Trong kho tàng văn hoá dân gian, trò chơi dân gian có một vị trí khá quan trọng tạo nên diện mạo văn hoá truyền thống dân tộc, là bản thông điệp giàu sức chuyển tải các giá trị nhân bản, nhân văn, giàu ý nghĩa về tín ngưỡng và văn hóa. Hơn nữa trò chơi cũng lại liên hệ với giáo dục, trẻ em tìm hiểu mà mở mang kiến thức qua trò chơi. Trong lúc chơi các em luyện tập ý chí, luyện tập thân thể, luyện tập sự khéo léo, rèn luyện chí khí, rèn luyện đức tính, trau dồi khả năng. Trò chơi dân gian là một loại hình nghệ thuật được hình thành từ xa xưa và phát triển theo thời gian. Xuất phát từ cuộc sống của người dân lao động “một nắng hai sương”, vốn dĩ chỉ quay quanh làng xã, họ cần có một cách thức, phương tiện giải trí trong cuộc sống thường ngày hay qua các lễ hội nhằm xua tan nỗi vất vả cực nhọc. Các trò chơi dân gian của trẻ em Việt Nam cũng thay đổi theo từng vùng, ngoài những trò chơi chung của dân tộc, còn có những trò chơi riêng của địa phương.
Ảnh nguồn từ Pintest: Trẻ em Việt Nam
Mỗi trò chơi thường kèm câu hát, có câu hát cũng được thay đổi theo từng vùng nhưng rất nhiều câu hát khác được hát chung khắp trong nước và có thể có một đôi tiếng hơi khác. Trò chơi dân gian của trẻ em cũng tùy thuộc vào độ tuổi của các bé. Đối với các em bé dưới bốn tuổi lúc này cần được sự chăm sóc bế ẵm của cha mẹ, của các chị, nhưng không phải vì vậy mà các em không biết chơi đùa, các em có những trò chơi giải trí, nhưng trong khi các em chơi luôn có sự hỗ trợ của người lớn. Thường các trò mà các bà, các mẹ sẽ chơi cùng con như “ Kéo cưa, lừa xẻ”, đây là một trò chơi của em bé đã hơi lớn. Người mẹ hoặc bất kỳ ai trông bé sẽ cùng chơi trò này. Nhưng thông thường là người chị sẽ chơi cùng. Lúc này, chị cầm lấy hai tay em, em và chị cùng ngồi, chị kéo hai tay em đẩy về phía mình rồi đẩy em ra, vừa kéo đẩy vừa hát, và dạy em hát: “Kéo cưa lừa xẻ/ Ông thợ nào khỏe/ Về ăn cơm vua/ Ông thợ nào thua/Về bú tí mẹ”
Trò này bắt chước hai người thợ xẻ gỗ, mỗi người cầm một đầu cưa kéo đi đưa lại, chị kéo em lại rồi đẩy em đi, hai chị em là hai người thợ xẻ, còn bốn cánh tay tượng trưng cho cái cưa. Trò chơi này rất phổ biến trong đời sống của trẻ em Việt Nam tại khắp mọi vùng. Kéo cưa lừa xẻ tập cho các em sự nhịp nhàng, mỗi động tác kéo đi đưa lại ăn khớp với mọi câu trong bài hát, câu hát hòa với điệu kéo cưa lừa xẻ. Đồng thời với sự cử động, trò chơi cũng giúp khí huyết trong người em bé cũng lưu thông đều đặn. Trò chơi này nhắc các em bé nhớ đến nghề thợ xẻ, tạo tinh thần quý nghề tay chân qua hình ảnh người thợ xẻ. Hay trò chơi “Tập tầm vông” với những câu hát quen thuộc như: “Tập tầm vông, tay nào không? tay nào có?. Tập tầm vó, tay nào có? tay nào không?” Độ tuổi của các bé trong giai đoạn này còn nhiều trò chơi rất quen thuộc như: mặt sấp, mặt ngửa, lộn tùng phèo, con chim chích,… những trò chơi dân gian này luôn được các bà, các mẹ lựa chọn để chơi cùng và phù hợp với sự phát triển của bé.
Trẻ em Việt Nam khi lớn lên cũng đều được tiếp xúc với nhiều trò chơi dân gian, từ những trò chơi vận động cho đến những trò chơi tư duy, trí tuệ. Các bé thường tụ tập thành từng nhóm, tự tổ chức và chơi ở nhiều địa điểm khác nhau. Trong các nhóm chơi thường có nhiều lứa tuổi, nhưng không vì thế mà trò chơi bị gián đoạn hay phải thay đổi. Trẻ em thường hòa nhập rất nhanh vào trò chơi, để rồi quên đi ai là lớn, ai là nhỏ. Tuy nhiên, cũng tùy từng lứa tuổi, trẻ sẽ có những sở thích khác nhau để tìm những trò chơi phù hợp. Trẻ nhỏ thường chơi các trò tập làm người lớn như nấu cơm, ẵm bé, bán hàng… với những đồ chơi là bất cứ thứ gì chúng thấy và gán cho nó một tính năng. Trẻ lớn hơn thường chơi những trò vận động, khéo léo và tìm hiểu về thế giới xung quanh như đánh trận giả, trốn tìm, kéo co, đồng dao, ô ăn quan, nhảy dây, thả diều… Trò chơi Trốn tìm được xem là một trò chơi “ quốc dân” hầu hết các bé đều chơi. Đặc biệt là các em bé ở vùng nông thôn với không gian rộng rãi, thoáng mát cùng rủ nhau tập trung tại một nơi có bóng mát sau những giờ tan học, các bé cùng nhau chơi trốn tìm. Một người sẽ đếm từ một đến một trăm và tất cả các bạn còn lại sẽ đi ẩn nấp để khó tìm ra. Trong các vùng quê Việt Nam thường có nhiều trò vui. Trong các trò chơi này có trò chơi kéo co, muốn chơi trò này bắt buộc phải tập hợp nhiều em nhỏ, ít nhất mỗi bên khoảng năm sáu em. Thường các em không có dây để kéo mà phải trực tiếp dùng tay và sức để kéo co. Các em tham dự được chia ra hai bên, mỗi bên sỉ số phải đều nhau. Hai em đứng đầu mỗi bên phải thật khỏe mạnh và cao lớn, các em này được gọi là các em đầu dây. Hai em này nắm lấy tay nhau, tay phải em này nắm cổ tay trái em kia, còn các em ở sau ôm bụng em ở trước để kéo. Bên nào kéo được đối phương về bên mình là thắng. Trò chơi này thường các bạn nam chơi vì cần sức mạnh nhiều hơn. Đây được xem là trò chơi chung của nhiều vùng, thường hay được các em chăn trâu chơi và có thể chơi quanh năm, không có mùa. Trò chơi như một môn thể dục giúp tay chân các em cứng cáp, người thêm nở nang và trò này cũng là một bài học về đoàn kết, chỉ có đoàn kết mới đủ sức mạnh để chiến thắng đối phương.
Ảnh nguồn từ Pintest: Trò chơi kéo co của trẻ em vùng nông thôn
Ô ăn quan là trò chơi dân gian có nhiều lợi ích về trí tuệ và sự tương tác xã hội. Chỉ cần vẽ một hình chữ nhật được chia đôi theo chiều dài và ngăn thành 5 hàng dọc cách khoảng đều nhau, ta có được 10 ô vuông nhỏ. Hai đầu hình chữ nhật được vẽ thành 2 hình vòng cung, đó là 2 ô quan lớn đặc trưng cho mỗi bên, đặt vào đó một viên sỏi lớn có hình thể và màu sắc khác nhau để dễ phân biệt hai bên, mỗi ô vuông được đặt 5 viên sỏi nhỏ, mỗi bên có 5 ô. Hai người hai bên, người thứ nhất đi quan với nắm sỏi trong ô vuông nhỏ (người chơi tùy chọn ô). Các viên sỏi được rải đều từng viên một vào tất cả các ô, khi đến hòn sỏi cuối cùng ta vẫn bắt lấy ô bên cạnh và cứ thế tiếp tục đi quan (bỏ những viên sỏi nhỏ vào từng ô liên tục). Cho đến lúc nào viên sỏi cuối cùng được dừng cách khoảng là một ô trống, như thế là ta chặp ô trống bắt lấy phần sỏi trong ô bên cạnh để nhặt ra ngoài. Vậy là những viên sỏi đó đã thuộc về người chơi, và người đối diện mới được bắt đầu. Đến lượt đối phương đi quan cũng như người đầu tiên, cả hai thay phiên nhau đi quan cho đến khi nào nhặt được phần ô quan lớn và lấy được hết phần của đối phương. Như thế người đối diện đã thua hết quan. Hết quan tàn dân, thu quan kéo về. Hết ván, bày lại như cũ, ai thiếu phải vay của bên kia. Tính thắng thua theo nợ các viên sỏi. Đây là trò chơi giúp rèn luyện tư duy, tính toán và chiến thuật. Ô ăn quan không chỉ mang lại niềm vui giải trí mà còn tạo cơ hội giao lưu, kết nối các em lại với nhau.
Thả diều được xem trò chơi dân gian hấp dẫn với mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em vùng nông thôn Việt Nam. Hình ảnh cánh diều bay lượn trên bầu trời đã trở thành ký ức thân thuộc của tuổi thơ. Trò chơi này không chỉ đơn thuần là một trò chơi giải trí mà còn truyền tải những giá trị văn hóa, tinh thần tương tác xã hội và kỹ năng thủ công. Diều được làm từ các chất liệu khác nhau như giấy, vải, nilon. Chất liệu bằng nilon được sử dụng nhiều nhất bởi có nhiều màu sắc, kiểu dáng và sử dụng lâu dài. Với trẻ em vùng quê, diều làm bằng giấy là lựa chọn thích hợp nhất. Loại diều này đơn giản và dễ làm nhất, chỉ cần sử dụng giấy vở không dùng đến để làm diều. Cánh diều thông thường thường có hình trăng lưỡi liềm. Khung diều làm bằng tre mềm, có độ căng cần thiết. Cánh diều có hình cong, cách làm diều nhìn thì có vẻ dễ nhưng khi bắt tay vào thực hiện đòi hỏi sự khéo léo mới cho ra con diều đẹp và đúng cách. Khi chơi trò chơi thả diều, các em sẽ dựa vào sức gió để đưa diều lên cao bằng sợi dây dài. Chơi trò này các em thường ra những cánh đồng hoặc khoảng không rộng không vướng vật cản là những nơi thả diều tốt nhất. Vào mỗi buổi chiều, những cánh diều bay lên không trung rất đẹp và thơ mộng.
Ảnh nguồn từ Pintest: Trẻ em thả diều
Nhìn chung, quy ước trò chơi dân gian đơn giản nhưng đòi hỏi vận động có mạnh, có nhẹ, tạo hào hứng liên tục gay cấn, sôi động. Khi chơi các trò chơi dân gian, trẻ phải phối hợp nhiều vận động cho tất cả các giác quan và nhờ đó mà trí tuệ phát triển. Những trẻ chơi một cách hăng hái, hoạt động nổi bật trong khi chơi thường là những người thông minh, tháo vát và biết tổ chức cuộc sống. Ngoài những trò chơi vừa kể trên, trẻ em Việt Nam xưa được tham gia rất nhiều trò chơi từ trong nhà, ngoài ngõ, tại trường học hay trong các lễ hội tại đình, làng. Tuổi thơ của các em lúc nào cũng gắn liền với những tiếng cười, tiếng hát hay tiếng mẹ gọi cơm chiều.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 4 năm 2024
Nguyễn Hà Thanh Trúc
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế
Tài liệu tham khảo:
- Nếp Cũ – Trẻ em chơi, Toàn Ánh, Nhà Xuất bản trẻ, Tài liệu thư viện Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ.
- Trò chơi dân gian và truyền thống, Trung tâm văn hoá TP HCM (năm 2007), Chủ nhiệm đề tài Nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh. Tài liệu thư viện Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ.
- Gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa trò chơi dân gian trong đời sống đương đại, Lê Thị Thúy Hằng, Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị.