NỮ BINH VẬN LÊ THỊ CẦU

Chúng tôi đến thăm người nữ cán bộ binh vận Lê Thị Cầu vào một ngày mùa hè, trong không khí cả nước chuẩn bị kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ. Đón tiếp chúng tôi là một người phụ nữ nhỏ nhắn, da ngăm đen, mái tóc tuy đã bạc gần hết nhưng dáng đi vẫn nhanh nhẹn và hoạt bát. Bà nguyên là cán bộ binh vận, giao liên cho đội công tác nội tuyến, Ban binh vận Trung Ương Cục miền Nam. Bà sinh ngày 20/02/1923, quê bà ở ấp Tăng Phú I, xã Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong quá trình hòa hoãn, chuẩn bị cho việc ký hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 giữa chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính phủ Pháp, các lực lượng Việt Minh rút lên trên đặt cơ sở cho việc thi hành hiệp định. Nhưng với ý đồ thâm độc muốn xâm chiếm nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã tăng cường thêm lực lượng, ra sức khủng bố các cơ sở của ta. Tại Tăng Nhơn Phú, vào tháng 4/1946, bọn Pháp đã đưa tên ác ôn Bimoslet (Ách Râu) về bót Dây Thép chỉ huy đại đội lính lê dương để khống chế ta. Trước tình hình mới, huyện bộ Việt Minh phân công đồng chí Mai Ngọc Khuê và Đào Việt Đức xuống Tăng Nhơn Phú xây dựng và củng cố các cơ sở cách mạng.

Ngay tại Bót Dây Thép, tên ác ôn Bimoslet (Ách Râu) và tên thông ngôn Lợi đã ra sức chỉ huy, tổ chức cho quân Pháp càn quét các thôn xóm, cướp bóc của cải của dân chúng. Chúng đã bắt bớ rất nhiều người dân vô tội và đem giết. Độc ác hơn, bọn chúng đã thay nhau hãm hiếp bất kỳ chị em phụ nữ nào mà bọn chúng bắt gặp trên đường. Bà Lê Thị Thu – người chị gái thứ 5 của bà Lê Thị Cầu – cũng không thoát khỏi nanh vuốt của một tên sói lang người Pháp. Lúc đó, Bà Lê Thị Cầu đi chợ Thủ Đức, khi về đến Chợ Nhỏ, nghe tin chị mình bị hãm hiếp, bà đã một mình vác đòn gánh đánh tên Tây gian ác và dâm đãng đó, bị đánh bất ngờ tên Tây hoảng hốt bỏ chạy thoát thân.

Tăng Nhơn Phú lúc đó là một điểm nóng, là nơi tranh chấp quyết liệt, do đó thực dân Pháp đưa hàng ngàn quân thường trực chiến đấu và tạo ra một mạng lưới chân rết nổi – chìm đủ loại, như bọn thám báo, biệt động, bọn chỉ điểm. Bộ máy chiến đấu của chúng luôn được củng cố, tăng cường hòng khống chế hoạt động của ta.

Dù bị quân Pháp khủng bố, đàn áp và kìm kẹp gắt gao, nhân dân và lực lượng cách mạng vẫn không nguôi tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”: các điểm đình, chùa, nhà cửa tương đối to, kiên cố đã được nhân dân cùng lực lượng du kích tổ chức đến tháo dỡ, san bằng. Hằng đêm, từng đoàn dân công đi phá đường, cầu cống, đắp ụ đất trên đường giao thông để cản trở bước tiến của quân Pháp. Biết được ý đồ, bọn Pháp luôn tổ chức truy lùng, bắt cán bộ và những người yêu nước bất kể ngày đêm. Chúng tra tấn, đánh đập, giam xuống hầm tối. Mỗi  ngày, chúng đem cán bộ cách mạng đem chặt đầu rồi đổ xác xuống cầu Bến Nọc. Để cản trở tinh thần chiến đấu của nhân dân ta, chúng chủ trương: một sĩ quan Pháp bị giết- chúng giết 20 người dân; một lính Pháp bị giết thì 10 người dân phải đền mạng; một tấm ván trên cầu Bến Nọc bị phá thì sẽ có 3 người dân vô tội bị giết… và những qui định khát máu như: đào đường, chặt cây, chặt dây điện đều phải trả bằng sinh mạng của người dân và chiến sĩ cách mạng.

Năm 1947, bà Lê Thị Cầu là một trong số hàng trăm người bị bọn Pháp bắt đem ra bồn nước ở bót Dây Thép chờ xử bắn vì đã tham gia đào đường, chặt cây, chặt dây điện. Biết trước sau gì mình cũng chết nên nhờ biết một chút tiếng Pháp bà đã dùng tiếng Pháp chửi tên ác ôn “Tỉnh trưởng là một con heo”. Ngỡ bà là người quen nên chúng bắt bà đi làm cỏ mấy ngày và sau đó thả bà ra. Chứng kiến những điều tàn ác mà bọn giặc đã gây ra cho đồng bào, lòng căm thù giặc của bà ngày càng sâu sắc.

Từ năm 1948 đến năm 1952, vì nhà ở gần bót Dây Thép, nên bà được đồng chí Hai Quang, lúc bấy giờ là xã đội trưởng dân quân du kích của Ủy ban kháng chiến xã Tăng Nhơn Phú, giao nhiệm vụ theo dõi tình hình đi và về của giặc. Nhờ đó mà xã đội kết hợp với huyện đội huyện Thủ Đức đã tổ chức đánh bót Dây Thép nhiều lần, thu được nhiều súng đạn đáng kể. Mỗi lần quân ta đánh xong rút đi, bà lại đứng ra vận động chị em trong ấp góp ít giòng khoai, gánh qua lò vôi cũ (Gò Cây Vĩnh) đổ đống ở đó để chiều tối anh em du kích về mang qua sông Đò Lớn (Khu C) nấu cơm độn với khoai ăn để có sức mà diệt giặc.

Năm 1953, do bị lộ, giặc theo dõi lùng bắt, bà cùng chồng và hai con phải chuyển lên Sài Gòn tạm lánh. Lên Sài Gòn, bà đi bán cá ở chợ Bà Chiểu để sinh sống.

Hiệp định Geneve được ký kết. Ngay sau đó, Mỹ nhảy vào miền Nam dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Trong những năm đầu 1954 đến 1955, nhiệm vụ của miền Nam được xác định là vừa đẩy mạnh đấu tranh đòi địch thi hành hiệp định Geneve, vừa chuẩn bị đối phó khả năng xấu nhất. Các cấp bộ Đảng tập trung trước hết vào công tác vận động quần chúng ở khắp nông thôn, thành thị, vùng tôn giáo và dân tộc. Dựa vào phong trào quần chúng và gia đình binh sĩ, cán bộ, đảng viên tuyên truyền vận động nắm nhiều mối quan hệ binh lính, sĩ quan, cảnh sát, viên chức ngụy quyền, tạo điều kiện thuận lợi ăn – ở, đi – lại để hoạt động.

Giữa lúc phong trào đấu tranh của quần chúng khắp nơi vùng lên, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ra luật 10/59, lê máy chém đi khắp nơi để tố cộng, diệt cộng những người kháng chiến cũ. Lực lượng cách mạng bị tổn thất lớn, trong đó có hệ thống tổ chức binh vận. Trong hoàn cảnh cực kỳ căng thẳng, Đảng chủ trương đưa những người tham gia hoạt động trở về cuộc sống bình thường để tiếp tục tìm mọi cách bám dân, vận động tề lính, duy trì khối đoàn kết quần chúng.

Từ năm 1956 đến năm 1958, bà tham gia công tác xây dựng cơ sở, tuyên truyền vận động các gia đình binh sĩ, nuôi cán bộ binh vận, bảo vệ thế hợp pháp cho cán bộ binh vận hoạt động nội thành, chuyển tài liệu, đưa đón cán bộ. Năm 1957, để lấy được tin tức ở bót Bến Cát, hàng ngày bà phải giả đò bán cá ế hoặc bán vịt quay ế để đem cá, vịt đến bót bán cho địch với giá rẻ nhằm thu thập tin tức, cung cấp cho cán bộ cách mạng.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất, bà là cơ sở giao liên của Ban binh vận Trung ương cục miền Nam, chuyển thư và tài liệu. Để chuẩn bị cho các trận đánh lớn, khi được giao nhiệm vụ gì, bà đều hoàn thành tốt. Mỗi ngày đi lấy cá bán, bà đều đem theo thuốc men, nhu yếu phẩm và các thứ cần thiết khác đến giao cho các đơn vị đóng quân tại chiến khu Rừng Lá thuộc khu vực giữa Long Khánh – Bình Tuy và bộ đội cánh quân Củ Chi. Ngoài ra, bà còn đưa đón bộ đội ém quân tại nhà chuẩn bị cho các trận đánh lớn, đặc biệt là trận đánh đêm giao thừa tết Mậu Thân năm 1968.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, người phụ nữ ấy vẫn tiếp tục nghề bán cá của mình để có thể nuôi các con ăn học. Đến năm 1976, bà tiếp tục động viên các con tham gia nghĩa vụ quân sự với suy nghĩ: “Nước mất thì nhà tan, giặc vào thì không còn gì cả, kể cả học hành của con cái, nếu có học thì cũng chỉ học để đi làm nô lệ mà thôi”…Và cứ thế các con bà: Nguyễn Công Chính, Nguyễn Thị Nở, Nguyễn Kim Hồng, Nguyễn Công Phước – lần lượt tự nguyện tham gia quân đội.

Từ năm 1993 đến năm 2010, dù tuổi cao bà vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động phong trào trong Hội Cựu chiến binh Việt Nam ở phường 7, quận Bình Thạnh.

Với những chiến công đó, bà Lê Thị Cầu đã được Đảng và Nhà nước trao tặng:

–         Huân chương Quyết thắng hạng 3.

–         Huân chương Kháng chiến hạng 3.

–         Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng.

–         Giấy chứng nhận người có công với cách mạng.

–      Kỷ niệm chương của Ban binh vận Trung Ương Cục miền Nam.

Bà hiện đang cư ngụ tại số 23/98 Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Dù đã 89 tuổi nhưng bà vẫn phải nuôi bốn người con bệnh tật (một người bị u não, 3 người bị bệnh tâm thần) do di chứng của chất độc màu da cam. Cho dù cuộc sống đời thường còn nhiều khó khăn và vất vả, bà Lê Thị Cầu vẫn luôn sống lạc quan với niềm tin tưởng tuyệt đối. Bởi, không gì có thể quật ngã được tinh thần, ý chí sống và chiến đấu của người nữ binh vận kiên trung năm xưa.

               Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 8 năm 2012

                                                   Thanh Tú

                          (viết theo lời kể của bà Lê Thị Cầu)

Tour 360° Tour 360° 360 Tour