THIÊNG LIÊNG LỜI RU CỦA MẸ

Hát ru là một thể loại đặc biệt trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam, vì hầu như 54 dân tộc trên đất nước ta thì dân tộc nào cũng có lời ru của mình. Từ thuở lọt lòng, tâm hồn của đứa trẻ thấm dần với giọng hát dịu dàng trìu mến của người thân trong gia đình; đặc biệt, là người mẹ, giữa trưa hè oi bức hay giữa đêm dài yên ả. Điệu hát ru hòa cùng tiếng võng kẽo kẹt cứ triền miên ngân nga từ câu này đến câu khác.

Từ những cánh cò lặn lội bờ sông, những chiếc cầu tre lắc lẻo, chiều chiều chim vịt kêu, từ những cây đa, bến nước, con đò, đêm trăng… Kết tụ lại thành những lời ru trìu mến, dịu dàng của những bà mẹ Việt Nam. Những đêm đông lạnh, những trưa hè nóng nung, khi mặt trời còn ngái ngủ trong sương, lúc hoàng hôn đã lên đèn trong thôn xóm, bóng mẹ hiền từ in trên bóng nước, tóc mẹ đen dày dặn, đong đưa theo chiều võng, tiếng  “ví dầu” của mẹ cứ ngân dài, lan tỏa trong không gian, qua các rặng tre, bay qua các cánh đồng lúa chín, để cho con nhỏ ngủ ngon, đắm mình trong giấc mộng. Dù tháng năm cứ theo mùa trôi đi, tiếng hát ru vẫn đọng lại mãi trong tâm hồn của mỗi người, với bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ ấu.

Bàn tay chai sần của mẹ lại vuốt ve mái tóc. Áp vào lòng mẹ nghe câu hát “à ơi…”, mắt nhắm nghiền để thả lòng mình theo từng lời ru nồng ấm của mẹ, để thả hồn vào giấc ngủ. Câu chuyện cổ tích giờ chắc thành vô nghĩa bởi những va vấp của cuộc đời đôi lúc làm ta phải chùn chân. Nhưng mỗi lần mẹ kể chuyện ngày xưa… ta quên mình đã từng khôn lớn. Những bà tiên, ông bụt hiền từ như bước ra từ trong chuyện vẫn lặng lẽ cùng ta qua năm tháng cuộc đời. Và mẹ luôn là bờ vai vững chãi để ta dựa vào.

Thiêng Liêng lời ru của mẹ

Tiếng hát ru là cả một kho tàng không phải là vàng nhưng vô cùng quý báu. Đó là một thứ của cải vô biên mà trên đời này bà mẹ nào cũng có thể có, cần phải có và chẳng mất tiền mua. Đó là tâm huyết, là mồ hôi và cả nước mắt, kiếp kiếp đời đời truyền lại cho nhau, mãi mãi không ngừng. Phải chăng là một thiệt thòi không nhỏ, một mất mát cho bà mẹ nào đó không biết cất lên tiếng hát ru, một cháu bé nào đó chưa hề được nghe tiếng ầu ơ vỗ về của mẹ! Quả là một thiệt thòi lớn. Tất nhiên đây không phải là cơm, là cá nhưng lời ru của mẹ là nguồn văn hóa nuôi dưỡng và hình thành tâm hồn, tính cách con trẻ, lời ru cứ lặp đi, lặp lại trẻ cảm nhận và thấm dần. Vì vậy, hát ru là cái nôi hình thành nên nhân cách con người. Bằng tiếng hát ru, người mẹ đã dạy dỗ con những điều hay lẽ phải, tình thương yêu, lòng tự trọng, ý chí kiên cường và những kinh nghiệm của cuộc sống với ước vọng con trẻ sẽ lớn khôn thành người, mai sau sẽ là những tài năng cống hiến cho Tổ quốc, để mang lại vẻ vang cho gia đình.

Con gái chưa nói đã cười

Chưa đi đã chạy là người vô duyên.

Ngậm cơm mà nói huyên thuyên

Lời nghe không sạch lại thật khó coi

Chung quanh ta không phải cô gái nào cũng thuộc lòng câu hát đó, nếu không có tiếng hát ru của mẹ nhắc nhở khuyên dạy. Chỉ khép kín trong dăm ba câu lục bát ngắn gọn mà chứa đựng bao nhiêu tình cảm, tâm tư. Cứ tìm trong tiếng hát ru, ta có thể nhận diện được chân dung của các bà mẹ Việt Nam, nhưng rõ nhất và đậm đà màu sắc hơn cả là hình ảnh người phụ nữ lam lũ, tần tảo với vô số những lời hát ru:

Con cò lặn lội bờ sông

Mẹ đi tưới nước cho bông có đài 

Trông trời, trông đất, trông mây

Trông cho lúa chín, hột sây nặng nhành. 

Trông cho rau muống mau xanh,

Để mẹ nấu một bát canh đậm đà 

Mát lòng sau buổi rau cà

Cho con mau lớn, việc nhà con lo. 

hoặc:

Ngủ đi con, ngủ ngon lành

Lớn lên nối nghiệp cha anh thuở nào

Ngủ đi con,. Mẹ tự hào

  Có con có cả đồng bào của ta.Thông qua hát ru những người “ngoài cuộc” cũng có cơ hội để thấu hiểu người thân trong gia đình. Điều đó hẳn có tác dụng không nhỏ, mang tính tự vấn với những mối quan hệ vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu, chị dâu em chồng… Những sự bộc bạch tế nhị đó là một nét rất đặc trưng trong môi trường văn hóa ứng xử mang tính gia đình truyền thống của Việt Nam.

Ảnh: Lời ru bên cánh võng, Tư liệu Internet

Hát ru là tiếng hát tâm tình của mẹ ru con ngủ, bà ru cháu, chị ru em. Ở các vùng thôn quê Việt Nam cha mẹ thường phải làm lụng suốt ngày kiếm ăn, con cái của họ và lứa tuổi thanh thiếu niên ở nhà phải trông em và ru em ngủ. Vì thế, có lẽ gọi là hát ru em hoặc hát đưa em. Vùng Tĩnh Gia (Thanh Hóa) còn gọi ru con là hát khúc, Nam bộ gọi hát ru con là hát ầu ơ , ù ơ hay đưa em. Ầu ơ là tiếng nựng, dỗ mô phỏng từ cách tập phát âm của trẻ sơ sinh khi vừa biết hóng chuyện, sau đó được âm nhạc hóa dùng làm câu hát mở đầu, đưa đà cho câu hát ru và được ghép lại bởi các nguyên âm ầu, ơ, ơ. Người Bắc Bộ khi nựng con  có tiếng tắc âu. Tắc âu là tiếng tặc lưỡi gợi sự chú ý của trẻ để hỏi chuyện . Nói chung ầu ơ, tắc âu, à ơ đều có biểu hiện cử chỉ yêu thương đối với trẻ thơ và sau thành những tiếng đưa hơi, đem thêu dệt cho câu hát thêm hay thêm đẹp. Hát ru con, người Mường gọi là: Rằng đều hoặc úi ui, được chia làm hai loại: Rằng đều ban ngày – hát ru ban ngày và Rằng đều ban đêm – hát ru ban đêm. Hát ru ban ngày chủ yếu có làn điệu: Uí ui và U óm…: Người Khơme gọi là bôm-pê-côn, dân tộc Gia Rai gọi là pơ-ngui-ơ-na,…Bất cứ dân tộc nào cũng đều có điệu hát mẹ ru con và không một âm điệu nào giống âm điệu nào do hoàn cảnh lịch sử, địa lý, văn hóa tác động vào tâm lý văn hóa đó mà tạo thành.

Tiếng hát ru gợi nỗi nhớ quê hương, tiếng hát ru mang nỗi lòng của mẹ, tiếng hát ru chuyển tín hiệu của tình yêu, và tiếng hát ru ấy cho ta biết đạo lý làm người. Mẹ đã nuôi dạy ta bằng những lời  hát ru. Ngàn vạn lần những đứa con vẫn luôn thầm biết ơn tiếng “ầu ơ” của mẹ. Lời ru ấy trở thành cội nguồn yêu thương, là ước mơ chắp cho con đôi cánh để bay về tương lai phía trước. Lời ru của mẹ vừa bình dị, đơn sơ nhưng cũng lớn lao và cao đẹp lạ thường, nhờ đó đã đưa con đi cùng đất nước thiêng liêng và cuộc đời rộng lớn. Qua những lời ca ngọt ngào, êm ả từ thuở còn bồng trên tay cho đến lúc lớn lên tiếp xúc nhiều với những lời ca câu hát nhưng chẳng có bài hát nào trên thế giới vượt qua được lời hát ru của mẹ.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 07 năm 2024

Nguyễn Hà Thanh Trúc

                            Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế

Tài liệu tham khảo:

  1. Mẹ hát ru con, Nguyễn Hữu Thu, Nhà xuất bản Phụ Nữ, Tài liệu thư viện Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ.
  2. Những bài hát ru, Lê Giang – Lê Anh Trung, Nhà xuất bản Văn nghệ TP, Hồ Chí Minh, Tài liệu thư viện Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ.
  3. Lời ru của mẹ, Mai Văn TạoNhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, Tài liệu thư viện Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ.
  4. Hát ru Việt Nam, Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Nhà xuất bản Trẻ, Tài liệu thư viện Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ.
Tour 360° Tour 360° 360 Tour