NỮ HỌA SĨ LÊ THỊ KIM BẠCH VÀ DẤU ẤN QUA TRANH SƠN DẦU “CHỐNG BẮT LÍNH” TẠI BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

Họa sĩ Lê Thị Kim Bạch sinh năm 1938 tại huyện Thủ Thừa, TP. Tân An, tỉnh Long An, quê quán: xã Bà điểm, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. Bà theo học tại Trường Trung cấp Mỹ thuật Hà Nội (1956 – 1960) theo và du học 6 năm (1961 – 1967) tại Đại học Mỹ thuật quốc gia Ki-ép, U-crai-na với chuyên khoa sơn dầu. Dù đang học tập ở nước ngoài nhưng bà luôn hướng về quê hương miền Nam với tình cảm yêu nước thiết tha và luôn cập nhập tình hình chiến sự tại miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Bà tham gia tổ chức các hoạt động đi về các nông trang lao động gây quỹ, lấy tiền gửi về ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Khi làm bài tốt nghiệp bà cũng lấy đề tài về cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân miền Nam ca ngợi tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của nhân dân miền Nam. Sau đó, bà trở về tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật trên đất Hà thành. Bà gieo kiến thức cho những thế hệ sau, rồi lăn trải vào những mảng màu cảm thức riêng mình.
Nữ họa sĩ

 Kim Bạch sáng tác bằng nhiều chất liệu, phong phú về đề tài. Bà là một người con miền Nam trên đất Bắc, một nữ họa sĩ tiêu biểu của thế hệ đã gắn bó với số phận người dân trong chiến tranh khốc liệt, thế hệ mà con người gian truân thấm nhuần khát vọng thống nhất đất nước, đoàn tụ gia đình. Những tác phẩm theo người họa sĩ trải qua các chặng đường lịch sử đổi thay của đất nước. Thời kỳ đầu là tranh sơn dầu, chủ yếu về đề tài chiến tranh cách mạng. Thời kỳ sau đổi mới, bà thường vẽ chân dung bạn bè, phong cảnh, tĩnh vật trên lụa và thử nghiệm ở thể loại sơn mài. Một dấu ấn đậm nét của thời gian được tái hiện trong tranh của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch là ký ức về mảnh đất quê hương Nam Bộ với những con người đã gắn bó với cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc.

Bức tranh sơn dầu “Chống bắt lính” của nữ họa sĩ Kim Bạch đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ với nội dung thể hiện đoàn người biểu tình chống bắt lính vào chiều ngày 15/3/1963 ở thị xã Vĩnh Long và xã lân cận với thành phần đấu tranh của ta gồm đại bộ phận là mẹ, vợ, chị em và thân nhân của những thanh niên bị bắt lính trong trang phục áo bà ba, khăn rằn, nón lá, đang đấu tranh với địch để giải thoát cho hơn 2000 thanh niên bị giặc bắt đưa về tập trung tại miếu Quốc công.
Đây là tác phẩm tiêu biểu về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh phong trào “Chống bắt lính” trong cuộc đấu tranh chính trị của phụ nữ miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Nội dung chủ đạo của bức tranh là hình ảnh lực lượng phụ nữ đông đảo với dáng điệu cương quyết, tượng trưng cho chính nghĩa. Thể hiện sự tương phản giữa khí thế của đông đảo quần chúng đã lấn át sự đơn độc của kẻ thù. Thể hiện không khí cách mạng rực lửa, lòng căm thù quân giặc cùng niềm tin chiến thắng của những người biểu tình. Hình ảnh đó như minh chứng về một chặng đường cách mạng đã qua với chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc được khắc họa đậm nét qua nét cọ của họa sĩ Kim Bạch khiến người xem cảm nhận sâu sắc những giá trị đẹp và sâu sắc của người phụ nữ miền Nam. Bức tranh đã đem đến nhiều cảm xúc cho công chúng.

Bức tranh sơn dầu “Chống bắt lính” ở thị xã Vĩnh Long của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch

tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Trong chặng đường phát triển của hội họa Việt Nam, dấu ấn lưu lại của nữ họa sĩ Kim Bạch chiếm vị trí không nhỏ; không chỉ cống hiến tư duy, quan điểm nghệ thuật mới mẻ mà bà còn phá vỡ định kiến về giới trong nghệ thuật… Nhiều tác phẩm của nữ họa sĩ còn diễn đạt được chiều sâu của nội tâm và đặc trưng về con người miền Nam toát lên vẻ đẹp dung dị, nhân hậu nhưng rất kiên cường, bất khuất. Các tác phẩm của bà sử dụng màu sắc, ý tưởng và vai trò của nữ giới để tạo nên vẻ đẹp, sự độc đáo, và góc nhìn đa chiều về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

Họa sĩ Kim Bạch đã nhận được rất nhiều Huân, Huy chương, giải thưởng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, trong đó có Huân chương Lao động hạng nhất (năm 1998), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2001). Bà từng là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam (1994-1999).

 

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8 tháng 10 năm 2024

Huỳnh Thị Kim Loan

Phòng Truyền thông, Giáo dục và Quan hệ Quốc tế

Tài liệu tham khảo

  1. Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ 25 năm (2010), NXB Văn hóa thông tin 2010
  2. Họa sĩ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (tập 2), Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ ChÍ Minh (2022), Nhà xuất bản Tổng hợp
  3. https://toquoc.vn/hoi-hoa-cua-hoa-si-kim-bach-lang-dong-mot-thoi-giong-bao-99213295.htm

Tour 360° Tour 360° 360 Tour