Trong chiến tranh chống Mỹ, chiến khu rừng miền Đông thu hút nhiều bạn bè quốc tế, dù họ đã phải trải qua muôn vàn rào cản, hệ lụy, thậm chí nguy hiểm cả tính mạng. Vậy mà Wilfred Burchett, Madeleine Riffaud, Blagadimitrova… cùng nhiều nhà văn, nhà báo khác đã vượt qua nhiều rào cản đến Việt Nam, cùng chịu bom đạn, có những bài viết ca ngợi phẩm chất Việt Nam, tố cáo chiến tranh xâm lược của Mỹ, dấy lên làn sóng phản chiến tại chính quốc. Nhiều người trên thế giới ao ước được trở thành người Việt Nam sau một đêm thức dậy.
Bà mẹ VMAH Bùi Thị Mè- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Chính phủ CHMNVN không sao quên được hình ảnh “Cô Tám”- tên gọi trìu mến phụ nữ Nam Bộ dành cho nữ nhà văn Madeleine Riffaud. Năm 1965-1966, nhà văn Madeleine Riffaud- người nữ du kích từng chỉ huy một nhóm cộng sản kháng chiến vũ trang chống phát xít Đức, người phụ nữ đầu tiên hạ sát một sĩ quan phát xít Đức giữa lòng Paris đã có mặt ở rừng miền Đông, trong bộ quần áo bà ba đen, khăn rằn, luôn mang theo bên mình chiếc máy đánh chữ. Nghe kẻng báo động, bà cũng cùng mọi người chui xuống hầm tránh bom B52. Trận càn qua rồi, được các bạn Việt Nam giúp đỡ đưa lên miệng hầm, nữ nhà văn Pháp vừa phủi bùn đất bám trên áo quần, vừa hóm hĩnh cười nói: “Không biết mình đã xuống hầm từ lúc nào vậy cà”.
Kiên trì, chịu đựng bom đạn, có mặt ở các điểm nóng bỏng, Madeleine Riffaud đã viết nhiều bài báo thuyết phục bạn bè chính quốc ủng hộ Việt Nam. Tận mắt chứng kiến những tấm gương anh hùng của phụ nữ miền Nam, bà đã viết: “… Quả là ở miền Nam Việt Nam đang tồn tại một đội quân kỳ lạ không súng ống, có mặt ở khắp nơi, thành thị cũng như thôn quê, một đội quân mà các bản tin của các hãng thông tấn hầu như không bao giờ nói đến, song lại đóng một vai trò to lớn trong cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam Việt Nam chống xâm lược, ngay cả trước khi những người du kích đầu tiên cầm lấy vũ khí. Đó chính là “Đội quân tóc dài”, tập họp hàng triệu nữ chiến sĩ”.
Bà Bùi Thị Mè cũng không quên bữa tiệc do vợ chồng bà đích thân nấu món nai rừng, đãi nhà báo Wilfred Burchett trong chiến khu rừng miền Đông. Bà không sao quên được câu nói hình tượng của nữ nhà báo Monica (Ba Lan)- một người bạn nhiều lần đến với Việt Nam trong những năm chiến tranh: “Tôi qua Việt Nam lấy “đạn”. Về nước, bắn hết “đạn”, tôi lại trở qua Việt Nam”. “Đạn” đối với Monica chính là những tư liệu bà thu thập được từ các chuyến đi thực tế, được gặp những con người anh hùng, những nạn nhân chiến tranh, những tấm lòng nhân hậu…
Bà Bùi Thị Mè vẫn không nguôi niềm day dứt về một người bạn gái nước ngoài đã chấp nhận ly dị chồng vì người bạn ấy đã dành trọn trái tim, tình cảm, tinh thần, vật chất cho Việt Nam.
Năm 1974, ra miền Bắc dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc, bà Bùi Thị Mè được phân công đưa đoàn phụ nữ quốc tế gồm Pháp, Đức, Nhật, Ba Lan, Thụy Điển… tham quan các tỉnh miền Bắc bị B52 tàn phá. Đường dài, gập ghềnh, xe dằn xóc, rất khó khăn trong sinh hoạt nhưng những người phụ nữ ấy từ chối cách khoét một lỗ trên chiếc ghế, đặt trên xe, lấy nilông che lại cho các vị khách quốc tế đi vệ sinh. Họ nói: “Các chị như thế nào tôi thế nấy”. Do không quen “đái đường”, một quý nhân bị té, người lấm đầy bùn sình. Vậy mà vừa lấy khăn lau người, vị khách ấy vui vẻ pha trò để mọi người yên tâm. Khi tiễn đoàn ra sân bay, một người bạn Pháp ôm bà Bùi Thị Mè hôn, mắt rưng rưng: “Tôi không hiểu vì sao bạn còn cười được…”. Đó cũng là cách họ chia sẻ nỗi đau mất con của bà…
Sau chiến tranh, bà Bùi Thị Mè vẫn còn giữ liên lạc với những người bạn đã đến chiến khu trong rừng miền Đông năm nào. Tôi vô cùng cảm động khi thấy bà cất giữ trong một góc trang trọng những bức thư của những người bạn nước ngoài đã từng gắn bó, sống chết vì Việt Nam, đặc biệt là những lá thư của nhà văn Madeleine Riffaud. Bà nói: “Nhiều năm nay, “cô Tám” vẫn viết thư đều cho tôi. Qua các phương tiện truyền thông, tôi biết chị ấy sống rất khó khăn, trong cô đơn, bệnh tật. Mắt chị ấy mờ đến nổi nhiều lần té ngã, có lần bị dập cả xương sườn. Di chứng cực hình do bọn cực hữu gây ra khiến bàn tay của chị ấy không cử động được. Vậy mà chị ấy vẫn viết thư thăm tôi, chuyển lời thăm và chúc phúc đến những người bạn như chị Nguyễn Thị Bình, Ngọc Dung, Đỗ Duy Liên… Chị ấy cũng bày tỏ nỗi bức xúc trước những thông tin thổi phồng về mối quan hệ giữa chị và nhà văn Nguyễn Đình Thi. Chị tha thiết tìm lại chiếc nhẫn, vật kỷ niệm gắn bó tình cảm rất đẹp giữa chị và nhà thơ tài hoa của Việt Nam. Mắt yếu, tay đau, chữ chị ấy ngày càng khó đọc, chữ này chồng lên chữ kia. Tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần, cố đoán ra nội dung. Càng sau này, khi nhận thư từ bên Pháp, mở ra xem, thấy chữ của chị ấy càng khó đọc là tim tôi thắt lại. Tôi biết chị ấy đang gặp nhiều khó khăn. Căn biệt thự ở Normandie- nơi những người bạn trong phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam thời tham gia hội nghị Paris thường về nghỉ cuối tuần nay xuống cấp trầm trọng nhưng chị ấy cũng không có tiền để sửa. Mà có sửa cho khang trang thì tôi biết lòng chị cũng không hết cô đơn, bởi nhiều người bạn ở Việt Nam năm xưa nay không còn nữa. Tôi vẫn tự hỏi, ở tuổi ngoài 84, nếu bè bạn đón sang thăm Việt Nam, không biết chị ấy có đủ sức để đi không?!”.
Đó là nỗi lo lắng, băn khoăn của bà Bùi Thị Mè. Nhưng cho dù Việt Nam có một ngày hội của lòng biết ơn, được vinh dự đón tiếp, tri ân những tấm lòng đã từng giúp đỡ Việt Nam trong cơn hoạn nạn của khói lửa chiến tranh thì những đóa hoa hồng dành cho Việt Nam trong lòng bà Madeleine Riffaud vẫn không tàn lụi. Dù mắt mờ, chân run bà vẫn dũng cảm cùng với vài người bạn Pháp và Việt Nam, sau 4 năm đấu tranh, giữ lại ngôi mộ Adrée Viollis- tác giả của quyển sách “SOS Đông Dương”, được xuất bản năm 1932, được bí mật đưa về nhà tù Côn Đảo. Trong đáy lòng, Madeleine Riffaud xem Adrée Viollis như một người thầy mà bà hết lòng quý trọng, yêu mến. Năm 1946, chính Adrée Viollis đã giới thiệu Madeleine Riffaud với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc người sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau. Trong ký ức bà vẫn rực sáng nụ cười đôn hậu của Chủ tịch, khi Người gọi bà: “Cô bé, con gái của tôi”. Bà tự hào nói với những người bạn Việt Nam: “Tôi đã biết Bác Hồ trước khi biết Việt Nam”. Ký ức ấy kết tinh thành những đoá hoa hồng như trong một bài thơ mà Madeleine Riffaud đã viết về một con người vĩ đại của Việt Nam:
“… Người cầm hai đóa hoa hồng
Tựa như những đóa ta trồng vườn hoa
Hỏi thăm tin tức chúng ta
Hiểu dân tộc Pháp hơn là bạn, tôi”.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 02 năm 2014
Trầm Hương