Mỗi dân tộc có nguồn gốc lịch sử khác nhau, thuộc các ngữ hệ khác nhau, tâm lý dân tộc, quan niệm thẫm mỹ, yếu tố địa lý tự nhiên, sự giao tiếp văn hóa… và trình độ phát triển kinh tế xã hội cũng ít nhiều chênh lệch. Chính những điều đó tạo nên những nét riêng của từng dân tộc. Trang phục là một trong những thành tố văn hóa vật chất rõ nét nhất để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.
Ở miền Nam Việt Nam có khá nhiều dân tộc cùng sinh sống. Ngoài cư dân người Việt còn có người Hoa, Chăm, Kh’mer, Tà Oâi, BaNa, Mnông, Eâđê, Gia-rai, Stiêng… Giữa các dân tộc có sự giao thoa văn hoá với nhau, đặc biệt là trong trang phục truyền thống. Nét đặc sắc hơn cả vẫn là màu sắc và đường nét hoa văn trên từng bộ trang phục các dân tộc theo nhiều sắc độ, liều lượng phù hợp với môi trường sống, tạo nên sự tương phản hài hoà. Mỗi lọai trang phục mang dáng dấp văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú cho văn hóa dân tộc Việt Nam .
Với bộ sưu tập “Trang phục phụ nữ các dân tộc ở miền Nam” gồm 600 hiện vật, Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ mong muốn giới thiệu và bảo tồn những giá trị truyền thống về phong tục Việt Nam, đề cao vai trò của phụ nữ trong sinh hoạt thuộc về văn hoá vật chất, qua đó thẩm định những giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hoá và kỹ thuật trong chế tác trang phục truyền thống của phụ nữ các dân tộc, nhằm giáo dục đến thế hệ trẻ về bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống cần phải được giữ gìn và bảo lưu.