NGÀY QUỐC TẾ BẢO TÀNG NĂM 2023, VỚI THÔNG ĐIỆP “BẢO TÀNG, TÍNH BỀN VỮNG VÀ AN SINH”

          Từ thế kỷ thứ III Trước Công Nguyên, vua Ptoleme đã cho xây dựng một bảo tàng mang tên Alexangdri, lưu giữ các hiện vật, bản chép bút tay, bút tích quý bằng giấy. Nhiều nhà bác học nổi tiếng thời ấy đã sống, làm việc, gặp gỡ và trao đổi khoa học tại đây nên bảo tàng được coi như một cơ quan nghiên cứu khoa học lớn mang tính chất một Hàn lâm viên.

          Thời kỳ Phục Hưng là thời kỳ hồi sinh mạnh mẽ về văn hóa và khoa học của châu Âu. Đến cuối thế kỷ XVII, các bảo tàng ở Châu Âu đã phát triển khá phong phú. Các sưu tập hiện vật ngày càng được xem trọng, được sử dụng để giáo dục, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về lịch sử, thẩm mỹ của công chúng. Đến thế kỷ XVIII, các bảo tàng trên thế giới đã phát triển mạnh về số lượng và loại hình. Bảo tàng đã trở thành một yếu tố quan trọng cho sự phát triển văn hóa, đồng thời cũng là một trong những cơ quan nghiên cứu khoa học làm nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật phục vụ nhu cầu xã hội.

          Những khuynh hướng tiến bộ trong hoạt động của bảo tàng ở thế kỷ XVIII – XIX tiếp tục được phát triển ở thế kỷ XX. Từ cuối thế kỷ XIX – XX được xem là thời đại “bùng nổ” của bảo tàng với sự tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng, phong phú các loại hình.  Theo số liệu của ICOM, trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trên thế giới mới chỉ có khoảng 7.000 bảo tàng, thì đến cuối những năm 50 của thế kỷ XX đã có khoảng 13.000 bảo tàng và đến hiện nay đã có khoảng 65.000 bảo tàng.

          Riêng ở Việt Nam, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, người Pháp đã xây dựng một số bảo tàng. Ở miền Bắc, có Bảo tàng Louis – Finot xây dựng năm 1926, khánh thành năm 1932 (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam). Ở miền Nam, có bảo tàng Khải Định thành lập năm 1923 (Nay là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế), Bảo tàng Blanchard de la Brosse thành lập năm 1929 (nay là Bảo tàng Lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh).

          Cho đến nay, Việt Nam đã có một mạng lưới bảo tàng bao gồm trên 140 đơn vị các loại, trong đó có bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng thuộc các tỉnh, thành phố, bảo tàng Lực lượng vũ trang, bảo tàng tư nhân. Bên cạnh đó đã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý của ngành từ Trung ương đến đại phương với hai chức năng cơ bản là thống nhất quản lý nhà nước và chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ, xây dựng phong trào quần chúng tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

          Năm 1946, Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (International Council of Museums – ICOM) được thành lập, đây là tổ chức phi chính phủ của những người làm công tác bảo tàng trên toàn thế giới. Trụ sở của ICOM được đặt tại Thủ đô Paris (Pháp), ngôn ngữ chính thức được sử dụng trong các cuộc họp của ICOM là tiếng Anh, tiếp Pháp và Tây Ban Nha.

          Mục tiêu của ICOM là thúc đẩy sự phát triển khoa học bảo tàng và những vấn đề liên quan đến công tác quản lý và hoạt động bảo tàng; tạo điều kiện cho các bảo tàng và những người làm công tác bảo tàng trên thế giới trao đổi và hợp tác nghề nghiệp; phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tàng; đào tạo cán bộ, bảo tồn di sản văn hóa và đấu tranh chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa… ICOM cũng là cơ quan tư vấn của UNESCO và giúp đỡ thực hiện các chương trình về bảo tàng của tổ chức.

          Hiện nay, ICOM có trên 30.000 thành viên là tổ chức và cá nhân tại 137 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 117 ủy ban quốc gia và 31 ủy ban quốc tế, liên minh với 7 tổ chức khu vực và liên kết với 17 tổ chức quốc tế. Việt Nam gia nhập ICOM từ năm 2002 và đã thành lập “Hội đồng Bảo tàng Việt Nam”. Đây là bước tiến mới của hệ thống bảo tàng Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống bảo tàng Việt Nam hòa nhập với bảo tàng thế giới, để học tập, nâng cao hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động bảo tàng với các nước.

          Theo sáng kiến của Liên Xô tại Hội nghị toàn thể ICOM lần thứ 12 họp vào tháng 5/1977, ICOM đã quyết định lấy ngày 18/5 hàng năm là “Ngày Quốc tế Bảo tàng” (International Museum Day). Ngày Quốc tế Bảo tàng hàng năm được tổ chức vào ngày 18 tháng 5, cũng có thể trong một ngày hoặc một tuần với phương châm: Bảo tàng là một phương tiện quan trọng của giao lưu văn hóa, làm giàu nền văn hóa và phát triển hợp tác lẫn nhau, hiểu biết và hòa bình giữa các dân tộc, nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của bảo tàng trong sự phát triển của xã hội.

          Trong Nghị quyết ICOM “Về tính bền vững và thực hiện Chương trình nghị sự 2030, Chuyển đổi thế giới của chúng ta” (Kyoto, 2019), tất cả các bảo tàng đều có vai trò định hình, tạo ra tương lai bền vững và bảo tàng có thể thực hiện điều này thông qua các chương trình giáo dục, trưng bày, tiếp cận cộng đồng và nghiên cứu. Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2023 là dịp để tái khẳng định bảo tàng có sức mạnh để biến đổi thế giới xung quanh chúng ta.

          Thiết thực kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2023 với chủ đề “Bảo tàng, Tính bền vững và An sinh” (Museums, Sustainability and Welleing), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức triển lãm Bộ ảnh “Tác động của biến đổi khí hậu và hành động của chúng ta” với những bức ảnh đã đạt giải thưởng trong cuộc thi do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức năm 2021 nhằm giới thiệu đến công chúng thực trạng biến đổi khí hậu và hoạt động ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Những hình ảnh thể hiện về sự chung sức, hành động của con người trong thực tiễn ứng phó biến đổi khí hậu ở nước ta.

          Ngoài ra, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ còn thực hiện trưng bày chuyên đề “Tiếng nói của Đất, nhằm giới thiệu đến công chúng nghề làm gốm truyền thống – một trong những ngành nghề thủ công lâu đời ở Nam Bộ gắn liền với tên tuổi của một số địa phương như gốm Lái Thiêu – Bình Dương, gốm Bàu Trúc – Ninh Thuận, gốm Khmer Tri Tôn – An Giang với mong muốn làm sống lại các chặng đường phát triển của các làng nghề gốm Nam Bộ đồng thời tôn vinh những người phụ nữ với óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, đã gửi gắm tâm huyết tình cảm của mình nhằm đem đến cho đời những sản phẩm gốm độc đáo đáp ứng được nhu cầu vật chất lẫn tinh thần cho công chúng.

          Bên cạnh các hoạt động trưng bày, triển lãm Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ còn chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, chương trình giao lưu nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về những đóng góp của Phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến.

          Có thể thấy, bảo tàng nói chung và bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nói riêng là một trong những thiết chế văn hóa đóng góp quan trọng cho sự thịnh vượng và sự phát triển bền vững của cộng đồng. Bảo tàng là một trong các tổ chức văn hóa đáng tin cậy và cũng là nơi chia sẻ  các chủ đề quan trọng của xã hội, gia tăng giá trị của kiến trúc và thúc đẩy sự thay đổi tích cực của xã hội. Có nhiều cách mà các bảo tàng có thể đóng góp để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, từ hỗ trợ hành động vì khí hậu và thúc đẩy tính toàn diện, đến giải quyết tình trạng cô lập xã hội và cải thiển sức khỏe tinh thần.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 5 năm 2023
Nguyễn Thị Kim Voanh
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

Tour 360° Tour 360° 360 Tour