CÔ BA ĐỊNH – NGƯỜI CON GÁI QUÊ HƯƠNG ĐỒNG KHỞI

Ai đã có lần về Bến Tre – quê hương xứ dừa, đã có lần nghe câu hát ngọt ngào :

“ Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió

                            Có phải người còn đó

                                      Là con gái của Bến Tre

                                      Con gái của Bến Tre

                                      Năm xưa đi trong đạn lửa

                                      Đi như nước lũ tràn về

     Ơi những con người làm nên Đồng Khởi …..”

         Câu hát như gợi nhớ đến hình ảnh của nữ chiến sĩ rừng dừa năm xưa – Cô Ba Định – cách gọi gần gũi thân mật của mọi người dành cho Bà – Nữ tướng Nguyễn
Thị Định. Người con gái miệt vườn Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre ấy đã đi vào cuộc chiến đầy khí phách và kiêu hùng.

         Bà sinh năm 1920 trong một gia đình nông dân nghèo. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, hai năm sau (1938) bà được kết nạp vào Đảng làm liên lạc, vận động quần chúng vào các “Hội cấy”, “Hội cuốc”, rải truyền đơn, tuyên truyền cách mạng.

         Năm 1940, quê hương Bà bị dìm trong khủng bố trắng, ông Ba Bích – chồng bà – bị giặt bắt, đày đi Côn Đảo 5 năm và vĩnh viễn nằm lại nghĩa trang Hàng Dương. Chẳng lâu sau, Bà cũng bị bọn chúng bắt giam tại nhà tù Bà Rá (thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay). Xa đứa con thơ mới 7 tháng tuổi, gởi lại cho Bà ngoại nuôi và phải chịu đựng mọi nhục hình tra tấn dã man của giặc, Bà vẫn một mực kiên trung bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở Cách mạng. Năm 1943, Bà đau tim nặng trong tù và do không có bằng chứng buộc tội, địch phải trả tự do cho Bà.

         Năm 1945, Bà tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Bến Tre. Tháng 4/1946, Bà cùng đoàn đại biểu Nam bộ ra Bắc gặp Trung Ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ báo cáo tình hình Nam Bộ sau Hiệp định sơ bộ ngày 06/03/1945. Bà còn vinh dự được đến chúc thọ Bác vào ngày 19/5, sau này Bà thường nhắc: “Cả đời cô đối mặt với những trận càn quét, truy lùng, những đòn tra tấn của quân địch mà không bao giờ khóc, nhưng khi gặp Bác lại không cầm được nước mắt”. Bà là một trong những người đầu tiên vượt ngàn trùng hiểm nguy và mọi sự kiểm soát gắt gao của địch, cùng anh em cảm tử mở đường Hồ Chí Minh trên biển đưa vũ khí, đạn dược tiếp viện cho phong trào đấu tranh ở Nam bộ, dấy lên ngọn lửa Đồng Khởi – Bến Tre.

         Năm 1960, Bà là một thành viên trong tỉnh ủy Bến Tre chỉ đạo phong trào Đồng Khởi giành thắng lợi lớn. Quê hương Lương Hòa của Bà vinh dự mang tên làng Moncada, điểm khởi nghĩa đầu tiên của đất nước Cu Ba anh em. Sau đó, Bà được giao trọng trách Bí thư tỉnh ủy và là ủy viên đoàn chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Hình ảnh “Cô Ba” với áo bà ba, khăn rằn, nón lá, chiếc túi nhỏ đeo vai đã trở thành niềm tin của quân, dân miền Nam và chị em hoạt động cách mạng cả nước.

         Năm 1965, Bà được cử làm Phó Tổng tư lệnh lực lượng võ trang giải phóng miền Nam Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ giải phóng miền Nam Việt Nam, cùng Bộ chỉ huy quân sự chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích ba mũi giáp công: chính trị, võ trang, binh vận. Hình tượng “đội quân tóc dài” – trong đó có “Cô Ba Định” đã trở thành đề tài vô tận cho những bài thơ, ca – ca ngợi vẻ đẹp duyên dáng của người con gái xứ dừa cũng như lòng kiên trung bất khuất của người phụ nữ Việt Nam.

         Trong dịp lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Bác Hồ đã ngợi khen: “ Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn  Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

         Năm 1974, Bà Nguyễn Thị Định được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam – Người nữ tướng uy nghi mà đôn hậu, oai phong mà đằm thắm chân tình, là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam.

         Sau ngày thống nhât đất nước (1975), Bà là Ủy viên Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thương binh Xã hội. Từ Tháng 6/1980 đến năm 1992, Bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam (1982-1992), Chủ tịch Hội Hữu nghị đoàn kết Việt Nam – Cu Ba, Phó Chủ tịch Liên đoàn phụ nữ dân chủ thế giới, Ủy viên đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.

         Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VII (tháng 5/1992) đã nhất trí bầu Bà Nguyễn Thị Định làm Chủ tịch danh dự Ban chấp hành Trung Ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

         Những năm tháng vào sinh ra tử, kháng chiến gian nan, Bà được tặng thưởng nhiều Huân chương và Huy chương:

         –  Huân chương Chiến công hạng nhất.

         –  Huân chương Quân công hạng nhất.

         –  Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng nhất.

         –  Huân chương “Vì Củng cố hòa bình giữa các dân tộc”.

         –  Được tặng giải thưởng “Hòa bình Quốc tế Lê Nin”.

         –  Được Đảng và Chính phủ Cu Ba trao tặng Huân Chương HiRon và nhiều Huân chương khác.

         –  Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bà được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

         Về đời tư, Bà bị mất mát nhiều do chiến tranh, con trai duy nhất của Bà sau ngày tập kết ra Bắc, bệnh nặng và qua đời, hai mươi bốn người trong gia đình, họ hàng của Bà đã lần lượt hy sinh.

         Nụ cười trong sáng nhân hậu cùng vẻ bình dị, dịu dàng ở Bà như tỏa ra sức mạnh đầy thuyết phục, lôi cuốn đối với bạn bè trong và ngoài nước.

         Ngày 26/8/1992, sau một cơn bệnh tim đột ngột, Bà Nguyễn Thị Định đã ra đi vĩnh viễn lúc 22g50’, thọ 72 tuổi. Bà đã được Đảng và nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng võ trang nhân dân ngày 30/8/1995.

                                                                                 Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23/3/2011

Tour 360° Tour 360° 360 Tour