QUÁCH THỊ TRANG – NỮ SINH SÀI GÒN NĂM XƯA

Những ngày cuối của năm Tân Mão đang dần qua, trong không khí se lạnh giá buốt, Sài Gòn chợt thức giấc khoác vội chiếc áo mới rực rỡ sắc màu lung linh. Dạo một vòng trung tâm Thành phố dừng chân trước chợ Bến Thành – Bùng binh Quách Thị Trang – người xe tấp nập rộn ràng… Du khách bỗng thấy nao lòng trước tượng chân dung một liệt nữ của đất Sài Thành vào những năm 60.

                Ký ức của những năm xưa lại ùa về trong tâm thức của du khách, nơi đây đã từng diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của lớp thanh niên, học sinh, sinh viên ở Sài Gòn.

            Vào khoảng 9 giờ sáng ngày 25 tháng 8 năm 1963, một nữ sinh trong số hơn 5.000 sinh viên, học sinh đang biểu tình trước công viên Diên Hồng ở trước cổng chính chợ Bến Thành (Sài Gòn). Cuộc biểu tình này do Ủy ban chỉ đạo học sinh liên trường lãnh đạo, nhằm chống lại quy định “thiết quân luật” của trào Ngô bạo ngược. Nhưng khi cuộc biểu tình vừa mới phát khởi một nhóm sinh viên, học sinh, đang dăng một biểu ngữ trước nhà hàng Hòa Bình thì bị lực lượng cảnh sát chiến đấu và mật vụ của đám Diệm – Nhu ngăn chặn, đàn áp, đánh đập bằng bá súng và ma trắc. Vẫn không đàn áp được làn sóng biểu tình tràn lên mạnh mẽ, một phó trưởng bót Lê Văn Kem đã rút súng bắn đại vào đoàn biểu tình để ngăn chặn làn sóng dữ dội ấy. Viên đạn ác nghiệt ấy đã trúng vào cô nữ sinh Quách Thị Trang – vừa tròn 15 tuổi – cô ngã gục xuống đường và sau đó đã tắt thở.

            Bức tượng này, chính là người nữ sinh năm xưa – Quách Thị Trang. Chị sinh ngày 04/01/1948, tại làng Cổ Khúc, huyện Tiên Hưng, Tỉnh Thái Bình, là con của ông Quách Văn Bội và bà Hà Thị Vân, là con thứ tư trong một gia đình có sáu người con. Năm 1954, trong cuộc di cư vào Nam, sáu anh chị em vào ở vùng Chí Hòa – Sài Gòn, riêng cha chị bị kẹt ở lại và khoảng 3 tháng sau thì được tin ông qua đời. Gặp cảnh nhà khó khăn, nhưng người mẹ đảm đang thu xếp, các anh chị em chị đều được tiếp tục học hành, chị là nữ sinh của trường Nguyễn Khuyến, đồng thời sinh hoạt trong gia đình phật tử Minh tâm, pháp danh là Diệu Nghiêm.

            Năm 1963, chị tích cực tham gia các phong trào đấu tranh chống chế độ và chế độ chính sách tôn giáo của nhà cầm quyền lúc bấy giờ. Cái chết của chị Quách Thị Trang gây thêm nhiều uất hận cho quần chúng nhất là giới phật tử, nhờ đó cao trào chống Ngô ngày càng mãnh liệt… và chỉ gần 3 tháng sau, ngày 01/11/1963 thì trào Ngô sụp đổ hoàn toàn. Ngay sau cuộc đảo chính năm 1963, tại Nam – Việt Nam lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, người dân Sài Gòn bắt đầu gọi nơi đây là “Bùng binh Quách Thị Trang” để tôn vinh chị thay cho tên gọi chính thức là “Công viên Diên Hồng”

Đầu tháng 8 năm 1964, để tưởng nhớ Quách Thị Trang, hội sinh viên học sinh, do sinh viên Vũ Quang Hùng là trưởng ban, đã tổ chức quyên góp để tạc tượng chị, tượng được dựng ngay ở gần nơi chị mất, tức ngay tại bùng binh, kề bên tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn, trước cửa chính chợ Bến Thành, Sài Gòn.

Năm 1965, Thượng tọa Thích Mã Giác đã cho đặt một tấm biển đồng ghi “Liệt nữ Quách Thị Trang” tại bệ tượng. Năm 1966, phần mộ của chị đã được gia đình và một số phật tử cải táng đưa về chùa phổ Quang cho đến nay.

Sau 1975, chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam công nhận Quách Thị Trang là liệt sĩ và nơi chị đã hy sinh cũng được chính thức mang tên Quảng trường Quách Thị trang.

            Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, đã ghi tên người nữ sinh can trường “Sanh vì đạo, tử vì đạo”. Thời ấy, nhiều nhà thơ cảm kích cái chết cao cả, sự hy sinh của chị đã có nhiều bài viết tưởng niệm trên báo chí.

            Tưởng nhớ đến Chị – lớp trẻ thanh niên, sinh viên, học sinh Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay, phát huy truyền thống yêu nước, ra sức xây dựng Thành phố và đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

                                                  Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 01 năm 2012

                                                          Phòng Tuyên truyền – Thuyết minh

Tour 360° Tour 360° 360 Tour