Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại. Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là quá trình số hóa và nâng cao mức độ ứng dụng công nghệ thông tin mà là việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi cách thức vận hành, là việc tư duy lại cách thức tổ chức, sử dụng dữ liệu và quy trình.
Không nằm ngoài xu hướng đó, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng nỗ lực thay đổi để bắt nhịp với xu hướng hiện đại trong trưng bày và giới thiệu trưng bày, từ đó thu hút nhiều hơn khách tham quan tìm đến trải nghiệm, nghiên cứu, làm giàu vốn tri thức, để Bảo tàng có thể thực hiện tốt nhiệm chính trị được giao.
Được thành lập vào năm 1985, sau 38 năm hình thành và phát triển Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hiện nay đã vươn mình mạnh mẽ, thực hiện tốt chức năng tham mưu đối với Sở Văn hóa và Thể thao, chức năng nghiên cứu và giáo dục truyền thống phụ nữ thông qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm; kiểm kê, bảo quản; trưng bày và tổ chức những hoạt động phù hợp, giáo dục công chúng, giới thiệu những tư liệu hiện vật có liên quan tới vai trò của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ miền Nam nói riêng trong tiến trình lịch sử Việt Nam nhằm phát huy giá trị các di sản lịch sử – văn hóa dân tộc.
Vào măm 2016, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chọn là đơn vị thí điểm xây dựng hệ thống bảo tàng tương tác thông minh dựa trên kết quả nghiên cứu công nghệ thông tin đã đạt các giải thưởng về sáng tạo tin học của nhóm sinh viên Trường Đại học khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh. Đến cuối năm 2018, dự án “Ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong trưng bày bảo tàng tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ” (giai đoạn 1) nhận được quyết định phê duyệt và đi vào triển khai xây dựng. Qua thời gian thi công, chỉnh lý trưng bày và thực hiện ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại trong trưng bày, ngày 09 tháng 10 năm 2020 nhân dịp lễ kỷ niệm 35 năm thành lập (1985 – 2020), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã khánh thành Phòng trưng bày ứng dụng công nghệ với chuyên đề “Phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”.
Bằng việc ứng dụng công nghệ Smart Museum 3D/360 vào trưng bày Bảo tàng, triển khai giải pháp ứng dụng tham quan thực tế ảo tương tác thông minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã trở thành bảo tàng số đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh. Các hiện vật sau khi được số hóa sẽ chuyển thành mô hình 3D, đưa dữ liệu vào các Hologram để hiện vật lung linh, sắc nét. Việc kết hợp hình ảnh 360 cho phép người xem đo đạc kích thước bất kỳ trên hình ảnh 360 độ đó, xem rõ hình ảnh hiện vật sắc nét với màu sắc chân thực có thể cảm nhận được từng vết xước thời gian, khách tham quan còn có thể tương tác trực tiếp trên phần mềm như xoay, phóng to, thu nhỏ hiện vật… điều mà khó có thể trải nghiệm khi quan sát hiện vật thực tế. Muốn xem hiện vật chân thực và lung linh thì công chúng phải trực tiếp đến xem hiện vật qua các Halogram.
Ngoài ra, với phần mềm ứng dụng công nghệ Smart Museum 3D/3600 tạo điều kiện cho công chúng có thể xem phòng trưng bày của bảo tàng tại nhà qua trang web smartmuseum3d.baotangphunu.com giúp người dùng dễ dàng tiếp cận các thông tin cần thiết, các bài thuyết minh giống như đang tham quan thực tế giúp cho bảo tàng trở nên hấp dẫn và có sức lôi cuốn tới khách tham quan.
(quét mã QR để tham quan Bảo tàng tương tác thông minh)
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng dự án bảo tàng tương tác thông minh 3D/360 – “Smart Museum 3D/360” mà Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hướng đến chính là làm cho những chuyến đi của khách tham quan trở nên thoải mái và dễ dàng trong tìm kiếm, tương tác, sử dụng các tiện ích, mang lại những trải nghiệm trọn vẹn, đồng thời tạo điều kiện cho những khách tham quan, những người có nhu cầu học tập, nghiên cứu về hiện vật lịch sử nhưng gặp khó khăn về khoảng cách địa lý, hạn chế về thời gian đều có thể tiếp cận và học tập.
Không chỉ trong trưng bày, chuyển đổi số tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ còn được thực hiện trong công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật như sử dụng phần mềm quản lý hiện vật của Cục Di sản Văn hoá, thống kê hiện vật, tổng hợp ảnh, video góp phần chuẩn hoá dữ liệu, lưu giữ hiện vật một cách khoa học, cung cấp vào hệ thống dữ liệu hiện vật của Cục Di sản Văn hoá, tạo ra một không gian dữ liệu chung cho ngành Di sản Văn hoá Việt Nam, phục vụ công tác quản lý nhà nước; thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý viên chức, vận hành hoạt động của Bảo tàng…
Việc áp dụng chuyển đổi số vào trưng bày, lưu giữ, kiểm kê bảo quản hiện vật đã phát huy hiệu quả rất tích cực, là sự kết nối giữa truyền thống – hiện đại. Những câu chuyện kể hiện vật, các bài học lịch sử thông qua các trang thiết bị, công cụ công nghệ trở nên sinh động hơn phù hợp với xu thế phát triển hiện tại và thu hút được nhiều hơn khách tham quan, đặc biệt là tạo sự hứng thú cho các bạn trẻ khi tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Tuy vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, trong việc triển khai ứng dụng công nghệ số mà bảo tàng phải đối mặt nhưng trong thời gian tới Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sẽ khắc phục khó khăn tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào lưu giữ, trưng bày hiện vật, nâng cao năng lực trình độ của đội ngũ viên chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 7 năm 2023 |
Hoàng Thị Hồng Ngọc Phòng Hành chính – Tổng hợp, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ |