Trong hành trình tìm về chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã đến quận 11 với 33 Mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng từ năm 1994 đến năm 2006. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ địa phương, chúng tôi đến nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Sáng được phong tặng danh hiệu năm 1995.
Trong hành trình tìm về chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã đến quận 11 với 33 Mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng từ năm 1994 đến năm 2006. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ địa phương, chúng tôi đến nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Sáng được phong tặng danh hiệu năm 1995.
Tiếp chúng tôi tại căn nhà số 111/12 Lạc Long Quân, phường 3 là anh Nguyễn Ngọc Trọng, con trai Mẹ. Sau khi thắp nến hương tưởng nhớ Mẹ, chúng tôi được anh Trọng kể về Mẹ với tất cả sự yêu thương trìu mến: “ Sinh ra trong một gia đình nông dân vào năm 1903 tại xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, Mẹ tôi mang đậm đức tính truyền thống của người Nam bộ là coi trọng nhân-nghĩa-trí-dũng-liêm, thương người bao la vô tận, nhưng rất ghét bọn gian tà. Vì vậy, Mẹ tôi tham gia cách mạng từ thời chống Pháp, là cơ sở của Huyện ủy Cần Giuộc trong những năm chống Mỹ. Năm 1961, Mẹ là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam tại huyện Cần Giuộc. Trước sự đánh phá ác liệt của Đế quốc Mỹ trong những năm 1960 – 1974, Mẹ kiên cường bám đất và động viên dân làng quyết không vào ấp chiến lược để trở thành cơ sở nuôi giấu cán bộ ngay trong lòng địch. Cha tôi là ông Nguyễn Văn Cứ – Trưởng ban kinh tài huyện Cần Giuộc trong kháng chiến chống Pháp. Mẹ tôi có 12 người con, trong đó 5 con là liệt sĩ. Anh Nguyễn Ngọc Vĩnh, hy sinh năm 1959. Anh Nguyễn Văn Lâu, Trung đội phó chủ lực miền, hy sinh năm 1963. Anh Nguyễn Văn Ba, cán bộ nông hội xã, hy sinh năm 1965. Anh Nguyễn Ngọc Hoa, A trưởng của Sư đoàn 9, hy sinh năm 1968 và anh Nguyễn Văn Vinh, không rõ năm hy sinh. Cứ tưởng chừng Mẹ tôi không chịu nỗi sự mất mát ấy, nhưng Mẹ tôi đã vượt qua nỗi đau thương với tất cả sức lực của một người mẹ với đức tính đảm đang, chịu thương, chịu khó tiếp tục nuôi anh em chúng tôi khôn lớn và dũng cảm giữ vững cơ sở cho cách mạng. Với ý chí một tấc không đi, một ly không rời, nhiều lần Mẹ bị địch bắt giam, năm lần bị địch dỡ nhà nhưng chúng vẫn không lây chuyển được tấm lòng của Mẹ dành cho cách mạng. Chiếc khăn rằn ô vuông màu đen và trắng, tôi tặng Mẹ trong những năm chống Mỹ.”
Đây là chiếc khăn quen thuộc của người dân Nam bộ, hai màu đen trắng tạo thành ô vuông nhỏ, chiều dài khoảng 1,2m, rộng chừng 40cm, không cầu kỳ, sặc sỡ mà bình dị, đơn giản. Chiếc khăn rằn là vật dụng quen thuộc của người lao động. Không chỉ có nam giới, mà phụ nữ cũng sử dụng loại khăn này. Phụ nữ vắt gọn khăn trên đầu hoặc quàng trên cổ, một đầu thả trước ngực, một đầu thả sau lưng. Đôi khi hai đầu được buông xuôi xuống phía trước, đi với bộ quần áo bà ba làm nên nét đặc trưng như là một biểu tượng cho người phụ nữ Nam bộ. “Chiếc khăn gắn liền với cuộc đời Mẹ tôi suốt những năm tháng chiến đấu và cuộc sống bình dị bên các con. Mẹ tôi mất năm 2001, hưởng thọ 98 tuổi. Nay giao kỷ vật chiếc khăn rằn của Mẹ cho bảo tàng với cả tấm lòng yêu thương”.
Xin cám ơn Mẹ Nguyễn Thị sáng và tất cả Mẹ Việt Nam anh hùng đã sống và chiến đấu cho chúng con cuộc sống an lành ngày nay. Đức độ cao cả và sự giáo dục gia đình của các Mẹ chúng con luôn ghi nhớ và nguyện học tập theo Mẹ.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 11 năm 2013
Trịnh Thị Tuyết Hằng