Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023) và 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2023), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giới thiệu đến quý bạn đọc về tấm gương nữ Anh hùng Huỳnh Thị Chấu.
Anh hùng LLVTND, liệt sĩ Huỳnh Thị Chấu, sinh năm 1939, lớn lên trên quê hương Tân Hòa, Tân Uyên (ngày nay là Thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) trong một “gia tộc anh hùng”. Tên gọi này không cường điệu chút nào, bởi chỉ cần nhắc đến tên những người con ưu tú trong gia tộc này, mọi người không hề ngạc nhiên vì những chiến công của họ đã gắn liền với hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Cha của bà Huỳnh Thị Chấu là liệt sĩ Huỳnh Văn Huýnh. Thế hệ anh em ruột với cha bà gồm có: em gái là bà Huỳnh Thị Bẹ và em trai là ông Năm Đệ đều tham gia kháng chiến và các anh em chú bác với ông Huýnh gồm liệt sĩ Huỳnh Văn Lũy (có con trai là đồng chí Huỳnh Văn Nhị, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) và Anh hùng LLVTND Huỳnh Văn Nghệ – những chiến công của người anh hùng này được đạo diễn Lê Cung Bắc dựng thành bộ phim truyện nhiều tập “Vó ngựa trời Nam”, rất thu hút người xem.
Mẹ bà Chấu là bà Tôn Thị Châu, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì có chồng và 2 con là liệt sĩ: Anh hùng LLVTND Huỳnh Thị Chấu và liệt sĩ Huỳnh Văn Láng. Bà Chấu còn một người em trai là Ông Huỳnh Văn Sáng, hiện là cựu chiến binh, là người chăm sóc phần mộ cho gia tộc và cho các liệt sĩ vô danh nằm yên nghỉ trong nghĩa trang gia tộc của gia đình. Với một gia đình có thế hệ cha, chú đều tham gia cách mạng, Huỳnh Thị Chấu là một tấm gương nữ Anh hùng góp phần làm rạng danh cho “gia tộc anh hùng” này.
Chân dung liệt sĩ, AH LLVTND Huỳnh Thị Chấu
Từ những năm 1950, khi cả nhà đều tham gia kháng chiến, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, với lòng yêu nước nồng nàn, bà đã xông xáo “lên đàng”. Tuy tuổi còn trẻ, nhưng Sáu Chấu đã thể hiện là một nữ chiến sĩ gan dạ, bản lĩnh kiên cường, không ngại hy sinh; từ chỗ ngày đêm dò la nắm tình hình địch, rải truyền đơn, vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến… Cho đến năm 1959, bà chính thức thoát ly gia đình và trực tiếp cầm súng xung phong ra tuyến đầu đánh giặc, làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng cơ sở trong điều kiện địch khủng bố, kìm kẹp rất gắt gao; có khi phải nằm hầm bí mật hàng tháng trời, phải chịu đói, chịu khát. Trong điều kiện nghiệt ngã ấy, bà không thối chí, nản lòng. Bà xác định là phải bám dân, hòa nhập trong dân, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng ngay trong những vùng trắng của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội ém quân, đánh sâu vào vùng hậu cứ địch.
Giữa năm 1967, bà Huỳnh Thị Chấu chuyển sang công tác trong lực lượng vũ trang, vừa trực tiếp chiến đấu vừa xây dựng cơ sở quần chúng, vừa xây dựng lực lượng dân quân du kích của huyện Tân Uyên với phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi” ở Tân Uyên (một huyện nằm kề ngay chiến khu Đ lịch sử), đạt hiệu quả cao. Trong chiến đấu trực diện với kẻ thù, Huỳnh Thị Chấu rất dũng cảm, mưu trí chỉ huy linh hoạt. Có nhiều trận đánh do Huỳnh Thị Chấu chỉ huy, đạt hiệu suất chiến đấu cao như trận tập kích vào đồn Cây Sao của địch, tiêu diệt 40 lính Mỹ, phá hủy 5 xe tăng. Người phụ nữ này sống gương mẫu về mọi mặt, luôn được đồng bào, đồng đội tin yêu, mến phục. Ngày 20 tháng 10 năm 1969, trong một trận chiến đấu quyết liệt, bà đã anh dũng hy sinh.
Bà Huỳnh Thị Chấu được Nhà nước trao tặng: Huân chương chiến công Giải phóng Hạng nhất, Huân chương chiến công giải phóng Hạng ba và danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ ”. Ngày 6 tháng 11 năm 1978, bà được chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trường mầm non Huỳnh Thị Chấu (Tp. Tân Uyên – Bình Dương)
Để nghi nhớ và tri ân những cống hiến, sự hy sinh của Anh hùng LLVTND Huỳnh Thị Chấu, nhân dân và chính quyền Thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã đặt tên hai ngôi trường mần non và tiểu học mang tên Huỳnh Thị Chấu để nhắc nhở thế hệ sau về truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Bình Dương; phấn đấu học tập, làm việc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 12 năm 2023
Võ Cư
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế
Tài liệu tham khảo:
- Bộ tư lệnh Quân khu 7 (1996), Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Quân khu 7, Nxb Quân đội nhân dân.
- Kiến Giang (2012), Nỗi lòng người lính già, baobinhduong.vn