NỮ ANH HÙNG LIỆT SĨ TRẦN BỘI CƠ

Đầu năm 1950, phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân Sài Gòn bùng lên mạnh mẽ và rộng khắp, nhất là phong trào đấu tranh của học sinh – sinh viên, tiêu biểu như nữ Anh hùng lực lượng vũ trang – liệt sĩ Trần Bội Cơ.

Trải qua những năm tháng đấu tranh gian khổ, nhân dân Nam Bộ cùng cả nước đã làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Nhưng chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã quay trở lại gây hấn nhằm xâm chiếm nước một lần nữa. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp chính thức nổ súng xâm lược Nam Bộ, nhân dân Nam Bộ thành đồng lại tiếp tục đứng lên kháng chiến.

Đầu năm 1950, phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân Sài Gòn bùng lên mạnh mẽ và rộng khắp, nhất là phong trào đấu tranh của học sinh – sinh viên, tiêu biểu như nữ Anh hùng lực lượng vũ trang – liệt sĩ Trần Bội Cơ.

altChị Trần Bội Cơ, sinh năm 1932 tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình tiến bộ, cha là một chí sĩ cách mạng người Hoa. Thuở nhỏ chị theo học bậc tiểu học tại thị xã Vĩnh Long. Nhà bên ngoại của chị chính là trạm giao liên của công an xung phong Vĩnh Long và chị từng là cô bé giao liên xuất sắc của cách mạng.

Năm 1947, học xong tiểu học, chị Trần Bội Cơ chuyển lên Chợ Lớn học bậc trung học ở trường Nam Kiều, một cơ sở nổi tiếng có phong trào cách mạng sôi nổi. Năm 1948, chị chuyển sang học tại trường Phước Kiến (nay là trường Trần Bội Cơ). Chị bắt đầu hoạt động cách mạng từ năm 1949, tham gia phong trào đấu tranh chống đế quốc thực dân và đặc vụ Tưởng Giới Thạch.

Năm 1950, ở thành thị phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên, tăng ni Phật tử diễn ra khắp nơi. Sự kiện ngày 9/01/1950 trở thành ngày học sinh sinh viên toàn quốc mà hình ảnh tiêu biểu là anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn ở trường Pestrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong) đã phất cao ngọn cờ xung kích trong phong trào đấu tranh của học sinh. Tiếp đến là trận chống Mỹ đầu tiên ở Việt Nam ngày 15/3/1950 đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng trong toàn thể học sinh thành phố và học sinh trường Phước Kiến. Lúc bấy giờ, chị Trần Bội Cơ đang là học sinh lớp đệ tứ (nay là lớp 9), chị đã chỉ đạo cuộc đấu tranh của học sinh toàn trường, bãi khóa để đòi trả tự do cho 10 học sinh bị bắt.

Vào ngày 4/5/1950, bọn cảnh sát ra lệnh đóng cửa trường. Ngày 6/5/1950 dưới sự điều động của chị Trần Bội Cơ và một số học sinh tiến bộ, đông đảo học sinh kéo vào trường mở một cuộc họp cấp tốc đòi mở cửa trường, mở lại ký túc xá cho học sinh đi học lại. Bọn cảnh sát đã thẳng tay đàn áp, đánh đập học sinh rất dã man, chúng bắt hơn 100 học sinh của trường. Chị Trần Bội Cơ bị chúng bắt giam vào khám và bị tra tấn dã man suốt 5 ngày đêm liền. Mặc dù bị đòn roi, dùi cui, chị vẫn giữ vững khí tiết anh hùng, khẳng định việc làm của tập thể học sinh trường Phước Kiến là chính đáng, là việc mà bất cứ sinh viên học sinh Việt Nam yêu nước phải thể hiện.

Ngày 12/5/1950 kiệt sức trước đòn thù hiểm ác, chị đã hướng về các phòng giam của bè bạn hô lớn những lời tâm huyết sau cùng: “Các bạn, hãy đứng lên!” rồi ra đi vĩnh viễn giữa tuổi thanh xuân vừa tròn 18. Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn đã truyền cho nhau bài hát: “…Hãy đứng lên! Trần Bội Cơ. Tinh thần của chị kêu gọi mãi chúng tôi”. Chị đã nằm yên giữa nấm mồ hoa, thi hài của chị được ấp ủ trong cánh hoa tháng năm thơm ngát của đồng bào thành phố. Tên chị “Trần Bội Cơ” mãi mãi gắn liền với ngôi trường Phước Kiến, đã từng ghi dấu tuổi thanh xuân của người nữ chiến sĩ cách mạng.

Để ghi nhớ công ơn đối với đất nước của một nữ thanh học sinh vì độc lập tự do, vì ước vọng cao cả, vì chân lý, Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đã công nhận chị Trần Bội Cơ là liệt sĩ vào ngày 9/7/1950. Huân chương kháng chiến Hạng nhì truy tặng cho nữ liệt sĩ Trần Bội Cơ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 2/9/1950 và Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký quyết định số 94KT/CTN ngày 22/3/2000 truy tặng danh hiệu “Anh Hùng Lực Lượng vũ trang Nhân dân” cho liệt sĩ Trần Bội Cơ.

Có nhiều ngôi trường được vinh danh tên những người phụ nữ anh hùng đã có công làm rạng danh đất nước Việt Nam. Đó cũng là cách để ghi nhớ công ơn và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh sinh viên và được biết ở Quận 5 và Quận 10 có trường Trung học cơ sở và Tiểu học mang tên Trần Bội Cơ. Hiện nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang thực hiện công tác nghiên cứu, thu thập tư liệu về những ngôi trường mang tên phụ nữ tại thành phố Hồ Chí Minh góp phần trong việc gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc.

Kỷ niệm 71 năm ngày Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2015) và 61 năm ngày Học sinh – sinh viên (9/01/1950 – 9/01/2016) chúng ta lại một lần nữa gửi đến những lời tri ân đến hàng vạn người dân Việt Nam đã ngã xuống hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc. Năm tháng có thể trôi qua nhưng những hy sinh của các anh hùng liệt sĩ sẽ không bao giờ mờ nhạt trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 12 năm 2015

Nguyễn Thị Kim Voanh

Tour 360° Tour 360° 360 Tour