguyễn Thị Thập lâm bệnh nặng. Mặc dù sức khỏe yếu không thể trực tiếp tham gia công việc nhưng lúc nào đồng chí cũng hỏi thăm chị em tiến hành công tác đến đâu, rồi ao ước được dự lễ khánh thành Nhà truyền thống.
Để cho Nhà truyền thống đi vào hoạt động, các đồng chí trong Tổ Sử đã cùng nhau lo thủ tục, tổ chức bộ máy, nhân sự… cùng với sự hỗ trợ của nhiều tập thể và cá nhân. Ngày 29/4/1985, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ làm lễ khánh thành. Đồng chí Nguyễn Thị Thập đến dự, không thể cầm kéo cắt băng khánh thành được nhưng ai cũng cảm nhận được niềm vui, niềm tự hào của đồng chí khi hoàn thành một nhiệm vụ lớn. Từ đây, những thành quả đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam Bộ đã được lưu giữ, giới thiệu để khách tham quan có thể cảm nhận và hiểu được những hy sinh, mất mát to lớn của các thế hệ phụ nữ để chúng ta có được tự do, độc lập như ngày hôm nay. Nhà truyền thống phụ nữ Nam Bộ là niềm tự hào và vinh dự chung của giới nữ lúc bấy giờ. Chủ trương thành lập Nhà truyền thống đã đáp ứng tình cảm và nguyện vọng tha thiết của cán bộ và phụ nữ các tầng lớp, đồng thời còn thể hiện sự chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Đó chính là tâm huyết mà những cán bộ phụ nữ đã đồng tâm nhất trí thực hiện để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của phụ nữ Nam Bộ cho thế hệ sau. Trong đó, có công rất lớn của đồng chí Nguyễn Thị Thập.
Theo thời gian, hiện vật cùng tư liệu hình ảnh ngày càng nhiều, nhu cầu cần phải phát triển nhà truyền thống lớn mạnh thành Bảo tàng được đặt ra. Việc xây dựng Nhà truyền thống mở rộng đã được Trung Ương và Thành phố ra văn bản cho phép nhưng hoàn cảnh lúc đó Đảng và Nhà nước đang tập trung sức để hàn gắn vết thương chiến tranh và bao nhiêu việc khác phải lo nên không thể cấp kinh phí xây dựng. Một lần nữa Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ phải tập trung tháo gỡ khó khăn để thỏa niềm mong ước của công chúng cả nước và bạn bè quốc tế về một Bảo tàng của giới, phải tự lo vận động kinh phí. Với quá trình 5 năm chuẩn bị nội dung và tiến hành cuộc vận động quy mô, kêu gọi quyên góp từ tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý đến vật chất của hàng triệu phụ nữ và các cơ quan đoàn thể khắp các tỉnh thành Nam Bộ tự nguyện hiến tặng với mong muốn nâng cấp Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ thành Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Do bệnh tật và tuổi tác không thể đồng hành cùng các thành viên Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ để hoàn thành những công việc đã đề ra nhưng tình cảm, tâm huyết mà đồng chí Nguyễn Thị Thập dành cho việc xây dựng một ngôi nhà chung của phụ nữ Nam Bộ không bao giờ vơi cạn. Mỗi sáng kiến, mỗi kết quả mà Tổ Sử làm được để chuẩn bị cho công trình xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đều được đồng chí quan tâm và dõi theo. Đến ngày 18/5/1990, nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ chính thức cắt băng khánh thành. Rồi ngày 28/10/1992, lễ khánh thành tượng đài “Bà Mẹ Việt Nam” cũng đã được tổ chức trọng thể. Như vậy, “một nguyện vọng thiết tha, một nhu cầu bức xúc của chị em; chắc không chỉ riêng tôi mà các chị công tác Hội lâu năm, những chị đã suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ không thể chần chờ được” mà đồng chí Nguyễn Thị Thập đã phát biểu tại buổi họp mặt cán bộ Hội từ năm 1982 đã được tập thể Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ với sự giúp sức của nhiều tổ chức, cá nhân đã thực hiện thành công.
Gắn bó với Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ từ những ngày đầu và cũng chính tại Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ, ngày 26/4/1985 đồng chí Phạm Hùng – Ủy viên Bộ Chính trị Trung Ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã thay mặt Đảng và Nhà nước đọc quyết định tặng thưởng và trao tặng phần thưởng cao quý là Huân chương Sao vàng cho đồng chí Nguyễn Thị Thập – người phụ nữ kiên cường của mảnh đất thành đồng Tổ quốc. Đây chính là sự ghi nhận những cống hiến không ngừng nghỉ của đồng chí Nguyễn Thị Thập trong suốt cả cuộc đời, dù đã đến tuổi nghỉ ngơi nhưng vẫn dành sức lực, tâm huyết cho phong trào phụ nữ, cho việc xây dựng ngôi nhà chung cho các thế hệ phụ nữ. Những năm cuối đời, bệnh tật buộc đồng chí phải rời xa công việc nhưng lúc nào đồng chí Nguyễn Thị Thập cũng quan tâm đến hoạt động của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Đồng chí Nguyễn Thị Thập ra đi ngày 19/3/1996 khi tâm nguyện của mình đã được tập thể Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ thực hiện thành công.
Sau chặng đường 12 năm xây dựng, Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ đã chính thức bàn giao Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho con cháu với lòng tin yêu, kỳ vọng. Thế hệ trẻ chúng tôi vô cùng cảm động nhận lấy sứ mạng này nhưng đó cũng là một nhiệm vụ không dễ dàng. Các thế hệ cán bộ, viên chức Bảo tàng đã nỗ lực hết sức mình, vừa xây dựng đội ngũ vừa đưa hoạt động Bảo tàng ngày càng chuyên nghiệp, phong phú, phù hợp với xu thế hội nhập; vừa gìn giữ, phát huy truyền thống lịch sử phụ nữ, tri ân những người đã nằm xuống. Phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng Nhất được Nhà nước trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ vào 1998 là sự đánh giá mang tính khẳng định về vai trò, vị trí của bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trong đời sống văn hoá – chính trị – xã hội tại Thành phố. Đó là tâm huyết, công sức, là nỗ lực không ngừng nghỉ của các thành viên Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Thập.
Năm 2008, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Thị Thập (10/10/1908 -10/10/2008), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ in ấn và phát hành cuốn sách “Nguyễn Thị Thập – Cuộc đời và sự nghiệp” bao gồm phần tái bản tập sách “Từ đất Tiền Giang”; bổ sung những mốc thời gian đáng nhớ, bài viết của những người cùng thời, gần 100 bức ảnh tư liệu quý phản ánh những hoạt động của đồng chí Nguyễn Thị Thập trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và giải phóng phụ nữ. Bên cạnh đó, Bảo tàng đã thực hiện trưng bày chuyên đề: “Nguyễn Thị Thập – cuộc đời và sự nghiệp” nhằm giới thiệu đến khách tham quan sự đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Thập đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, tấm gương tiêu biểu về phẩm chất anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam. Đây như là một lời tri ân, một nén hương tưởng niệm mà các thế hệ cán bộ viên chức Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thành kính dâng lên người Dì – người đã có công sáng lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Phát huy những thành quả của Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ và các thế hệ viên chức đi trước, đến nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã hai lần tái bản sách Lịch sử phong trào đấu tranh của Phụ nữ Nam Bộ với số lượng in và tái bản 12.000 cuốn; lưu giữ 35.342 hiện vật, trong đó hiện vật cách mạng là 5.328, hình ảnh tư liệu là 9.318; thư viện của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hiện đang giữ trên 11.000 đầu sách và tạp chí. Thực hiện dự án “Nghiên cứu sưu tầm và trưng bày tư liệu về Mẹ Việt Nam Anh hùng thành phố Hồ Chí Minh”, qua đó đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung tên của 969 bà mẹ Việt Nam anh hùng vào quỹ đặt đổi tên đường của thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hiện đang lưu giữ kho tư liệu và hiện vật quí về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng – những minh chứng sống động về đức hy sinh của phụ nữ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến. Kết nối với hệ thống Bảo tàng phụ nữ các nước, đã đưa hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Hội nghị quốc tế Bảo tàng Phụ nữ lần thứ nhất năm 2008 ở Merano (nước Ý) và lần thứ hai tại Born (nước Đức) vào năm 2009 và không ngừng đổi mới, cải tiến công tác trưng bày tại Bảo tàng và thực hiện trưng bày lưu động tại các tỉnh, thành miền Nam. Không chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, Bảo tàng còn vận động xây dựng 110 căn nhà tình nghĩa cho các nữ thanh niên xung phong, nữ quân y, nữ quân báo… trị giá 5,5 tỉ đồng.
Thấm thoát đã 31 năm trôi qua kể từ ngày khánh thành Nhà truyến thống Phụ nữ Nam Bộ vào năm 1985; 31 năm nhìn lại, có những điều chưa làm được như mong muốn nhưng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã từng bước khẳng định mình và trưởng thành hơn. Thế hệ cán bộ, viên chức Bảo tàng hôm nay luôn nỗ lực làm hết sức mình, đoàn kết để cùng nhau đưa Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của đồng chí Nguyễn Thị Thập và những người đã có công sáng lập Bảo tàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ (1989): Truyền thống cách mạng của phụ nữ Nam Bộ thành đồng, 542tr.
2. Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ (1995): Mười hai năm một chặng đường, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ấn hành, 253tr.
3. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (2008): Nguyễn Thị Thập – Cuộc đời và sự nghiệp, NXB Văn nghệ, 634tr
ThS. Nguyễn Thị Thắm
Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
.