Trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia, tiền có một vị trí quan trọng.Ở Việt Nam, mỗi triều đại phong kiến đều có những đồng tiền khác nhau. Tiền đúc bằng đồng, kẽm, sắt, nhôm phản ánh tình hình tài chính và sức tiêu dùng của xã hội. Tiền giấy phát hành một thời gian ngắn vào thời nhà Hồ (Thông bảo Hội sao 1400 -1407).
Khi Pháp xâm lược Việt Nam, tiền kẽm lùi dần vào quá khứ. Đồng xu, đồng nửa xu bằng thau có lỗ tròn, đồng bạc không lỗ xuất hiện cùng với tiền giấy lưu hành khắp 3 nước Việt, Miên, Lào (tiền Đông Pháp). Năm 1875, Banque de L’Indo-Chine đầu tiên phát hành tiền ở Hải Phòng và Sài Gòn, ngoài tiếng Pháp còn có thêm tiếng Anh chỉ giá trị tờ bạc 1, 5, 20, 100 đồng và dòng chữ “trả tiền vàng cho người cầm giấy bạc”. Trong quá trình xâm lược Đông Dương, tiền giấy Pháp được phát hành đủ loại từ 5xu, 10 xu, 100, 200, 500 đồng. Loại giấy bạc thứ 2 được phát hành thời gian sau đó với tên ngân hàng Banque de L’Indochine (chữ L’Indochine viết liền nhau). Giấy bạc Độc lư, con Công là những tờ giấy bạc lớn được dùng khá lâu dưới thời Pháp. Thế chiến thứ 2 ảnh hưởng đến Đông Dương, loại giấy bạc mang tên cơ quan phát hành “Gouvernement Général de L’Indochine” (Chính phủ Đông Pháp) ra đời.
Nước VNDCCH ra đời ngày 02/091945. Ngày 31/1/1946 chính phủ Hồ Chí Minh ký nghị định phát hành giấy bạc Việt Nam. Khoảng thời gian này, đồng tiền của Pháp vẫn lưu hành khắp 3 nước Việt, Miên, Lào. Có thời kỳ tiền có mệnh giá thấp thiếu, dân chúng phải xé đôi tờ giấy bạc để trao đổi. Với âm mưu tái chiếm Đông Dương, thực dân Pháp thành lập Institut d’Emission des Etats du Cambodge, du Laos et du Viet Nam (Viện phát hành Cao Miên, Lào và Việt Nam) phát hành giấy bạc mới. Riêng tờ giấy bạc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời sau gần một trăm năm bị Pháp đô hộ, nhân dân thường gọi là bạc cụ Hồ.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, việc liên lạc giữa các địa phương với Trung ương gặp nhiều khó khăn. Khoảng thời gian từ 1947 – 1954. mỗi vùng phát hành một loại tiền riêng. Trung bộ phát hành tín phiếu, Nam bộ phát hành tiền Nam bộ, phiếu tiếp tế. Ngành tài chính Nam bộ phải tự đảm bảo các hoạt động quân sự, hành chánh, xã hội. Trong khi đó, giấy bạc Đông Dương ngân hàng do Pháp quản lý vẫn còn lưu hành giao dịch trong nhân dân. Biết được nhược điểm trong quan hệ mậu dịch nhân dân và chính quyền cách mạng còn dùng tiền Đông Dương ngân hàng, thực dân Pháp âm mưu làm đình trệ việc giao dịch đó và thao túng nền kinh tế. Trước tình hình khẩn trương đó, Sở Tài chính Nam bộ kiến nghị với Uỷ ban hành chánh kháng chiến xin Trung ương cho in tờ giấy bạc Việt Nam ở Nam bộ, đồng thời với việc biến tiền địch thành tiền của ta. Theo cách đó, ta dùng con dấu có sẵn của chính quyền cách mạng tỉnh, quận đóng lên tờ giấy bạc Đông Dương mà địch quyết định không lưu hành trong vùng tạm chiếm nữa, để ta lưu hành lại trong vùng tự do theo các ký hiệu riêng. Việt Nam hoá tiền Đông Dương ngân hàng có tác dụng đưa sự mua bán trở lại bình thường. Tiền có đóng dấu của chính quyền kháng chiến không chỉ lưu hành trong vùng tự do mà còn len lỏi vào vùng tạm chiếm, gián tiếp tuyên truyền cho kháng chiến. Tuy nhiên, biện pháp đối phó này chỉ mang tính tạm thời, nên Sở tài chính Nam bộ khẩn trương in tiền Bác Hồ sau khi Trung ương cho phép. Tờ giấy bạc Việt Nam phát hành ở Nam bộ làm bằng phương pháp thủ công có mẫu mã khác giấy bạc Trung ương với chữ ký của Chủ tịch Ủy ban hành chánh kháng chiến, gồm các mệnh giá 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng..
Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ sưu tầm hơn 650 tờ tiền Bác Hồ Nam Bộ và tiền Đông Dương (Pháp) với các con dấu Uỷ ban hành chánh kháng chiến Nam Bộ của 23 tỉnh như Bến Tre, Vĩnh Long, Biên Hòa, Hà Tiên, Mỹ Tho.. . Có tờ bạc chỉ lưu hành trong một khu vực hạn chế của các tỉnh Long Châu Sa ( Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc – địa danh ngày nay không còn trên bản đồ hành chánh VN)
Điều độc đáo nhất của bộ sưu tập này, những con dấu Uỷ ban hành chánh kháng chiến được sưu tầm rất công phu đến tận làng, xã. Chẳng hạn chỉ riêng tỉnh Bến Tre, có những tờ tiền được sắp xếp thống kê đến 50 con dấu Uỷ ban hành chánh kháng chiến quận, thị xã, công an làng, xã hoặc cùng một tờ tiền có đến 3 con dấu Uỷ ban hành chánh kháng chiến của 3 địa phương cùng những khẩu hiệu chống Pháp, ủng hộ Hồ Chí Minh. Điều đó chứng minh cho tấm lòng của nhân dân đối với cách mạng và Bác Hồ, đồng thời còn làm sáng tỏ nhiều vấn đề về một nền tiền tệ độc lập và tự chủ của Việt Nam giai đoạn 1947-1954.